Liên Âu thể hiện sự đoàn kết khi đồng loạt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

27 December 2020, Berlin: Gertrud Haase (C), 101-year-old, receives a shot of the Pfizer-BioNTech COVID-19 vaccine at the Agaplesion Bethanien Sophienhaus nursing home where the corona vaccinations start in Germany today. Photo: Kay Nietfeld/dpa Pool/dpa

Bà Gertrud Haase, 101 tuổi, là người đầu tiên ở Berlin tiêm vắc-xin COVID-19. Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Liên Âu đã đồng loạt khai triển chương trình tiêm vắc xin COVID-19 với hi vọng đại dịch sớm kết thúc. Việc tiêm phòng đại trà ở tất cả 27 quốc gia Liên Âu bắt đầu từ Chủ nhật (27/12), nhưng Đức, Hungary và Slovakia đã tiến hành tiêm trước đó một ngày.


Các xe tải chở đầy vắc-xin Pfizer-BioNTech đang vận hành trên khắp nước Đức và Liên Âu, khi tất cả các quốc gia thành viên bắt đầu tiêm chủng ngừa coronavirus.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói rằng đó là một thông điệp vui mừng:

“Đó là một thông điệp Giáng sinh vui vẻ. Những chiếc xe tải đang trên đường vận chuyển vắc xin đến tất cả các nước thành viên Liên Âu. Vắc xin này là chìa khóa để kết thúc đại dịch và lấy lại cuộc sống của chúng ta.”

Cơ quan quản lý dược phẩm Âu châu (EMA) đã chuẩn thuận sử dụng vắc-xin hôm 21/12, và những chuyến hàng đầu tiên đã đến các bệnh viện trên khắp Liên Âu vào cuối Ngày Giáng sinh.

Việc tiêm phòng đại trà ở tất cả 27 quốc gia Liên Âu được bắt đầu từ Chủ nhật 27/12, nhưng Đức, Hungary và Slovakia đã tiêm trước một ngày.

Liên Âu hiện có khoảng 450 triệu dân. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết việc tiêm phòng đại trà là một bước quan trọng để chấm dứt đại dịch:

“Việc tiêm phòng sẽ giúp chúng ta dần dần trở lại cuộc sống bình thường. Sau khi đủ số người đã được tiêm vắc-xin, chúng ta có thể bắt đầu đi du lịch gặp lại bạn bè và gia đình, và có những kỳ nghỉ bình thường mà mọi người đều mong đợi. Nhưng từ bây giờ cho đến lúc đó, chúng ta hãy cùng nhau giữ an toàn."

Bà von der Leyen nói rằng việc phối hợp triển khai vắc xin sản xuất tại Bỉ là một dấu hiệu của sự thống nhất ở Âu châu.
“Vắc xin đã được phân phối đồng thời cho tất cả các nước Liên Âu. Những ngày tiêm chủng này là lúc thể hiện sự đoàn kết và thành công của Âu Châu."
Đã có ít nhất 16 triệu ca nhiễm và hơn 330.000 người tử vong ở Liên Âu kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Một số nước châu Âu không phải là thành viên Liên Âu, chẳng hạn như Serbia, đặt mục tiêu tiêm nhiều loại vắc xin như một phần trong chiến dịch của họ.

Quan chức Bộ Y tế Serbia Mirsad Djerlek đã công bố lô vắc xin ban đầu gần 5.000 liều Pfizer-BioNTech.

“Điều quan trọng nhất là Serbia đã có vắc-xin, sẽ có thêm nhiều người được chủng ngừa trong tuần tới, đây là một thành công lớn đối với quốc gia chúng tôi."

Serbia cũng có kế hoạch bổ sung vắc-xin Sputnik V của Nga và vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc để phân phối cho tất cả 7 triệu dân.

Trong khi đó, các bệnh viện ở Pháp đang chuẩn bị phân phối 19.500 liều vắc-xin Pfizer-BioNTech.

Franck Huet, giám đốc dược khoa của các bệnh viện ở Paris, cho biết một thách thức lớn là thời gian chuyển vắc xin từ điều kiện “siêu đông lạnh” đến các hiệu thuốc và cơ sở y tế địa phương.

“Tủ đông siêu lạnh của chúng tôi có thể giữ vắc-xin ở nhiệt độ -80 độ C trong 6 tháng cho đến khi hết hạn sử dụng. Nhưng việc phân phối diễn ra trong điều kiện nhiệt độ lạnh từ 2 đến 8 độ C, và sẽ làm giảm thời hạn sử dụng vắc-xin xuống còn 5 ngày. Vì vậy, tất cả các đơn đặt hàng mà chúng tôi chuẩn bị sẽ mất một khoảng thời gian để đến nơi nhận, và thời hạn sử dụng vắc-xin sẽ là trong 5 ngày tiếp theo.” 

Các cơ quan y tế Pháp hy vọng sẽ tiêm phòng được cho 27 triệu người trong số 67 triệu dân vào mùa hè năm tới.

Tại Ý, nơi có số người tử vong vì COVID nhiều nhất Âu châu, hơn 71.000 người, một y tá tại Bệnh viện Spallanzani, cơ sở chính điều trị các bệnh truyền nhiễm, sẽ là người đầu tiên được tiêm vắc xin.

Thống đốc vùng Lazio, ông Nicola Zingaretti, nói rằng đó là sự khởi đầu của tiến trình kết thúc đại dịch:

“Vẫn còn chặng đường dài phía trước, nhưng đây là khởi đầu của tiến trình kết thúc."

 Bên ngoài Âu châu, các chương trình tiêm chủng COVID-19 đang được tiến hành ở một số nước như Hoa Kỳ, Canada, Singapore và Ả Rập Xê Út.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share