Khủng hoảng do COVID-19 tại Ấn Độ khi không có giường ICU, cạn dưỡng khí cho bệnh nhân

A Covid-19 patient on oxygen support waits outside LNJP Hospital for admission amid a shortage of beds

A Covid-19 patient on oxygen support waits outside LNJP Hospital for admission amid a shortage of beds Source: Getty

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ít nhất có 6 bệnh viện tại thủ đô Tân Đề Li ở Ấn Độ đã cạn dưỡng khí cho bệnh nhân COVID-19. Các giường trong khu chăm sóc đặc biệt gần như quá sức chứa và nhiều người chết trên xe đẩy bên ngoài bệnh viện trong lúc chờ được thở dưỡng khí. Ấn Độ hiện lâm vào tình trạng kinh hoàng do đợt lây nhiễm thứ hai, khi ghi nhận mức độ các ca nhiễm cao nhất trong một ngày so với mọi nơi khác trên thế giới, với hơn 314 ngàn ca nhiễm mới.


Ấn Độ hiện đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo, với việc có thêm 2100 người chết chỉ trong 24 giờ qua và một số người hiện chết dần, chỉ vì họ không được chăm sóc y tế.

Các bệnh viện tại thủ đô Tân Đề Li của Ấn Độ đã tràn ngập bệnh nhân, chẳng còn giường bệnh nào trong khu chăm sóc đặc biệt, ngoài ra còn 6 bệnh viện khác đã cạn dưỡng khí.

Trong 24 giờ qua, quốc gia nầy ghi nhận có hơn 314 ngàn ca nhiễm mới.

Tính chung, Ấn Độ hiện tiến gần đến con số chính thức là 16 triệu trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Các thi hài hiện được hoả táng hầu như suốt ngày đêm và một số thân nhân phải thiêu người thân bằng vỏ xe cũ.

Một người đàn ông trong số đó là Rohit, trong trang phục bảo hộ cá nhân, ông đứng trước đống vỏ xe mà ông chất lên, để thiêu xác người mẹ 59 tuổi.

COVID-19 đã kết thúc ước mơ về hưu của bà, khi mong mỏi có thêm thời gian cùng với gia đình.

“Chúng ta không chuẩn bị, với tư cách là một quốc gia, chúng ta thực sự đã không chuẩn bị".

'Thật hết sức buồn khi mẹ tôi đã ra đi, vì bà chỉ mới 59 tuổi mới chỉ về hưu và muốn dành thời gian quí báu sống với chúng tôi, thế nhưng tất cả tôi có thể thấy được là bà đã nằm đó vĩnh biệt cỏi đời”, Rohit.

Các cơ sở tạm thời được dựng lên tại Ấn Độ, để đối phó với con số lớn lao các thi hài.

Tại một bãi đậu xe kế cận lò thiêu, tại khu ngoại ô ở đông bắc Tân Đề Li, một trung tâm hỏa táng lớn lao đã thiết lập, để có thể thiêu 60 thi hài một lúc.

Những đứa trẻ còn nhỏ đến 5 tuổi, là những nạn nhân trẻ tuổi trong số các xác chết sẽ được hoả táng.

Một chuyên viên thú y tình nguyện hoạt động tại một địa điểm hoả táng khác cho biết, công việc hiện bị tràn ngập.

“Cho dù là ban đêm, chúng tôi cũng cố gắng hoàn tất vụ chôn cất cuối cùng của ban ngày, vì chẳng còn chỗ để quàn các xác chết, vì vậy đó là lý do chúng tôi muốn hoàn tất mọi vụ chôn cất rồi về nhà”, chuyên viên thú y tình nguyện.

Chủ tịch Hiệp hội Y tế Công cộng tại Ấn Độ, bác sĩ K Srinath Reddy cho biết, Ấn Độ hiện trả giá quá đắt cho sự tự mãn.

“Chúng ta bị khuyến dụ vào tình trạng tự mãn, do các biện pháp khác nhau của đại dịch, hoặc đó là các trường hợp tử vong hàng ngày hay mức độ thử nghiệm dương tính, tất cả đều bắt đầu đi xuống từ tháng 10 và đến đầu tháng giêng, nó lại còn xuống đến mức rất thấp".

'Lúc đó chúng tôi có cảm tưởng và ngay chính các chuyên gia cũng nghĩ là, chúng ta thực sự đã được miễn nhiễm cộng đồng”, K Srinath Reddy.
'Khả năng của chúng ta tiến tới hầu có thể trở lại cuộc sống bình thường, dĩ nhiên tùy thuộc vào việc chúng ta nhanh chóng tiến hành việc chủng ngừa hiện nay”, Jean Castex.
Tại Pháp, Thủ Tướng Pháp Jean Castex cho biết đỉnh điểm của đợt lây nhiễm thứ ba của coronavirus dường như giảm bớt tại nước nầy, sau khi sụt giảm 17 phần trăm con số các ca nhiễm hàng ngày.

Nước Pháp ghi nhận có 34 ngàn ca nhiễm mới và có gần 6 ngàn người trong các khu điều trị đặc biệt.

Ông Castex cho biết, tình hình đã cải thiện, để bảo đảm việc mở cửa lại trường học vào thứ hai ngày 26 tháng 4.

“Tôi hoàn toàn hiểu được lập luận của những người nói rằng, tình hình sức khỏe được cải thiện chưa đến mức cho phép các trường học mở cửa trở lại".

"Thế nhưng chúng tôi tin rằng, thiệt hại do trường học đóng cửa kéo dài là thảm khốc và có thể gây ra những thiệt hại về mặt giáo dục cùng tâm lý lâu dài, mà chúng ta phải bận tâm nhiều giống như thiệt hại liên quan trực tiếp đến đại dịch”, Jean Castex.

Từ thứ bảy ngày 24 tháng 4, Pháp sẽ buộc những người đến từ Á Căn Đình, Brazil, Chí Lợi, Ấn Độ và Nam Phi, phải cách ly trong 10 ngày để ngăn ngừa các biến thể virus xâm nhập.

Việc hạn chế du lịch trong nước sẽ được dở bỏ vào ngày 3 tháng 5, thế nhưng lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối vẫn còn hiệu lực.

Ông cho biết các cửa hàng bao gồm các quán rượu và nhà hàng ngoài trời có thể được phép mở cửa lại vào giữa tháng 5, nếu tình hình cải thiện.

Ông kêu gọi người dân Pháp nên đi chủng ngừa.

“Tôi 55 tuổi và được chủng ngừa với vắc xin AstraZeneca, như 200 triệu người khác trên thế giới, tôi kêu gọi những ai khác hãy làm như tôi".

'Khả năng của chúng ta tiến tới hầu có thể trở lại cuộc sống bình thường, dĩ nhiên tùy thuộc vào việc chúng ta nhanh chóng tiến hành việc chủng ngừa hiện nay”, Jean Castex.

Trong khi đó, Ủy hội Âu Châu cho biết không có quyết định nào về việc liệu có truy tố công ty dược phẩm AstraZeneca, về việc thiếu sót qua chuyện cung cấp vắc xin hay không.

Tuyên bố nói trên theo sau Bộ Trưởng Y tế Ái Nhĩ Lan là ông Stephen Donnelly cho Quốc Hội Ái Nhĩ Lan biết rằng, sẽ khởi động một vụ kiện AstraZeneca, với Ái Nhĩ Lan là một trong các đương đơn.

Để biết được các biện pháp về y tế và hỗ trợ hiện có, nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 bằng ngôn ngữ của quí vị, xin vào trang mạng sbs.com.au/coronavirus.
 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share