Chính phủ sẽ ra luật cấm thuyền nhân đặt chân đến Úc

Tổng trưởng Di trú Peter Dutton (trái) và Thủ tướng Malcolm Turnbull

Tổng trưởng Di trú Peter Dutton (trái) và Thủ tướng Malcolm Turnbull Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chính phủ Liên Đảng tuần tới sẽ đệ trình một dự luật qua đó cấm vĩnh viễn những người tầm trú đến bằng thuyền có cơ hội đặt chân lên nước Úc.


Dự luật này áp dụng với những ai được gởi đến hai trại giam di trú ở Nauru và Manus sau ngày 19 tháng 7 năm 2013. Thượng Nghị Sĩ Pauline Hanson của Đảng Một Quốc Gia hoan nghênh dự luật, nói rằng nước Úc đã "chán ngấy người tị nạn". Đảng Xanh cho biết họ sẽ chặn dự luật và kêu gọi Đảng Lao Động đừng ủng hộ nó. Tổng trưởng Di trú Peter Dutton, giải thích thêm trên đài ABC..

Dutton: Chính sách của chính phủ lúc nào cũng rõ ràng. Dưới thời thủ tướng Kevin Rudd năm 2013, rồi sau đó thủ tướng Julia Gillard của Đảng Lao Động cũng vậy. Nhưng người ta vẫn nghĩ rằng người tầm trú sẽ được định cư ở Úc. Đó là cái khó của chúng tôi trong việc áp dụng chính sách này, vì là cho dù chúng tôi có nói như thế nào thì người ta cũng nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ được định cư tại Úc.

Những nhóm ủng hộ thuyền nhân thường xuyên gởi thông điệp đó đến những người trên đảo Manus và Nauru để họ không chấp nhận tham gia chương trình hồi hương, mặc dù đã có hàng trăm người chấp nhận hồi hương về nguyên quán. Họ tin rằng nếu họ không đồng ý với chương trình hồi hương thì một lúc nào đó họ sẽ được qua Úc định cư. Chính vì vậy chúng tôi muốn đưa ra luật mới để làm rõ vấn đề.

Nhưng đồng thời có những lý do tại sao chúng ta cần có luật mới, đó là chúng tôi rất muốn cho họ định cư ở một nước thứ ba nếu như họ không thể quay trở về nguyên quán, và chúng tôi đang làm việc với một số nước thứ ba. Nhưng điều chúng tôi không muốn xảy ra là có những người sẳn sàng đến một nước thứ ba nhưng rồi tìm cách xin visa du lịch để qua Úc.

ABC: Như vậy nếu tôi hiểu không sai thì nó có nghĩa là: đối với bất kỳ ai đang ở trong các trại giam ở Nauru và Manus, không cần biết là đã được công nhận tư cách tị nạn, hay là đã được đi định cư ở một nước thứ ba, họ sẽ không được đặt chân đến nước Úc như là một du khách, hay tham dự một cuộc hội thảo khoa học hay thương mại, thậm chí họ cũng không được đến Úc để thăm thân nhân. Họ không bao giờ được đặt chân lên nước Úc nữa, đúng vậy không?

Dutton: Hiện nay một số người cũng đã ở trong những hoàn cảnh như vậy rồi, thí dụ có người ở Iran hay Iraq sẽ khó mà xin được visa du lịch đến Úc bởi vì có những người khi đến đây họ sẽ xin tị nạn chính trị. Và đó là một khó khăn cho chúng ta, hàng năm chúng ta đã nhận một con số kỷ lục người tịn nạn.

Nếu tính trên dân số, chúng ta nằm trong số 3 nước đứng đầu trong việc tái định cư người tị nạn. Nhưng chúng ta sẽ không để cho những kẻ chuyển lậu người tiếp tục hoạt động. Hiện có 14 ngàn người đang chờ ở Indonesia để bước xuống tàu đi qua Úc.

Chúng tôi không muốn cưỡng bách người tầm trú hồi hương nhưng qui chế do đảng Lao Động định đặt đã bảo vệ họ một cách thái quá. Những người ở Manus được quyền định cư ở PNG, đó là những gì đã được đồng ý, và chúng tôi sẽ thực thi điều đó thông qua đạo luật mới này.
Theo con số của LHQ, hiện có 65 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ, chúng tôi không muốn những người tìm đường đến các nước trong vùng như Indonesia, Sri Lanka hay Việt Nam để tìm cách xuống tàu đi qua Úc.
ABC: Nhưng đạo luật này không chỉ ngăn cấm người tị nạn định cư ở Úc mà cấm luôn họ viếng thăm nước Úc?

Dutton: Trong dự luật có một số điều khoản ngoại lệ, thí dụ nó sẽ không áp dụng với trẻ em dưới 18 tuổi vào lúc chúng được chuyển qua các trung tâm thanh lọc tị nạn. Thứ hai là, cũng như trong đạo luật di trú hiện hành, sẽ có những trường hợp cá biệt, thí dụ có những trường hợp cá nhân, hay gia đình có thể được vị bộ trưởng đương thời quyết định cho phép vô Úc. Nguyên tắc này đã được áp dụng, vì hiện tại trong số 50 ngàn người đến Úc bằng thuyền, có 30 ngàn người hiện đang ở Úc, đa số với visa bắt cầu.

ABC: Ông đề cập đến nguyên tắc bộ trưởng di trú có quyền có những quyết định cá biệt tùy từng trường hợp. Lấy thí dụ người chồng đến sau ngày 19 tháng 7 năm 2013, nhưng vợ con ông ta đã đến Úc trước đó. Theo luật mới thì người chồng sẽ không bao giờ được đoàn tụ với vợ con, hoặc thậm chí chỉ viếng thăm cũng không được. Nhưng theo ông giải thích thì những trường hợp như vậy sẽ được cứu xét riêng rẻ phải không?

Dutton: Theo luật di trú hiện hành thì từ lâu nay bộ di trú cũng đã phải giải quyết những trường hợp cá biệt, thí dụ xem xét hoàn cảnh của một gia đình đang bị ly tán, và thảo luận với họ khả năng định cư cả gia đình tại một nước thứ ba.

Nhưng điều chúng tôi không muốn lập lại là cảnh người tầm trú chết đuối trên biển. Chúng tôi đã đưa khoảng 2 ngàn trẻ em ra khỏi các trại tạm giam. Chúng tôi đã nhận con số người tị nạn kỷ lục.

Chúng tôi sẽ không để cho những kẻ tổ chức vượt biên trái phép vận chuyển 14 ngàn người đang chờ ở Indonesia. Theo con số của LHQ, hiện có 65 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ, chúng tôi không muốn những người tìm đường đến các nước trong vùng như Indonesia, Sri Lanka hay Việt Nam để tìm cách xuống tàu đi qua Úc.

Chúng tôi muốn những nhóm ủng hộ thuyền nhân, hiểu rõ hơn thông qua luật mới, chứ hiện tại họ chỉ đem đến cho người tầm trú những ảo vọng mà thôi.

ABC: Xem chừng luật mới bổng dưng trên trời rớt xuống, nhưng chính phủ đưa ra vào lúc này với tôi có vẻ như để dọn đường cho thỏa thuận định cư chính phủ ký được với các nước như Hoa Kỳ hay New Zealand chăng? Lâu nay thì chính phủ vẫn không muốn chọn New Zeadland bởi vì cho rằng gần với Úc quá. Có phải chính phủ sắp sửa công bố các thỏa thuận tái định cư không?

Dutton: Như tôi đã nói nhiều lần với báo chí kể từ lúc tôi đảm nhận vai trò Tổng trưởng Di trú, tôi muốn đưa tất cả trẻ em ra khỏi các trại giam di trú. Chúng tôi đã thực hiện việc đó. Chúng tôi muốn giải quyết cho tất cả các gia đình ở Nauru, và như tôi đã nói ban nãy, chúng tôi đang làm việc với một số nước thứ ba, nhưng tôi không muốn kể tên hay loại trừ bất kỳ nước nào.  




Share