Cùng giữ tiếng Việt: Học chữ cái thế nào cho vui?

vnalphabets.jpg

Bảng chữ cái tiếng Việt

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Học chữ cái là một trong những bước đầu tiên trong hành trình giúp con biết đọc, viết tiếng Việt. Ngoài việc dạy con biết nhận dạng một chữ cái, bố mẹ còn có thể giúp con học những gì khi cùng con học bảng chữ cái?


Từ số 30 của Cùng giữ tiếng Việt, Hồng Vân đã giới thiệu với quý vị series chia sẻ cách dạy tiếng Việt cho con ở nhà. Hi vọng là Phần 1 của series này có tên Bắt đầu từ đâu khi dạy tiếng Việt cho con và phần 2 Học chữ cái tiếng Việt thế nào cho vui đã đem đến cho quý vị một chút thông tin và cảm hứng để giúp con học tiếng Việt. Trong phần 3 của series này, mời quý vị tiếp tục tham khảo cách dạy con các chữ cái và giúp con tăng vốn từ vựng qua việc đặt các câu hỏi cho con khi cùng con học chữ cái.

Mời quý vị nghe phần minh họa việc học chữ d của bé Ivy trong audio của chương trình. Chúng ta tiếp tục cho con xem video ABC vui từng giờ chữ d của VTV 7.
ABC Vui từng giờ là chương trình dành cho trẻ đến tuổi đi học tập làm quen với bảng chữ cái tiếng Việt qua nhân vật Kiến tím và Trứng tròn. Ở mỗi tập video dài 6 phút, các em sẽ cùng Kiến tím nhận diện mặt chữ cái, phát âm, nhận diện chữ cái trong từ và xác định được hướng viết chữ. Mỗi video giới thiệu một chữ cái với cách tiếp cận sinh động, hiện đại và trẻ thơ, giúp các em làm quen với chữ cái một cách nhẹ nhàng, thú vị, và vui vẻ.

Như quý vị vừa theo dõi trong Khi con xem video, con tập phát âm chữ d và các từ có chữ d. Bố mẹ có thể dừng video lại để hỏi con về những hình ảnh trên video như có mấy chữ d, các thông tin liên quan đến hình ảnh như màu sắc, hình khối, vật này dùng để làm gì, … (Cái dao dùng để làm gì? Quả dưa này gọi là dưa gì? Nó có màu gì? Từ gì cũng có nghĩa giống từ đại dương? Dế mèn tiếng Anh mình gọi là con gì? Con có thích làm diễn viên không? Con thích làm diễn viên múa hay diễn viên đóng phim? Dây thừng này mà không dai thì sẽ bị làm sao?)

Sau đó, bố mẹ sẽ dừng lại ở từng từ có chữ d để con tập viết các từ đó xuống vở và vẽ tranh về các từ đó ở bên cạnh. Nếu con chưa viết được thì bố mẹ viết và con sẽ tô màu chữ d rồi vẽ tranh.

Một hoạt động con có thể làm sau khi xem video chữ d là đi tìm các đồ vật trong nhà có chữ d. Bố mẹ đặt thời gian 2 phút (có thể dùng website đặt thời gian có nhạc vui nhộn có sẵn trên mạng như
Nếu không có nhiều đồ vật có chữ cái đó thì con có thể vẽ trên giấy cũng được. Ví dụ như con tìm thấy các đồ vật như con dao, con dê, băng dính, dây buộc tóc, kẹo dẻo, cái dù, …

Ba điểm quan trọng khi dạy chữ cái cho con:

1. Nhận dạng chữ cái cùng với việc phát âm và tập viết chữ cái đó

Điều này giúp con nói đúng âm, biết mặt chữ, và có thể viết được chữ đó.

2. Học chữ cái trong các từ

Học 1 chữ cái trong các từ có chữ cái đó sẽ giúp trẻ hiểu về cách dùng chữ cái đó và biết thêm nhiều từ.

3. Học và ôn tập chữ cái ở mọi nơi và qua các hoạt động gây hứng thú với con

Học chữ cái không chỉ là học lúc ngồi ở bàn học mà có thể học qua nhiều hoạt động mà con thích thú, ví dụ như đi tìm đồ vật trong nhà có chữ cái đó, vẽ các đồ vật đó, hoặc xem 1 tập phim hoạt hình mà con thích bằng tiếng Việt (như phim Peppa Pig). Khi ra ngoài đường, bố mẹ cũng có thể giúp con nhận dạng chữ cái qua các biển hiệu cửa hàng, quảng cáo, biển số xe… Có thể hỏi con các câu hỏi như Trên biển hiệu kia có mấy chữ d. Buổi tối, khi đọc truyện tiếng Việt cho con, bố mẹ cũng có thể hỏi con tìm các từ có chữ d trong 1 trang truyện đang đọc.

Ngoài ra bố mẹ cũng có thể so sánh cho con thấy chữ d trong tiếng Việt đọc là d nhưng tiếng Anh lại đọc là đ (giống chữ đ của tiếng Việt) để con phân biệt được và tránh nhầm lẫn.

Mỗi ngày 1 chút, có công mài sắt có ngày nên kim. Học 1 ngôn ngữ là như vậy, không ai thức dậy vào buổi sáng và bỗng nhiên có thể nói thành thạo một ngôn ngữ. Với 1 đứa trẻ, việc bố mẹ, ông bà nói chuyện bình thường với nó đã là dạy nó tiếng Việt, nói chuyện có chủ ý dạy tiếng Việt thì càng giúp trẻ học tiếng Việt nhanh hơn, giúp trẻ tăng cường kỹ năng giao tiếp và mở rộng kiến thức về thế giới xung quanh. Chính vì thế bố mẹ, ông bà là những người có vai trò tối quan trọng trong việc giúp trẻ nói và học tiếng Việt, từ đó nâng cao khả năng giao tiếp và học hỏi của trẻ. Hi vọng là các gia đình chúng ta luôn là môi trường học tiếng Việt tự nhiên cho con em ở nhà.

Share