Hạt giống yêu thương: Những gương mặt văn nghệ sĩ ra đi năm 2020

Những gương mặt văn nghệ sĩ ra đi năm 2020

Những gương mặt văn nghệ sĩ ra đi năm 2020 Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Với nhiều người Việt mộ văn chương thì những tác phẩm của Nguyễn Đức Sơn, Hoàng Hải Thủy, Huỳnh Phan Anh ít nhiều đưa nội tâm họ miên viễn vào chiều sâu của tâm tưởng, với nhiều người khác những hạt ngọc thiện lành từ các trang sách mà hai vợ chồng nhà văn Nhật Tiến-Vũ Phương Khanh miệt mài gieo cho đời hẳn đơm hoa kết trái, và với nhiều người khác dù quan tâm hay không quan tâm tới chữ nghĩa thì chắc chắn ít nhiều cũng đã chia buồn sẻ ngọt đời mình với giọng ca Thái Thanh và Mai Hương hay cười một trận rồi thôi với Chí Tài. Họ, những văn nghệ sĩ Việt đến và đi trong cuộc đời này và để lại tình yêu cho nhiều người sau khi tìm đến tác phẩm của họ.


Năm 2020 chắc chắn là năm ghi dấu ấn lâu dài trong lịch sử loài người về dịch bệnh về những thứ kỳ dị xung quanh đại dịch COVID này, với nhiều người Việt năm 2020 nhắc lại sẽ là năm mà nhiều thế hệ người Việt tưởng nhiệm những gương mặt nổi bật trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam ra ra đi trong năm nay.

Nữ danh ca Thái Thanh qua đời vào sáng Thứ Ba, 17/03/2020, tại Little Saigon, hưởng họ 86 tuổi. Giọng ca của bà là giọng của yêu thương của hồn người Việt, một giọng ca dệt lên quê hương đất nước và tự tình dân tộc trong lòng bao thế hệ Việt Nam.

Nữ danh ca Thái Thanh có khả năng gần như hát bài nào cũng hay, và cách bà nhả chữ có thể nói không miết đúng tình cảm cần diễn tả mà còn thả đúng cung bật ngữ điệu trong âm sắc tiếng Việt.

Nói về giọng ca của bà có nhạc sĩ Phạm Duy mô tả đó là một giọng hát diễm tuyệt đã chuyên chở "tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước".

Tiếng hát của bà như chiếc thuyền ngụ ngôn cho nhiều người tựa vào để chuyên chở mạch ký ức của mình về quê hương Việt.
Nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời ngày 6/05/2020 tại nhà sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư phổi.

Ông là tác giả cảu Thu, hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang...

Trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển về người tình đi biền biệt trong ca khúc nổi tiếng Thu Hát Cho Người của ông, và cơ duyên đưa ông đến với cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ để từ đó ông có Điệu Buồn Phương Nam tha thiết tình ngươì.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn mất ngày 11/6/2020.

Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, huyện Thanh Hải tỉnh Ninh Thuận, quê gốc ở Thừa Thiên Huế. Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu làm thơ rất sớm với với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Từ khi tuổi trẻ thơ ông đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình. Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được coi là ba kỳ nhân nổi danh về tài năng và sự quái dị trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975. Ông cũng được xem là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.

Nhân ngày mất của nhà thở Nguyễn Đức Sơn nhà báo Hà Đình Nguyên có nhắc bài viết trên tờ Khởi hành số 16 ra ngày 14 Tháng Tám, 1969 trong có lời của Nhà văn Tam Ích : “Riêng về thơ, thì tôi thấy có Nguyễn Đức Sơn là lỗi lạc, Phạm Thiên Thư, đại đức, là khác thường”.

Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt cũng cho rằng “Về thơ ở trần gian này, riêng tôi khoái có vài người gọi là bậc siêu thần bạt thánh côn đồ lão tổ nhất là Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện. Ngoài ra, hết!” đăng trên tờ Sóng Thần ra ngày 5/5/1972.

Nguyễn Đức Sơn có một giọng văn rất “không giống ai.”

Vào những năm sau năm 75 khi nhà nhà người người đều phải cầm cuốc thì mới gọi là lao động Nguyễn Đức Sơn có bài thơ cây bông hai chữ rất độc đáo cả ý lẫn tứ về thời kỳ này:

Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ.

Tuy vậy thì như bất cứ một con dân việt nào, người thi sĩ ngông nghênh Nguyễn Đức Sơn khi nói về quê hương bản quán của mình hình lòng ông chùng xuống và dịu dàng vô cùng, dịu dàng quá đỗi:

Tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ruộng xưa cò bay thẳng cánh
gặt hái vừa độ trăng liềm

Mười mấy năm rồi dì nhỉ
Lạc loài xa mãi cố hương
giờ đây ngồi mà suy nghĩ
Lòng dạ ai người không thương

(...)                                          

ông ngoại chắc già ghê lắm
mấy người dì nữa nhưng thôi
đất cằn quê hương nứt rạn
kể thêm đau lòng dì ơi

dù sao cũng là xứ sở
đói nghèo đừng lạt tình thương
mười năm không cúng không giỗ
dì về ấm lại khói hương

tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ở đây làm gì có bán
thấy người ta ăn bắt thèm.
Nhà văn và là dịch giả Đỗ Phương Khanh đã từ trần hôm Thứ Tư 26/8/2020 tại nhà ở Westminster, Quận Cam, hưởng thọ 84 tuổi. Bà là hiền thê của nhà văn Nhật Tiến (nguyên Phó Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam 1963-1975).

Đỗ Phương Khanh sinh ngày 9 tháng 8 năm 1936 tại Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, xuất hiện lần đầu với truyện ngắn Đi Mua Giầy trên Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh kể từ số 4 (tháng 8-1958). Bà có 3 truyện ngắn được Nhất Linh chọn in trên Giai Phẩm này ở các số kế tiếp. Sau khi Văn Hóa Ngày Nay đình bản, bà qua cộng tác với tạp chí Tân Phong của nhà văn Nguyễn thị Vinh với nhiều truyện ngắn khác, sau xuất bản thành tập truyện Hương Thu do Đông Phương ấn hành.

Đầu thập niên 70, bà giữ vai trò quản lý trị sự cho tuần báo Thiếu Nhi đồng thời phụ trách trang Vườn Hồng và sinh họat với Gia Đình Thiếu Nhi là một tập hợp độc giả của tuần báo này cho tới năm 1975.

Cũng trong thời gian này, Đỗ Phương Khanh phụ trách trang Nhi đồng cho nhật báo Hòa Bình với bút hiệu Mai Loan và là người phụ trách trang Phụ Nữ của nhật báo Dân Chủ cho tới năm 1975.

Tháng 4 năm 1980, bà cùng hai ái nữ vượt biên, tới được bờ biển Mã Lai và nhập trại tỵ nạn Pulau Tengah tại Mã Lai, sáu tháng sau đi đoàn tụ với gia đình (nhà văn Nhật Tiến) ở Hoa Kỳ vào tháng 10-1980.

Bà cũng là Giám Đốc vườn trẻ Anh Vũ, một cơ sở mẫu giáo chuyên dạy trẻ em theo phương pháp Montessori từ năm 1973 tới 1975. 

Nói về mẹ, anh Michael Bùi con trai của hai vợ chồng Đỗ Phương Khanh và Nhật Tiến có chia sẻ bài viết về dài và rất cảm động trong ngày mất của bà để có thể thấy rằng bà thật sự là một phụ nữ Hà Thành với tất cả những sự nhẹ nhàng duyên dáng và nhà giáo dục với sự thông hiểu và điềm tĩnh tuyệt vời của một nhà giáo trước của con trẻ.

"Có thể nói là Mẹ tôi rất thương tôi, chưa bao giờ Mẹ tôi la rầy gì hết cho mặc tôi có phá phách kiểu gì đi nữa, Mẹ tôi chỉ nhìn và khuyên tôi thôi đừng làm vậy nữa nhe con. Hồi xưa kỷ thuật in ấn còn thô sơ chứ không viết bằng computer rồi in ra như bây giờ. Bài viết được thợ sắp chữ nhìn vào rồi bốc từng chữ chì cho vào cái khay, ABCD - sắc huyền hỏi ngã nặng, sắp được vài hàng là họ phải bỏ qua một bên rồi sắp tiếp, một trang bài có là thợ giỏi cũng mất khoảng 1/2 tiếng, khi đầy trang rồi thì lấy dây cói cột lại, xong họ cà mực lên chì rồi lăn qua giấy trắng, chữ chì ngược khi in qua tờ giấy sẽ hiện ra chử xuôi.

"Dĩ nhiên là khi bốc từng chữ như vậy chắc chắn họ sẽ bốc lộn, Mẹ tôi sẽ coi lại những chỗ sai gọi là sửa Morát, bà lấy bút lôi ra sửa từng chữ rồi trả về cho thợ sắp chữ, họ chỉ việc lấy cái nhíp gắp từng chữ sai ra rồi thay vào đó bằng chữ khác cho đúng. Bản chì đã sửa đủ thành trang, họ chồng lên nhau đễ chờ đưa vào máy in.

"Thế mà ban đêm bọn con nít chúng tôi kéo nhau vô chạy nhảy trong nhà in làm lộn tùng phèo hết đống chữ ấy, kéo theo những chồng giấy in khổ báo lớn chất cao tới trần nhà xập xuống đổ ngổn ngang. Thế là sáng hôm sau những người thợ phải làm lại từ đầu.Họ báo cáo lên thì Mẹ tôi cũng không nói gì, bà chỉ yên lặng khi nhìn ra thủ phạm chính là tôi, rồi hiền từ nói, các con muốn chạy nhảy thì ra sân mà chơi nhé, đừng làm công việc nhà in của Mẹ bị chậm trễ."
Bà ra đi thì một tháng sau Nhà văn NhậtTiến - chồng bà, cũng ra đi là vào ngày 14/9/2020 tại thành phố Irvine, Quận Cam.

Ông sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội trong một gia đình trung lưu, có bảy người con (sau có hai người theo nghiệp văn là Nhật Tiến và Nhật Tuấn). Thuở nhỏ, ông học trường Hàng Vôi, rồi học trung học tại trường Chu Văn An (Hà Nội).

Sau 1951, khi nhà văn Nhất Linh ra tạp chí Văn hóa ngày nay thì ông được mời đến cộng tác ngay từ số đầu.

Năm 1954, ông di cư vào Nam dạy học tại các trường tư thục. Năm 1953, ông sáng tác nhiều hơn, phần lớn là kịch, đăng trên các báo Cải tạo, Thời tập, Chánh đạo...

Ông làm Chủ biên nhà xuất bản Huyền Trân, và làm Chủ bút tuần báo Thiếu nhi (1971-1975) do nhà sách Khai Trí xuất bản. Ông cũng là giảng viên tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Chiến tranh chính trị thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị của Việt Nam Cộng hòa. Nhà văn Nhật Tiến còn giữ phó chủ tịch của Trung tâm Văn bút Việt Nam từ 1963 đến 1975 và năm 1974 được chọn làm thành viên của Hội đồng Văn hoá Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà.

Ngoài ra, ông còn từng là cây viết đều đặn cho các báo Tân phong, Văn, Bách khoa, Văn học, Đông phương...

Năm 1975, ông tiếp tục dạy lý hóa ở trường Hưng Đạo cho tới năm 1979, thì vượt biển qua Thái Lan tỵ nạn rồi định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980.

Nhà báo Nguyễn Vy Túy, chủ bút Báo Chiêu Dương ở Sydney, cho Mai Hoa biết thêm về tác giả của Thềm Hoang được giải nhất Văn Chương Toàn Quốc năm 1962 rằng "không thể nào tả hết những ảnh hưởng của tác phẩm mà hai ông bà đã có với người đọc của thế hê của ông".

Thomas Wilson một người bạn của hai ông bà và là người cộng tác để chuyển dịch những tác phẩm cổ điển Việt Nam ra tiếng Anh chia sẻ bài viết về sự ra đi của hai người

Thân phụ của các bạn đã giới thiệu đến tôi những nét đẹp tuyệt vời của nền văn hóa và dân tộc Việt, cả hai điều mà ông từng yêu quý như da thịt của chính mình. Ông thích thú khuyến khích tôi làm quen với nền văn hóa đó và những con người đó. Tôi tin chắc rằng bất cứ ai từng chứng kiến ​​hai chúng tôi lái xe dọc theo đường Brookhurst, với cửa sổ hạ xuống, cùng ca vang một bài hát thiếu nhi bằng tiếng Việt, chắc chắn sẽ đặt câu hỏi về sự tỉnh táo của chúng tôi. Và cả những thực khách trong quán Phở 79, nơi mà chúng tôi hay đi ăn vào sáng Chủ Nhật, chắc họ cũng rất thắc mắc khi thấy ông đọc một trang "Truyện Kiều” và để tôi đọc bản dịch tiếng Anh ở trang đối diện, không biết họ nghĩ gì về chúng tôi, nhưng đối với tôi, mỗi lần như vậy là niềm vui khôn tả.

Và nói về tình cảm với dịch giả nhà giáo dục Đỗ Phương Khanh Thomas Wilson chia sẻ:

"Lúc mới quen, thân mẫu của các bạn đã nói với tôi rằng, tôi là người em trai đã quá cố của bà đầu thai. Bà luôn coi tôi như một người em và bà cũng đã giúp tôi giải quyết những thắc mắc của tôi với nền văn hóa Việt, những hiểu lầm không thể tránh giữa hai nền văn hóa. Dạo ấy, bà bắt tôi đọc cuốn “Những Điều Phật Dạy', với nỗ lực giúp tôi tiếp cận với truyền thống tốt đẹp này. Tôi đã đọc đi, đọc lại nó trong nhiều năm trời và cũng… gần hiểu."
Tôi vẫn còn nhớ như in, song thân của các bạn, ngồi chụm đầu bên cái bàn trong nhà bếp ở ngôi nhà đường South King, cắm cúi sửa những cái máy cà thẻ ATM và chuyện trò với tôi về tình thương yêu của họ cho gia đình và cho nền văn hóa ấy. Thật là một thời gian tuyệt vời đối với tôi."

Năm 2020 cũng chứng kiến sự ra đi của dịch giả, nhà phê bình văn học Huỳnh Phan Anh qua đời ngày 30/08/2020 tại San Jose, California sau một thời gian nằm bệnh, hưởng thọ 81 tuổi.

Một số sáng tác của ông: Những Ngày Mưa (truyện vừa, Phía Ngoài (tập truyện viết chung với Ng Đình Toàn, và dịch các tác phẩm Chuông Gọi Hồn Ai (tiểu thuyết, Ernest Hemingway), Tình Yêu Bên Vực Thẳm (tiểu thuyết, Erich Maria Remarque), Rimbaud toàn tập (dịch thơ Arthur Rimbaud), Thời Gian Của Một Tiếng Thở Dài (dịch Anne Philipe).

Nếu ai đã từng đắm đuối với Chuông Nguyện Hồn Ai của Ernest Hemingway và Tình Yêu Bên Vực Thẳm của Erich Maria Remarque thì hẳn cũng nhận ra rằng dịch giả đã khéo léo giấu mình trong lúc cùng lúc cháy và cùng thăng hoa với tác giả chính để chuyển tải trọn vẹn vẻ đẹp của tác phẩm đến với đọc giả người Việt.

Nếu có dịp đọc lại những bản dịch này quý vị sẽ nhấm nháp lại món ăn tinh thần tuyệt vời mà chúng ta có thể thưởng thức và cảm ơn người đã đem lại cái đẹp đó cho chúng ta.
Hai tháng cuối năm 2020 là khoản thời gian chứng kiến nhiều người ra đi.

Nhạc sĩ Lê Dinh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ sáng này 9/11/2020 theo giờ địa phương, hưởng thọ 86 tuổi.

Lê Dinh, người nhạc sĩ cuối cùng trong nhóm Lê Minh Bằng nổi tiếng một thời đã hội ngộ cùng hai người bạn của mình là cố nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng ở nơi xa lắm. Ông là tác giả của nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Thương Đời Hoa, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao, Nỗi Buồn Châu Pha, Hạnh Phúc Đầu Xuân, Chiều lên bảng thượng, Biển Dâu.

Đến cuối tháng 11 thì người mộ điệu Việt Nam mất thêm viên ngọc quý trong giới ca sĩ, danh ca Mai Hương cũng đã theo chân người cô ruột là nữ danh ca Thái Thanh ra đi ở tuổi 79 vào chiều 29/11/2020, tại nhà riêng ở thành phố Irvine, miền Nam California.

Ông Trương Dục, chồng ca sĩ Mai Hương, xác nhận tin này với nhật báo Người Việt, và cho biết, “nhà tôi mất trước khi chỉ còn vài ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 79.”
Đến đầu tháng 12 thì dịch giả nhà văn Hoàng Hải Thủy ra đi. Ông sinh năm 1933 tại Hà Đông và mất ngày 6/12/2020, tại Virginia, vì tuổi già, hưởng thọ 87 tuổi.

Ông còn có các bút hiệu khác như Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn …

Ông vào Nam năm 1951, từng trải qua các việc: phóng viên nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, phòng 5 bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Mỹ. Năm 1977 bị Công An Việt Cộng bắt nhốt 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5/1984 bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm. Năm 1990 trở về Sàigòn, năm 1994 sang Hoa Kỳ tị nạn, định cư ở Virginia.

Các tác phẩm của Hoàng Hải Thủy như Vũ Nữ Sài Gòn, Nổ Như Tạc Đạn; Kiều Giang (phóng tác từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte), Gái Trọ, Đỉnh Gió Hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Như Chuyện Thần Tiên (Scoprion Reef), Điệp Viên 007 (phóng tác).

Cũng xin nhắc qua để không nhần lẫn giữa bản phóng tác Đỉnh Gió Hú từ nguyên tác Wuthering Heights của Emyly Bronté của Hoàng hải Thủy vào 1969 với bản dịch cùng tên của nhà văn Nhất Linh. Đây là tác phẩm dịch duy nhất của Nhất Linh và ông dịch cuốn Wuthering Heights từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque, đăng trên nguyệt san Tân Phong ở Sài Gòn vào năm 1960.

Có thể nói những nhà văn dịch giả là những người đắm đuối với chữ nghĩa và đem cái đẹp của nó chia sẻ với người đọc giúp nhiều thế hệ làm giàu thêm vốn từ và đời sống nội tâm của mình.

Nếu đã yêu con chữ rồi thì khi đọc một đoạn văn hay được viết cẩn trọng chau chuốt mà không phô phang, chân phương mà không kém phần tinh tế, giọng văn đầy sức gợi cảm, đầy hình ảnh và không thiếu phần nhạc điệu trong cách sắp đặt âm sắc của con chữ tiếng Việt, nói tóm lại một đoạn văn có tất cả tính chân thiện mỹ thì gặp một văn như vậy người đọc khoan khoái thỏa mãn như được thưởng thức một món ăn rất chi là tinh tế.

Phải yêu con chữ lắm thì người viết mới đem được cái điều đó tới cho người đọc.

Trong một bài viết vào năm nay của Hoàng Hải Thủy ông chia sẻ câu chuyện một bản dịch Trăm năm Cô đơn vào năm 2014 mà ông tâm đắc nhưng không ra đời được để thấy cái tình yêu chữ nghĩa của ông và đó là một tình yêu rất kỳ lạ.

Bài viết có tựa đề "Mùa Dịch Covid-19 Đọc Lại Trăm Năm Cô Đơn" của tôi vào ngày 10 tháng Tư, năm 2020.

“Lần thứ nhất tôi cầm quyển “One Hundred Years of Solitude” của Gabriel Garcia Marquez, lần thứ nhất tôi biết tên ông. Truyện tiếng Anh, khoảng 800 trang chữ nhỏ. Nếu dịch trọn truyện bản chữ Việt phải ít nhất là 2000 trang. Nhà văn viết “One Hundred Years of Solitude” bằng tiếng Espagnole: Spanish – Tây Ban Nha, Y Pha Nho – tác phẩm được dịch sang tiếng Anh…

Lẽ ra phải chọn “Trăm Năm Cô Đơn,” cái tên Việt tuyệt đúng với tên Anh, tôi ngớ ngẩn chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”. Ngớ ngẩn hết nước nói. Cảnh hiu quạnh, người cô đơn. Thay vì nói “Trăm Năm Cô Đơn” hay hơn, đúng hơn, Trùng Dương không nói, nàng để tôi chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”…

Trước khi dịch, tôi để hai đêm đọc “One Hundred Years of Solitude”. Tôi mê mẩn vì truyện. Những lời văn Anh bay như Thơ, đẹp như Hoa, mịn như Lụa. Nghe tôi ca tụng, có người bảo: “Đọc nguyên bản tiếng Ét-ba-nhon còn hay, còn mê hơn nhiều”.
Sau sự ra đi của Hoàng Hải Thủy là sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài vào ngày 9/12/2020 vì một cơn đột quỵ tại Việt Nam ở tuổi 61.

Anh tên đầy đủ là Nguyễn Chí Tài, xuất thân là một nhạc công, ca sĩ, sau chuyển qua diễn hài cùng với Hoài Linh.
Có hai điều mà người ta hay nhắc về Chí Tài đó là anh anh sống xa vợ và tình bạn của anh với Hoài Linh

Việc anh và vợ sống xa nhau gần cả 20 năm để anh về Việt Nam biểu diễn có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chắc chắn một điều là ở Việt Nam anh có khán giả, có tụ điểm có show có tất cả những hoạt động nghệ thuật gần như hàng đêm mà ở nước ngoài một nghệ sĩ Việt không có được. Điều này có người không cần nhưng có người thì đó là hơi thở là đời sống của họ. Đoạn trích trong một buổi đi diễn tụ điểm ca nhạc ngoài trời tại Đà Lạt để hiểu hơn phần nào lý do anh chọn về Việt Nam hay nói đúng hơn người nghệ sĩ trong anh đã đưa anh về Việt Nam.

Và điều thứ hai là tình bạn giữa Chí Tài và Hoài Linh.

Hoài Linh là người phát hiện ra khả năng hài hước ở Chí Tài và đưa anh từ một nhạc công bước vào làng diễn viên hài. Từ lúc đó họ diễn cặp với nhau cho đến khi Chí Tài ra đi mà theo như chia sẻ của họ thì họ chưa bao giờ phật ý nhau điều gì. Trích đoạn diễn dưới đây dù là chuyện diễn nhưng trong đó có phần đời sống thật của họ ngoài đời.
Và cuối cùng là sự chia tay của Nhạc sĩ Lam Phương, ông ra đi ngày 22/12/2020 tại thành phố Fountain Valley, bang California (Mỹ), hưởng thọ 83 tuổi.

Theo VN Express tổng kết thì Nhạc sĩ Lam Phương để lại khoản 270 tác phẩm phong phú với nhiều chủ đề chủ đề quê hương thân phận, tình yêu và sự mất mát.

Từ ca khúc đầu tay Chiều thu ấy năm 15 tuổi, đến ca khúc làm nên tên tuổi của ông Kiếp nghèo rồi tiếp đến hàng loạt những ca khúc nổi tiếng của ông như Khúc ca ngày mùa vào lúc tuổi còn rất trẻ.

Năm 20 tuổi Nhạc sỹ Lam Phương sáng tác bản 'Chuyến đò vỹ tuyến' độ năm 1956-1957, khi cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đã gần như đi vào ngõ cụt và sự chia cắt không biết bao giờ mới chấm dứt. Có thể thấy ở một chàng trai trẻ măng mà có những tâm sự sầu nặng tình cảm quê hương đất nước như trong bài hát này

Có lẽ ông là người nhạc sĩ được trả tiền tác quyền nhiều như. Chỉ riêng bài "Thành phố buồn" vào năm 1972 ông được trả 12 triệu đồng, nếu so sánh với giá một chiếc xe Hon-da hai bánh nhập nguyên chiếc từ Nhật vào thời điểm đó chỉ với giá $30,000 thì mới thấy con số 12 triệu cho tác quyền một bài hát thật là khủng khiếp.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, vào năm nhạc sĩ Lam Phương 80 tuổi tức năm 2016 có một bài viết rất dài và rất dí dỏm và đầy thông tin thú vị về Lam Phương. Bài viết về những cuộc tình của người nhạc sĩ theo đó là sự ra đời những bài hát rất được ưa chuộng của Lam Phương.

Trong bài viết đó nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn nhận xét rằng Lam Phương không chỉ là người nhạc sĩ làm ra nhiều tiền nhất từ việc bán bản quyền tác phẩm của mình mà ông còn là người nhạc sĩ gần như duy nhất có show lưu diễn khắp các châu lục. Điển hình như show lưu diễn ở Singapore vào thời điểm nhà văn MC Nguyễn Ngọc Ngạn viết bài mừng thọ 80 tuổi của ông nhạc sĩ.

Tuy nhiên ông chỉ về đến Singapore chứ chưa bao giờ về lại Việt Nam.

Đi một vòng đời để thấy rằng đường về quê hương vẫn đau đáu trong lòng nhiều người mà người nhạc sĩ đã nói hộ. Tuổi 20 quê hương chia cắt bởi con đò vĩ tuyến về già thì già thì thậm chí con đò cũng không có để mà về. Đường về quê hương là một ca khúc của ông mà cũng là niềm thương nhớ vô cùng mà người nhạc sĩ nói hộ nhiều người Việt Nam.

Những nghệ sĩ chia tay chúng ta trong năm 2020, mỗi người đều mang trong lòng mình một tình yêu vô bờ bến về mãnh đất mình đã sinh ra, tình cảm đó của họ đã thăng hoa kết trái thành tác phẩm và đó tình yêu mà họ để lại cho chúng ta.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share