Cùng giữ tiếng Việt: Ngày tôn vinh tiếng Việt

Gia đình cùng gói bánh chưng chưng trong dịp Tết để gìn giữ văn hóa Việt

Gia đình cùng gói bánh chưng trong dịp Tết để gìn giữ văn hóa Việt Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhằm khuyến khích việc duy trì ngôn ngữ và bản sắc văn hóa Việt ở nước ngoài, Việt Nam cho ra đời Ngày Tôn vinh Tiếng Việt 8 tháng 9.


Theo quý vị, có bao nhiêu người đang sinh sống ở nước ngoài và bao nhiêu phần trăm trong số đó nói tiếng Việt và duy trì bản sắc văn hóa Việt?

Theo các số liệu thống kê, năm 2020, người Việt Nam ở nước ngoài có trên 5,3 triệu người và phân bố không đồng đều tại hơn 130 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. 98% trong số người Việt ở nước ngoài tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương.

Người Việt ở nước ngoài sinh sống nhiều ở đâu? 

Với hơn 2 triệu người, số người gốc Việt ở Mỹ chiếm gần một nửa số Việt kiều trên toàn thế giới. Tiếp sau là cộng đồng người Việt tại Canada, số người gốc Việt sinh sống ở Canada gần đây đã tăng mạnh và lên đến 250.000 người , trở thành một trong những cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhất trên thế giới.

Ở Úc, trong 10 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 7.000 người gốc Việt đến định cư ở Úc, đưa số người gốc Việt hiện sinh sống ở Úc lên hơn 300.000 người.

Ở Châu Á, có khoảng 240.000 người gốc Việt sinh sống ở Đài loan, 450.000 người ở Nhật bản, và khoảng 224.000 người ở Hàn quốc.

Trong các nước ở châu Âu, nước có nhiều người Việt sinh sống nhất là Pháp với gần 400.000, sau đó là Đức gần 200.000, Cộng hòa Séc 60.000-200.000, và Vương quốc Anh gần 100.000.

Có những hỗ trợ gì từ chính phủ Úc?

Việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài phần lớn vẫn dựa vào lực lượng giáo viên tình nguyện. Ở Úc, đa số các giáo viên này là từ liên trường Việt ngữ và các trường ngôn ngữ cộng đồng do chính phủ và cộng đồng tài trợ.

Việc dạy và học phụ thuộc vào lực lượng giáo viên tình nguyện thể hiện một nỗ lực đáng quý của đội ngũ giáo viên tình nguyện nhưng cũng tồn tại một số hạn chế như trình độ, phương pháp sư phạm, và sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa giữa các vùng miền và tư tưởng chính trị.

Để khắc phục hạn chế về Phương pháp sư phạm, chính phủ Úc đã có những hỗ trợ đáng kể, thông qua các khóa đào tạo miễn phí cho giáo viên ngôn ngữ cộng đồng để củng cố kiến thức sư phạm và cập nhật với các hình thức giảng dạy hiện đại. Các khóa học bồi dưỡng và cấp chứng chỉ này được thực hiện bởi Viện Giáo dục Ngôn ngữ Cộng đồng Sydney tại trường Đại học Sydney.

Đào tạo chuyên môn từ Việt Nam

Về chuyên môn, có một nguồn trợ giúp rất đáng kể từ phía chính phủ Việt nam, đó là các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt tổ chức trong nước. Một hoạt động đã thu hút sự tham gia của rất nhiều giáo viên tình nguyện từ nhiều nước trên thế giới nhưng đáng tiếc chưa thực sự thu hút được nhiều giáo viên từ Úc.

Các khóa huấn luyện này ra đời từ năm 2013, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội cho hàng trăm giáo viên/tình nguyện viên người Việt Nam ở nước ngoài.

Các học viên được đi thực tế dự giờ ở trường học ở Việt Nam, tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử của đất nước để chương trình mang tính thực hành cao.

Các giáo viên cũng được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm với nhau cũng như với các tổ chức ở Việt nam về tình hình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, giúp Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan có các biện pháp hiệu quả hơn trong việc đẩy mạnh và phát huy hơn nữa các hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Mỗi năm có khoảng 70 giáo viên tham gia tập huấn. Gần 10 năm qua, chương trình đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng cho khoảng 600 giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Năm 2021, khóa tập huấn được thực hiện theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Cũng chính nhờ hình thức trực tuyến mà khóa tập huấn lần này có sự tham gia đông nhất các giáo viên, cho thấy nhu cầu cần được đào tạo, nâng cao phương pháp giảng dạy của giáo viên dạy tiếng Việt cũng như nhu cầu học tiếng Việt của các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Khóa tập huấn năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến bao gồm 2 lớp: Lớp học thứ nhất dành cho địa bàn châu Á và Úc; lớp học thứ 2 dành cho địa bàn châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, lớp học thứ nhất diễn ra trong 4 tuần với 258 học viên đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc địa bàn châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Đài Loan) và Úc.

Theo chị Đỗ Xuân Hoa, nghiên cứu sinh của trường Đại học La Trobe, người đã tham dự khóa huấn luyện này thì đây là một khóa học vô cùng bổ ích và ý nghĩa. Chị đặc biệt ấn tượng với sự nhiệt tình, chuyên môn cao và đặc biệt là phương pháp giảng dạy hiện đại của các thầy cô huấn luyện chương trình. Chị khuyến khích các giáo viên đang giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài tham gia khóa huấn luyện này để củng cố thêm kiến thức tiếng Việt và văn hóa Việt, cập nhật thêm về các phương pháp dạy tiếng Việt dùng công nghệ thông tin, và giao lưu học hỏi với các thầy cô dạy tiếng Việt ở các nơi trên thế giới.

Share