Du khách quốc tế bị mắc kẹt khi các quốc gia tuyên bố phong tỏa để chống Covid-19

Marines on guard at a semi-closed airport, in Lima, Peru

Marines on guard at a semi-closed airport, in Lima, Peru Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhiều hành khách quốc tế bị mắc kẹt tại Mỹ La-tinh, giữa lúc các quốc gia trên thế giới đang chạy đua ban hành lệnh đóng cửa biên giới, nhằm chiến đấu với đại dịch coronavirus. Các nền kinh tế lớn cũng chuẩn bị nhận lấy gánh nặng sắp sửa xảy ra do tình hình tài chánh lao dốc, Hoa Kỳ lên kế hoạch tung ra gói kích thích kinh tế một ngàn tỷ Mỹ kim.


Du khách người Úc Ali MacGregor, Tess MacGregor và Ashlee Baker đã viếng thăm Nam Mỹ gần hai tháng nay, họ đã đến Cusco gần khu cổ sơn lịch sử Machu Picchu.

Tuy nhiên chỉ vài giờ trước khi họ bắt đầu chuyến thám hiểm cổ sơn 7 ngày, vào ngày 15/3, họ được người hướng dẫn cho biết phải sắp xếp hành lý để nhanh chóng lên máy bay về nước.

Tối hôm đó, tổng thống Peru Martín Vizcarra tuyên bố biên giới của quốc gia sẽ đóng cửa, trong nỗ lực ngăn chặn sự phát tán của đại dịch COVID-19.

Nhóm du khách, trong độ tuổi 20, vốn vẫn theo dõi tin tức về dịch bệnh thường xuyên, nhưng theo lời cô Ali MacGregor thì tuyên bố đầy bất ngờ đã khiến họ ngạc nhiên.

Các cô gái trẻ buộc phải rời khách sạn, tuy nhiên khi đang trên đường ra phi trường, họ bị chặn lại tại một điểm kiểm soát của quân đội, bắt buộc họ phải quay trở lại.

Sau đó họ tìm được một căn phòng trên Air-BNB và, như lời Tess Macgregor nói, họ đã sống trong điều kiện quốc gia bị phong tỏa kể từ hôm đó. Cô nói:

‘Nếu bạn đi vào tiệm thực phẩm, sẽ có người xịt nước rửa tay diệt khuẩn để bạn rửa tay, luôn có một hàng dài trước các tiệm bán thực phẩm.  Thật may là chúng tôi có đủ tiền để sinh sống qua ngày ít nhất trong hai tuần. nhưng nếu tính cả việc mua vé máy bay để quay về Úc, thì số tiền sẽ rất nhiều. Vì vậy lúc này chúng tôi vẫn ổn, nhưng nếu lệnh phong tỏa kéo dài cả tháng hoặc hơn nữa, và giá vé máy bay không giảm, thì chúng tôi thật sự gặp khó khăn’.

Có rất nhiều câu chuyện tương tự như nhóm du khách Úc nói trên, xảy ra khắp các quốc gia Mỹ Latinh, khi các nước này đóng cửa biên giới để chặn đứng đại dịch.

Brazil vừa xác nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19, đúng vào lúc tổng thống Jair Bolsonaro xóa bỏ các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc.

Tại Âu Châu, các nhà lãnh đạo đồng ý quyết định đóng cửa biên giới thêm 30 ngày, cũng như nhanh chóng thu thập các thiết bị y khoa và những thực phẩm cần thiết.

Nước Pháp theo chân Tây Ban Nha để tiến hành lệnh phong tỏa toàn bộ quốc gia, trong khi đó một vài vùng ở Áo, gần như trong tình trạng bất động, trong ngày thứ hai bị đặt dưới lệnh giới nghiêm.

Coronavirus cũng nhanh chóng lan khắp Phi Châu, với hơn 400 ca xác nhận nhiễm bệnh ở 30 quốc gia của châu lục này.

Người đứng đầu cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria, ông Chikwe Ihekweazu cảnh báo hệ thống y tế của quốc gia có thể gặp nhiều khó khăn khi đương đầu với đại dịch.

‘Đó là bởi vì chúng tôi lo ngại về năng lực xử lý của mình nếu đại dịch bùng phát trên phạm vi rộng, chúng tôi hiện nay tăng cường chú ý đến việc phòng ngừa và phát hiện ca nhiễm bệnh càng sớm càng tốt’.

Tại Trung Quốc, tin từ Bắc Kinh cho biết số ca nhiễm mới tiếp tục ít dần, liên tục năm ngày nay, số ca nhiễm bệnh từ bên ngoài Trung Quốc cao hơn so với số ca nhiễm trong nước.

Tuy nhiên tại Iran tình hình ngày càng tồi tệ, số lượng tử vong đến nay đã lên tới gần 1,000 người, với 16,000 trường hợp nhiễm bệnh.

Giới chức nước này buộc phải thả 85,000 phạm nhân ra khỏi những nhà tù đông đúc. Một vài người trong số họ là tù nhân chính trị.

Còn tại Mỹ, tổng thống Donald Trump tuyên bố các biện pháp kinh tế mới nhằm đối phó với đại dịch, tổng giá trị có thể lên đến một ngàn tỷ Mỹ kim.

Trong đó $250 tỷ Mỹ kim sẽ gởi đến trực tiếp cho từng công dân Hoa Kỳ, mỗi người nhận 1,000 Mỹ kim tài trợ.


Share