Công luận nói gì về cái chết của nhà giáo Đào Quang Thực khi ông đang thọ án?

Nhà giáo Đào Quang Thực tham gia biểu tình chống Formosa 2012

Nhà giáo Đào Quang Thực tham gia biểu tình chống Formosa 2012 Source: Twitter/Viet Tan

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ân xá Quốc tế: Việc trại giam không cho gia đình nhận xác là "không thể chấp nhận được."


Nhà giáo Đào Quang Thực chết trong lúc thụ án tù tại Trại Giam số 6 Thanh Chương Nghệ An vì lý do xuất huyết não.

Trong cuộc trò chuyện giữa Mai Hoa với anh Đào Duy Tùng,con trai ông, anh Tùng cho biết cha anh được trại giam đưa vào bệnh viện từ ngày 3/12.

Ngày 4/12 gia đình được trại giam báo tin đến bệnh viện Nghệ An thì ông đã hoàn toàn hôn mê.

Đến ngày 10/12, đúng ngày Quốc Tế Nhân quyền, ông qua đời, trước đó không hề hồi tỉnh.

Anh Đào Duy Tùng cũng cho biết trại giam đã buộc gia đình chôn cha anh ngay trong nghĩa trang của trại trong ngày 10/12.

Điều đó có phù hợp với luật pháp VN?

Ông Nguyễn Trường Sơn, người thực hiện chiến dịch cho tổ chức Ân xá Quốc tế ở hai nước Campuchia và Việt Nam bày tỏ sự đau buồn và bàng hoàng về cái chết của Tù nhân lương tâm Đào Quang Thực vào sáng 10/12/2019 khi đang thụ án tù.

Ông Sơn khẳng định việc không cho người nhà nhận thi thể ông Thực về quê an táng theo truyền thống của người Việt là việc làm trái đạo đức.

“Chúng tôi cũng nhận được tin là hiện nay gia đình đang cố gắng nhận lại thi thể của tù nhân lương tâm Đào Quang Thực và mong muốn an táng ông ở quê nhà.

"Tuy nhiên trại giam nhất quyết không đồng ý và muốn chôn cất ông tại trong trại giam, theo chúng tôi đây là việc làm hết sức trái đạo đức và nó trái với cả đạo đức không chỉ của người Việt Nam mà còn là đối với bất cứ một nền đạo đức nào khác trên thế giới.

"Điều đó là điều không thể chấp nhận được!"

Ông Nguyễn Trường Sơn nói thêm:

"Ông Đào Quang Thực đã qua đời điều đó cũng có nghĩa là ông không phải chịu bất cứ cái sự quản chế nào của Nhà nước nữa và gia đình ông xứng đáng được nhận thi thể của ông để lo liệu thủ tục mai táng theo truyền thống của người Việt Nam.
"Chúng tôi hết sức phẫn nộ khi biết được tin trại giam không đồng ý với chuyện này và chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức can thiệp, ép buộc trại giam này phải trả lại thi thể của ông Đào Quang thực cho gia đình ông.”
Theo Điều 56 của Luật Thi Hành Án Hình Sự năm 2019, khi tù nhân qua đời trong trại giam hay cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian thi hành án mà “thân nhân của người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ” tuy nhiên luật này cũng nói người thân không được nhận thi thể trong trường hợp “có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.”

Tóm tắt vụ án dẫn đến việc nhà giáo Đào Quang Thực bị tù tội

Nhà giáo Đào Quang Thực bị công an khám xét nhà và vậy bắt vào lúc 11g trưa ngày 5/10/2017 tại nhà của ông ở xóm Trúc Sơn - xã Toàn Sơn - Huyện Đà Bắc - Tinh Hoà Bình theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự về tội "âm mưu lật đổ chính quyền."

Được biết nhà giáo Đào Quang Thưc là người có tiếng nói phản đối sự bất công trong xã hội, bày tỏ những chính kiến bất đồng với nhà cầm quyền Việt Nam.

Ông có nhiều bài viết trên Facebook phê phán những chính sách sai lầm của quan chức chức chính quyền.

Ông cũng là người tích cực tham gia những cuộc tuần hành phản đối việc Trung Quốc xâm lăng Việt Nam, tham gia các cuộc tuần hành phản đối về thảm họa môi trường do Formosa gây ra cho 4 tỉnh miền Trung trong vai trò người tranh đấu cho quyền tự do dân chủ và nhân quyền.

Trong thời gian đầu ông Đào Quang Thực bị bắt, có lần gia đình ông đã  kêu cứu với công luận về tình trạng giam cầm và sức khỏe của ông:

Nhà giáo Đào Quang Thực đã phải nhập viện cấp cứu trong lúc bị tạm giam. Con gái thầy, cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang cho biết cha cô đang nằm ở Bệnh Viện Hòa Bình, ông bị nhức đầu như búa  bổ  và có hiện tượng nói lảm nhảm, là những triệu chứng mà gia đình chưa từng thấy ở ông  lúc chưa bị bắt. Gia đình cũng cho biết ông Thực nói rằng ông đã bị bỏ đói và bị đánh đập trong trại giam.

Cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, con gái của thầy giáo Đào Quang Thực cho biết ông bị tạm giam tại trại giam Chăm Mát - Hoà Bình.

Chiều ngày 14/4/2018, gia đình nhận được điện thoại từ chính quyền cho biết nhà giáo Đào Quang Thực phải nhập viện ở bệnh viện Hòa Bình.

Gia đình lên bệnh viện và phải chờ đến gần nữa đêm mới được gặp thầy trong 20 phút.

Theo cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, trong suốt hai tháng đầu tiên thầy Thực bị bắt giam, gia đình đã không được thăm nuôi tiếp tế cho ông bất kỳ một thứ gì.

"Vào ngày 13/04/2018, bố tôi đã phải nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu từng cơn, huyết áp tăng cao. Họ đưa bố tôi vào bệnh viện tỉnh Hoà Bình, rồi sáng ngày 14/04/2018 họ đưa bố tôi xuống bệnh viện 19/8 của bộ công an.

"Chiều ngày hôm đó gia đình tôi mới nhận được tin là bố tôi đang ở trong bệnh viện tỉnh Hòa Bình, nhưng khi gia đình tôi ra đến nơi thì không gặp được bố tôi, cũng như không biết bố tôi ở đâu. Tôi và mẹ tôi đã phải ngồi chờ trong bệnh viện đến tối muộn mà ko biết có thể gặp được hay không. Rất may là gặp được, lúc đó bố tôi trong tình trạng rất mệt mỏi, liên tục kêu đau đầu, nửa đêm thì đau thành cơn đau mạnh và huyết áp tăng cao, họ phải đưa bố tôi đi cấp cứu."

Cô Trang cho biết thầy Thực cho gia đình hay là ông bị đánh đập và bị bỏ đói.

Theo cô Trang,  nhân viên an ninh thẩm vấn ông Thực, trong một lần lên trại giam thăm bố mà không được, cô bắt gặp người này từ phòng thẩm vấn bố cô bước ra, người nồng nặc mùi rượu.

Cô chia sẽ với Ban Việt ngữ SBS Radio:

"Bố tôi cho biết trong thời gian đó có 4 nhân viên của phòng điều tra an ninh công an tỉnh Hoà Bình thay nhau vào thẩm vấn và đánh đập bố tôi rất tàn nhẫn. Tôi không hiểu là người của nhà nước ăn cơm của nhà nước, nắm luật trong tay mà các anh có thể làm như vậy."

Cô cũng đặt câu hỏi một nhân viên điều tra trong giờ làm việc có mùi rượu từ phòng thẩm vấn cha cô ra thì chuyện gì xảy ra đằng sau cánh cửa đó?
"Tôi không thể hiểu một người đang bình thường mà chỉ vào đấy có mấy tháng mà bố tôi đã thành ra như vậy. Hiện nay bố tôi đã có dấu hiệu của bệnh thần kinh. Liệu có phải họ đã làm gì khiến bố tôi thành ra như vậy hay không?"
Cô nói: "Hiện nay họ luôn gây khó dễ không cho gia đình tôi gặp và chăm sóc bố tôi nữa! Tôi chỉ biết bố tôi luôn trong tình trạng đầu đau nhức và nhiều khi còn mê sảng nói linh tinh."

Cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang cũng cho biết cô cũng lo sợ nhà cầm quyền sẽ hành hạ bố cô sau những lời lên tiếng này, tuy nhiên sức khỏe bố cô đang gặp nguy hiểm, gia đình không biết chuyện gì xảy ra đối với ông, vì vậy cô kêu gọi nhà cầm quyển công bố tình trạng sức khỏe của thầy Thực và có biện pháp điều trị thích hợp.

"Nếu sức khỏe và tính mạng của bố tôi có vấn đề gì thì chính quyền hoàn toàn chịu trách nhiệm."

Phiên tòa kết án nhà giáo Đào Quang Thực

Sáng 19/9/2018,  phiên tòa sơ thẩm xử nhà giáo về hưu Đào Quang Thực đã diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ông bị kết tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”  theo khoản 1, điều 79 Bộ luật hình sự  với mức án 14 năm tù giam và 5 năm quản chế. 

Chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình sau phiên toà, Luật sư Lê Văn Luân - luật sự biện hộ cho thầy giáo Thực cho biết, trong khi chờ tuyên án thầy nhờ Luật sư nhắn gia đình chăm cây cảnh và bón phân cho cây. Ông nói lời sau cùng trước toà bằng giọng trầm nhẹ:
Tôi đấu tranh với những bất công và tiêu cực là để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi muốn người dân được sống trong một môi trường trong lành, an toàn. Đất nước dân chủ và giàu có. Tôi không ân hận về điều đó.
"Khi tòa tuyên án 14 năm, mặt bố cháu bình thản và điều này khiến cháu và gia đình cảm thấy nhẹ nhõm vì cháu cứ sợ bố cháu sốc, nhưng bố cháu không (...) Cháu tự hào về bố cháu."

Đó là chia sẻ của em Đào Duy Tùng - con trai lớn của thầy Đào Quang Thực, người có mặt trong phiên tòa xét xử thầy giáo tiểu học về hưu sống ở Hòa Bình về diễn biến đã xảy ra tại phiên tòa.

Trước ông Đào Quang Thực, những phạm nhân nào từng bị thiệt mạng trong thời gian thọ án?

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 13 tháng 5 năm nay công bố bản danh sách gồm 128 tù nhân lương tâm hiện đang bị chính quyền Việt Nam cầm giữ trong đó có ông Đào Quang Thực.

Theo báo cáo này, ngày càng có nhiều người bị kết án tù ở Việt Nam vì bày tỏ quan điểm bất đồng trên các trang mạng xã hội từ khi luật An ninh mạng có hiệu lực hồi đầu năm 2019.

Trường hợp ông Đào Quang Thực không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2019 đã có hai trường hợp tù chính trị chết khi bị giam. Trường hợp thứ nhất là cái chết của ông Đoàn Đình Nam vào tháng 10 năm 2019. Ông Nam bị tuyên án 16 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam cũ trong một phiên tòa hồi năm 2013 tại Phú Yên.

Theo báo Pháp luật ngày 4/6/2019 Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã xác định được nguyên nhân tử vong của phạm nhân Trương Hoài Phanh (SN 1977, ngụ Củ Chi, TP HCM), người lúc đó đang thọ án 9 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại trại giam Phú Hòa (Bình Dương).

Theo báo Tuổi trẻ, tối 21/9/2019, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nạn nhân để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của một phạm nhân làm việc tại xưởng chế tác đá ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định sáng cùng ngày.

Ngày 22/11/2019 bị can Đặng Thanh Tùng (26 tuổi) đã tử vong trong trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam.

Trước đó vào tháng 5/2017 một trường hợp thiệt mạng trong lúc bị tạm giam nổi tiếng là ông Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, bị công an tỉnh Vĩnh Long bắt để điều tra hành vi "tán phát tài liệu chống phá nhà nước", và bị cho là đã đánh cắp con dao rọc giấy trong cặp của cán bộ điều tra để "tự sát" chỉ sau một ngày tạm giam.

Và tiếp đó vào 6/7/2017, ông Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, cũng qua đời trong thời gian bị đưa vào Nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ông  là nghi phạm trong một vụ án cố ý gây thương tích xảy ra hồi cuối tháng 5/2017,

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 15 April 2015, Trung tướng Trần Trọng Lượng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, đã báo báo cáo: Trong 3 năm, từ 10/2011 - 9/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ và trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu được ông giải thích là vì "bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát".

Theo Now!Campaign, một chiến dịch nhằm vận động trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam của 14 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, chính phủ Việt Nam hiện nay đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm so với 165 tù nhân lương tâm vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được phát động. Điều này biến Việt Nam trở thành nơi giam giữ người bất đồng chính kiến lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.

Share