Du học ở Úc(217) Làm sao để du học sinh kiếm việc làm tại Úc?

Student at interview

Source: element envato

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Khi là du học sinh, các sinh viên chỉ được phép làm việc tối đa 20h/ tuần. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp và chuyển sang các diện visa làm việc, các bạn được làm việc không giới hạn về thời gian trong tuần tại Úc. Vậy những điều gì các sinh viên cần quan tâm khi kiếm việc làm ở Úc?


Điều kiện làm việc phụ thuộc vào diện visa

Hầu hết những sinh viên đến du học tại Úc đều muốn trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế ở đất nước này. Tuy nhiên, khi được hỏi, đa số các du học sinh đều cho rằng con đường kiếm việc tại Úc sau khi tốt nghiệp rất trắc trở, đặc biệt là với du học sinh.

Khi là du học sinh, các sinh viên chỉ được phép làm việc tối đa 20h/ tuần. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp và chuyển sang các diện  visa làm việc ví dụ như visa tạm trú 485 (Temporary Resident) hay các visa diện tay nghề 457 cho phép các bạn được làm việc không giới hạn về thời gian trong tuần tại Úc.

Vì vậy, ở những loại visa này, ác bạn được quyền làm việc full-time (toàn thời gian) hoặc part-time (bán thời gian).

Nghiên cứu năm 2017 cho thấy, học phí của du học sinh phải trả chênh lệch với sinh viên bản địa là 400%. Mặc dù du học sinh đóng góp hơn 19 tỷ đô la mỗi năm vào nền kinh tế Úc, mang ngành giáo dục quốc tế thành ngành xuất khẩu lớn nhất quốc gia, nhưng chỉ 34 phần trăm các công ty tại Úc thuê các sinh viên quốc tế tốt nghiệp tại Úc, theo bản phúc trình của Hobsons Solutions.

Vì thế, du học sinh tốt nghiệp phần lớn không làm công việc đúng chuyên ngành của mình tại Úc. Hoặc các bạn sẽ mất rất nhiều thời gian và kiên nhẫn cho đến khi tìm được công việc mình muốn.

Để tìm được việc làm sau khi  tốt nghiệp , các sinh viên cần có kế hoạch và lên chiến lược cụ thể từ khi còn trên ghế nhà trường. Điều này bắt đầu từ khi sinh viên chọn ngành học, môn học cho mình, cũng như tìm hiểu mình thích gì, điểm mạnh yếu của mình là gì, vv…

Các sinh viên cần quan tâm những điều gì khi kiếm việc làm ở Úc?

Tham gia khách mời trong chủ đề ngày hôm nay có bạn Bảo Khánh đang làm Trợ lý Tài chính tại Spring Financial Group ở thành phố Sydney, bang NSW .

Khánh từng có thời gian du học tại Malaysia, sau đó sang Úc học tiếp và tốt nghiệp tại ngành Thạc sĩ Thương Mại tại Đại học Queensland.

Lê Nguyễn Bảo Khánh
Lê Nguyễn Bảo Khánh Source: Supplied


SBS: Chào Khánh, bạn có thể chia sẻ với các thính giả biết Khánh đã vạch ra kế hoạch tìm việc ở Úc từ khi nào và ra sao không?

Bảo Khánh: Trước tiên Khánh xin gửi lời cảm ơn đến SBS cho Khánh cơ hội chia sẻ cùng với khán thính giả của đài. Theo mình, kế hoạch tìm việc ở Úc là kế hoạch có 3 giai đoạn mục tiêu mong muốn, lên kế hoạch và hành động. Khi bạn quyết định lên đường trau dồi học vấn và bằng cấp, bạn ắt hẳn có suy nghĩ và mong muốn cụ thể bạn muốn làm gì, trở thành ai trong tương lai, điều này giúp chúng ta biết mình đang làm gì, sẽ làm gì và tránh khỏi tình trạng đi học rồi cuối cùng cảm thấy mình không hợp, vì bố mẹ bảo chọn ngành đó và mất thời gian, tiền bạc. Giai đoạn thứ 2 là kế hoạch, bạn cần phải làm gì để đưa mình đến những điều mình mong muốn, khi còn đang sống tại Kuala Lumpur, mình quan sát những người bạn cùng du học, học giỏi và năng nổ bên cạnh mình, họ bắt đầu quan tâm đến việc đi thực tập và các hoạt động xã hội từ rất sớm để tích luỹ kinh nghiệm, mình học hỏi và cũng bắt đầu những bước đi đầu tiên như vậy, từ trước khi đến Úc mình đã tận dụng mọi cơ hội để có thêm kinh nghiệm không những ở mảng chuyên môn học mà từ tất cả các lĩnh vực khác. Để trở thành 1 công dân toàn cầu đòi hỏi bạn nhiều kiến thức đa dạng và kỹ năng để tồn tại và phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính mà mình theo đuổi. Cuối cùng là hành động, mình thường không nghĩ nhiều và không bàn lùi, không nghĩ đến việc này sẽ khó lắm đây, mình tìm kiếm giải pháp để biến nó thành thực tế.
Bảo Khánh và đồng nghiệp
Source: Supplied
SBS: Nhiều bạn du học sinh sang Úc tốt nghiệp xong nhưng thường gặp nhiều khó khăn để tìm được việc làm đúng chuyên ngành của mình. Vậy Khánh đã trải qua lộ trình tìm việc như thế nào để có công việc hiện tại?

Bảo Khánh: Tìm việc là một giai đoạn đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, nỗ lực và cả niềm tin nữa. Mình là một trong những người may mắn khi khoảng 1 tháng sau khi kết thúc chương trình học thì có offer job đầu tiên nhưng đó không phải là công thức thời gian áp dụng với tất cả mọi người, có những người mất đến cả năm để tìm được cho mình cơ hội đầu tiên bước chân vào thế giới lao động trí thức của nước Úc. Vì thế đây là hành trình bạn phải hết sức kiên nhẫn với chính bản thân mình và không nản chí. Chuẩn bị từ những năm tháng còn đi học để có thể có một bản CV xin việc tốt khi ra trường là điều bạn cần, như một vũ khí để chiến đấu vậy. Khi có “vũ khí” trong tay rồi bạn cần có chiến lược, các công ty nằm trong lĩnh vực bạn nhắm đến là gì, công việc đó là gì, đòi hỏi bạn những hiểu biết chuyên môn và kỹ năng mềm nào để có thể thích ứng với hiện tại và những biến chuyển mau lẹ trong tương lai.
Có những người mất đến cả năm để tìm được cho mình cơ hội đầu tiên bước chân vào thế giới lao động trí thức của nước Úc. Vì thế đây là hành trình bạn phải hết sức kiên nhẫn với chính bản thân mình và không nản chí.

Những điều cần lưu ý khi xin việc làm tại Úc

Hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình

Đây là điều vô cùng quan trọng khi bạn làm việc tại Úc. Nếu bạn đang thuộc diện visa sinh viên, bạn chỉ được phép làm 20 giờ 1 tuần trong thời gian diễn ra khoá học, ngoài thời gian đó bạn có thể làm việc thoải mái không bị giới hạn. Những công việc bắt buộc trong khoá học như bô môn yêu cầu thực tập, công việc tình nguyện viên hay những việc không trả lương sẽ không được tính trong 20 tiếng này.

Ngoài việc nắm rõ điều kiện visa, chúng ta còn cần tìm hiểu và biết rõ những quyền lao động của mình như mức lương tối thiểu, chế độ ngày nghỉ, sức khoẻ và an toàn nơi làm việc.

Trang mạng của tổ chức - một tổ chức giám sát công bằng về quyền hạn và quyền lợi ở nơi làm việc sẽ hỗ trợ các bạn những thông tin này hoặc giúp giải quyết những tranh chấp nếu có xảy ra ở nơi làm việc.

Bạn cũng có thể kiểm tra mức lương tối thiểu cho từng ngành nghề, cấp bậc bằng cấp tại đây:

Nghiên cứu và lên một kế hoạch tìm việc sau khi tốt nghiệp

Lên kế hoạch để tìm việc làm bao gồm tìm hiểu về hệ thống tuyển dụng tại Úc, lãnh vực mà bạn muốn làm, lên danh sách các công ty bạn muốn ứng tuyển và sự phát triển của ngành nghề đó trong thị trường tại Úc. Quá trình này sẽ giúp bạn đưa ra những đánh giá tốt hơn khi lựa chọn những công để “trao gửi” CV.

Nếu được chọn vào vòng phỏng vấn, những kiến thức bạn tìm hiểu về công ty trước đó càng chi tiết bao nhiêu thì khả năng bạn gây nhiều điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng càng cao bấy nhiêu.

Networking

Những mối quan hệ ngày nay rất có ảnh hưởng trong cuộc sống. Nhiều người tìm thấy các cơ hội việc làm thông qua bạn bè,người quen, đồng nghiệp cũ, vv. Vì thế, các mối quan hệ khi bạn có trong trường học, ngoài trường học, trong các hoạt động tình nguyện đều là những cơ hội nghề nghiệp cho bạn trong tương lai.

Các bạn cũng có thể tham gia những buổi networking về các ngành nghề đa dạng - là nơi để bạn đến làm quen, học hỏi những người cùng lãnh vực, chia sẻ kiến thức trải nghiệm trong ngành cũng như đừng quên số trao đổi số liên lạc với họ và chủ động hỏi về các cơ hội cho mình.

Nếu còn đi học, các bạn cũng hãy theo dõi các buổi workshop hướng nghiệp do trường tổ chức. Những trường thường sẽ mời các chuyên gia từ các công ty trong ngành đến diễn thuyết và chia sẻ kinh nghiệm việc làm với sinh viên.

Tìm hiểu điểm mạnh của bản thân

Xem qua yêu cầu vị trí công việc bạn muốn làm và liệt kê ra những điểm đặc biệt mình có để trở thành ứng viên nổi bật cho vị trí đó. Giữa nhiều ứng viên có bằng cấp như nhau, sẽ có vài người đáp ứng được những yêu cầu của vị trí tuyển dụng nhưng nếu bạn trở thành ứng viên có những điểm đặc biệt nổi trội, cơ hội bạn được chọn cho được công việc đó sẽ cao hơn.

Ví dụ bạn là du học sinh, bạn có những điểm mạnh như ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, trải nghiệm quốc gia khác, kiến thức và văn hoá quốc gia khác ngoài Úc.

Phát triển các kỹ năng

Thử tưởng tượng ở cùng môt vị trí đăng tuyển, nếu tất cả những người cùng tốt nghiệp bằng cấp như bạn đều ứng tuyển vào vị trí đó, thì sự cạnh tranh là rất lớn . Vì vậy, hãy luôn tìm tòi và phát triển thêm những kỹ năng mới theo xu hướng thị trường đang cần. Đó là những kỹ năng không học ở trong trường: những kỹ năng quản lý, giải quyết vấn đề, hay ít kiến thức về công nghệ điện tử ngoài ngành học không chỉ giúp bạn dễ dàng hơn để vượt qua những ứng viên khác mà còn trong công việc sau này.

Chuẩn bị và luyện tập

Chuẩn bị sẵn những hồ sơ xin việc chuyên nghiệp cho từng vị trí bạn muốn ứng tuyển, với nội dung thư xin việc và CV đáp ứng riêng cho từng yêu cầu công việc khác nhau. Mô tả cụ thể những khả năng liên quan đến công việc bạn có, những kỹ năng, kinh nghiệm bạn có thể mang lại giá trị cho công ty và những kiến thức bạn tìm hiểu được về chuyên ngành, về công ty, về thị trường để thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy sự nhiệt tình của bạn dành cho vị trí và công ty đó.

Hiểu điểm mạnh của bản thân và luôn trong tư thế sẵn sàng để trả lời những câu hỏi liên quan đến kỹ năng cá nhân, kinh nghiệm.
Nhiều nhà tuyển dụng khi nhận được hồ sơ của bạn sẽ gọi điện thoại trước để trao đổi và phỏng vấn sơ lược Vì vậy, hãy có sự chuẩn bị trước cho những tình huống này và luyện tập thường xuyên để tăng cường sự tự tin cho mình.
Các phòng ban hỗ trợ việc làm tại trường Đại học cũng là nơi bạn có thể đến để được giúp đỡ về việc viết CV và cách trả lời phỏng vấn.

Điểm tin tại Úc

AVYLD 2019
Source: Supplied
Diễn đàn Đối thoại Lãnh đạo trẻ Việt Úc

Hôm 29/10 vừa qua , Diễn Đàn Đối Thoại Lãnh Đạo Trẻ Việt - Úc (AVYLD) thông báo bắt đầu chính thức mùa thứ hai tại Việt Nam. Đây là dịp để 20 nhà lãnh đạo trẻ và tài năng, trong độ tuổi dưới 35, tham dự và chia sẻ tiếng nói đóng góp từ nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, chính sách công, giáo dục, khởi nghiệp, phi lợi nhuận và nghệ thuật.

Đây là sự kiện tiếp nối thành công sau lần ra mắt tại Sydney, được chủ trì bởi Tổng Toàn Quyền Nước Úc Sir Peter Cosgrove AK MC, (Ret’d) diễn ra ngay tại Dinh Thự riêng của ông.

Chủ đề chính của AVYLD 2019 là “Cùng Nhau Tạo Nên Một Tương Lai Bền Vững”. Các nhà lãnh đạo trẻ sẽ được tìm hiểu kỹ hơn chủ đề này qua các bài phát biểu chính, thảo luận bàn tròn, thảo luận nhóm và các hoạt động xuyên suốt trong 4 ngày diễn ra Diễn đàn.

Chủ trì sự kiện này, Bà Karen Layon, Tổng Lãnh Sự Úc tại Việt Nam đã chia sẻ “Năm nay, 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Úc và Việt Nam. Sự ra đời của Diễn Đàn là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh kết nối giữa người với người, không giới hạn. Chính phủ Úc rất tin tưởng và tự hào đồng hành cùng Diễn Đàn thông qua Hội Đồng Úc - ASEAN. Tôi tin rằng, Diễn Đàn sẽ tạo ra nhiều thay đổi mới, kết nối các nhân tố của tương lai, cùng đóng góp vào mối quan hệ song phương, và hơn hết, tạo nên một viễn cảnh bền vững cho cả hai nước”.

Bà Thảo Nguyễn, Đồng sáng lập và Chủ Tịch của AVYLD phát biểu “Diễn đàn 2017 đã mang đến cho các đại biểu tham gia những trải nghiệm mang tính đột phá, bùng nổ. Các thành viên đã được tạo nhiều cơ hội tiếp cận các quan chức cấp cao của hai nước, như các vị Thủ Tướng, Bộ Trưởng và các nhà lãnh đạo trong Chính phủ. Năm nay, với sự giúp đỡ của những đối tác chiến lược như RMIT và Hội Đồng Úc - ASEAN, tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tiến xa hơn trong việc giúp cho các thành viên đại biểu trẻ tham gia định hình và phát triển vai trò của mình như là những nhà lãnh đạo tương lai cho cả hai nước và trong khu vực”.

Năm ngoái, Diễn đàn đã được tổ chức long trọng tại Sydney. Và xuyên suốt quá trình đó, sự kiện đã nhận được sự quan tâm tích cực của 1400 cá nhân; 56 Diễn giả cấp cao, 15 đối tác đồng hành; 20 thành viên tình nguyện trong Ban Điều Hành và 20 Đại diện danh dự được chọn lọc kĩ lưỡng từ cả hai nước, Úc – Việt Nam.   

Diễn đàn AVYLD 2019 đã chính thức mở nhận ứng tuyển và sẽ kết thúc vào ngày 30.11.2018, lúc 11:59pm AEST (giờ Úc). Ứng tuyển tại:

Để tìm hiểu thêm thông tin về AVYLD, truy cập tại:  hoặc theo dõi tại trang:

Diễn đàn Lãnh đạo Trẻ Việt – Úc 2019 được ủng hộ toàn diện bởi Chính Phủ Úc thông qua Hội đồng Úc – ASEAN thuộc Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc.

Mỗi tuần 1 điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Sự kiện Triển lãm Nghệ thuật Đương đại Châu Á Thái Bình Dương Lần Thứ 9 tại Gallery of Mordern Art ở Queensland
Source: VISITBRISBANE.COM.AU
Sự kiện Triển lãm Nghệ thuật Đương đại Châu Á Thái Bình Dương Lần Thứ 9 tại Gallery of Mordern Art ở Queensland

Sự kiện đặc sắc tổ chức mỗi ba năm môt lần tiếp tục quay trở lại Queensland vào mùa hè này, mang những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng từ khắp châu Á Thái Bình Dương đến thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland.

Tràn ngập với màu sắc và cuộc sống, sự kiện triển lãm nghệ thuật đương đại miễn phí này trình bày sự pha trộn độc đáo giữa nét sáng tạo và sâu sắc của các nền văn hóa.

Với hơn 80 nghệ sĩ và nhóm từ hơn 30 quốc gia,sự kiện này thách thức các định nghĩa thông thường về nghệ thuật đương đại bằng cách khiến chúng ta phải chiêm nghiệm về mối quan hệ của nó trong việc chuyển đổi cấu trúc xã hội trên toàn khu vực.

Tại buổi triển lãm, khách tham dự sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo, các tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, hình ảnh và video từ các nghệ sĩ mới nổi và cao cấp cùng với các tác phẩm hàng đầu từ cộng đồng và nghệ sĩ người Thổ dân.

Tại triển lãm sẽ diễn ra  chương trình chiếu phim kích thích tư duy, hội thảo chuyên đề, các hội thảo thực hành sáng tạo cho trẻ em, các tour tham quan, các chương trình và các sự kiện đặc biệt cho mọi lứa tuổi.

Sự kiện kéo dài từ 24/11/2018- 28/4/2019.

Xem chi tiết tại .
Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share