Cùng giữ tiếng Việt: Câu chuyện Việt nam

Stories of Vietnam – Dự án cung cấp truyện song ngữ miễn phí cho trẻ em gốc Việt

Stories of Vietnam – Dự án cung cấp truyện song ngữ miễn phí cho trẻ em gốc Việt Source: CGTV

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra việc đọc sách truyện với con từ khi con còn nhỏ có tác động rất tích cực đến năng lực học tập và khả năng giao tiếp của trẻ. Với trẻ đa ngữ như trẻ gốc Việt ở nước ngoài, nguồn truyện sách song ngữ Anh-Việt chưa nhiều, khiến cho các em có hạn chế khi muốn tiếp cận với tiếng Việt và văn hóa Việt.


Dự án là dự án tiên phong trong việc cung cấp miễn phí cho các em nhỏ gốc Việt ở nước ngoài những cuốn sách, truyện song ngữ về Việt nam, để các em hiểu thêm về nền văn hóa mà các em đang mang trong mình và thấy gắn kết hơn với bản sắc Việt của mình. Hơn 3000 cuốn truyện tranh song ngữ miễn phí đã được cung cấp cho các em nhỏ gốc Việt ở gần 400 thành phố tại hơn 46 bang của nước Mỹ. Hơn 1500 em nhỏ gốc Việt đã được đọc các cuốn truyện tranh song ngữ của Stories of Vietnam. 26 chi nhánh của thư viện cộng đồng San José đã có sách của Stories of Vietnam. Các gia đình từ 41 quốc gia trên thế giới đã tải sách và các tài liệu giáo dục từ website của Stories of Vietnam ().

Để tìm hiểu thêm về dự án này và hi vọng sẽ thấy dự án được nhân rộng đến 1 đất nước có cộng đồng người Việt lớn thứ 4 trên thế giới là nước Úc của chúng ta, mời quý vị cùng trò chuyện với anh Nguyễn Nghĩa Tài, giám đốc điều hành dự án Stories of Vietnam tại California, Mỹ.

HV: Chào anh Tài, cám ơn anh đã nhận lời mời của SBS Tiếng Việt. Vân được biết anh là một tiến sĩ công nghệ điện tử, hiện đang làm việc cho một công ty công nghệ không gian vũ trụ. Còn Stories of Vietnam thì như người ta hay nói là một câu chuyện hoàn toàn khác, là về sách truyện, ngôn ngữ, trẻ nhỏ. Điều gì đã dẫn anh đến với ý tưởng Stories of Vietnam? 

Anh Nghĩa Tài: Stories of Vietnam là dự án phi lợi nhuận, được xây dựng nhằm hỗ trợ trẻ em Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài để giúp các em hiểu biết hơn về văn hóa Việt Nam. Chúng tôi xuất bản và gửi tặng miễn phí những cuốn truyện thiếu nhi để truyền đạt những giá trị cội nguồn Việt Nam.  Chúng tôi tin rằng việc bố mẹ đọc sách cho trẻ nhỏ trong quá trình học nói, học chữ là một trong những cách tốt nhất để phát triển khả năng ngôn ngữ, đồng thời khích lệ các con hướng về cội nguồn. Một khi con biết mình đến từ đâu, là ai, con cũng sẽ ít cảm thấy chênh vênh khi đối mặt giữa hai nền văn hóa khác nhau. 

Ý tưởng thành lập dự án Stories of Vietnam không phải xảy ra bất chợt, dự án được hình thành sau một chuỗi các quan sát, suy nghĩ trong một thời gian rất dài. Cách đây 8 năm, con gái lớn của tôi ra đời khi tôi đang sống ở một thành phố nhỏ ở tây bắc nước Mỹ, ở đó có rất ít người Việt. Vợ chồng tôi cố gắng tìm các sách về tiếng Việt hay văn hóa Việt Nam để đọc cho cháu nghe, nhưng hầu như không thể tìm thấy sách ở trong khu vực tôi sống. Nếu có, thì sách cũng không rẻ cho một gia đình trẻ để mua nhiều sách. Thi thoảng có người về Việt Nam, chúng tôi lại nhờ người mang sách sang, có sách thì dùng được, có sách thì không. Cũng tại thành phố này, tôi đã đọc về ông Andrew Carnegie, hơn 100 năm trước, ông ấy đã bỏ tiền xây dựng rất nhiều thư viện công cộng miễn phí trên toàn nước Mỹ và khắp nơi trên thế giới. 

Sau một thời gian sống ở thành phố nhỏ, chúng tôi chuyển đến sống ở California. Đến nơi ở mới, chúng quen nhiều bạn Việt hơn nhưng có một điều làm tôi băn khoăn là rất nhiều cháu sinh ra ở đây mà tôi biết đều không biết tiếng Việt. Các cháu cũng biết rất ít về Việt Nam mặc dù cha mẹ là người Việt. Tôi liên tưởng đến người Do Thái, họ sống ở khắp nơi trên thế giới hàng nghìn năm qua và vẫn giữ được văn hóa Do Thái rất mạnh, dân tộc họ rất đoàn kết. Rồi tôi lại nghĩ, dòng họ Lý gốc Việt di cư đến Hàn Quốc đã sống ở Hàn Quốc gần 1000 năm qua mà họ còn giữ được nguồn gốc Việt Nam, chả nhẽ thế hệ bây giờ không làm được. Sau khi tìm hiểu về người Do Thái, tôi phát hiện ra họ có một chương trình tặng sách của thư viện PJ library, tôi mơ ước đến một ngày nào đó có một thư viện như vậy cho người Việt. Nghĩ về dự án là một chuyện, làm được hay không làm một chuyện khác. Đằng sau PJ library là các mạnh thường quân lớn, tôi chẳng có gì ngoài ý tưởng.

HV: Đúng là có ý tưởng đã khó, làm thế nào để thực hiện được ý tưởng đó cũng rất thử thách vì nó đòi hỏi rất nhiều công sức và nguồn tài chính nữa, vì theo như Vân hiểu thì sách của dự án được cung cấp hoàn toàn miễn phí. 

Anh Nghĩa Tài: Rất may mắn, sau nhiều năm ấp ủ và phác thảo ra được mô hình mà có thể hoạt động tôi chia sẻ ý tưởng cho một nhóm cha mẹ nuôi con ở Mỹ. Họ ủng hộ nhiệt liệt và giúp tôi hoàn thiện hướng hoạt động của dự án. Cũng từ nhóm cha mẹ đó, tôi đã gặp những người đồng hành cùng tôi xây dựng nên dự án này. 

HV: Như vậy là ý tưởng của dự án xuất phát từ những trăn trở của anh là làm thế nào để các em nhỏ gốc Việt được đọc những cuốn sách song ngữ về Việt nam để hiểu thêm về văn hóa Việt, học thêm về tiếng Việt và nhờ đó cảm thấy gắn kết với cội nguồn là người Việt của mình. Vân muốn biết thêm về nội dung các cuốn sách truyện này, làm thế nào để các anh chị chọn nội dung truyện để dịch, biên soạn nội dung  và thiết kế tranh để các em nhỏ khi đọc sẽ hiểu thêm về văn hóa Việt và thấy hứng thú? 

Anh Nghĩa Tài: Sách chúng tôi xuất bản là truyện thiếu nhi có minh họa. Sách bao gồm hai phần. Phần đầu là một truyện thiếu nhi thông thường với các nhân vật tưởng tượng như rùa, hổ, voi, ếch, cá, v.v.. Chúng tôi cố gắng chọn những truyện có thông điệp hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tất cả sách đều xuất bản dưới dạng song ngữ - tiếng Anh và tiếng Việt, để các cháu không biết tiếng Việt cũng có thể đọc được. Tất cả các truyện đều có minh họa nhiều màu sắc và bố cục hiện đại. Theo tôi quan sát, minh họa nhiều lúc còn quan trọng hơn là lời văn.

Phần sau của mỗi cuốn sách giới thiệu thêm về văn hóa Việt Nam. Ví dụ như cuốn “Rùa con đi chợ” chúng tôi có nói qua về Rùa Hồ Gươm và tháp Rùa Hà Nội. Cuốn “Lại may hỏng rồi” thì chúng tôi nói một chút về lịch sử áo dài và mười hai con giáp. Gần đây, chúng tôi cũng bổ sung thêm 1 trang “Nghệ thuật làm cha mẹ” ở trang cuối cùng của mỗi cuốn sách. Chúng tôi gợi ý các hoạt động cha mẹ có thể làm cùng con sau khi đọc sách.

HV: Rất tuyệt, như vậy là mỗi cuốn sách không chỉ là một câu chuyện thiếu nhi được viết bằng 2 thứ tiếng, Anh và Việt, và có hình ảnh minh họa mà còn có cả những kiến thức về văn hóa Việt, và hướng dẫn bố mẹ cách đọc truyện với con.  Chắc hẳn là dự án đã có những  kết quả hay những phản hồi rất tích cực? 

Anh Nghĩa Tài: Từ khi chính thức bắt đầu dự án, gần 1 năm trước đây, chúng tôi đã in được 3 đầu sách với hơn 3000 bản và đã gửi sách cho 1000 gia đình ở Mỹ - hoàn toàn miễn phí, kể cả phí vận chuyển. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 1000 gia đình nữa đã đăng ký trong danh sách đợi.

Chúng tôi rất vui là dự án được cộng đồng đón nhận rất nhiệt tình. Có những mẹ nhắn cho chúng tôi là rất xúc động vì con họ được cộng đồng quan tâm tặng sách như vậy. Có gia đình bố là người Mỹ đọc sách cho con tiếng Anh, mẹ đọc cho con tiếng Việt. Vui nhất là có những cháu nhỏ, sau khi đọc sách thì hỏi cha mẹ thêm rất nhiều về Việt Nam, có cháu còn bảo con muốn học tiếng Việt.

HV: Thật là tuyệt vì khi các con có hứng thú với truyện sách, các con còn thích tìm hiểu thêm về Việt nam và thích học tiếng Việt. Để có được những kết quả đáng tự hào như vậy, chắc hẳn anh phải có 1 đội ngũ cộng tác viên siêu việt?

Anh Nghĩa Tài: Dự án này không thể có ngày hôm nay nếu không có những bạn đồng hành tuyệt vời ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù, dự án mới chỉ dừng ở việc tặng sách ở Mỹ, nhiều thành viên của nhóm hiện tại đang sống ở nước Áo, Úc, Đức và Thụy Điển. Các bạn ở Việt Nam cũng tham gia rất nhiệt tình. Tôi là người khởi xướng và điều hành chung của dự án, nhưng phần lớn các công việc của dự án là do các bạn trong nhóm làm. Trong nhóm chúng tôi có các chuyên gia về nuôi dạy con, chuyên gia ngôn ngữ ở cả tiếng Anh và tiếng Việt, các bạn họa sĩ minh họa và chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ở Úc chúng tôi cũng mời được chị Hà Trang, giáo viên tiếng Việt, chị Xuân Hoa, nghiên cứu sinh về đề tài trẻ em đa ngữ, là các cố vấn tiếng Việt. Dự án cũng không thể thiếu các chuyên gia kinh tế để xây dựng mô hình nhằm duy trì dự án tồn tại lâu dài. Để một cuốn sách được in, thì trước đó là những cuộc tranh luận kĩ càng về việc dùng từ hay hình ảnh một cách chính xác, khoa học và phù hợp với trẻ con nhất.

Chúng tôi cũng rất vui khi mời được nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai làm Cố vấn cho dự án. Chị Quế Mai đã dịch bài thơ Rùa con đi chợ sang tiếng Anh, đang dịch một quyển sách thơ về nghệ thuật rối nước Việt Nam sẽ xuất bản trong năm tới, và hướng dẫn chúng tôi rất nhiều trong việc phát triển dự án.

HV: Tuyệt vời, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, tác giả của cuốn sách nổi tiếng The Mountains sing. Theo như Vân hiểu thì về khâu biên soạn, thiết kế sách thì anh có một đội ngũ chuyên gia tình nguyện rất mạnh, còn 1 khâu nữa để đảm bảo trẻ em có những cuốn sách các anh chị kỳ công biên soạn là khâu in ấn và phát hành, những khâu này cũng cần một khoản chi phí không nhỏ phải không? Anh có thể cho biết dự án đã làm thế nào để có được nguồn tài trợ? 

Anh Nghĩa Tài: Khó khăn duy nhất là chưa tìm được nguồn quỹ ổn định để in và gửi tặng sách. Nguồn quỹ in ba quyển sách trong năm đầu là từ hoạt động gây quỹ cộng đồng (crowdfunding). Nhóm dự định tháng 6 hàng năm, dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6, mở một đợt gây quỹ cộng đồng qua kênh Facebook. Ngoài ra dự án cũng tích cực đi xin tài trợ thêm của các tổ chức, vì đây sẽ là một cách tốt để mở rộng chương trình tặng sách cho thêm nhiều gia đình trong danh sách chờ; tuy nhiên chúng tôi chưa thành công lắm trong hoạt động gây quỹ này. Nhân đây, xin phép chị cho nhóm Stories of Vietnam nhắn gửi kêu gọi các phụ huynh hay các bạn quan tâm chủ đề này giúp đỡ bằng cách giới thiệu đến các nhà hảo tâm, cá nhân hoặc tổ chức.

HV: Vân cũng rất hi vọng là với những thành quả dự án đã làm được trong gần 1 năm qua, đặc biệt là ý nghĩa to lớn của dự án này đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, sẽ có nhiều mạnh thường quân, nhiều tổ chức sẵn sàng tài trợ cho dự án. Anh có thể chia sẻ dự định tương lai của dự án?

Anh Nghĩa Tài: Duy trì và mở rộng chương trình tặng sách, 4 quyển sách một năm, cho nhiều em bé nhất có thể. Trước khi gửi tặng quyển sách đầu tiên thì các bạn trong nhóm bàn nhau là có thể tăng số đầu sách in mỗi năm lên 6 quyển nếu có nhiều tiền tài trợ hơn. Nhưng sau đó chúng tôi nhận ra ngay là nhu cầu sách song ngữ rất lớn, rất nhiều gia đình đăng ký vào danh sách chờ, nên nhóm sẽ ưu tiên mở rộng đến nhiều độc giả trước khi tăng số đầu sách in. Chúng tôi cũng tích cực liên hệ với các thư viện cộng đồng để tặng sách, qua đó thêm nhiều gia đình có thể mượn sách cho các con đọc, và hiệu quả chi phí cao. 

Tương lai dài hơn nữa thì cả nhóm mơ mộng mở rộng chương trình tặng sách ra các nước nói tiếng Anh, và cả châu Âu nữa, bất kể đâu có người gốc Việt sinh sống. 

Bên cạnh việc xuất bản sách, chúng tôi cũng huy động các tình nguyện viên tham gia sản xuất và sưu tập thêm nhiều nội dung bổ ích để các bố mẹ download cho các con đọc và chơi thông qua website của dự án. Hiện tại, một số ebook, các thiết kế thủ công, tranh tô màu, và trò chơi đã có mặt trên website. Qua kênh website này thì dự án cũng mở rộng bước đầu ra ngoài nước Mỹ. Các gia đình ở khắp nơi trên thế giới có thể vào website để tham khảo các nội dung chúng tôi đang có.

HV: Cám ơn anh Tài đã chia sẻ với thính giả SBS về dự án Stories of Vietnam, 1 dự án vô cùng ý nghĩa đối với sự phát triển ngôn ngữ cũng như đời sống văn hóa tinh thần của trẻ em gốc Việt ở nước ngoài. Chúc cho dự án của anh tiếp tục lớn mạnh và mong là một ngày gần đây, trẻ em gốc Việt ở Úc cũng như nhiều nơi khác trên thế giới sẽ được đón nhận những cuốn sách song ngữ, những câu chuyện về Việt nam để hiểu thêm về văn hóa của cha mẹ, ông bà các em, văn hóa cội nguồn của các em, từ đó thêm yêu bản sắc Việt, yêu tiếng Việt.

Quý vị muốn tìm hiểu thêm về  Dự án Stories of Vietnam để đón nhận những cuốn sách quý này hay để góp sức đồng hành cùng dự án, xin truy cập vào trang .

 


Share