Kinh tế Hoa Kỳ có khả năng bị suy thoái?

Wall Street

市場起起伏伏, 莫衷一是。 Source: AP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Thị trường chứng khoán ở Úc sụt giảm sau khi thị trường ở Mỹ sụt giảm vì quan ngại cho tiềm năng kinh tế Mỹ đi vào suy thoái. Trái phiếu của Mỹ đang xuống, và đó là chỉ dấu rõ nhất, theo sau những chỉ số kinh tế không tốt ở Đức, Ý và Trung Quốc.


Chủ biên kinh tế của ABC, Ian Verrender giải thích thêm.

Verrender: Chúng ta đã chứng kiến sự bấp bênh của thị trường toàn cầu trong vài tháng qua. Và một lần nữa chúng ta lại thấy dấu hiệu đó ngày hôm nay. Tối hôm qua thị trường chứng khoán Wall Street giảm 3,1% cho nên cũng không ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán ở Úc bị ảnh hưởng. Ban sáng thị trường Úc mở cửa đã sụt ngay 2%. Đối với thị trường ở Úc thì đó là một sự sụt giảm đáng kể, bởi vì cách đây hai tuần thị trường ở Úc đã tăng lên mức kỷ lục. Lúc đó người ta đã tự hỏi khi mà kinh tế toàn cầu đang chậm lại, ngân hàng trung ương của nhiều nước đều cắt giảm lãi suất thì làm sao mà thị trường chứng khoán của Úc lại tăng được? Nhưng dường như bây giờ chúng ta mới thấy đó đúng là điều vô lý. 

ABC: Ở thị trường Wall Street người ta đang nói đến tiềm năng kinh tế Mỹ đi vào suy thoái. Căn cứ vào đâu mà người ta nói như vậy?

Verrender: Đó chính là lý do khiến nhiều nhà đầu tư hôm qua đã bán đi cổ phiếu trên thị trường Wall Street. Trên thế giới có hai thị trường chính, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. Nhiều người không biết nhưng thị trường trái phiếu lớn hơn so với chứng khoán và gây nhiều tác động cho kinh tế toàn cầu hơn mỗi khi có biến động. Khuynh hướng lên xuống của thị trường trái phiếu thường dễ phát hiện hơn. Cũng khá lâu rồi thị trường trái phiếu toàn cầu có khuynh hướng đi xuống. Và ngày hôm qua chúng ta thấy thị trường đã tiến đến một điểm mốc quan trọng, đó là lãi suất dài hạn đã xuống thấp hơn so với lãi suất ngắn hạn. Như vậy tiền lời cho trái phiếu Mỹ trong 10 năm, ít hơn là tiền lời của trái phiếu chỉ có 2 năm. Đó là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất, và cũng là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn suy thoái. Đây là chỉ dấu đáng tin cậy, chính vì vậy mà ngày hôm qua các nhà đầu tư đã nhanh chóng tống khứ cổ phiếu trên thị trường Wall Street đi.

ABC: Nhưng khi nào thì kinh tế Mỹ bị suy thoái?

Verrender: Không ai biết trước chính xác là khi nào, nhưng thường sẽ xảy ra trong vòng 12 tháng. Hiện có nhiều sự bất định về kinh tế lẫn chính trị trên toàn cầu. Ngày hôm qua con số tổng sản lượng quốc gia của Trung Quốc rất kém, tổng sản lượng quốc gia của Đức, của Ý, của Anh quốc cũng vậy. Kinh tế toàn cầu đang chậm lại và ngân hàng trung ương của các nước lớn đang tính chuyện cắt giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương của Úc gần đây đã cắt lãi suất 2 lần, và nghe đâu ngân hàng sẽ cắt thêm 2 lần nữa trong năm nay.

ABC: Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến chiều hướng suy thoái của kinh tế toàn cầu?

Verrender: Rõ ràng là có ảnh hưởng, và chắc chắn nó đang tác động xấu lên kinh tế Trung Quốc. Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính ở đây là con số nợ nầnchồng chất trên thế giới. Cách đây 10 năm chúng ta có cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Nguyên nhân là do nợ nần quá nhiều gây ra. Và để cứu các nước ra khỏi cuộc khủng hoảng đó, chúng ta đã vay nợ còn nhiều hơn trước đó nữa. Thành ra đến một lúc nào đó chúng ta phải giải quyết vấn đề nợ nần bằng cách này hay cách khác mà thôi. Hiện nay trái phiếu chính phủ ở nhiều nước đang không sinh ra được đồng tiền lời nào cả, thậm chí còn bị mất giá trị nữa. Chuyện này chưa từng xảy ra. Cách đây 10 năm để thoát khỏi cơn khủng hoảng tài chánh các nước đã ấn hành thật nhiều trái phiếu, đó là một thử nghiệm được các ngân hàng trung ương sử dụng và có vẻ là hữu hiệu cho đến nay. Nhưng bây giờ nếu những ai bỏ tiền ra mua trái phiếu chính phủ mà nhìn thấy chúng bị mất giá thế thì điều gì sẽ xảy ra cho kinh tế toàn cầu?


Share