Kỷ niệm ngày 26/1 như thế nào để thể hiện sự tôn trọng với người Thổ dân?

Designer Laura Thompson

Designer Laura Thompson Source: SBS Murray

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngày 26/1 đã được chọn đánh dấu việc thuyền trưởng Sir Arthur Phillip tuyên bố vùng đất Sydney Cove thuộc quyền sở hữu của vua George III. Kể từ đó đến nay, ngày 26/1 mang nhiều ý nghĩa đối với người Úc, thế nhưng đối với cộng đồng người Thổ dân đây lại là một ngày than khóc.


Tại cửa hàng thời trang của bà Laura Thompson, một người phụ nữ Thổ dân Gunditjmara, đang được trưng bày rất nhiều những chiếc áo thun có in dòng chữ lấp lánh trên ngực “Not a Date to Celebrate”, dịch là “Không phải ngày để ăn mừng”, một số chiếc áo khác còn kèm theo cờ Thổ dân, một số khác được in dòng chữ “Always Was, Always Will be Aboriginal Land”, dịch là “Luôn đã và sẽ là vùng đất người Thổ dân”.

Cửa hàng thời trang của bà Thompson đặt tại Melbourne, và bà đang bận rộn chuẩn bị những công việc cho ngày 26 tháng 1.

Bà nói rằng những chiếc áo thun đặc biệt này được thiết kế nhằm giúp người ta có thể dễ dàng bắt đầu một cuộc đối thoại về ngày 26 tháng 1.

“Chiếc áo thun của chúng tôi giúp cho mọi người bắt đầu câu chuyện dễ dàng hơn. Giả sử như bạn đang ở trong một buổi tiệc gia đình, hay tiệc BBQ, chỉ cần mặc chiếc áo thun có những dòng chữ này, bạn đã có cơ hội để bắt đầu một buổi nói chuyện về quyền lợi của người Thổ dân và người dân đảo Torres.”

Bà Thompson tin rằng bước đầu tiên để trở thành một đồng minh đứng bên cạnh người Thổ dân trong ngày 26 tháng 1 là hỗ trợ doanh nghiệp của người Thổ dân.

Bà nói đây là cách vừa lý tưởng vừa thiết thực để giúp đỡ họ.

“Khi nhìn thấy sản phẩm của người Thổ dân được sử dụng, được người dân mặc lên người, và những thông điệp này được lan toả trong cộng đồng, thì điều đó sẽ tạo ra một cộng đồng an toàn về mặt văn hoá, trong đó những người Thổ dân như chúng tôi sẽ cảm thấy mình được ủng hộ, được hỗ trợ, được sát cánh trong những vấn đề như thế này, và điều đó thực sự rất có ý nghĩa với chúng tôi.”

Nhưng bà cũng thận trọng khi lưu ý rằng sẽ tuyệt vời hơn là trở thành một đồng minh thay vì chỉ một lần mua sản phẩm.

“Sau ngày 26 tháng 1 có rất nhiều thứ mà những đồng minh có thể làm để hỗ trợ người Thổ dân và người dân đảo Torres, đó là tìm hiểu về quyền lợi của họ, tự trau dồi bản thân để có kiến thức và nghĩ về việc làm thế nào có thể tháo bỏ những hệ thống áp bức.”

Bà Nala Mansell đến từ Trung tâm Thổ dân ở Tasmania cũng khuyên rằng cách để trở thành một người bạn của người Thổ dân đó là hãy nghe, học hỏi và hiểu về những nỗi đau lịch sử của người Thổ dân.

Tổ chức của bà đang tổ chức tưởng niệm Ngày Xâm lăng như hàng năm, nhưng năm nay phải chuyển sang hình thức trực tuyến do COVID-19.

Nhưng điều tích cực là bất kỳ ai ở tất cả mọi miền đất nước đều có thể mở máy tính lên để nghe và học hỏi từ diễn giả.

“Chúng tôi không muốn cộng đồng chúng tôi, những người lớn tuổi, người ủng hộ gặp rủi ro. Cho nên rất tiếc đây là lần đầu tiên chúng tôi không thể xuống đường tuần hành hoặc tụ tập tại trước nhà Quốc hội.”

Sau khi bị chiếm làm thuộc địa, đã có ít nhất 300 vụ thảm sát người Thổ dân, nhưng con số thực tế còn cao hơn vì nhiều trường hợp xảy ra nhưng không được lưu hồ sơ.

Ngoài ra còn rất nhiều người chết vì bệnh tật, cũng như những cuộc chia cắt gia đình, những chính sách mà dẫn đến cái gọi là Một thế hệ bị đánh cắp, trong đó những đứa trẻ bị đem đi khỏi gia đình của chúng và bị đưa đi lao động.

Những chính sách đó đã để lại ảnh hưởng nặng nề cho đến tận ngày nay, nó đã phá huỷ nhiều gia đình người Thổ dân, phá huỷ ngôn ngữ của họ, văn hoá của họ và mối liên kết của họ với đất nước này.

Và nó đã để lại nhiều sang chấn trong cộng đồng Thổ dân ngày nay.

“Ngày 26 tháng 1 đánh dấu ngày bắt đầu tất cả những thảm sát, giết chóc và phá huỷ xã hội của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng một khi con người hiểu ra hoặc học thêm được nhiều điều về văn hoá người Thổ dân ở Tasmania họ sẽ muốn thấy ngày này phải thay đổi.”

Mặc dù có rất nhiều cuộc tuần hành hàng năm phải chuyển sang hình thức trực tuyến trong năm nay, thế nhưng vẫn có một số sự kiện được tổ chức mà vẫn bảo đảm an toàn COVID.

Như tại Adelaide, một nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất ở Úc sẽ tổ chức ngày Open Day để tôn vinh mối quan hệ giữa những người Afghanistan đầu tiên và người Úc Thổ dân.

“Người Hồi giáo Afghanistan đã được chào đón và được những người Thổ dân hiền hoà cung cấp nơi ở. Người Thổ dân đã đem lại cho họ một gia đình, một cộng đồng, một xã hội. Và điều đẹp đẽ ở đây là hai cộng đồng tuy rất khác biệt nhưng đã cùng chung sống rất hoà bình.”

Đó là lời của Tiến sỹ Asaad Hamid, Chủ tịch của Cộng đồng Hồi giáo Adelaide ở Nam Úc.

“Đặc biệt đối với các di dân Hồi giáo, những người mới đến và đang tiếp tục công việc này, họ cần có nhận thức về lịch sử, họ cần biết người Thổ dân đã làm gì cho chúng ta, họ đã giúp chúng ta như thế nào, và chúng ta cần học nhiều bài học từ lịch sử.”

Bên cạnh đó tiến sỹ Hamid cũng muốn những người Thổ dân biết rằng Cộng đồng người Hồi giáo ở Nam Úc luôn sát cánh và sẵn sàng giúp đỡ họ trong ngày 26 tháng 1 và mọi ngày khác.

“Chúng tôi chào đón họ đến với nhà thờ để cho họ biết rằng chúng tôi công nhận những gì họ đã làm cho chúng tôi, chúng tôi trân trọng những khó khăn họ đã phải trải qua. Người Hồi giáo luôn ở đây chào đón người Thổ dân, nếu được truyền tải thông điệp thì đó là mục đích của chúng tôi trong ngày Open Day sẽ được hoàn thành.”

Tất cả mọi người đều được chào đón tham dự ngày Open Day, nhưng cần phải đăng ký tham dự và tuân thủ các quy định an toàn COVID.


Share