Cùng giữ tiếng Việt: Tiếng Việt cội nguồn

Picture1.jpg

Lớp học tiếng Việt cội nguồn ở một số trường học ở Berlin, Đức

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ở Úc, tiếng Việt là một trong hơn 200 ngôn ngữ cộng đồng được bảo tồn qua các hình thức giáo dục như trường Việt ngữ cuối tuần, các giờ học tiếng Việt ở các trường phổ thông và các lớp học tiếng Việt tư thục. Ở các nơi khác trên thế giới thì sao? Tiếng Việt được chính phủ nước sở tại và cộng đồng người Việt bảo tồn như thế nào?


Hôm nay, mời quý vị cùng tìm hiểu về việc dạy và học tiếng Việt ở một đất nước rất xa nước Úc, một đất nước mà nhắc đến nó người ta sẽ nghĩ đến những vại bia ngon, các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế giới hay bộ truyện cổ nổi tiếng thế giới, truyện cổ Grimm. Đó là nước Đức.

Mời quý vị nghe những chia sẻ 2 người mẹ cũng là 2 cô giáo dạy tiếng Việt đến từ Berlin, cô Nguyễn Diệu Linh và cô Nguyễn Thu Hương. Cả 2 cô giáo Diệu Linh và Thu Hương đều là Thạc sĩ chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn ở Việt nam. Diệu Linh đã có 7 năm kinh nghiệm dạy Ngữ văn ở Việt nam còn Thu Hương cũng có kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho sinh viên quốc tế ở Việt nam trước khi qua sinh sống và làm việc tại Đức.

Hai chị có thể cho thính giả SBS một chút hình dung về công việc dạy tiếng Việt của 2 chị ở Đức được không?

Cô giáo Diệu Linh: Ở Đức, tôi chủ yếu dạy tiếng Việt online cho trẻ em và hiện tại đang cộng tác chính với học viện Horami (Horami Academy). Không chỉ dạy đọc viết, giao tiếp, tôi còn thiết kế các khóa đọc sáng tạo cho trẻ em. Ở mỗi bài học, tùy theo trình độ của học sinh, tôi thiết kế hoạt động đọc sách cùng các trò chơi ngôn ngữ quanh một chủ đề nhất định. Chủ đề bài học khá phong phú, từ những thứ gần gũi, thân quen như đồ vật, động vật, cơ thể, gia đình, cảm xúc, tình bạn, tới những chủ đề rộng hơn, như thái độ sống (ví dụ: Đi tìm những điều nhỏ bé xinh đẹp, Trân trọng sự khác biệt, Nâng niu đôi mắt tò mò...), khoa học thường thức, hay thậm chí cả nấu ăn.

Cô giáo Thu Hương: Một vài năm trước thì tôi dạy tiếng Việt cho trẻ em ở các Hội đoàn người Việt vào các ngày cuối tuần và dạy cá nhân 1-1. Từ cuối năm 2020, tôi là giáo viên dạy tiếng Việt cho người lớn và trẻ em tại Horami Academy – một học viện ngôn ngữ trực tuyến tại Đức được thành lập trong thời kì đại dịch. Học viên chủ yếu ở học viện là các trẻ em gốc Việt sinh sống tại châu Âu, một số tại Mỹ. Có một nhóm học viên khác là các bạn người lớn gốc Việt đến từ khắp nơi. Ngoài ra cũng có một số ít các bạn người Đức, Mỹ có vợ, chồng là người Việt nên muốn học tiếng Việt.

Từ tháng 11/2021 đến nay thì tôi đồng thời là giáo viên dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ cội nguồn trong 1 số trường phổ thông tại Berlin, nơi có cộng đồng người Việt đông. Dự án này đã thực hiện thành công với các ngôn ngữ như tiếng Thổ, tiếng Ả rập, tiếng Ba Lan… và cho đến năm 2021 thì tiếng Việt được chính thức được đưa vào giảng dạy.

Chị có nhắc đến lớp học ngôn ngữ cội nguồn ở Berlin, đây là một cách gọi mà Vân rất thích vì nó không chỉ nói lên việc học một ngôn ngữ mà còn nhắc nhở người dân nhập cư về bản sắc văn hóa trong mình và gốc rễ của mình. Chị có thể cho biết thêm về loại hình dạy tiếng Việt này được không?

Cô giáo Thu Hương: Các lớp “Tiếng Việt – Ngôn ngữ cội nguồn” được tổ chức từ tháng 11/2021 với 4 lớp khác nhau ở một trường Tiểu học và một trường Chuyên nên lượng giáo viên chưa nhiều. Ở năm học 2022-23, chúng tôi có 6 lớp học khác nhau theo độ tuổi dành cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 với số lượng học sinh chính thức đăng ký trên 100 em. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều đơn đăng ký khác và đang chờ mở lớp. Tiêu chuẩn của một lớp học “Tiếng Việt – Ngôn ngữ cội nguồn” thường là 12 em/ lớp nên trong năm học tới, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm một số giáo viên để đáp ứng được nhu cầu mở lớp ở các trường khác nhau trên địa bàn thành phố Berlin.

Điều gì làm các chị thích nhất khi dạy tiếng Việt ở Đức?

Cô giáo Thu Hương: Vì em dạy tiếng Việt với các đối tượng khá phong phú và các dạng lớp học cũng khác nhau nên em thấy tựu trung lại em vui vì thấy mình có ích. Đôi khi mình giống như người dẫn đường, người bạn đồng hành và sẻ chia, đôi khi lại là người cùng vui chơi và khám phá, đôi khi lại là người truyền cảm hứng và động lực…

Vui nhất là được lắng nghe những câu chuyện, những tâm tư được nói, được viết bằng tiếng Việt. Nếu không học tiếng Việt thì những câu chuyện nhỏ như thế này chắc hẳn các bạn học viên ấy sẽ giấu kín hoặc cùng lắm truyền miệng cho con cháu sau này mà thôi chứ không được kể lại chân thực như thế này.

Cô giáo Diệu Linh: Với tôi, đó là việc được thấy nguồn năng lượng tươi vui và hồn nhiên từ các em, sự kết nối và chia sẻ từ những phụ huynh tâm huyết và chứng kiến sự tiến bộ của học sinh.

Theo tôi, việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là việc dạy và học ngôn ngữ mẹ đẻ, mà còn là sự kết nối. Khi thiết kế các bài học cũng như nhiệm vụ về nhà, tôi luôn chú trọng tới sự kết nối của các em với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Với các em nhỏ, tôi luôn yêu cầu phụ huynh ngồi cùng con trong các buổi học, không chỉ để hỗ trợ con về kĩ thuật mà còn để tham gia các hoạt động trong giờ học, học cách đọc sách tương tác, và chơi các trò chơi cùng con. Bài tập về nhà của học sinh bao giờ cũng có những nhiệm vụ cần sự tham gia của các thành viên trong gia đình, điều này ít nhiều giúp bố mẹ và con cái có thêm thời gian bên nhau, cùng chuyện trò, cùng học, cùng chơi bằng tiếng Việt.

Điều gì là khó khăn nhất khi dạy tiếng Việt ở Đức?

Cô giáo Thu Hương: Khó khăn lớn nhất đó là sự chênh lệch của các học sinh trong một lớp học dẫn đến giáo viên thường mất nhiều thời gian hơn đối với những học sinh còn chưa nghe nói tốt, trong khi đó các học sinh có khả năng nghe nói ổn lại mong chờ được thể hiện nhiều hơn, được tiếp cận nhiều kiến thức mới mẻ và khó hơn. Do vậy, việc điều chỉnh cân đối giữa các nhóm nhỏ học sinh chênh lệch về trình độ trong cùng lớp học là không hề dễ dàng. Đối với một số nhiệm vụ học tập, chúng tôi thường cố gắng biến hạn chế thành ưu điểm. Chẳng hạn như các cặp đôi đọc truyện. Với các câu chuyện siêu ngắn (khoảng 10-12 câu), các cặp đôi sẽ đọc luân phiên các câu. Sau khoảng thời gian thực hành, khá nhiều cặp đôi làm việc hiệu quả. Bạn biết đọc một chút, phát âm tốt hơn luyện cho đối tác của mình đọc và chỉnh sửa phát âm. Đó là điều rất tuyệt vời. Các em có thể không học cùng một lớp vào buổi sáng, thậm chí là không cùng trường nhưng nhờ các hoạt động học tập ở lớp tiếng Việt buổi chiều, có thể các em sẽ có những người bạn đặc biệt mới.

Cô giáo Diệu Linh: Đó là sự hợp tác hời hợt từ một số phụ huynh. Có nhiều phụ huynh rất nhiệt tình, theo sát con học, trợ giúp, nhắc nhở con làm bài tập, tối đến đọc truyện cho con nhưng cũng có những phụ huynh do bận rộn, hoặc do không thấy tầm quan trọng của việc giữ tiếng Việt nên không để ý giúp con. Với những phụ huynh như vậy thì bản thân các con của họ cũng không thấy được sự cần thiết của việc đầu tư thời gian và công sức để học tiếng Việt nên với những học sinh đó thì đa phần là tiến bộ rất ít.

Các chị có một kỷ niệm hay câu chuyện nào đáng nhớ về việc dạy tiếng Việt của mình không?

Cô giáo Diệu Linh: Công việc này đã đem đến cho tôi rất nhiều niềm vui, nhưng có hai kỉ niệm đáng nhớ nhất với tôi cho tới giờ. Tôi có một cậu học trò nhỏ, bình thường bạn ấy là một cậu bé rất vui vẻ và lém lỉnh. Trong một giờ học về chủ đề Lòng biết ơn, khi cô yêu cầu làm một món quà nhỏ cùng những lời cảm ơn cụ thể tới bố mẹ, bạn ấy bỗng trở nên buồn bã và cáu kỉnh. Hỏi ra, tôi mới biết bố mẹ bạn đã li hôn, và bố bạn hiện đang sống ở VN. Thực ra mối quan hệ giữa bạn và bố rất tốt, chỉ là bạn cảm thấy tủi thân và bất công khi các bạn khác trong lớp đều ở cùng bố mẹ, chỉ có bạn là không thể làm bài tập tiếng Việt cùng bố khi bạn muốn. Sau buổi học, tôi có trò chuyện với mẹ bạn để hiểu thêm về gia cảnh cũng như tâm tính của bạn. Mấy hôm sau, mẹ bạn ấy gửi cho tôi một cuốn sách tiếng Việt về chủ đề gia đình và ngỏ ý muốn tôi thiết kế một bài học dựa trên cuốn sách này. Cuốn sách rất hay và tôi đã thiết kế ngay một bài học theo sự “đặt hàng” của chị. Tuần tiếp theo, tôi dạy bài học đó cho lớp cậu bé. Các bạn nhỏ rất thích thú, đặc biệt là cậu bé kia mặc dù cậu bé đã đọc cuốn sách ở nhà cùng mẹ. Sau buổi học, cậu bé mãn nguyện bảo với mẹ: “Con thấy gia đình mình là gia đình hoàn hảo!”. Cả mẹ bạn ấy và tôi đều thực sự rất vui. Câu chuyện về cậu bé ấy khiến tôi cảm thấy những gì mình đang làm thực sự có ý nghĩa.

Vào ngày 20.11, các phụ huynh và học sinh đã bí mật làm một món quà nhỏ dành tặng tôi: một video clip ghi lại cảm nhận của các con về cô và những lời chúc ấm áp dành cho cô Linh. Các phụ huynh đã dành tặng món quà đó cho tôi theo cách vô cùng bất ngờ trong một buổi gặp gỡ bất ngờ qua zoom. Món quà đó khiến tôi vô cùng cảm động và hạnh phúc.

Cô giáo Thu Hương: Có một buổi, em đang đi giữa sân trường một trường tiểu học, thì có một nhóm học sinh hô to: Con chào cô Hương! Em vừa giật mình, vừa buồn cười nhưng thấy vui. Cảm giác như mình đang ở trường tiểu học nào đó ở Việt nam. Câu chuyện không ở trong lớp học nhưng cũng liên quan đến tiếng Việt – đó là một cuộc cách mạng hoá từ “Hallo” sang “Con chào cô!”

Các chị có mong muốn hay khuyến nghị gì liên quan đến việc giữ Việt?

Thu Hương: Tôi mong muốn tương lai của tiếng Việt cũng sẽ giống như nhiều ngôn ngữ cội nguồn khác như tiếng Nhổ, tiếng Ả Rập đã làm được ở Berlin – đó là chúng tôi sẽ có một đội ngũ giáo viên tiếng Việt dày đặc có khả năng phủ sóng ở nhiều trường học có nhu cầu mở lớp ở nhiều góc địa bàn trong thành phố để các em học sinh thuận tiện hơn khi tham gia các lớp học tiếng Việt. Hiện nay, một số học sinh phải di chuyển từ 40-50 phút bằng các phương tiện công cộng để đến các lớp học, như thế tôi thấy quá vất vả cho các em. Ngoài ra thì trong tương lai, tôi cũng mong muốn sẽ làm được một bộ sách Tiếng Việt (theo khung chương trình của Ngôn ngữ cội nguồn) dưới dạng song ngữ Việt-Đức, xuất bản tại Đức.

Cô giáo Diệu Linh: Bên cạnh việc nói tiếng Việt với các con ở nhà, theo tôi, bố mẹ nên thiết lập thói đọc sách tiếng Việt cho con và cùng con mỗi ngày. Khi đọc sách, để con hứng thú, bố mẹ nên chú ý đến âm điệu và ngôn ngữ cơ thể, đồng thời, nên đặt các câu hỏi tương tác để con tăng sự chú ý và tập trung cũng như giúp con hiểu từ ngữ cũng như nội dung câu chuyện tốt hơn. Ngay cả khi con đã có thể đọc thông, việc đọc sách cùng con vẫn vô cùng cần thiết vì có thể có các từ khó hoặc những thứ thuộc về văn hóa hay mang tính địa phương mà con chưa hiểu rõ. Bố mẹ ở cạnh và giải thích cho con, cùng con thảo luận về cuốn sách sau khi đọc xong là việc vô cùng hữu ích với sự phát triển ngôn ngữ của con. Và như đã đề cập ở trên, việc đọc sách tiếng Việt cùng con không chỉ là giữ gìn tiếng Việt cho con, mà còn giúp cha mẹ và con cái có sự kết nối bền chặt.

Cám ơn 2 cô giáo tiếng Việt Diệu Linh và Thu Hương đã chia sẻ những thông tin rất hữu ích và truyền cảm hứng về việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Đức. Chúc các chị luôn tâm huyết với việc giúp các gia đình Việt nam ở Đức giữ tiếng Việt và mong là những nguyện vọng của các chị về việc có nhiều lớp học ngôn ngữ cội nguồn hơn ở Đức cũng như bố mẹ nói tiếng Việt với con và dành thời gian đọc truyện sách với con nhiều hơn sẽ sớm thành hiện thực.

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về việc giữ tiếng Việt ở Đức qua câu chuyện của 2 người phụ nữ truyền lửa cho việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Berlin. Một điều thú vị có thế nhận thấy từ những chia sẻ của các cô giáo đầy tâm huyết này là dù là ở Đức hay ở Úc thì việc giữ tiếng Việt luôn đòi hỏi nỗ lực tổng hợp từ chính phủ, các thầy cô và đặc biệt là vai trò then chốt của bố mẹ. Các thầy cô nhiệt tình, có khả năng sư phạm để giúp các em yêu tiếng Việt, thích học tiếng Việt nhưng sự nhiệt tình và khả năng đó sẽ có kết quả gấp nhiều lần nếu như các em được bố mẹ hỗ trợ để nói tiếng Việt, làm bài tập tiếng Việt, đọc sách tiếng Việt khi ở nhà. Những hoạt động này không chỉ giúp củng cố vốn tiếng Việt cho các em mà còn là sợi dây kết nối bố mẹ với con cái, kết nối các con với văn hóa Việt, văn hóa cội nguồn của các con. Mong là các gia đình luôn là nền tảng để con giữ tiếng Việt và cũng là cánh tay trợ giúp các thầy cô trong việc dạy tiếng Việt cho các con.



Share