Sức khỏe là vàng (121) Trò chuyện cởi mở về vấn đề tự tử

Bullying

Image for representation purpose only. Source: Unsplash

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các nhóm chăm sóc sức khỏe tâm thần hàng đầu tại Úc đã phối hợp khởi động một chiến dịch mới nhằm ngăn chặn vấn nạn tự tử. Chiến dịch này khuyến khích mọi người trò chuyện với bạn bè và gia đình, hay bất cứ ai có dấu hiệu bất an, và trực tiếp hỏi họ rằng: Liệu có phải bạn đang có ý định tự tử hay không?


Chiến dịch #YouCanTalk kêu gọi người dân Úc hãy trò chuyện cởi mở hơn với gia đình hoặc bạn bè, nếu nghi ngờ ai đó có ý định tự tử, chẳng hạn như có sự thay đổi hành vi đột ngột, hoặc không còn chăm sóc cho ngoại hình và sức khỏe của mình như trước. 

Cô Josette chỉ mới 16 tuổi khi cô nảy sinh ý định tự tử. Cô nói, “Tôi bắt đầu cảm thấy quá tải vì áp lực từ trường học. Đồng thời, tôi cảm thấy bản thân mình không đủ tốt đẹp, và cuộc đời không còn đáng sống nữa.”

Các giáo viên của cô đã nhận thấy điều gì đó không ổn, dẫn đến những cuộc trò chuyện giúp cứu mạng cô bé này.

“Khi bạn trò chuyện với người khác về vấn đề tự tử, bạn đang cho họ cơ hội để giãi bày tâm sự,” Josette giải thích. 

“Trên thực tế, bạn đang cho họ cơ hội để nói chuyện với bạn và lập kế hoạch an toàn, kéo dài thêm thời gian, và thậm chí có thể cứu được một mạng sống.”

Các tổ chức chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng chống tự tử hàng đầu tại Úc cho rằng, người ta có thể cứu mạng thêm nhiều người nữa nếu xã hội cởi mở hơn về vấn nạn tự tử.

Cùng với nhau, Beyondblue, Black Dog Institute, Everymind, Headspace, Lifeline, Reachout và R U OK? đã khởi động chiến dịch #YouCanTalk.
Giám đốc điều hành Beyondblue, bà Georgie Harman nói rằng họ muốn khơi mào những cuộc nói chuyện thành thật về tự tử.

“Chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay với một thông điệp rất đơn giản cho cộng đồng, và thông điệp đó là, ‘Bạn có thể trò chuyện về tự tử.’ Bạn có thể nói về chuyện đó một cách an toàn. Bạn có thể trò chuyện về tự tử bằng cách đưa ra những câu hỏi rất trực tiếp,” bà nói.

Một nghiên cứu của Đại học Melbourne tiết lộ, một nửa số người tham gia tin rằng họ cần phải là một chuyên gia về sức khỏe tâm thần để có thể giúp đỡ một người khác đang có ý định tự tử. Và hai trong năm người tin rằng việc trò chuyện về tự tử có thể khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Người dân Úc được khuyến khích nên để ý chăm sóc cho bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Giám đốc điều hành R U OK?, ông Brendan Maher nói rằng đôi khi họ có thể nhận ra những thay đổi đáng lo ngại trong hành vi của người khác.

“Có thể họ không trả lời điện thoại. Có thể họ không đến quán rượu như thường lệ vào tối thứ Sáu. Có thể họ không đến buổi tập bóng đá. Có thể họ không trau chuốt bề ngoài nữa. Bất cứ điều gì mà bạn cảm thấy bất thường ở những người mà bạn biết...” ông nói.

Còn giám đốc điều hành Lifeline Bob Gilkes thì cho rằng mọi người nên cởi mở hơn về những điều khiến cho họ lo lắng.

“Điểm khởi đầu chỉ đơn giản là ngồi với họ, tỏ ra cởi mở và lắng nghe. Và chúng tôi khuyến khích mọi người đưa ra một câu hỏi trực tiếp kiểu như, ‘Có phải bạn đang có ý định tự tử hay không?’”

Tỉ lệ tự tử ở người Thổ dân cao gấp bốn lần so với các sắc dân khác trong xã hội Úc. Lãnh đạo dự án Dịch vụ ứng phó khẩn cấp toàn quốc dành cho Thổ dân, bà Adele Cox bày tỏ lo ngại rằng các dịch vụ sức khỏe tâm thần hiện không có đủ nguồn lực để đáp ứng.

“Tôi nghĩ số lượng nhân viên là một yếu tố quan trọng trong vấn đề này, phòng khi phải giải quyết số lượng bệnh nhân bổ sung, bạn biết đấy, nếu có nhiều người tìm đến các dịch vụ sức khỏe tâm thần hơn,” bà nói.

Trung bình mỗi ngày tại Úc có 8 người tự tử và 200 người nhen nhóm ý định này.
The launch of the #YouCanTalk campaign
The launch of the #YouCanTalk campaign Source: SBS
Vấn nạn tự tử cũng rất đáng quan tâm trong cộng đồng người Việt tại Úc. Bác sĩ Phan Đình Hiệp nói với đài SBS rằng, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và khoảng cách giữa các thế hệ, nằm trong số những yếu tố gây áp lực, khiến tỷ lệ tự tử trong giới trẻ Việt ở hải ngoại tăng cao.

“Trong chúng ta, rất nhiều người bị bệnh trầm cảm, đặc biệt vì chúng ta có hàng rào về văn hóa và ngôn ngữ, cho nên sự khác nhau giữa các thế hệ cũng gây áp lực đến thế hệ trẻ khá nhiều. Và trên thực tế thì tỷ lệ về bệnh trầm cảm hay là những sự kiện về những bạn trẻ quyên sinh đã xảy ra trong cộng đồng chúng ta.”

Nói về nguồn gốc của căn bệnh trầm cảm, bác sĩ Hiệp cho rằng có những nguyên nhân như nội sinh, di truyền, tính cách cá nhân, bệnh lý, uống rượu, sử dụng chất kích thích, stress lâu dài, hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân.

“Về nguồn gốc phát sinh của bệnh trầm cảm thì có nhiều yếu tố. Có những yếu tố về nội sinh, nghĩa là bản thân trong não con người ta chưa có cân bằng về hóa chất trong đó, cho nên người ta có thể biểu hiện ra bên ngoài thành trầm cảm. Hay là một số người có nguyên nhân di truyền, giống như là cha mẹ rồi đến con cái, nhưng mà không phải là mọi người đều cùng bị như vậy. Hoặc là do đặc tính của cá nhân, có những người mà họ không thể đương đầu với stress, hoặc tâm lý bất ổn thì người ta dễ bị hơn. Nói thêm nữa là một số người bị một số bệnh lý, chẳng hạn như là bệnh ung thư hoặc tim mạch, người ta thấy tâm tính thay đổi hoặc là cái nỗi buồn nó dai dẳng, kéo dài, thì nó chuyển qua dạng trầm cảm. Đặc biệt là ở một số người, vấn đề về uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích cũng gây rủi ro để mà chuyển qua thành bệnh trầm cảm. Những người bị stress lâu dài, chẳng hạn như lo lắng về tài chính, kinh tế, gia đình bất hòa, nếu một hai tuần thì không sao, nhưng mà nếu nó kéo dài dai dẳng, thì tất cả những cái đó có thể là nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh của bệnh trầm cảm. Và khi trầm cảm quá nặng thì người ta nghĩ đến chuyện quyên sinh.

“Nói về làm sao để phòng ngừa thì chúng ta phải căn cứ trên nguyên nhân. Ví dụ như với nguyên nhân về bệnh lý như ung thư hoặc tim mạch, thì khi điều trị có khả năng giảm bớt. Nếu là những nguyên nhân do căng thẳng trong gia đình hay kinh tế thì tất nhiên là trong gia đình phải giải quyết, hay tìm đến những chuyên viên tư vấn về tâm lý, hoặc chuyên viên tư vấn về gia đình. Người Việt chúng ta ít quen dùng những dịch vụ tư vấn như vậy. Những người hút thuốc hoặc rượu bia thì chúng ta phải hạn chế đừng có sa đà vào nghiện ngập những cái gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Còn đặc biệt là những nhóm nguyên nhân nội sinh, tức là nguyên nhân thiếu hụt hóa chất trong cơ thể làm cho người ta buồn, thì kể cả những người rất thành công, những bạn trẻ, nhưng mà người ta tự nhiên thấy buồn không hiểu vì sao, rồi tìm đến con đường rất là buồn cho mọi người.  

“Điều quan trọng là tìm sự giúp đỡ về nhân viên y tế. Bước đơn giản nhất là những chuyên viên tư vấn về gia đình, nếu gia đình bất hòa thì có những tư vấn về hạnh phúc gia đình, hoặc những nhân viên công tác xã hội. Và ở Úc thì chúng ta có mạng lưới bác sĩ gia đình rất tốt, nên các ông bà, anh chị em, các bạn trẻ nếu cần thì cứ tìm đến bác sĩ gia đình, có thể ở phòng mạch hoặc là những bác sĩ gia đình có cơ sở ngay trong các trường học. Đó là những nơi mà các em và bệnh nhân có thể tìm kiếm sự tư vấn ngay từ ban đầu. Sau đó thì ở Úc đặc biệt có thêm dịch vụ bác sĩ gia đình có thể giới thiệu bệnh nhân đi gặp các chuyên viên tâm lý, và dịch vụ này có thể được chính phủ tài trợ rất là lớn. Rồi nếu trường hợp nặng quá thì đôi lúc bác sĩ gia đình phải gửi đến những chuyên khoa về tâm thần. Nếu trong tình huống khẩn cấp, tức là những người có ước muốn quyên sinh, thì có lẽ nhanh nhất là phải tiếp xúc với những ban chuyên về xử lý khủng hoảng, hoặc là đến khoa cấp cứu của bệnh viện. Ngoài ra còn có những helpline của chính phủ dành cho chúng ta, như Beyondblue, hoặc Lifeline.”

Tại Úc, nếu cần giúp đỡ về vấn đề trầm cảm hoặc những người có ý định tự tử, quý vị có thể gọi cho Lifeline theo số 13 11 14, hoặc beyondblue theo số 1300 22 4636.

Tìm hiểu thêm chi tiết về chiến dịch #YouCanTalk tại trang mạng 

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share