Con bạn có bị bắt nạt ở trường hay trên mạng không?

Australia Explained - Bullying

Bullying typically targets those perceived to be different in some way, including looks, speech, background, religion, race, culture, and body size, says Dr Deborah Green of the University of South Australia. Credit: Maskot/Getty Images/Maskot

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tạo cho học sinh một môi trường học tập an toàn và hòa nhập là nhiệm vụ hàng đầu của mọi trường học tại Úc. Nhưng nếu chuyện đó xảy thì cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt ở trường? Và nếu xảy ra tình trạng bắt nạt trực tuyến thì những bước cần thực hiện là gì? Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, tâm lý học về những điều này.


Key Points
  • Bắt nạt có thể liên quan đến một hoặc nhiều người, và tùy thuộc vào tình huống, hành vi trêu chọc ở độ tuổi đi học được coi là "vô hại" cũng có thể cấu thành bắt nạt.
  • Các trường học có các quy trình để ngăn ngừa và ứng phó với nạn bắt nạt.
  • Ở Úc, bắt nạt trên mạng có thể báo cáo để được giải quyết.
Bắt nạt có nhiều hình thức và mức độ gây hại khác nhau. Bất kể trong tình huống nào, các chuyên gia nói rằng không bao giờ được coi nhẹ hành vi này.

Tiến sĩ Deborah Green từ khoa Tương lai Giáo dục của Đại học Nam Úc (the University of South Australia's Education Futures department) đã nói về những tác động lâu dài của nạn bắt nạt, không chỉ đối với nạn nhân mà còn đối với xã hội bao gồm các chi phí phát sinh cho hỗ trợ tư vấn và nhu cầu y tế.

“Một trong bốn học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 ở Úc thực sự báo cáo rằng cứ vài tuần thì bị một lần hoặc nhiều hơn. Do đó, bắt nạt được báo cáo là gây thiệt hại cho xã hội 2,3 triệu đô la Úc, phát sinh trong thời gian trẻ em đi học và 20 năm sau khi tốt nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, hành vi này có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc nói chung của một người, không chỉ trong thời gian trẻ em đi học mà còn trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp.”
Australia Explained - Bullying
Trong nghiên cứu gần đây, trẻ em Úc cho biết trêu chọc gây tổn thương là hành vi bắt nạt phổ biến nhất mà chúng từng trải qua, tiếp theo là bị nói oan đổ thừa gây tổn thương. Credit: FatCamera/Getty Images

Phân biệt giữa bắt nạt và trêu chọc vô hại

Tiến sĩ Green giải thích rằng định nghĩa của Úc mô tả bắt nạt là "việc cố tình lấn lướt trong các mối quan hệ bằng lời nói, hành vi thể chất và/hoặc hành vi xã hội và được lặp đi lặp lại có chủ đích để gây tổn thương. Nó có thể liên quan đến một người hoặc một nhóm người lạm dụng quyền lực của họ đối với một hoặc nhiều người."

Bà cho biết, các yếu tố cố ý gây tổn thương, lấn lướt, thể hiện sức mạnh quyền lực và được lặp đi lặp lại là những yếu tố phân biệt bắt nạt với hành vi chọc ghẹo vui vẻ ở trẻ em. Nhưng Tiến sĩ Green cảnh báo rằng ranh giới có thể không rõ ràng, và bà trích dẫn nghiên cứu gần đây để chỉ ra điều đó.

“Bởi vì khi loại hành vi đó gây tổn thương cho đối tượng bị trêu chọc đó và nó tiếp diễn, nó sẽ vượt quá ranh giới và trở thành bắt nạt. Khi trẻ em Úc được hỏi về bắt nạt và trêu chọc, chúng báo cáo rằng chọc ghẹo gây tổn thương là hành vi bắt nạt phổ biến nhất mà các em thực sự trải qua, tiếp theo là bị vu vạ đặt điều gây tổn thương.”

Báo cáo những vụ bắt nạt trên mạng

Paul Clark là Giám đốc điều hành về Giáo dục, Ngăn ngừa và Hòa nhập tại eSafety Commissioner, cơ quan chính phủ giúp đỡ người Úc đang bị bắt nạt hoặc lạm dụng trực tuyến.


Ông phác thảo các hành động cần thiết khi xảy ra sự cố bắt nạt trên mạng và giải thích khi nào eSafety vào cuộc.

"Bất kỳ đứa trẻ nào khi bị bắt nạn trên mạng thì việc cần làm là chụp lại màn hình, ghi lại các link website hay tài khoản mạng trước khi giúp con khóa link hay chặn tài khoản. Và sau đó bạn báo cáo với công ty chịu trách nhiệm của trang mạng xã hội nơi xảy ra tình trạng bắt nạt và nếu nơi đó không hành động, thì hãy báo cáo với esafety.gov.au, chúng tôi có những quyền hạn yêu cầu xóa bất kỳ nội dung nào có hại nghiêm trọng.''

Bắt nạt trên mạng có thể không chỉ là những bình luận khó chịu.

Ví dụ về các hình thức bắt nạt trên mạng nghiêm trọng hơn được báo cáo với eSafety bao gồm các tài khoản giả mạo, đe dọa bạo lực và thậm chí là nội dung khiêu dâm do học sinh tạo ra bằng công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) để bắt nạt học sinh khác.

Khi nhận được báo cáo, các điều tra viên của eSafety sẽ xem xét cả nội dung và bối cảnh để xác định xem có xảy ra bắt nạt hay không.

Ông Clark cho thêm ví vụ để làm rõ.

“Tôi có thể đưa ra một ví dụ về một cậu bé mà chúng tôi đã giúp đỡ, cha mẹ của cậu bé đã báo cáo một loạt bài đăng và các tài khoản ẩn danh chế giễu đam mê mà con trai họ dành cho xe buýt. Thoạt nhìn thì điều đó có vẻ rất vô hại và nhỏ nhặt, nhưng xét về hoàn cảnh thì lại khác. Cậu bé này đang sống với tình trạng khuyết tật và đang trải qua một loạt những vụ bắt nạt trên mạng. Vì vậy, các điều tra viên của chúng tôi xác định rằng nó đã đáp ứng ngưỡng hành động và đã thực hiện các bước để xóa thành công.”

Trong bất kỳ trường hợp bắt nạt trên mạng nào bị nghi ngờ hoặc đã được xác nhận, ông Clark khuyên các bậc cha mẹ nên kiềm chế ham muốn tước đi thiết bị của con mình.

“Chúng tôi hiểu rằng điều này xuất phát từ khuynh hướng rất tự nhiên là muốn bảo vệ con mình khỏi bị tổn hại, nhưng nếu nó xảy ra lần nữa thì trẻ sẽ không nói vì chúng sợ thiết bị của mình sẽ bị tịch thu. Do vậy, thay vào đó, chúng tôi khuyên cha mẹ nên cùng nhau hỗ trợ con mình vượt qua tình huống này và bảo đảm rằng trẻ có được sự hỗ trợ về mặt cảm xúc mà các em cần.”

Nỗ lực ngăn chặn

Tiến sĩ Green làm việc cùng Tiến sĩ Carmel Taddeo trong một dự án nghiên cứu cho nhóm Bullying No Way - Bắt nạt Không có Cửa, một sáng kiến của chính phủ trên toàn Úc hỗ trợ cộng đồng trường học trong việc ngăn ngừa bắt nạt.
Australia Explained - Bullying
Các trường cũng có các quy trình rõ ràng về việc báo cáo các vụ bắt nạt và hỗ trợ cho những học sinh bị ảnh hưởng. Source: Moment RF / Natalia Lebedinskaia/Getty Images
Tiến sĩ Taddeo giải thích rằng mặc dù các trường có các chính sách khác nhau, nhưng mọi trường đều được kỳ vọng sẽ có các chiến lược ngăn chặn tình trạng bắt nạt diễn ra, bao gồm nâng cao nhận thức về sự đa dạng giới tính, khuyết tật, chủng tộc và tín ngưỡng tôn giáo.


Các trường cũng có các quy trình rõ ràng về việc báo cáo các vụ bắt nạt và hỗ trợ cho những học sinh bị ảnh hưởng.



“Nhìn chung, sau khi báo cáo về vụ việc bắt nạt, thông tin sẽ được thu thập và ghi lại để tìm cách can thiệp tốt nhất và những gì cần thiết để bảo đảm an toàn và bình ổn cho học sinh. Trong một số trường hợp, học sinh có thể được giới thiệu đến các dịch vụ và hỗ trợ chuyên khoa. Nhưng tất nhiên, điều này sẽ được thảo luận với học sinh và gia đình của các em. Hiện nay, nếu học sinh hoặc phụ huynh hay người chăm sóc không hài lòng với các bước mà nhà trường thực hiện, họ có thể gọi đến đường dây quản lý khiếu nại của Bộ Giáo Dục.”

Phụ huynh và người bảo trợ có thể làm gì khi trẻ bị bắt nạt?

Tiến sĩ Taddeo cho biết, khi một đứa trẻ tiết lộ về trải nghiệm bị bắt nạt, phụ huynh-người chăm sóc sẽ trải qua nhiều cảm xúc khác nhau.

Nhưng điều quan trọng là phải trấn an trẻ rằng bạn luôn ở bên cạnh con để hỗ trợ chúng.

Australia Explained - Bullying
Tiến sĩ Taddeo khuyên rằng nếu con bạn có hành vi bắt nạt, hãy yêu cầu trẻ giải thích lý do mà không vội phán xét, dựa vào hậu quả mà đưa ra hình thức khuyên răn khiển trách thích hợp, và tìm hiểu các cơ hội ở trường và ngoài trường để xây dựng các kỹ năng xã hội và cảm xúc của trẻ. Credit: triloks/Getty Images


Tiến sĩ Taddeo đưa ra một số lời khuyên thiết thực về cách giữ bình tĩnh và theo dõi các bước nhà trường thực hiện trong quá trình báo cáo vấn đề lên Bộ.



“Phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu gặp giáo viên của trẻ hoặc các nhân viên phù hợp khác như cố vấn nhà trường. Và khi gặp nhân viên nhà trường, điều quan trọng là phải mang theo ghi chú của bạn, giải thích những gì đã xảy ra, hỏi những bước cụ thể nào sẽ được thực hiện và trong khoảng thời gian nào. Hỏi về tính bảo mật và bất kỳ sự hỗ trợ nào có thể có cho con của bạn trong quá trình báo cáo. Ngoài ra, hãy ghi chú những trao đổi trong cuộc họp mỗi khi bạn gặp nhân viên nhà trường và tiếp tục liên lạc để thông báo cho họ và cũng để họ có thể thông báo cho bạn những phản hồi.”


Australia Explained - Bullying
Thường đối với nạn bắt nạt, khuyên trẻ nên tránh ra, bỏ đi chỗ khác, sử dụng sự hài hước để đánh lạc hướng hoặc phớt lờ người có hành vi bắt nạt, Mr Kendall giải thích. Credit: FangXiaNuo/Getty Images
Jamie Kendall là Cố vấn tại , dịch vụ tư vấn trực tuyến và qua điện thoại miễn phí 24/7 dành cho trẻ em từ năm tuổi trở lên.

Ông cho biết các chiến lược phản ứng thông thường đối với nạn bắt nạt bao gồm tránh ra, bỏ đi chỗ khác, sử dụng sự hài hước để đánh lạc hướng hoặc phớt lờ người có hành vi bắt nạt.

Tuy nhiên, ông Kendall giải thích rằng các chiến lược này chỉ là tạm thời và khuyến khích trẻ em tìm kiếm sự hỗ trợ của người lớn nếu chúng đang phải chịu đựng hành vi liên tục hoặc nếu hành vi đó ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của chúng.

“Điều đó hoàn toàn bình thường khi các em muốn tự mình giải quyết trước khi nhờ đến người lớn, nhưng đôi khi các em có thể không nhận ra khi nào thực sự là lúc cần người lớn can thiệp. Vì vậy, nói chuyện với ai đó ngay khi sự việc bắt đầu xảy ra là cách tốt nhất để thực sự có được sự hỗ trợ trong việc quản lý. Ngay cả khi các em nói với người lớn ở nhà hoặc người lớn đáng tin cậy khác rằng 'Lúc này em ổn và em cảm thấy có thể tự mình giải quyết vấn đề này. Nhưng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, em có thể cần sự giúp đỡ của người lớn.”
Australia Explained - Bullying
Trẻ em có thể không phải lúc nào cũng đưa ra câu trả lời trung thực về việc bị bắt nạt, nhưng thừa nhận trải nghiệm này là một cách các em muốn giải quyết vấn đề, ông Kendall giải thích. "Nếu chúng có thể tự mình nói ra với bạn, điều đó sẽ giúp chúng cảm thấy có trách nhiệm hơn". Credit: triloks/Getty Images
Đối với người lớn, điều đầu tiên cần làm là tạo cơ hội để trẻ kể về những gì đang xảy ra, đây là bước tạo tin tưởng để giúp trẻ đối phó với việc bị bắt nạt.

Cuối cùng, những người lớn đáng tin cậy trong cuộc sống của trẻ cần phải cùng nhau làm việc như một mạng lưới, ông Kendall nói.

“Ngay cả khi bạn hỏi con trẻ chuyện gì đang xảy ra với các em và bạn vẫn cảm thấy có thể có điều gì đó đang xảy ra, hãy cư xử theo cách mà một người lớn đáng tin cậy có thể cư xử, như là 'Ba mẹ biết rằng con đang nói với ba mẹ rằng không có điều gì xảy ra, nhưng ba mẹ vẫn có cảm giác rằng có thể có cái gì đó đang xảy ra. Con có phiền nếu ba mẹ hỏi thăm một trong những giáo viên của con ở trường không? Chỉ để xem mọi thứ diễn ra thế nào với con và liệu thầy cô có biết chuyện không.' Tức là chúng ta có thể làm việc như một cộng đồng để giúp đỡ những người trẻ đang bị bắt nạt. Không chỉ có các em nói chuyện với một người. ”


Share