Khuyến cáo dân Úc kiểm tra lại các thiết bị của mình khi thời hạn tắt mạng 3G gia hạn thêm hai tháng

Recycling obsolete mobile phones

Obsolete mobile phones Source: Getty / Peter Dazeley/Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Người dân Úc đang được khuyến khích kiểm tra các thiết bị của họ - bao gồm cả điện thoại cầm tay cũ và thiết bị y tế - để bảo đảm chúng vẫn hoạt động sau khi mạng 3G sẽ được đóng lại hoàn toàn trên cả nước. Ngày ngừng hoạt động được ấn định vào cuối tháng 8, nhưng hiện đã được gia hạn thêm hai tháng sau khi có nhiều cảnh báo rằng nhiều người Úc vẫn chưa chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi.


David Jochinke là một nông dân thế hệ thứ ba ở Victoria - và là chủ tịch của Liên đoàn Nông dân Quốc gia (National Farmers Federation).

Ông cho biết các máy móc và thiết bị công nghệ giúp duy trì hoạt động của ông.

Khi được thông báo rằng ông cần chuẩn bị cho việc tắt mạng 3G tại Úc, ông đã tiến hành kiểm tra các thiết bị công nghệ sử dụng mạng 3G trong số máy móc thiết bị của mình.

"Những thứ mà chúng tôi nói đến trong số máy móc thiết bị nông nghiệp thì đủ thứ, từ máy đo lượng mưa đến chức năng của trạm thời tiết trên một số thiết bị, và cả xe cộ nữa - nếu một người gặp rắc rối, họ nhấn nút thì nó sẽ phát ra tín hiệu kêu cứu. Bất cứ thứ gì trên hai hoặc ba năm tuổi đều cần được kiểm tra để chắc chắn nó không phụ thuộc vào mạng 3G đó. Có bao nhiêu thiết bị nông nghiệp đang sử dụng mạng 3G ngoài kia thì chúng tôi không biết nhưng điều chúng tôi biết chắc là mạng này đã tồn tại trong một thời gian rất dài. Và điều chúng tôi rất quan tâm lúc này là chúng tôi không muốn thấy sự suy giảm hoặc mất mát trong việc sử dụng mạng một khi mạng 3G ngừng hoạt động."

David cho biết việc truyền tải thông điệp đến tất cả người dân Úc là rất quan trọng - nhưng vẫn còn nhiều rào cản.

"Chúng tôi thấy có nhiều giải pháp hiện nay trên thị trường. Tuy nhiên, để tiếp cận chúng ngay từ đầu, bạn cần phải có đúng thiết bị để tham gia vào cái guồng đó. Và một lần nữa, công nghệ không bao giờ dừng lại mà nó luôn biến đổi. Vấn đề là cần phải hiểu những thứ đang có trên thị trường và mặt hàng mình định tiếp cận ngay từ đầu, và sau đó thì biết cách sử dụng thứ đó cũng như những gì liên quan đến nó. Như vậy, nếu có thay đổi, chúng ta có thể hiểu được hệ quả của nó đối với hoạt động sản xuất của chúng ta, rồi sau đó sẽ quyết định nâng cấp hay là điều chỉnh sửa đổi các thiết bị đó."

Liên đoàn Nông dân Quốc gia (National Farmers Federation) đã điều hành một trang web có tên là Trung tâm Công nghệ Khu vực (Regional Tech Hub) để giúp mọi người ở các vùng nông thên Úc ứng phó với việc chuyển đổi.

"Trung tâm Công nghệ Khu vực có mặt để giúp trả lời và đưa ra các giải pháp kết nối. Một lần nữa, Trung Tâm không trả lời hoặc không thể trả lời cho từng câu hỏi cụ thể như là trạm thời tiết hoặc bộ phận mở cổng từ xa có kết nối được không, nhưng trung tâm có thể giúp thảo luận về lựa chọn nào là tốt để có thể gia tăng mức độ làm việc hoặc đưa dữ liệu đến vị trí đó. Và những gì chúng tôi nhận thấy là có một sự gia tăng hiểu biết về sự khác biệt giữa dữ liệu và phạm vi phủ sóng, cũng như sự hiểu biết về các giải pháp hiện có gồm những gì."

Nhưng không chỉ nông dân có thể bị ảnh hưởng bởi việc ngưng mạng 3G.

Susi Tegen là Tổng giám đốc điều hành của Liên minh Y tế Nông thôn Quốc gia (National Rural Health Alliance) cho biết quá trình tiến hành kiểm toán thiết bị có thể là thách thức đối với một số người Úc.

Bà cho rằng trong một số trường hợp, có thể cần hỗ trợ tài chính để giúp nâng cấp thiết bị.

"Và thực tế là sẽ có một bộ phận dân số không gọi được cho số cấp cứu triple-zero ba số 0 là điều đáng báo động. Do đó mà cần thiết phải có một chiến dịch nâng cao nhận thức, do có một số người không đủ khả năng để cập nhật hệ thống của họ, không phải là tại họ mà do có sự thay thế và họ cần phải chuyển đổi theo. Vì vậy, chúng ta cần hỗ trợ những người đó. Nhiều người trong số họ, người già hoặc dễ bị tổn thương, phụ thuộc vào những thiết bị này và họ không có tiền. Một số người trong số họ đang sống bằng tiền hưu trí, tiền già, tiền tàn tật, và chúng ta cần hỗ trợ họ."

Carol Bennett là Tổng giám đốc điều hành của Mạng lưới Hành động của Người Tiêu dùng Truyền thông Úc (Australian Communications Consumer Action Network) bao gồm các nhóm thành viên của mạng lưới như các trung tâm pháp lý cộng đồng (community legal centres), người vận động cho người khuyết tật (disability advocates), và các tổ chức của người Bản địa (Indigenous organisations).

Bà cho biết một lĩnh vực lớn có thể bị bỏ qua là thiết bị y tế, vì ngành này ít chủ động hơn trong việc liên hệ trực tiếp với khách hàng.

"Điều này một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu về một số loại sổ đăng ký thiết bị y tế; và chắc chắn là một số quy định chặt chẽ hơn đối với ngành thiết bị y tế. Bởi vì chúng tôi biết rằng quy định trong lĩnh vực đó khá lỏng lẻo và ngành thiết bị y tế cần phải có trách nhiệm để biết rằng ai đang sử dụng thiết bị của mình. Và khi có những lo ngại như vậy về khả năng kết nối mà mọi người có thể gặp phải hoặc bất kỳ vấn đề nào xảy ra liên quan đến thiết bị của họ, thì họ phải chủ động liên hệ với mọi người và cảnh báo họ về những rủi ro, để chắc chắn rằng khách hàng của họ sẽ không bị bỏ rơi khi những thay đổi như thế này xảy ra."

SBS đã liên hệ với Hiệp hội Công nghệ Y tế Úc (Medical Technology Association of Australia) nơi đại diện cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp công nghệ y tế , nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi cho các câu hỏi của mình.

Các cộng đồng Bản địa cũng dễ bị tổn thương.

Tiến sĩ Daniel Featherstone tại Đại học RMIT đã lập bản đồ về sự hòa nhập kỹ thuật số trong các cộng đồng Bản địa xa xôi trong ba năm.

Ông cho biết dự án lập bản đồ tiến độ thực hiện mục tiêu năm 2026 là Thu hẹp khoảng cách giữa người Úc Bản địa và không Bản địa về khả năng tiếp cận viễn thông và kết nối internet.

Ông kêu gọi trao đổi nhiều hơn về cách mọi người có thể báo cáo tình trạng mất dịch vụ khi dịch vụ giảm dần - và kiểm toán dài hạn hơn về việc cung cấp dịch vụ.

"Tôi nghĩ rằng sau đó cần phải kiểm toán nhiều hơn về chất lượng dịch vụ di động nói chung ở các vùng xa xôi. Và tôi nghĩ rằng sau đó cần phải kiểm toán nhiều hơn về chất lượng dịch vụ di động nói chung ở các vùng xa xôi. Cho dù là 3G hay 4G, những gì chúng ta thấy trong cộng đồng là thường có mức độ tắc nghẽn cao, điều đó có nghĩa là tốc độ dịch vụ có thể thực sự chậm lại vì có quá nhiều người dùng cùng một lúc. Bên cạnh đó còn có các vấn đề về độ tin cậy, đặc biệt nếu có kết nối vệ tinh từ các dịch vụ đó, chúng có thể bị ngắt kết nối vào mùa mưa, nhất là khi có lốc xoáy, lúc mà người ta cần có mạng nhất và chúng cần thiết nhất."

Những người khác đang kêu gọi trao đổi tốt hơn.

Tiến sĩ Dot West, người ủng hộ chương trình Đưa Kỹ thuật số Tới Người Bản địa (First Nations Digital Inclusion), đã nói với NITV vào tháng trước (31 tháng 7) rằng có không mấy người trong các cộng đồng người Bản địa nhận thức về việc ngưng mạng 3G.

"Chúng tôi đã nói chuyện với mọi người trong cộng đồng, và nhận thấy rằng những cư dân ở đó không biết gì về việc tắt mạng 3G, hoặc biết rất ít và mơ hồ. Vì vậy, thực sự cần phải có những thông điệp chuyển tải đến cộng đồng về việc tắt mạng này."

Share