Cùng giữ tiếng Việt: Vai trò của người cha

Anh Giang đọc truyện với con gái

Anh Giang đọc truyện với con gái Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em thường được gắn với vai trò của người mẹ. Thế còn người cha thì sao? Cha có vai trò gì trong sự phát triển ngôn ngữ của con trẻ sống ở nước ngoài?


Ở môi trường nước ngoài, để một đứa trẻ duy trì được tiếng mẹ đẻ như tiếng Việt đòi hỏi không chỉ có sự hỗ trợ của mẹ mà còn của cha nữa. Điều này là bởi vì khi sinh sống ở nước ngoài, gia đình là môi trường ít ỏi mà con có thể sử dụng tiếng Việt nên việc cả bố và mẹ nói tiếng Việt với con và khuyến khích, hỗ trợ con duy trì tiếng Việt là vô cùng quan trọng để tạo thêm cho con cơ hội sử dụng tiếng quê hương.

Các nghiên cứu trên thế giới và đặc biệt là nghiên cứu VietSpeech về duy trì tiếng Việt ở các gia đình Việt nam ở Úc đã chỉ ra người cha cũng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tiếng mẹ đẻ cho con. Năm 2020, dự án VietSpeech, dự án do Hội đồng Nghiên cứu Úc châu tài trợ, nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ và duy trì tiếng mẹ đẻ của trẻ em gốc Việt ở Úc đã thực hiện thảo luận nhóm với các gia đình có con có năng lực tiếng Việt và tiếng Anh giỏi.

Kết quả cho thấy, có một điểm chung là ở các gia đình này, cả hai bố mẹ cùng “đồng tâm hiệp lực” quan tâm, giúp con học và phát triển tiếng mẹ đẻ, và có thái độ tích cực với việc duy trì bản sắc văn hóa Việt. Một nghiên cứu khác với trẻ nói tiếng Trung quốc ở Mỹ cũng cho thấy trẻ có vốn từ vựng phát triển tốt khi được bố khích lệ nói tiếng Trung qua việc chơi cùng các trò chơi với con.

Đó là các nghiên cứu, còn từ thực tế gần gũi với chúng ta hơn, chúng ta chắc hẳn cũng biết nhiều gương các ông bố tuyệt vời, cố gắng dành thời gian chơi, trò chuyện với con, khích lệ con nói tiếng Việt. Nếu quý vị đã theo dõi Cùng giữ tiếng Việt từ những chương trình đầu gần một năm trước đây, quý vị chắc hẳn còn nhớ những ông bố như vậy.

Anh Capstan: Có nhiều lợi ích của việc giữ tiếng Việt, lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất là về mối quan hệ. Khi mình giữ tiếng Việt cho con là mình xây dựng được mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, con sẽ thấy dễ dàng tâm sự và chia sẻ khó khăn và bố mẹ có thể giúp đỡ, hướng dẫn các con. Cha mẹ cũng có thể chia sẻ kiến thức, văn hóa, phong tục của người Việt nam. Ngược lại nếu con không nói được tiếng Việt, con sẽ thấy khó khăn khi giao tiếp với cha mẹ, dẫn đến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Đến tuổi teen, con sẽ chia sẻ với bạn bè nhiều hơn, nếu con có những người bạn tốt thì sẽ có những ảnh hưởng tích cực, còn nếu con có bạn bè không tốt thì sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực.

Anh Capstan Le là một người cha rất tâm huyết với việc giữ tiếng Việt cho con, anh luôn mong muốn duy trì mối quan hệ gần gũi với con thông qua giao tiếp, chia sẻ cha con, đặc biệt là sau này khi con đến tuổi teen.

Làm thế nào để các ông bố trực tiếp tham gia vào việc giúp con học và phát triển tiếng Việt? Họ có làm giống như cách các bà mẹ hay làm là nói chuyện với con, đọc truyện sách cho con nghe mỗi tối, hay dạy con đánh vần, ghép chữ?

Anh Tiến Giang: Mình bắt đầu đọc truyện cho con từ rất bé và tất cả các truyện ban đầu đều là tiếng Việt. Như chị Vân nói là khi các con đi học thì việc giữ tiếng Việt khó hơn vì các con tiếp nhận được rất nhiều kiến thức, đọc rất nhiều câu chuyện bằng tiếng Anh và giảm hứng thú với tiếng Việt. Trước kia tiếng Việt là cửa ngõ ngôn ngữ duy nhất để các con tiếp cận kiến thức, các câu chuyện, bài hát,… thì bây giờ con có nhiều điều thú vị hơn. Mình thường chọn các truyện mà con đã được đọc hoặc nghe bằng tiếng Anh rồi, như truyện cổ tích, nhưng mình đọc bằng tiếng Việt. Trẻ con nó đã thích một truyện thì nó sẽ đọc đi, đọc lại, ngày nào cũng đọc, như thế con được nghe câu chuyện đấy lại bằng tiếng Việt, nó mở ra một hướng thú vị mới, con sẽ hứng thú hơn với việc nghe chuyện bằng tiếng Việt.

Anh Đoàn Tiến Giang là một ông bố có con trai ở tuổi teen và con gái mới bắt đầu học tiểu học. Anh Giang đã luôn dành thời gian mỗi tối đọc truyện cho con, duy trì cho con sự hứng thú với tiếng Việt. Với anh, không có sự khác nhau giữa người cha hay người mẹ trong trách nhiệm nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Việt cho các con.

Anh Tiến Giang: Mình không nghĩ là có sự tách biệt giữa vai trò của người mẹ và người bố vì để duy trì được tiếng Việt thì chúng ta phải xây dựng được văn hóa nói tiếng Việt mà cần cả bố và mẹ tạo dựng mới thành được. Nếu chỉ ở mức tiểu học thì trình độ tiếng Anh, tiếng Việt của các con tương đương nhau, nhưng khi các bạn lớn dần lên thì vốn từ tiếng Anh của các bạn phức tạp hơn rất nhiều mà vốn tiếng Việt thì lại đơn giản. Thế nên mình chịu khó nói chuyện với con về các chủ đề như bầu cử, biến đổi khí hậu, môi trường, … 

“Khi mình nói bằng tiếng Việt thì con sẽ xây dựng được vốn từ tiếng Việt. Nó có thể không bằng 100% vốn từ tiếng Anh nhưng nếu chúng ta không có thói quen như thế thì trẻ con quanh đi quẩn lại chỉ nói những từ đơn giản trong gia đình như ăn uống, chơi,… mà không có được vốn từ vựng, thói quen diễn giải những vấn đề phức tạp hơn.”

Với Anh Nguyễn Quốc Thái, một ông bố gốc Việt thuộc thế hệ thứ 2 ở Úc, hành trình giữ tiếng Việt của bản thân anh đã là một tấm gương đáng học hỏi cho những ai muốn giữ tiếng Việt vì anh qua Úc khi còn nhỏ và lúc đó không có trường Việt ngữ và cộng đồng người Việt cũng chưa đông. Những nỗ lực của bố mẹ và gia đình anh trong việc giữ tiếng Việt cho anh và những lợi ích anh trải nghiệm khi mình nói được thành thạo tiếng Việt khi lớn lên trong môi trường tiếng Anh, chắc hẳn là nguồn cảm hứng để anh cố gắng duy trì tiếng Việt cho các con của mình, những đứa trẻ thuộc thế hệ người Việt thứ 3 ở Úc.

Anh Quốc Thái: Anh rất muốn giữ tiếng Việt cho con, mặc dù anh biết điều đó có thể rất khó, đặc biệt khi các con là thế hệ thứ 3 ở nước ngoài. Anh đã cho các con học tiếng Việt trực tuyến với các thầy cô của Yêu tiếng Việt rồi sau này học tại lớp Không chỉ là tiếng Việt của cô Hà Trang tại Sydney. Gần đây, anh thấy con trai anh sau khi học tiếng Việt với cô Trang còn bắt đầu hát các bài hát tiếng Việt bằng tiếng Anh, anh thấy rất vui vì điều đó cho thấy con anh thích thú với việc học tiếng Việt. Và việc này cũng khiến anh ý thức hơn về việc vợ chồng anh phải  Việt với con ở nhà, đặc biệt là nói thuần Việt, không pha trộn tiếng Anh vào tiếng Việt khi nói chuyện với con. Khi nói tiếng Anh thì nói tiếng Anh hoàn toàn, còn khi nói tiếng Việt cũng nói tiếng Việt hoàn toàn, không nên nói vài từ tiếng Việt trong câu tiếng Anh, đấy không phải là cách dạy con tiếng Việt.

Từ những trải nghiệm về duy trì tiếng Việt của gia đình mình, anh Thái đã tìm ra những yếu tố rất quan trọng trong việc giúp con giữ tiếng Việt.
 
Anh Quốc Thái: Việc giữ tiếng Việt cho con cần 3 yếu tố:  nhẹ nhàng, kiên nhẫn, và kiên quyết. Với con trẻ, bố mẹ và thầy cô cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn để khuyến khích con học tiếng Việt nhưng cũng cần kiên quyết, không bỏ cuộc. Nhiều bố mẹ bỏ cuộc trước cả con vì thấy mệt mỏi, mất thời gian và không theo được việc học tiếng Việt của con. Bố mẹ có vai trò tiên quyết, bố mẹ phải yêu tiếng Việt, không nhất thiết là phải đọc thơ, làm văn nhưng phải quan tâm, cho con biết bố mẹ thích thú khi con nói tiếng Việt.

Đó là các ông bố Việt, còn các ông bố Tây hay không phải gốc Việt thì như thế nào? Chúng ta cũng biết là rất nhiều trẻ gốc Việt lớn lên trong các gia đình mà bố hoặc mẹ không phải là người Việt, không nói tiếng Việt. Ở các gia đình này, việc duy trì tiếng Việt thật sự khó khăn hơn rất nhiều so với các gia đình cả bố và mẹ đều nói tiếng Việt. Thường thì bố mẹ sẽ thỏa hiệp bằng cách chỉ nói tiếng Anh để cả nhà cùng hiểu nhau nhưng việc này lại làm mất đi cơ hội để đứa trẻ nói được thêm một ngôn ngữ nữa, đó là tiếng Việt. Duy trì được tiếng Việt trong các gia đình bố không nói tiếng Việt đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của người mẹ nhưng bên cạnh đó cũng phải ghi nhận sự hỗ trợ, ủng hộ đáng quý của các ông bố không nói tiếng Việt.

Anh Geoff: Chúng tôi không đặt ra quy định hay nguyên tắc là nói tiếng Việt hay nói tiếng Anh lúc nào. Chúng tôi chỉ thống nhất ngay từ đầu, từ trước khi các con biết đến ngôn ngữ là các con sẽ nói tiếng Việt trước rồi tiếng Anh sau. Và sau đó sẽ học đọc, viết tiếng Việt và học tiếng Anh. Chúng tôi luôn cố gắng đưa các con về Việt nam đều dặn để các con có cơ hội duy trì tiếng Việt.

Đối với gia đình chúng tôi, mọi việc diễn ra rất tự nhiên, khi nào vợ tôi muốn nói chuyện với các con thì cô ấy nói tiếng Việt với chúng, khi nào tôi muốn nói với các con thì tôi nói tiếng Anh. Và đến bây giờ thì chúng tôi thấy là cách này rất hiệu quả, nó đã giúp các con chúng tôi duy trì được cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Anh Geoff luôn đồng hành cùng chị Thanh Tâm, vợ anh trong hành trình nuôi dạy 2 con trưởng thành ở Úc nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn quê ngoại, trân trọng và gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt.

Anh Geoff:  Khi mà chúng tôi quyết định sẽ nuôi dạy các con song ngữ thì tôi đã biết là sẽ có những lúc tôi không biết vợ con đang nói chuyện gì. Tuy nhiên tôi biết một điều là nếu như có một việc gì đó xảy ra hay có gì quan trọng thì vợ con tôi chắc chắn sẽ cho tôi biết chuyện gì xảy ra và việc đó có liên quan đến tôi như thế nào.  

Với anh Geoff, cũng như các ông bố không nói tiếng Việt, một khó khăn khi giao tiếp trong gia đình là vợ và con có thể nói tiếng Việt trong khi bố không hiểu. Làm thế nào để vượt qua rào cản này, để khuyến khích vợ con sử dụng tiếng Việt trong gia đình và không thấy “ngại” khi nói tiếng Việt khi ở nhà.

Anh Geoff: Quan trọng là các con phải được tiếp xúc với tiếng Việt từ trước khi các con biết nói, như thế chúng lớn lên trong môi trường tiếng Việt và tiếng Anh và mọi sự diễn ra rất tự nhiên, chúng nói những ngôn ngữ này như một phần quá trình phát triển của chúng. Một điều nữa tôi muốn nhắn đến những người cha hay người mẹ không nói tiếng Việt là đừng bao giờ sợ là nếu khuyến khích các con nói tiếng Việt là mình bị cô lập hay không biết mọi người nói gì về mình. Nếu bạn có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng con cái tin tưởng nhau thì chắc chắn mọi người sẽ cho bạn biết thông tin cần biết. Việc này chưa bao giờ là vấn đề với gia đình chúng tôi và sẽ không bao giờ là vấn đề.

Tôi chưa bao giờ có cảm giác là bị gia đình tôi nói sau lưng điều gì, bởi vì chúng tôi luôn cởi mở và thành thật với nhau. Nếu tôi có chuyện gì nói với các con thì vợ tôi cũng được biết và ngược lại cô ấy sẽ cho tôi biết nếu cô ấy nói chuyện gì với các con.

Thông điệp mà anh Geoff gửi đến chúng ta là sự yêu thương, tin tưởng, và chia sẻ là những chất liệu không thể thiếu được để có một gia đình hạnh phúc. Vợ chồng con cái yêu thương, tin tưởng nhau là công thức thành công của rất nhiều công việc trong gia đình chứ không chỉ riêng ở việc duy trì tiếng Việt.

Ngoài những tấm gương các ông bố tuyệt vời ở Úc, qua Cùng giữ tiếng Việt, chúng ta cũng được biết đến một ông bố đến từ Mỹ. Anh không chỉ quan tâm đến việc giữ tiếng Việt cho các con của mình mà anh còn lan tỏa nhiệt huyết của anh và giúp cho hàng nghìn gia đình ở Mỹ có điều kiện giúp con giữ tiếng quê hương. Đó là anh Nguyễn Nghĩa Tài, người sáng lập Stories of Vietnam, một dự án cung cấp sách truyện tiếng Việt miễn phí cho các gia đình gốc Việt ở Mỹ.

Mỗi cuốn sách của Stories of Vietnam không chỉ là một câu chuyện thiếu nhi được viết bằng 2 thứ tiếng, Anh và Việt, và có hình ảnh minh họa mà còn có cả những kiến thức về văn hóa Việt, và hướng dẫn bố mẹ cách đọc truyện với con. Vì vậy dự án của ông bố này và những tâm huyết của anh đã được đón nhận nồng nhiệt ở Mỹ.

Anh Nghĩa Tài: Từ khi chính thức bắt đầu dự án, gần 1 năm trước đây, chúng tôi đã in được 3 đầu sách với hơn 3000 bản và đã gửi sách cho 1000 gia đình ở Mỹ - hoàn toàn miễn phí, kể cả phí vận chuyển. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 1000 gia đình nữa đã đăng ký trong danh sách đợi.

Chúng tôi rất vui là dự án được cộng đồng đón nhận rất nhiệt tình. Có những mẹ nhắn cho chúng tôi là rất xúc động vì con họ được cộng đồng quan tâm tặng sách như vậy. Có gia đình bố là người Mỹ đọc sách cho con tiếng Anh, mẹ đọc cho con tiếng Việt. Vui nhất là có những cháu nhỏ, sau khi đọc sách thì hỏi cha mẹ thêm rất nhiều về Việt Nam, có cháu còn bảo con muốn học tiếng Việt.

Nhân ngày của Cha, một ngày đặc biệt dành cho các ông bố, chúng ta vừa cùng nhau nghe những chia sẻ của các ông bố tiêu biểu của Cùng giữ tiếng Việt, những người cha mà ngoài giờ đi làm bận rộn còn luôn để ý, quan tâm, hỗ trợ, cùng đồng hành với các con trong hành trình gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt.

Con trẻ rồi sẽ khôn lớn, sẽ không còn cần cha mẹ đọc truyện cho nghe vào mỗi tối, dạy đánh vần abc, hay chơi bóng, chơi ú tìm, nô đùa ở công viên vào cuối tuần nữa, nhưng những gì đọng lại trong ký ức tuổi thơ của trẻ sẽ là những hình ảnh cùng cha vui đùa, đọc truyện, học hát, chơi thể thao, được cha đưa đi chơi đó đây. Chính từ những hoạt động vui chơi với cha mà con trẻ học ngôn ngữ, tiếng Việt, tiếng Anh, hay bất kỳ thứ tiếng nào mà cha có thể nói với con.

Cha cũng như mẹ, là người mở cánh cửa đưa ta đến với ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ, đến những chân trời kiến thức và văn hóa cội nguồn mà không một cuốn sách nào có thể thay thế được. Chúc cho tất cả các ông bố luôn mạnh khỏe và có nhiều niềm vui và cảm hứng để cùng giữ tiếng Việt với các bà mẹ.

Share