Chuyện Queensland: Ý nghĩa hoa mai ngày Tết

160157.jpg

Ông Tân Phạm

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong không khí đón Tết Quý Mão, kính mời quý vị theo dõi những dòng tâm tư của ông Tân Phạm về ý nghĩa của hoa mai cùng vài loại hoa khác đối với ông nhân mỗi dịp Xuân về.


Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Tân Phạm.

Tân Phạm: Dạ kính chào anh Việt, chào Mỹ Dung và xin kính chào quý vị thính giả của đài SBS

Mỹ Dung: Dạ em chào anh Tân.

Hưng Việt: Cũng gần đến dịp Tết rồi, thưa anh thì chúng ta thường nhớ đến hoa mai ở Việt Nam, nhưng mà khi nói đến hoa mai đó, thì riêng cá nhân anh, anh có những hoài niệm gì về loài hoa này?

Tân Phạm: Tôi lớn lên ở Tây Ninh, một tỉnh nhỏ của Việt Nam. Ở vùng thôn quê thì những người dân thường là ai cũng xôn xao để chào đón cái ngày Tết sắp đến. Ngày Tết nó mang lại cho những đứa trẻ rất là nhiều kỷ niệm. Vào thời đó thì ở miền quê Việt Nam, hầu hết tất cả những người từ giàu nghèo sang hèn trẻ già, tất cả đều nghỉ ngơi chào đón cái Tết. Thường thì người ta ăn Tết khoảng chừng một tuần, có nhiều khi hai tuần lễ, cho nên đối với người lớn lên từ một cái tỉnh nhỏ như tôi, thì những kỷ niệm, hoài niệm về Tết rất là nhiều, rất là phong phú, đi xa đã mấy chục năm cũng không bao giờ quên được anh.

Đối với gia đình chúng tôi ở bên Việt Nam thì hoa mai nó là một cái thứ mà không thể nào thiếu được. Mỗi lần được nghỉ học sắp sửa đón Tết, nhìn thấy hoa mai màu vàng rất là rực rỡ, cái màu của những ngày nghỉ sắp đến, của sum họp gia đình, ngày mà chúng ta được gặp gỡ bà con thân hữu bạn bè và vui chơi nghỉ ngơi, cho nên hoa mai là biểu tượng của những ngày quan trọng đó. Theo tôi nghĩ thì người nào mà đã được đón Tết ở Việt Nam thì mỗi lần nhìn lại hoa mai đều tưởng nhớ tới những ngày tươi đẹp, những ngày Tết rất nhiều ý nghĩa của Việt Nam.

Hưng Việt: Tây Ninh hình như là cái tỉnh mà hồi xưa người ta trồng mai rất là nhiều phải không ạ?

Tân Phạm: Dạ Tây Ninh có một nơi gọi là tòa thánh Tây Ninh, là nơi mà rất là nhiều người làm việc thiện nguyện trồng hoa chuyên nghiệp cho Tòa Thánh. Cho nên ngày Tết mà anh bước vào trong tòa thánh Tây Ninh thì anh nhìn thấy những chậu mai, những cây mai rất là to lớn, rất già cỗi và khoe sắc rực rỡ, màu vàng cả một bầu trời ở trong khu vực tòa thánh Tây Ninh đó. Cho nên nói về hoa mai ở Tây Ninh thì chắc không ai mà không có nhớ tới những ngày mà đi ngắm hoa mai ở trong tòa thánh Tây Ninh đó anh.

Hưng Việt: Rồi bây giờ sang đến đây thì anh có trồng hoa mai, thì đó là sự chọn lựa cố ý để mỗi lần gần tới Tết thấy hoa mai nở để mình chạnh lòng nhớ quê hương hay là do một sự tình cờ nào đó, anh tìm thấy một cái chậu hoa mai, một cái cành hoa mai, anh đem về anh trồng?

Tân Phạm: Thật tình mà nói anh Việt thì qua đây, nhiều mối ưu lo về đời sống, cơm áo gạo tiền và con cái này nọ cho nên nhiều năm đầu mới đến Úc này chúng tôi không có để ý nhiều về hoa mai lắm. Nhưng mà sau này khi ổn định, cũng rảnh rang có thời giờ thì có một vài người bạn họ có một vài chậu hoa mai để khi mùa Tết đến, tới thăm bạn bè thì mình nhìn thấy những cái cây hoa mai, nó gợi nhớ những cái kỷ niệm rất là đẹp của cái thời còn thơ ấu và cái thời gọi là ăn chưa no lo chưa tới. Cho nên là chúng tôi cũng có trồng hai ba cây mai rồi anh, cũng đã cố gắng học hỏi những cái kỹ thuật để làm sao mà cho nó ra hoa trúng vào cái mùa Tết.

Mỹ Dung: Rồi khi anh trồng hoa mai đó, anh Tân có gặp những cái khó khăn như thế nào ở đây không?

Tân Phạm: Trồng mai ở đây có cái khó theo tôi biết là cái thời tiết ở Brisbane có lúc nóng, có lúc lạnh quá, thành ra mình canh để cho nó nở trúng vào những cái ngày Tết nó hơi khó. Thì có một vài lần tôi cũng lặt lá, cũng bỏ phân, cũng tưới nước theo như cái lời chỉ dẫn của những chuyên gia, mình cũng cố gắng làm theo nhưng mà không biết sao mà thời tiết thì có lần nó chỉ ra được một vài hoa thôi, có lần thì nó ra được một nửa cái ý mình mong muốn, có lần mà nó đúng thì nó ra toàn hoa không có lá thì nó rất là đẹp, nó rất là lộng lẫy mà nó cũng giống như những cái cây mai của thời ở bên Việt Nam vậy.

Hưng Việt: Rồi như anh nói khi cây hoa mai mà anh trồng nó nở hoa ra, nhìn cái màu vàng rực rỡ thì anh cảm thấy mãn nguyện ra sao, có nao nức để hướng về cái Tết Nguyên Đán, những ngày đầu năm như ở Việt Nam không?

Tân Phạm: Rất khó mà mình có được những cảm xúc giống như cái thời mình còn trẻ. Thứ nhứt là mình còn trẻ, mình chưa có hiểu đời nhiều, không có những cái ưu tư của thời bây giờ. Thứ hai, mình không có sống ở cái khung cảnh của Việt Nam mà nhà nhà, người người đều ăn Tết cho nên cảm xúc nó không giống được như vậy, nhưng mà cái hoài niệm và niềm tiếc thương cái thời xưa nó cũng vẫn còn. Mỗi lần mà nhìn hoa mai nở vàng rực cả một bầu trời thì lúc nào tôi cũng nhớ lại những cái ngày ăn Tết ở bên Việt Nam, những ngày người ta hay nói là mùng Một Tết cha, mùng Ba Tết thầy. Mùng Một là ngày tụ tập cả gia đình anh em lại để mừng tuổi ông già bà già, rồi anh em gặp nhau hỏi han thăm hỏi. Mùng Ba thì cái thời mà đã lớn lên học Trung học, thì hay có các bạn bè tụ tập với nhau đi thăm thầy cô, đi thăm gia đình tất cả các bạn. Chúng tôi hay có cái đoàn khoảng 10, hay là 20 người bạn với nhau đi vòng vòng như vậy. Ngay cả tới những ngày mà tôi đã đi học ở dưới Sài Gòn, Tết về được Tây Ninh rồi thì là hay có cái màn đi thăm tất cả các bạn bè, nó rất là vui mà những cái kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên được cho tới bây giờ luôn đó anh.

Hưng Việt: Thưa anh, Tết ở Việt Nam, ngoài chậu hoa mai ra thì mình còn có những loại hoa khác nữa, mình có hoa cúc, mình có hoa vạn thọ, hoa mồng gà... thì cũng theo cái tư duy mà hoài niệm về quá khứ như vậy đó, ở vườn nhà anh đây đó, anh có nghĩ tới hay là anh đã có trồng mấy cái loại hoa kia hay không? Đối anh cái cảm xúc của anh về ngày Tết đối với loại hoa nào là nhiều nhất?

Tân Phạm: Anh hỏi câu này quá hay. Tôi rất thích những loài hoa mà đặc biệt là nó nở vào dịp Tết. Qua đây tôi đã từng trồng hoa vạn thọ, có trồng một, hai cành hoa đào. Có lần tôi về Tết ở Việt Nam, đi ở ngoài Bắc nhìn thấy cảnh mà người ta ra chợ mua hoa đào rất là đẹp, rất là ý nghĩa. Hồi xưa mình đã từng đọc những câu chuyện về mùa xuân hoa đào nở, rồi ông thầy đồ viết chữ trong những cái câu đối. Nó rất là hay. Nên hoa đào, hoa mai là hai thứ mà tôi nghĩ rằng người nào mà có cái sự thương nhớ về Tết Việt Nam thì không bao giờ quên được anh. Nhưng mà tại vì mình lớn lên ở miền Nam cho nên ấn tượng về hoa mai, nó sâu xa hơn rất nhiều so với hoa đào. Tuy nhiên hoa đào theo tôi thì nó có vẻ đẹp cũng rất là trang nhã và quý phái. Hoa mai đặc biệt nó rộn ràng, nó xôn xao và nó rực rỡ và theo như ở trong sách vở người ta nói là đã tượng trưng cho phú quý và quyền uy. Theo như hồi xưa thì màu vàng là màu của vua chúa.

Tôi may mắn có hai lần đi ra ngoài Bắc, tôi nhìn thấy hoa đào, thấy nó có cái nét đẹp cổ kính. Cái nét một người phụ nữ mặc áo dài cầm cành hoa đào nó có một cái ý nghĩa rất là đặc biệt. Còn ở miền Nam thì mỗi lần mà nhìn thấy hoa mai thì cái cảm xúc nó dâng trào, mình không thể nào mà diễn tả thêm được nữa.

Những người theo đạo Cao Đài rất là tôn trọng cái việc mà cúng các bông hoa vào các mùa lễ lộc, mùa Tết hay là cái mùa lễ lớn, anh vào trong tòa Thánh hay là anh đi vào trong những cái thánh thất của đạo Cao Đài, hay nhà của những người bạn tôi ở Tây Ninh là lúc nào họ cũng chưng bày những các loài hoa mà được trang trọng nhất để trên bàn thờ là những cái loài như là hoa vạn thọ, hoa mồng gà, hoa cúc... Thành ra mỗi lần gặp những các loài hoa đó thì tôi hay nhớ tới những cái ngày xa xưa, ngày lễ của tôn giáo ở tỉnh Tây Ninh. Nó không có ý nghĩa Tết như hoa mai nhưng mà nó rất là được người địa phương ở cái vùng mà tôi ở đó người ta rất là ưa chuộng và người ta rất thích để cúng các loại hoa đó lên trên bàn thờ Phật, bàn thờ thượng đế vào cái mùa Tết.

Mỹ Dung: Dạ em được biết là anh cũng có chơi Bonsai thì anh có áp dụng nghệ thuật Bonsai vào các cây mai của anh để uốn cành tạo dáng hay không?

Tân Phạm: Có Mỹ Dung. Hồi thời tôi còn nhỏ thì người ta trồng mai là chỉ thưởng thức những cây hoa mai lớn lên một cách tự nhiên, nở đầy cây đầy cành, to lớn, lộng lẫy, nó vàng choé, nó rực rỡ, chớ người ta ít có tìm cách nào để tạo cái dáng cho cây hoa mai cho nó có vẻ lã lướt, mềm dẻo để nó uốn lượn, có cái vẻ đẹp trang nhã khác như là những cây Bonsai.

Sau này họ cũng sử dụng với kỹ thuật uốn éo cành của Bonsai ứng dụng vào trong hoa mai. Tôi tìm hiểu thì thấy ở bên Việt Nam bây giờ cũng đem những cây mai rất là già cỗi, hoa mai là loại cây mà nó kêu là đa niên, có thể lớn lên cả trăm năm hay hơn nữa, họ sẽ tạo thành những cái cây hình thức giống như Bonsai mà nó khác Bonsai một cái là người ta sẽ uốn éo để cho nó cái hình dáng đẹp nhưng mà người ta không theo những kỹ thuật và những luật lệ của cây Bonsai. Trong kỹ thuật bonsai, không để cái cây nó phát triển tự nhiên, hoa nhiều, đâm ra nó rối mắt. Trong khi mình trồng cây mai để thưởng thức Tết thì hoa càng nhiều cành càng nhiều thì càng tốt. Hoa mai sử dụng các kỹ thuật một phần của kỹ thuật Bonsai để làm cho cái cây nó uốn éo, nó dịu dàng, nó thùy mị, nó đẹp một cách kêu bằng lã lướt nhẹ nhàng. Tôi cũng có uốn một vài cây mai như vậy thì nhìn phải nói là nó đẹp hơn những cây mai mà để tự nhiên.

Hưng Việt: Bây giờ, nếu mà anh có một cái điều ước muốn về hoa mai đó cho ở Brisbane của mình thì anh có một cái ước muốn gì ?

Tân Phạm: Dạ nếu mà hỏi như vậy thì tôi rất muốn có một cái cây mai lớn vừa phải, mà phải già trên bảy, tám chục năm, thí dụ vậy, thì tôi sẽ uốn éo nó để nó trở thành một cái cây mai có những cái nét cong lã lướt, tới mùa Tết thì nó ra hoa rất là nhiều để mời bạn bè tới, tụ tập để nhìn thấy cây mai nhớ về thời ăn Tết ở bên Việt Nam.

Hưng Việt: Anh Tân có ước ao là ở Brisbane hay ở Queensland này có một người lập ra một cái vườn trồng hoa mai để tới gần Tết, mình chạy tới mua một nhánh đem về nhà cho có không khí Tết không anh?

Tân Phạm: Cái chuyện này rất hay anh Việt. Tôi cũng nghĩ rằng nếu ai mà làm được cái chuyện đó, sẽ thu hút được rất nhiều người Việt của mình đến để thưởng ngoạn hoa mai, để mua một cành hay một nhánh nào đó để đem về thưởng thức vào ngày Tết. Nhưng mà cũng hơi khó là tại vì cái công trình mà trồng bao nhiêu lâu, chuẩn bị, phải lặt lá, lặt cành, phải bón phân tưới nước cho nó đúng với kỹ thuật để cho nó nở đúng vào những ngày Tết rất là tốn thời gian và rắc rối, vấn đề nhân công lao động ở đây nó rất là đắt đỏ. Ước mơ thì cứ ước mơ đi, biết đâu có một ngày nào đó, có một, hai vị nào đó, họ có khả năng làm được cái chuyện đó, dân ở Brisbane mình chắc là hạnh phúc lắm.

Tôi có một cái tâm sự muốn nói cho anh cho vui là tôi có hai đứa con, một đứa sắp sửa 40 và một đứa đã được 37 tuổi rồi. Tôi có một cái niềm ước vọng là đưa hai đứa con tôi về Việt Nam ăn Tết một lần cho biết mà chưa thực hiện được. Tôi chưa thấy cái Tết nào mà nó lại rộn ràng, là tươi đẹp tưng bừng rộn rã giống như cái Tết ở các tỉnh thôn quê như tỉnh Tây Ninh của tôi. Tôi muốn được đưa hai đứa con tôi về mà tính cái chuyện đó nay gần hai chục năm rồi mà chưa thực hiện được. Mà bây giờ đứa con gái lớn thì nó đã có gia đình, có hai con ở tuốt bên Âu châu cho nên cái chuyện đó lại càng khó nữa. Mà tôi nói là tôi nhất định sẽ làm được, chắc vài năm nữa phải đưa cả bầu đoàn thê tử cháu ngoại về một lần cho biết.

Hưng Việt: Đó là cái cảm xúc anh chia sẻ rất qúy giá mà tôi nghĩ nó đánh động sự hồi tưởng trong lòng nhiều thính giả lắm chứ không phải một mình anh đâu, trong đó có tôi nữa.

Cuối cùng thì anh Tân còn có điều chi muốn chia sẻ về những sự liên tưởng của anh về Tết Việt Nam qua hình ảnh của hoa mai hay không?

Tân Phạm: Theo tôi nghĩ rằng Việt Nam mình có một cái Tết rất là lạ, nhà nhà ăn Tết, người người ăn Tết, không có ai mà còn suy nghĩ gì nữa, quên hết mọi chuyện để lo ăn Tết thôi. Mà cái Tết Việt Nam thì không thể nào thiếu hoa mai, cho nên hoa mai nó rất đặc biệt, nó đặc biệt một cách kỳ lạ mà không có một cái đất nước nào khác tôi thấy nó có cái loài hoa nào đánh dấu một cái ngày mà nó ý nghĩa đến như vậy.

Thành ra đó là cái may mắn của văn hóa của mình. Ngày nào mình còn giữ được kỷ niệm đó và ngày nào mà mình còn biết giữ được cái cảm xúc nó hay như vậy, truyền cái cảm xúc đó cho những thế hệ sau này để cho nó biết tại sao thế hệ đi trước họ lại thích hoa mai kỳ lạ như vậy, theo tôi nghĩ đó là một cái chuyện rất là hay, đặc biệt cho người Việt Nam của mình.

Hưng Việt: Dạ thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cám ơn anh Tân Phạm rất là nhiều. Một lần nữa anh đã cho chúng tôi có một cuộc mạn đàm và anh đã chia sẻ những cảm nghĩ, những tâm tư của anh về một khía cạnh rất đặc biệt về Tết Việt Nam .

Xin kính chúc anh chị được nhiều sức khỏe bình yên và cầu chúc anh chị sớm thực hiện được cái ước nguyện là một cái Tết nào đó sẽ dẫn được hai cháu cùng với lại cháu ngoại về Việt Nam để ăn một cái Tết ở Việt Nam. Cảm ơn anh.

Tân Phạm: Cảm ơn anh Việt, cảm ơn Mỹ Dung rất nhiều. Thì đây là vấn đề mà không phải nằm trong cái lãnh vực chuyên môn của tôi. Tôi chỉ nói lên những cái cảm nghĩ, cảm xúc mà tôi đã trải qua cái thời mà tuổi còn đầy hoa mộng, nói theo văn chương thì nó là như vậy.

Tôi cũng xin nhân dịp này chúc Tết đến tất cả quý vị thính giả, chúc anh Việt, chúc Mỹ Dung được một cái Tết rất là hạnh phúc và khỏe mạnh. Cảm ơn

Mỹ Dung: Dạ em cảm ơn anh Tân.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung



Share