Du học sinh Myanmar đối mặt với thách thức do quân đội đảo chính

Troops on the streets of Yangon, Myanmar, after the coup

Troops on the streets of Yangon, Myanmar, after the coup Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Số người thiệt mạng vì tham gia biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar đã tăng lên hơn 400 người. Các du học sinh Myanmar ở Úc và nhiều du học sinh còn mắc kẹt ở Myanmar do việc đóng cửa biên giới vì COVID-19 đang lo sợ cho tính mạng của bản thân và gia đình họ .


“Tôi lo sợ rằng khi về nhà thì tôi sẽ bị giết. Tôi không muốn nói điều này, nhưng có lẽ khi trở về nhà thì tôi chỉ là một xác chết.”

Đó là chia sẻ của Jen, một nhân vật đã được thay đổi tên. Năm nay 25 tuổi, cô đã du học ở Úc được 5 năm, với ước mơ trở thành luật sư và quay về Myanmar để giảng dạy.  Nhưng Jen sợ rằng nếu trở về thì cô có thể đối mặt với việc bị giam giữ, tra tấn và thậm chí bị giết.

“Thành thật mà nói, ước mơ của tôi là tốt nghiệp ngành luật, trở về Myanmar để giảng dạy các luật sư ở đó ... nhưng tôi nghĩ hiện tại tôi chưa thể thực hiện được ước mơ của mình.”

Jen, cùng với các du học sinh khác từ Myanmar, đã biểu tình và thỉnh nguyện ở các thành phố trên khắp nước Úc.

Tại Melbourne, Jen đã giăng các biểu ngữ, tổ chức lễ thắp nến và các cuộc tuần hành nhỏ nhằm kêu gọi cải thiện tình hình ở quê nhà.

Jen tin rằng việc tham gia phong trào ủng hộ dân chủ từ xa, cũng như việc đi du học sẽ khiến cô trở thành mục tiêu bị tấn công.

“Vào thời điểm này, tất cả những người trẻ tuổi chúng tôi cảm thấy cần phải lên tiếng. Tình trạng bạo lực ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi tham gia tất cả các phong trào. Tôi là kiểu người mà họ thực sự không muốn có mặt ở Myanmar.”

Lin, một du học sinh Myanmar khác, không chỉ lo lắng cho sự an toàn của gia đình khi trở về nhà mà còn đang vất vả để xoay sở học phí cho khóa Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Úc.

“Từ hồi tháng 2, cuộc đảo chính quân sự xảy ra và đó là lúc mà hy vọng và ước mơ của chúng tôi bị dập tắt. Tôi đến đây để học ngành kinh doanh và tôi 24 tuổi. Visa của tôi sẽ hết hạn vào tháng 8 tới, nhưng thực sự tôi không muốn quay về vì lo sợ bị tấn công.”

Cũng như hầu hết các du học sinh, Lin nhờ gia đình hỗ trợ tài chính để trả hàng ngàn đô la học phí đại học và chi phí sinh hoạt.

Visa du học chỉ cho phép làm việc mỗi tuần tối đa 20 giờ.

Lin giải thích rằng chuyển khoản ngân hàng quốc tế từ Myanmar hiện không hoạt động do phong trào bất tuân dân sự đã làm gián đoạn lãnh vực ngân hàng ở nước này.

Cô đang cố gắng xoay sở để trả một số chi phí nhưng không biết có thể đáp ứng thời hạn đóng học phí tiếp theo của trường đại học hay không.

Tại quốc hội Úc, nghị sĩ Lao động Peter Khalil đã tranh luận về một lệnh ân xá visa cho du học sinh Myanmar ở Úc, và nghị sĩ Janet Rice của đảng Xanh đã viết thư cho ngoại trưởng Marise Payne để yêu cầu bảo vệ du học sinh Myanmar.

Trong khi đó, ở Myanmar, những người đang giữ visa du học Úc không thể đến Úc và phải tiếp tục học trực tuyến trong khi cuộc đảo chính đang diễn ra xung quanh họ.

Margo - một nhân vật cũng được thay đổi tên - nói với SBS rằng tình huống rất khó khăn khi việc rút tiền từ ngân hàng cũng là một thách thức.

“Mỗi ngày chúng tôi đều sợ hãi. Hồi sáng này chúng tôi không thể rút tiền mặt của mình. Tôi là người kinh doanh nên luôn giao dịch bằng đô la Mỹ. Chồng tôi cũng kinh doanh xuất nhập khẩu nhưng không thể giao dịch ngân hàng bằng đô la Mỹ.”

Margo đang theo học trực tuyến tại một trường đại học của Úc kể từ khi lệnh cấm du lịch COVID-19 có hiệu lực. Nhưng việc học của cô đang gặp thêm trở ngại khi chính phủ quân sự Myanmar cắt giảm quyền truy cập Internet, ngăn cô xem các trang web cần thiết cho việc học của mình.

“Có rất nhiều trang web bị cấm công khai, ngay cả trang Wikipedia và đêm qua chúng tôi thậm chí không thể truy cập các trang Google. Họ cấm mọi thứ, vì vậy chúng tôi phải sử dụng kênh bảo mật được gọi là VPN, kênh này rất chậm, mà nếu không có kết nối VPN thì tôi thậm chí không thể đăng nhập vào trang trường đại học của mình.”

Chính phủ Myanmar cũng đang có kế hoạch cấm truy cập VPN.

Tại Úc, Lin nói rằng cô và các du học sinh khác đang vô cùng lo lắng vì thiếu hỗ trợ tài chính.

“Nếu chúng tôi không có tiền đóng học phí, visa của chúng tôi có thể bị hết hạn và nếu không thể gia hạn visa, chúng tôi chắc chắn sẽ phải quay trở về Myanmar.”

Hội đồng Sinh viên Quốc tế đang kêu gọi chính phủ cảm thông cho hoàn cảnh mà sinh viên Myanmar phải đối mặt.

Bộ Nội vụ nói với SBS rằng:

“Hiện tại bất kỳ người giữ visa tạm thời nào muốn ở lại Úc đều có thể ở lại một cách hợp pháp, miễn là họ đủ điều kiện để xin visa gia hạn thời gian lưu trú. Nhưng mỗi trường hợp được đánh giá dựa trên thành tích cá nhân và các quyết định về visa bảo vệ không dựa trên các giả định rộng rãi về sự an toàn ở các quốc gia cụ thể.”

Nhưng Hội đồng Sinh viên Quốc tế cho biết các tiêu chí để gia hạn visa rất nghiêm ngặt, và phần lớn sinh viên không đáp ứng các tiêu chí này.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share