Julian Assange có thể sẽ đầu hàng cảnh sát Anh

Wikileaks founder Julian Assange says he will give himself up if the UN rules against him

Wikileaks founder Julian Assange says he will give himself up if the UN rules against him Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Người sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange tuyên bố sẽ đầu hàng cảnh sát Anh Quốc nếu nhóm đại diện cho Liên Hiệp Quốc không thể đưa ra quyết định có lợi cho ông.


Người sáng lập trang mạng Wikileaks, Julian Assange đã đệ trình đơn khiếu nại lên Nhóm đặc trách vấn đề Giam giữ bất hợp pháp của Liên Hiệp Quốc, chống lại cả chính phủ Thụy Điển và Anh Quốc từ hồi tháng 9/2014, đồng thời tố cáo rằng cá nhân ông đã bị giam giữ trái phép.
“Hướng đi tốt nhất lúc này có lẽ là để ông ấy an toàn tới được Ecuador vì quốc gia đó đã cho phép ông ấy tỵ nạn chính trị. Ecuador sẽ đủ khả năng bảo vệ ông ấy hiệu quả trước những nguy cơ về việc bị dẫn độ tới Mỹ,” Luật sư Melinda Taylor
Ông Assange đã phải sống trong tòa đại sứ Ecuador ở London trong hơn 3 năm qua và vừa mới được chính phủ nước này cấp quyền tỵ nạn chính trị.

Người đứng đầu trang Wikileaks đã từ chối hợp tác và tham gia cuộc thẩm vấn của chính quyền Thụy Điển về cáo buộc tấn công tình dục.

Ông Assange tin rằng nếu đồng ý yêu cầu của phía Thụy Điển thì ông sẽ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để trả lời cho những hoạt động mà WikiLeaks đã làm trong thời gian qua.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của SBS vào năm 2013, ông Assange đã bày tỏ quan ngại về việc có thể bị dẫn độ sang Mỹ.

“Chính phủ và người dân Ecuador đã hào hiệp trao cho tôi quyền được tỵ nạn.”

“Bất cứ điều gì trong tiến trình thực hiện việc này trong tương lai khi mà một nhà nước trao quyền tỵ nạn chính trị cho tôi thì đều là một vấn đề không dễ dàng.”

“Họ sẽ đối mặt với cả một quãng thời gian không dễ dàng. Rõ ràng là phía Mỹ đang theo đuổi các biện pháp để thử thách, nhằm khôi phục quyền lực của họ và khủng bố các nhà xuất bản khác.”

“Tôi không nghĩ rằng họ sẽ thực hiện được mục đích đó. Họ sẽ thử bằng mọi cách nhưng sẽ không mang lại hiệu quả,” ông Assange nói.

Trước khi bước chân vào tòa đại sứ Ecuador để xin tỵ nạn chính trị, ông Assange đã bị cầm tù tại Anh Quốc vào năm 2010, sau đó được cho tại ngoại và chịu quản thúc tại gia vì liên quan đến cáo buộc hãm hiếp, tấn công tình dục.

Ông Assange chưa hề chính thức bị tuyên án, nhưng đã đề nghị chính quyền Ecuador bảo vệ mình vào năm 2011 do lo sợ sẽ bị dẫn độ sang Mỹ nếu rơi vào tay chính quyền Anh Quốc hay Thụy Điển.

Nhóm đặc trách vấn đề Giam giữ bất hợp pháp của Liên Hiệp Quốc bao gồm các vị thẩm phán đến từ Châu Phi, Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Úc.

Nhóm này chuyên điều tra các vụ tước đoạt quyền tự do, áp đặt giam cầm tùy tiện hoặc không phù hợp với các tiêu chuẩn đặt ra trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các tài liệu pháp lý quốc tế khác.

Ông Greg Barns, một luật sư người Úc đã hỗ trợ pháp lý cho ông Julian Assange, giải thích chi tiết về vụ này trước nhóm đại diện cho LHQ.

“Vấn đề cơ bản trong vụ này đó là chính quyền Thụy Điển và Anh Quốc không cho phép Julian Assange rời đi bất cứ nơi nào khác trên thế giới, ngay cả sau khi ông ta đã được quyền tỵ nạn chính trị.”

“Một lý do khác là vì Thụy Điển vẫn chưa đưa ra phán quyết nào chống lại ông ta.”

“Vì vậy, ông ấy ở trong hoàn cảnh là Thụy Điển và Anh Quốc đều muốn giữ ông ta lại đơn giản là để điều tra. Việc này thì lại không đúng với luật pháp quốc tế,” ông Barns nói.

Như vậy, nếu nhóm đại diện cho LHQ đưa ra phán quyết cuối cùng, rằng ông Assange đang bị cầm giữ trái phép, thì LHQ sẽ đề nghị Anh Quốc và Thụy Điển phải để ông Assange tự do rời đi.

Luật sư Barns cho hay nhiều quốc gia ký kết các những công ước nhân quyền khác nhau và họ chọn khi nào thì tuân thủ theo những công ước đó.

“Hiện có một cuộc tranh luận gay gắt về luật quốc tế mà các nước nên tuân thủ và phải thực hiện trong thực tế.”

“Câu hỏi đặt ra là điều gì xảy ra một khi họ không thực hiện cam kết. Hậu quả của việc này có thể là lãnh các biện pháp trừng cho đến những hình phạt nghiêm khắc hơn.”

“Tuy nhiên, vấn đề thật sự là phải bảo đảm làm sao để các quốc gia đều cùng hành động cho nhất quán.”

“Khung pháp lý của LHQ chỉ có hiệu lực nếu như các quốc gia được coi là văn minh như Úc, Anh Quốc đều thực hiện theo phán quyết của các cơ quan độc lập của LHQ,” ông Barns nói.

Được biết, ông Assange đã được yêu cầu tham gia một cuộc phỏng vấn của các công tố viên Thụy Điển, ngay tại tòa đại sứ Ecuador ở London.

Đồng thời, cũng có tin cho rằng phía Thụy Điển sẵn sàng để các quan chức của Ecuador thực hiện công việc này.

Một trong những thành viên đoàn luật sư của Assange, bà Melinda Taylor cho biết, bà lạc quan về kết quả tích cực của những nỗ lực này.

Tuy nhiên, bà nói vẫn chưa thể chắc chắn được ông Assange có nhanh chóng được rời tòa đại sứ Ecuador nếu kết quả phán quyết có lợi cho ông, bởi vì vẫn còn đó nỗi lo ngại nhân vật này sẽ bị dẫn độ sang Mỹ.

“Tình hình còn khá phức tạp trong khi ông ấy vẫn đang bị cầm giữ bởi vì cảnh sát vẫn hiện diện bên ngoài tòa đại sứ và vẫn còn nguy cơ ông ấy có thể bị dẫn độ sang Mỹ.”

“Vì vậy, khả năng có thể rời tòa đại sứ không chỉ phụ thuộc vào việc ông ấy có bị bắt hay không mà còn phụ thuộc vào việc ông ta có được bảo vệ kỹ lưỡng hay không.”

“Hướng đi tốt nhất lúc này có lẽ là để ông ấy an toàn tới được Ecuador vì quốc gia đó đã cho phép ông ấy tỵ nạn chính trị.”

“Ecuador sẽ đủ khả năng bảo vệ ông ấy hiệu quả trước những nguy cơ về việc bị dẫn độ tới Mỹ,” bà Taylor nói.

 


Share