Làm thế nào để đăng ký bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang 2022?

Wapiga kura wapiga foleni, nje ya kituo chakupigia kura.

Wapiga kura wapiga foleni, nje ya kituo chakupigia kura. Source: AEC

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra trước cuối tháng 5, và sau đây là những bước mà một công dân Úc lần đầu tiên đi bỏ phiếu cần làm. Có rất nhiều tài nguyên và nguồn thông tin sẵn có giúp bạn có thể cất tiếng nói của mình để định hình một nước Úc.


Cuộc bầu cử liên bang là cơ hội để quý vị nói lên tiếng nói của mình bằng cách bỏ phiếu bầu ra chính phủ Úc. Việc này xảy ra khoảng ba năm một lần.

Mặc dù việc bỏ phiếu là bắt buộc đối với hầu hết người Úc, nhưng trước tiên bạn phải kiểm tra tính đủ điều kiện của mình.

Evan Ekin-Smyth là Người phát ngôn của Ủy ban Bầu cử Úc, hay còn gọi là AEC, giải thích

“Bất kỳ ai là công dân Úc và trên 18 tuổi đều đủ điều kiện đăng ký và bỏ phiếu, nhưng trước khi muốn bỏ phiếu thì bạn phải đăng ký. Vì vậy, khi cuộc bầu cử được công bố, sẽ có thời hạn cho bạn đăng ký và phải đăng ký tại đúng địa chỉ của mình.”

Bạn thường có một tuần sau khi ngày bầu cử được công bố để bảo đảm có tên trong danh sách cử tri.

“Bạn không cần phải đợi thông báo bầu cử. Bạn có thể làm điều đó ngay bây giờ. Bạn chỉ cần truy cập aec.gov.au để lấy biểu mẫu Và bạn thậm chí có thể làm điều đó trên điện thoại.”

Biểu mẫu sẽ yêu cầu một số giấy tờ tùy thân, chẳng hạn như hộ chiếu Úc, bằng lái xe hoặc giấy chứng nhận quốc tịch. Phải chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị sẵn hồ sơ trước khi đăng ký ghi danh trực tuyến. Không cần đính kèm thông tin, nhưng bạn sẽ cần ghi số tham chiếu.

Nếu bạn không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, hoặc bị thất lạc, thì bạn phải xin lại giấy tờ trước khi đăng ký. Thời gian chờ cấp giấy tờ tùy thân có thể khác nhau giữa các khu vực và trong một số trường hợp có thể mất đến bốn tuần.

Khi bạn đã có tên trong danh sách cử tri, bạn có thể bỏ phiếu tại bất kỳ cuộc bầu cử liên bang, tiểu bang hoặc chính quyền địa phương nào trong tương lai. Đây là lý do tại sao bạn phải cập nhật thông tin chi tiết của mình, Mohammad Al-Khafaji, Giám đốc điều hành của FECCA, Liên đoàn các Hội đồng Cộng đồng Sắc tộc Úc, cho biết.

“Chúng tôi khuyến khích tất cả những người Úc ngay khi họ đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang này để bảo đảm rằng họ đã đăng ký và thông tin chi tiết của họ được cập nhật vì chúng tôi muốn họ có tiếng nói trong tương lai, tương lai của họ và của nước Úc.”

Ông Evan Ekin-Smyth cho biết Ủy ban Bầu cử Úc sẽ giúp bạn cập nhật thông tin chi tiết của mình.

“Chúng tôi sẽ gửi lời nhắc cho mọi người nếu chúng tôi nhận được một số dữ liệu chẳng hạn như bạn đã chuyển nhà. Nhưng điều quan trọng là bất cứ khi nào bạn chuyển nhà hoặc đổi tên, bạn phải sử dụng biểu mẫu trực tuyến để cập nhật. Và một lần nữa, hãy truy cập aec.gov.au và cập nhật cho chúng tôi.”

Nếu bạn không chắc mình đã có tên trong danh sách cử tri hay chưa, bạn có thể tìm hiểu tại aec.gov.au/check hoặc điện thoại 13 23 26.

Đối với những người không có quyền truy cập internet, sẽ có mẫu đơn đăng ký bằng giấy tại bất kỳ văn phòng AEC nào, hoặc bạn có thể gọi số 13 23 26 và họ sẽ gửi mẫu đơn này qua đường bưu điện.

Giám đốc điều hành FECCA, ông Al-Khafaji, cho biết có những trở ngại khiến cộng đồng di dân không tham gia bỏ phiếu, chẳng hạn như rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.

“Chúng tôi cần hiểu rằng có những người đến từ các quốc gia không được khuyến khích bỏ phiếu. Vì vậy, đây là một sự thay đổi về tâm lý và chúng tôi muốn mọi người phải cảm thấy tin tưởng rằng khi họ bỏ phiếu, lá phiếu của họ được tính và không có sự đe dọa hoặc hậu quả của việc bỏ phiếu. Có một số quan niệm sai lầm rằng việc bỏ phiếu là chống lại tôn giáo. Do đó các nhà lãnh đạo tôn giáo nên khuyến khích mọi người bỏ phiếu và bảo đảm rằng lá phiếu của họ sẽ được tính.”

Trang mạng của AEC bao gồm các hướng dẫn về tính đủ điều kiện và đăng ký, được dịch sang ngôn ngữ của bạn. Họ cũng cung cấp Dịch vụ Phiên dịch qua Điện thoại.

Ngoài ra, trang mạng của AEC cung cấp ‘những hướng dẫn dễ đọc’ được viết bằng tiếng Anh và hình ảnh minh họa đơn giản.

“Đối với những người mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, chúng tôi có rất nhiều nguồn thông tin trên trang mạng của AEC. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các tổ chức đa văn hóa địa phương tiếp cận với cộng đồng của họ, những người lần đầu tiên đi bầu cử, để bảo đảm họ có tất cả các nguồn lực đó và hỗ trợ họ đăng ký nếu cần. Chúng tôi biết những cộng đồng nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở đâu, và điều thực sự quan trọng là phải đưa những cộng đồng đó tham gia vào quá trình bầu cử.”

Ivy Zhuo là Nhân viên Hỗ trợ Định cư ở Tasmania. Bà giúp hướng dẫn các công dân mới ghi danh bỏ phiếu theo nhiều cách khác nhau.

“Cách đầu tiên là thông qua dịch vụ hỗ trợ của chúng tôi với các nhân viên đa văn hóa. Họ chỉ cần đến để lấy thông tin về quyền công dân và bỏ phiếu, và đó cũng là một trong những câu hỏi chúng tôi gặp nhiều nhất. Nhóm hỗ trợ định cư của chúng tôi và các tình nguyện viên được đào tạo để trả lời các câu hỏi của bạn như ‘Tôi có đủ điều kiện để bỏ phiếu không?’, ‘Làm cách nào để tự đăng ký?’, ‘Tôi có phải bỏ phiếu không?’, vân vân. Ngoài ra, chúng tôi đào tạo mọi người cách truy cập vào dịch vụ trực tuyến vì nó khá đơn giản và dễ dàng hơn.”

Trung tâm Tài nguyên Di dân ở Tasmania đem lại một môi trường thoải mái, hướng dẫn quy trình đăng ký cho những người không biết bắt đầu từ đâu.

“Hầu hết họ là những di dân mới với khả năng tiếng Anh kém hơn, vì vậy chúng tôi có đa số nhân viên là người đa văn hóa và đa ngôn ngữ để giúp giải thích thông tin. Chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ phiên dịch để giúp họ hiểu.”

Bà Zhuo cho biết, hầu hết khách hàng đều sử dụng dịch vụ trực tuyến, mặc dù khả năng tiếng Anh của họ khá hạn chế.

“Chúng tôi cũng có tất cả thông tin và tài nguyên có sẵn trên Soundcloud trên trang web MRC để những người thuộc các ngôn ngữ khác nhau có thể tìm hiểu thông tin và cũng có thể hiểu toàn bộ thủ tục đăng ký bằng cách nghe các bản ghi âm.”

Tài nguyên này được cung cấp công khai thông qua trang web của Trung tâm Tài nguyên Di dân Tasmania.

Vậy nếu không đăng ký tham gia bầu cử sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Nếu không bỏ phiếu sẽ bị phạt. Nhưng hơn thế nữa, bạn sẽ bỏ lỡ tiếng nói của mình nếu bạn không đăng ký, ông Evan Ekin-Smyth nói.

 “Chúng tôi đã có gần 400.000 công dân Úc mới đăng ký trong lần bầu cử này, điều này thật tuyệt vời. Vì vậy, nếu bạn là người mới đến Úc, bạn là công dân mới, hãy đăng ký tên trong danh sách cử tri. Bạn phải có tiếng nói và chúng tôi cũng sẽ giúp bạn thực hiện việc bỏ phiếu một cách dễ dàng nhất có thể.”

Truy cập aec.gov.au để đăng ký kịp thời cho cuộc bầu cử liên bang năm 2022.



 


Share