Mái ấm gia đình: Mẹ chồng và nàng dâu, người dưng rồi sẽ thành người thân

IMG_3216.jpg

Xây dựng tình thương với mẹ chồng thế nào? Credit: Coaching Anna Ngoc Le

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Quan hệ mẹ chồng và nàng dâu xưa nay bị chi phối bởi nhiều quan niệm và định kiến bất lợi cho cả hai. Nhiều người giữ khư khư cách nghĩ của bản thân, dù những quan niệm đó làm họ bất hạnh. Mong cầu thay đổi người khác là bắt đầu cho đau khổ. Thay đổi bản thân là bắt đầu cho hạnh phúc...


Coach Anna Ngọc Lê từ Melbourne và Bích Ngọc SBS sẽ cùng thảo luận về một mối quan hệ vốn bị định kiến là mẹ chồng - nàng dâu.

Mối quan hệ này phong phú, phức tạp, thú vị đến mức tốn không ít giấy mực và luôn là đề tài hấp dẫn cho các nhà làm phim, tác giả sách. Nếu ai có được mối quan hệ tốt, thì mọi người hay ca ngợi ‘cổ tích mẹ chồng - nàng dâu’ giữa đời thực.

Theo Coach Anna Ngọc Lê, tại sao mối quan hệ này thường gập ghềnh trắc trở như vậy?  

Anna biết nhiều chuyện “cổ tích” mẹ chồng nàng dâu lắm. Thường những người hạnh phúc ít khi chia sẻ, nên làm cho mình tưởng là hiếm có. Chúng ta thường nghe kể chuyện không vui, nên cảm giác chuyện cổ tích mẹ chồng nàng dâu là không tồn tại.

Ba má của Anna có hai nàng dâu. Cả hai em dâu nhà Anna đều xinh đẹp, dễ thương và quan hệ rất hòa thuận với nhà mình. 

Anna có một người bạn mà mình ngưỡng mộ vì sự ân cần chu đáo với mọi người của bác. Bác có 3 con trai và 1 con gái, 3 cô con dâu và 1 chàng rể. Nhà bác là đại gia đình đa văn hóa gốc Úc, Anh, Việt, Phần Lan, Đức. 

Anna mến bác một phần cũng là nhờ nghe con dâu của bác khen. Con trai bác rất là vui tính. Mỗi lần Anna hỏi thăm ba mẹ của ảnh, ảnh nói: hỏi vợ tui đi, mấy người đó thường gặp nhau hơn.

Trong lúc trò chuyện, Anna hỏi bí quyết gì mà bác với cô thân thiết như vậy. Cô con dâu cười lớn nói: “Tại vì mẹ chồng chăm giữ hai con của tui mà”, rồi cô nhìn mẹ chồng, ánh mắt thân thương vô cùng. Anna thường thấy cảnh hai người khoác vai nhau hay ôm ngang lưng nhau. Hôm đó cổ nói với mẹ chồng trước mặt Anna: “Hai đứa con của con ở với mẹ là nhất, con yên tâm nhất”. 

Trong 4 dâu rể, có một cô không muốn mời ai trong nhà chồng về nhà của cô. Từ lúc con trai lấy vợ có con, gia đình bác phải chờ cô ấy cho phép mới được gặp. Thường thì cô ấy viện lý do công việc, hay bận đi du lịch, để không gặp ai bên nhà chồng và không cho các con gặp luôn. Cô chỉ cho phép ba mẹ ruột được ở lại. 

Khó hiểu thật, không biết cô ấy nghĩ gì mà chọn lựa như vậy? Các con cần ông bà và người thân bên nội chứ? 

Anna hỏi: 'Bác cân bằng tinh thần kiểu sao khi nghĩ về gia đình của con trai này?' Bác nói: 'Bác buồn 5 – 6 năm con ạ, vì thương con trai và các cháu nội. Nhưng cũng may có các con, các cháu khác khuyên bác buông đi, chấp nhận cô ấy là như vậy'. 

Vậy là tỷ lệ 3 tốt : 1 chưa tốt. Nhưng có thể là mình nghe chuyện của cô chưa tốt nhiều hơn nghe về 3 người kia.

Trong nhiều gia đình chúng ta đông anh chị em, đa số hòa thuận, chỉ có một hai cá nhân gây trắc trở là làm loạn cả nhà rồi. Ai cũng tập trung lo nói qua nói lại chuyện trắc trở, ít ai để ý đến các cặp đôi êm ấm. Họ cứ âm thầm êm ấm, chả nói gì.
 
Đọc những câu chuyện hay bức thư mà các nàng con dâu chia sẻ về mẹ chồng, có vài vấn đề nổi bật mà con dâu hay phàn nàn, than phiền về mẹ chồng: 
  • Kiểm soát cuộc sống cá nhân của mình và chồng quá nhiều.
  • Xung đột về cách nuôi dạy con cháu, bà không quan tâm đến cháu, lười nhác, không dạy dỗ, làm hư cháu.
  • Ghen tị về cách mẹ chồng đối xử với chồng mình và anh chị em bên nhà chồng, về tình cảm lẫn tài chính.
  • Làm dâu và bị mẹ chồng chửi mắng, lạnh lùng, không thương mến và không coi mình như con cái trong nhà. 
  • So sánh mẹ ruột và mẹ chồng.
  • Không thích một tính cách nào đó của mẹ chồng.
Anna quan sát thấy những người có quan hệ tốt đẹp thường có những quan niệm rất đặc biệt, ví dụ như:
 - Con dâu là con của mình.  
- Con người là vốn quý.
- Nhà có thêm người là có thêm phước báu.  
- Trân trọng sự hiện diện của mọi người trong cuộc đời mình. 
Quan hệ mẹ chồng và nàng dâu xưa nay bị chi phối bởi nhiều quan niệm và định kiến bất lợi cho cả hai. Nhiều người giữ khư khư cách nghĩ của bản thân, dù những quan niệm đó làm họ bất hạnh. Họ có muốn thay đổi quan niệm để hạnh phúc hơn?
Khi cưới nhau, chính hai vợ chồng còn không rõ bản thân muốn gì trong mối quan hệ hôn nhân của mình. Cưới nhau, cảm xúc yêu thương cháy bỏng nguội đi, đòi hỏi và hiển nhiên xuất hiện, mối quan hệ này có thể xuống cấp từ yêu thương quý mến thành người xa lạ, không còn trò chuyện với nhau, oán trách nhau. 

So sánh với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ta thấy ngay từ đầu gặp nhau, khởi đầu với nhiều quan niệm bất lợi đã khiến đôi bên lo lắng, sợ sệt, phòng vệ. Hai người chưa quen, vừa gặp nhau đã có tâm xét nét, thì làm sao kỳ vọng sẽ tốt đẹp được?

Hai người phụ nữ cùng muốn chiếm vị trí độc tôn trong trái tim một chàng trai thì mâu thuẫn chắc chắn xảy ra. 
Khi hai người phụ nữ có niềm tin quá trái ngược nhau về mọi việc, không biết cách truyền thông cho nhau hiểu, mâu thuẩn chắc chắn xảy ra.
Hai người phụ nữ xa lạ, được một anh chàng đặt thế phải quen nhau. Đôi bên có thể muốn quen nhau, nhưng cũng có thể không muốn có mối quan hệ này. 

Nếu cả hai cùng muốn gắn kết, dần dần trở nên gắn kết. Nếu đôi bên không muốn có mối quan hệ này ngay từ đầu, làm sao đòi phải yêu thương nhau mà không có nỗ lực từ hai phía?

Theo chị, trên con đường mà mọi người nghĩ vốn trắc trở đó để xây dựng tình thương với mẹ chồng hay ngược lại, với con dâu, hai bên cần điều gì? 

Trong các mối quan hệ, không riêng gì quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, chúng ta thường mong người khác nghe theo mình và thỏa mãn nhu cầu của mình. Nhưng chính ta chưa hiểu ta muốn gì, làm sao người khác biết mà đáp ứng cho đúng được? 

Mỗi người ít nhất phải thấu hiểu bản thân, truyền thông hai chiều, để người khác còn đơn giản, vui vẻ, nhẹ nhàng mà tin tưởng vào dụng ý tốt của mình dành cho họ. 

Chúng ta ai cũng có những nhu cầu được đủ đầy vật chất, được an toàn tin tưởng, được yêu thương tôn trọng, được thể hiện bản thân, được cống hiến gánh vác, được là phiên bản tốt nhất và tự do nhất của chính mình… 

Khi ta mưu cầu người khác đáp ứng nhu cầu của mình, đòi hỏi lại tăng vô hạn, thì trước sau gì cũng xảy ra oán trách. Bản thân ta có thể nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của người khác mà không cần nói chuyện với nhau không? Nếu được thì quả là siêu phàm. 
Nội tâm chúng ta rất lạ, luôn cho rằng mình đúng. Mình nghĩ vậy, nói và làm vậy là đúng, chỉ có mình đúng. Khi có vấn đề là tại ai khác. Ta phi thường quá, ai cũng là người có lỗi trong sự đau khổ của mình?
 “Mong cầu thay đổi người khác là bắt đầu cho đau khổ. Thay đổi bản thân là bắt đầu cho hạnh phúc”. 

Khi gặp khó khăn, thay vì tập trung thay đổi bản thân để cho tình huống dần cải thiện, đa số chọn tìm kiếm đồng minh và tìm cách thay đổi đối phương. 

Người ta không ưa mình, nên mình muốn đổi họ thành người tự nguyện yêu thươnng và tôn trọng mình, trong khi mình không ưa người ta. Có thể làm được không? Chắc chắn là không! 

Có phải đơn giản để tự tìm hiểu chính mình, tự làm mình hạnh phúc hơn là mong cầu từ người khác? 

Dĩ nhiên, thật sự quá tuyệt vời nếu cả hai muốn mối quan hệ tốt đẹp. Người muốn làm được sẽ tìm cách chủ động, mới mong cải thiện mối quan hệ, hoặc ít nhất không làm cho mối quan hệ này tệ hơn. 

Chủ động cho đi sự thoải mái vui vẻ sẽ nhận được sự quý mến. Ai chủ động cho sự an toàn sẽ được đối phương tin tưởng. Ai chủ động tin tưởng đối phương toàn diện, sẽ gặt hái được tình cảm thân thiết. 

Khi mình vui vẻ và hạnh phúc, người khác sẽ thích ở gần và muốn làm mình hạnh phúc hơn.
IMG_5671.jpg
Cũng phải nhìn nhận thực tế, có những câu chuyện mà người trong cuộc đã nỗ lực để xây dựng mối quan hệ, hoặc hàn gắn những rạn nứt, nhưng phía bên kia chưa sẵn sàng, hoặc không tiến về phía mình, thì phải làm sao?

Một trong những đại thuận trong cuộc đời của con người là tất cả các mối quan hệ trong ngoài đều tốt đẹp. 

Nhưng… biết bao mẹ chồng và nàng dâu chỉ nghĩ về nhau thôi, là nụ cười đã tắt. 

Có lần Anna đã chia sẻ về nguyên lý ánh sáng. Trắc trở trong mối quan hệ này, cũng xem như là bóng tối của cuộc sống mình. Tâm trí mình thường thấy cái xấu của người khác, như là căn phòng đầy bóng tối. kéo theo nhiều vấn nạn trong gia đình.

Dù phòng có tối cỡ nào, khi quyết định bật đèn lên cho sáng, dễ làm hơn và nhẹ nhàng hơn, được không ạ? 

Cách thắp sáng căn phòng đơn giản nhất chính là bắt đầu tìm điểm tốt nhỏ nhỏ của người kia. 

Tuy nhiên, khi một người quen sống trong tối, tức là hay thấy khuyết điểm của người kia, khi nhìn thấy người kia vui cười hay diện đẹp quá, mình cũng không ưa. 

Như Anna chia sẻ ở trên, chúng ta thường quý mến người mang lại cho mình sự vui vẻ, tin tưởng người mang lại cho mình cảm giác an toàn, thân thiết với người cho mình tin tưởng toàn diện về mọi mặt. 

Mình có thể chủ động mang ánh sáng vui vẻ, an toàn và tin tưởng toàn diện cho người kia không? 

Nếu chưa làm được, ta có thể chọn mang ánh sáng đó cho chính mình trước. Ta có thể tự ghi nhận và khen tặng chân thành cho chính mình. 
Ghi nhận khen ngợi chính mình rồi ghi nhận khen ngợi giữa mẹ chồng và nàng dâu giúp cải thiện sức khỏe xã hội và tinh thần trong gia đình.
Không ai thích ở gần người hay nói xấu người khác, vì biết đâu, mình chính là người tiếp theo bị nói xấu. Có ai mà có thể yêu mến người gặp nhau thì cằn nhằn, đi xa thì kể xấu? 

Tuy nhiên, việc ghi nhận, khen ngợi, thể hiện biết ơn nhau là việc rất ít ai làm.   

Việc mẹ chồng nàng dâu nói xấu nhau được xem là việc bình thường, khiến cho không ai dám khen mẹ chồng mình với người khác.  

Nhiều nghiên cứu khoa học tại Mỹ kết luận rằng mối quan hệ có ảnh hưởng với các nguy cơ gây bệnh từ bệnh béo phì, viêm nhiễm, huyết áp cao đến các bệnh nguy hiểm như là: bệnh tim, đột quỵ và ung thư. 

Các công trình nghiên cứu cũng khằng định “Các mối quan hệ tốt giống như liều thuốc giảm căng thẳng”. Tổ chức y tế thế giới định nghĩa về sức khỏe, bao gồm trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội. Rất nhiều nghiên cứu cùng kết luận con người có mối quan hệ gia đình tốt sống thọ và sống khỏe hơn 

Chọn ghi nhận và khen ngợi thường xuyên khi vắng mặt người ấy, khen trước mặt nếu được. Đây chính là chìa khóa vàng mở cửa mọi trái tim. 

Nếu chưa làm được điều này với mẹ chồng, nàng dâu có thể chọn kể tốt về chồng con của mình cho mẹ chồng nghe. Khi khen lâu ngày, sự chuyển biến bên trong, ta sẽ rất vui và tự hào. Sau đó ghi nhận và khen ngợi điểm tốt của mẹ chồng sẽ đơn giản hơn. 

Nếu không thể làm tốt hơn, ta có thể chọn ngưng làm xấu thêm. Ta hoàn toàn có thể chọn buông mong đợi thay đổi người, như bác bạn của Anna. Bác chọn thay đổi mình và tập trung tận hưởng niềm vui với gia đình con dâu mà bác rất yêu quý.

Tuy nhiên, biết đâu có lúc nào đó, bác sẽ chọn tìm điều tốt để khen con dâu đó, cho đến khi cô ấy cảm giác yên tâm. Ai biết được, cô ấy lớn lên với trải nghiệm không tốt đẹp với nhà nội của chính cô ra sao? Biết đâu cô làm vậy là tìm cách bảo vệ các con của cô? 

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời.

Share