Di dân cần mạnh dạn tham gia vào tiến trình dân chủ ở Úc

Concerned Hispanic citizen asks political candidate a question during meeting

Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tại Úc, tất cả công dân đều có quyền tham gia vào việc hình thành nên xã hội dân chủ ngày nay. Tuy nhiên có thể do những chuyện không hay đã xảy ra trong quá khứ mà những di dân mới sau này vẫn còn sợ không dám cất tiếng nói lên chính kiến và không hiểu hệ thống dân chủ hoạt động như thế nào.


Giáo sư Murray Print thuộc đại học Sydney, nói người Úc đã quen với việc tham gia vào những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ mà không sợ bị trừng phạt.

“Đó là điều chắc chắn. Nếu bất cứ chuyện gì xảy ra, người dân đều được lên tiếng vì điều đó thể hiện họ quan tâm đến tiến trình và đóng góp vào việc tạo ra tiến trình ấy. Người dân có thể tham gia vào các tổ chức cộng đồng để hỗ trợ lẫn nhau, tình nguyện giúp người khác. Họ còn có thể tham gia vào các đảng phái chính trị, tất cả đều mở ra cơ hội cho họ và hoàn toàn miễn phí, không hề có bất cứ trừng phạt nào nếu họ tham gia hoặc không tham gia.”

Tuy nhiên chuyện thẳng thắn nêu quan điểm và tham gia vào các sự kiện trong cộng đồng không phải dễ dàng gì đối với nhiều di dân.

Ông Davey Nguyen từng là một người tị nạn đến từ Việt Nam. Khi đó ông mới 8 tuổi, đến Úc trên một chiếc thuyền người tị nạn và may mắn được cứu thoát.

Giờ đây ông đã trở thành phó chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Sydney và hỗ trợ những di dân trẻ mở doanh nghiệp.

Theo ông Davey, rất nhiều di dân mới tới ngại phải lên tiếng công khai hoặc phải đứng lên bảo vệ quan điểm.

“Nhiều di dân thường e ngại chính trị. Họ sợ rằng nếu họ bày tỏ quan điểm họ có thể bị trừng phạt, có thể vì trước đây đã có những chuyện tương tự xảy ra tại đất nước của họ sau khi chiến tranh xảy ra. Nhưng bây giờ họ đang ở Úc rồi. Chúng ta phải giáo dục cho di dân hiểu rằng tại Úc, có những người ở đây để giúp đỡ họ và để hướng dẫn họ.”

Nhưng bên cạnh đó, ông Davey Nguyen cho biết những di dân trẻ đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tiếng nói của họ.

“Nhiều người, đặc biệt là những người đến từ châu Á, vẫn còn những suy nghĩ cũ kỹ không muốn con cái đi theo con đường chính trị. Họ cho rằng chính trị không phải là con đường sự nghiệp sáng sủa. Họ muốn con cái họ trở thành bác sĩ, kế toán, bất cứ ngành nghề gì miễn không phải là chính trị. Nhưng tôi cho rằng cuộc sống đã thay đổi, chúng ta nên khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào chính trị nhiều hơn.”

Bà Sophie Cotsis là thành viên của Quốc hội NSW.

Bà là con gái của một gia đình Hi Lạp, hiện bà đang giữ chức phó Bộ trưởng Đa văn hóa đảng Lao động.

Bà hiểu rằng việc ổn định cuộc sống ở một quốc gia mới là một thách thức lớn nhất của một người, và bà rất muốn được nghe người dân nói lên những khó khăn mà họ đang phải đối mặt.

“Cha mẹ tôi đến Úc vào những năm 60. Cha mẹ tôi lúc đó chỉ nói được chút ít tiếng Anh, có rất ít cơ hội cho họ ở đây. Tất cả mọi việc họ có thể làm lúc đó là làm việc cật lực để ổn định cuộc sống, và khuyến khích chúng tôi làm việc và đi học. Nhưng mọi việc ngày nay đã khác, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn vì xã hội đã dân chủ hơn, mọi người có thể tiếp cận được với dân biểu địa phương mà không sợ gì cả. Mọi người cũng đã biết những dịch vụ nào là cần thiết để phát triển cộng đồng.”

Bà Sophie Cotsis nói có nhiều di dân mới đến tìm kiếm thông tin về nhà ở, y tế, giáo dục, và họ thường tìm đến các nhân viên ở hội đồng địa phương.

Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề phức tạp khác ảnh hưởng đến phụ nữ di dân, chẳng hạn bạo hành gia đình.

“Bạo hành gia đình là một vấn đề lớn và là vấn đề mà người dân có thể đến đây kể cho tôi nghe. Chúng tôi cùng làm việc với nhau và với các tổ chức khác để tìm cách  giáo dục tốt hơn và thông báo cho những cộng đồng mới về các dịch vụ hỗ trợ hiện có.”

Daniel Mookhey là người Úc gốc Ấn độ đầu tiên được chọn vào Quốc hội NSW.

Ông thừa nhận rằng ông cũng phải mất rất nhiều thời gian để có được tiếng nói trong chính trị.

“Tôi đã làm việc trong quốc hội NSW tới nay là 3 năm rồi, và tôi đã học được rất nhiều thức như làm thế nào giao tiếp hiệu quả với các chính trị gia, làm thế nào nêu được quan điểm của mình, làm thế nào tổ chức một chiến dịch tới quốc hội, và làm thế nào để tiếng nói của mình được lắng nghe.”

Ông Daniel Mookhey cho biết mỗi ngày ông được nghe những vấn đề rất khác nhau từ cộng đồng, và điều quan trọng đối với các di dân mới đến là phải biết rằng tại Úc mọi người được đối xử công bằng, bất kể họ sống ở đây lâu hay mau, và các chính trị gia là những người phục vụ người dân chứ không phải ngược lại.

“Ví dụ như mới sáng nay, có một nhóm người đến gặp tôi và muốn nói về giá năng lượng, điều đó có nghĩa là tiền điện đang tăng. Đặc biệt nếu bạn là một di dân mới chưa từng biết đến chuyện đi dọ giá, hoặc một di dân đến từ một quốc gia mà chỉ có một nhà cung cấp điện duy nhất. Và cuối tuần này tôi sẽ gặp gỡ một nhóm phụ huynh có con bị khuyết tật. Họ quan tâm đến chuyện trường học ở NSW sẽ đối xử với con cái họ thế nào, chúng có cùng quyền lợi như các học sinh khác không, có được đối xử giống nhau không.”

Giáo sư Murray Print thì có lời khuyên rằng những di dân mới đến nên biết tìm đến đúng người để trình bày vấn đề khi có chuyện rắc rối, phải biết ai là người chịu trách nhiệm cho chuyện gì.

“Người dân phải biết Quốc hội tiểu bang xử lý những chuyện gì và Quốc hội liên bang thì xử lý chuyện gì. Cho nên bạn không thể đến gặp dân biểu liên bang để yêu cầu họ giải quyết những chuyện thuộc về tiểu bang, chẳng hạn như chuyện rác thải, thì đó phải là chuyện của hội đồng địa phương.”

Còn đối với ông Davey Nguyen, các cộng đồng mới đến cần phải được giúp đỡ nhiều để họ ổn định tại Úc.

“Có nhiều cách để chúng ta có thể thu hút những người có nhiệt huyết và đam mê tham gia vào việc tạo ra thay đổi cho đất nước. Bởi vì chỉ khi quốc gia lớn mạnh thì con người mới trở nên giàu có và điều đó cần tất cả mọi người chung tay góp sức để xây dựng một nước Úc phồn thịnh cho tất cả mọi người.”

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share