Chuyện Queensland: Ủy Ban Định Cư Người Tỵ Nạn Việt Nam tại Thái Lan

Cô Đỗ Mỹ Linh.jpg

Cô Đỗ Mỹ Linh

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Để giúp đỡ những đồng hương vẫn còn kẹt lại Thái Lan, CĐNVTD tiểu bang Queensland đã thành lập Ủy Ban Định Cư Người Tỵ Nạn Việt Nam tại Thái Lan. Mời quý thính giả làm quen với người điều hành ủy ban này là cô Đỗ Mỹ Linh.


Hưng Việt:  Dạ xin kính chào cô Mỹ Linh.

Mỹ Linh: Dạ em xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung cũng như là quý thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào Mỹ Linh.

Hưng Việt: Thưa cô Mỹ Linh, cô có thể cho biết là nguyên do đưa đến sự thành lập của Ủy Ban định cư người Tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan hiện nay hay không? Tại sao có sự thành lập vào lúc này? Bởi vì người tỵ nạn Việt Nam mình vất vưởng ở Thái Lan nhiều năm nay rồi.

Mỹ Linh: Dạ sở dĩ cộng đồng người Việt Tự Do tại Queensland thành lập Ủy Ban Định Cư Người Tỵ Nạn Việt Nam tại Thái Lan vào trong thời điểm này là khi chúng ta nghe được một cái chương trình Welcome Corps được chính quyền Mỹ chính thức thông báo vào hồi tháng Một năm nay để nhận những người tỵ nạn khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Hưng Việt:  Như vậy tại sao Uỷ ban lại chọn chỉ định cư những người từ Thái Lan thôi?

Mỹ Linh: Dạ thưa anh, Ủy ban chọn cho người tỵ nạn ở Thái Lan có lẽ tại vì Thái Lan phần đông là người Việt Nam của chúng ta. Em nghĩ rằng khi ở bên Mỹ, một khi thành lập được một nhóm bảo trợ thì có thể bảo trợ bất cứ người tỵ nạn nào, không riêng chỉ người tỵ nạn Thái Lan. Đặc biệt Ủy ban ở đây chỉ tập trung để hỗ trợ tài chính cho người tỵ nạn Việt Nam ở Thái Lan.

Mỹ Dung: Dạ thưa Mỹ Linh thành phần của những người trong Ủy ban này như thế nào?

Mỹ Linh: Dạ thưa chị, khi mà mình được biết chương trình Welcome Corps Ban Chấp hành Cộng đồng người Việt Tự do có mở ra một phiên họp mời các vị đại diện các tôn giáo cũng như các hội đoàn đến để tham dự phiên họp đó. Và trong phiên họp đó thì một Uỷ ban đã được thành lập để mà yểm trợ về tài chánh đưa người Việt ở Thái Lan đi, cho nên mình tập trung lo về gây quĩ.

Thành phần của những người trong Uỷ ban thì phải nói là hầu hết cũng là những người đã từng là tỵ nạn, giống như cá nhân của em đây. Ngoài ra thì cũng là, những khuôn mặt quen thuộc với cộng đồng, sinh hoạt rất là chặt chẽ với Ban chấp hành cộng đồng trong vai trò Ban Chấp hành mở rộng cũng như là đại diện cho các hội đoàn ở tại tiểu bang Queensland mình thưa chị.

Hưng Việt: Chúng tôi đọc cái thông báo của Uỷ ban về buổi tiệc gây quĩ ngày 20 tháng Năm. Danh sách của những người trong Ủy ban đó thì thuộc về Ban Chấp hành Cộng đồng Mở rộng chứ không có một nhân sự nào từ Ban chấp hành chính thức. Thưa cô, có thể giải thích lý do vì sao không ạ?

Mỹ Linh: Dạ Thưa lý do này là tại vì trong cái phiên họp đó mình có đề cử ra ban chấp hành chính thức cũng như là các vị đại diện các tôn giáo sẽ đứng ở trong vai trò cố vấn và giám sát. Có lẽ là bởi vì công việc của Ban chấp hành chính thức đã quá nhiều rồi cho nên Ban chấp hành cộng đồng mới đề nghị là mình lập ra một cái Uỷ ban và những thành viên trong Ban Chấp hành mở rộng, hoặc là những thành viên có tâm tư nhiệt huyết về tỵ nạn tham gia vào trong chương trình này. Ban chấp hành chính thức sẽ nằm trong vai trò cố vấn và giám sát cũng như các vị lãnh đạo tinh thần, các tôn giáo.

Hưng Việt:  Như vậy Ủy ban sẽ hoạt động độc lập, chỉ cần sự cố vấn của Ban chấp hành cộng đồng thôi chứ không phải là dưới sự - mình gọi tạm là điều khiển của ban chấp hành cộng đồng.

Mỹ Linh:  Dạ thưa Ủy ban này không phải là ủy ban độc lập mà là uỷ ban nằm dưới cái dù của cộng đồng ạ. Mặc dù những công việc mà Ủy ban quyết định về chương trình gây quỹ dự trù làm việc trong năm nay và năm tới thì sẽ do Ủy ban, và tất cả những đóng góp, sổ sách, tài chánh thì đều được gởi vào trong một cái trương mục đặc biệt mà cộng đồng mở ra để dành cho chương trình này.

Ủy ban dự trù làm việc trong vòng hai năm. Đến hết 2024 qua 25 thì Mỹ bầu cử lại, mình không biết rằng một chính quyền mới lên họ có muốn tiếp tục chương trình Welcome Corps này nữa hay không? Nếu như họ vẫn tiếp tục hỗ trợ chương trình này thì có thể mình lại gia hạn thêm.

Hưng Việt: Dạ thưa cô Mỹ Linh có thể cho biết là hiện nay ở Thái Lan còn khoảng bao nhiêu người tỵ nạn Việt Nam và họ sinh sống ra sao?

Mỹ Linh: Dạ thưa anh theo như thông tin thì em được biết là hiện nay tại Thái Lan thì còn khoảng 1,700 người tỵ nạn Việt Nam, trong đó thì có khoảng tám đến chín trăm người đã được Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tỵ nạn. Nói về cách họ sinh sống ra sao thì thôi, cho em xin phép là được đề nghị mình nói chuyện với anh Đoàn Việt Trung được không ạ? Em nghĩ là anh Đoàn Việt Trung nắm vững chi tiết này hơn là em.

Hưng Việt: Chúng tôi rất lấy làm hân hạnh có anh Đoàn Việt Trung đang ở Melbourne ở đầu dây phía bên kia và xin kính chào anh Trung ạ.

Đoàn Việt Trung: Dạ chào anh Hưng Việt.

Hưng Việt: Dạ thưa xin nhờ anh giúp dùm câu hỏi vừa rồi là đồng hương chúng ta còn ở Thái Lan hiện giờ họ sinh sống ra sao thưa anh?

Đoàn Việt Trung: Vâng thưa anh. Tôi được biết một vài trường hợp. Một trường hợp là hai người bạn của tôi là người tranh đấu cho quyền lao động ở bên Việt Nam và sau khi bị tù mấy năm họ đã xin ra ngoài hoạt động họ cứ bị công an chú ý đến họ. Cuối cùng họ đã chạy thoát khỏi Thái Lan. Họ mướn một cái nhà của người Thái và họ sinh sống bằng cách mua một cái xe bán thịt nướng ở bên ngoài đường. Chồng bán thì vợ đứng ngó chung quanh, khi nào thấy cảnh sát thì chạy. Sau mấy lần chạy như vậ, cuối cùng họ thấy nguy hiểm quá. Thì họ ngưng. Sở dĩ nguy hiểm là vì nếu mà bị bắt thì không những chỉ phạt tiền và bị mất xe mà tốn cả nhiều trăm đô để mua đó ngoài ra sẽ bị giam vào trại giam IDC Immigration Detention Centre của Thái Lan nữa. Vô đó thì coi như không có ngày về tức là phải có người chuộc tiền cho mình thì mình mới được trả tự do nếu không thì Thái Lan có thể trả về Việt Nam.

Còn một trường hợp khác thì cũng tương tự như vậy. Tôi có một người quen ở trong số những người mà tranh đấu về quyền lao động thì có một anh em của chúng tôi cũng ở bên Thái và cũng đã bị bắt giam vô trại giam IDC. Chúng tôi chuộc tiền với chính quyền Thái thì họ mới được trả tự do.

Hưng Việt: Như thế thì thấy hoàn cảnh của những người đó rất là vất vả và cơ cực phải không anh. Dạ, thưa cám ơn anh Trung, đã cho biết những cái chi tiết rất là thương tâm như vậy. Chúng tôi rất mong sẽ được gặp lại anh Trung vào cái buổi tiệc ở Brisbane này vào ngày 20/5 để giúp cho những đồng hương còn vất vả ở bên trại tỵ nạn Thái Lan, Dạ xin cám ơn anh Trung.

Đoàn Việt Trung: Dạ và hy vọng sẽ gặp lại anh Hưng Việt hôm đó. Tôi được biết là bây giờ cũng đang có chị Mỹ Dung hân hạnh được biết chị và kính chào chị và mai mốt gặp.

Mỹ Dung: Dạ em cám ơn anh Trung.

Mỹ Linh: Cám ơn anh nha. Mình sẽ gặp lại 20/5 ở Brisbane.

Hưng Việt:  Thưa cô Mỹ Linh. Theo chỗ chúng tôi được biết thì ở Thái Lan cũng như là ở những quốc gia lân cận ở Đông Nam Á thì người Việt tỵ nạn có hai thành phần là: một số đã được Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc công nhận đó là người tỵ nạn, còn một số người khác thì không được cái tư cách đó thì cái chương trình này sẽ nhắm vào những đối tượng nào.

Mỹ Linh:  Dạ thưa anh, vì chương trình Welcome Corps chỉ cho phép chúng ta bảo trợ và bảo lãnh những người đã có quy chế tỵ nạn, cho nên là chương trình mình hỗ trợ này chỉ nhắm vào những người đã có một quy chế tỵ nạn thôi. Hiện bây giờ chúng ta có khoảng 1,700 người Việt Nam mình vẫn còn ở bên Thái Lan. Số người đã được quy chế tỵ nạn thì khoảng từ 8 đến 900. Dĩ nhiên chúng ta cũng vẫn luôn luôn mong rằng trong thời gian tới đây, số người còn lại thì lại sẽ tiếp tục được quy chế tỵ nạn.

Quý vị có thể vào Google search Welcome Corps tất cả những tài liệu nói về những cái này. Trong thời gian này Ủy ban cũng thu thập những tài liệu đó in xuống. Quý vị nào mà có thắc mắc muốn tìm hiểu thêm thì quý vị có thể liên lạc với những thành viên của Ủy Ban.

Hưng Việt:  Thưa cô Mỹ Linh, muốn giúp một người tỵ nạn ở Thái Lan qua bên Mỹ hay là Canada định cư thì mất khoảng bao nhiêu tiền? Ủy ban hy vọng là sẽ giúp đỡ được bao nhiêu người cũng như là qua các cái hình thức nào?

Mỹ Linh:  Thưa anh, cái chi phí để vào Canada là $11,000 đô một người. Chương trình Welocme Corps này họ đưa ra những thể lệ phải nói khá là dễ anh ạ.

Chi phí của một người chỉ có $2,375 đô Mỹ. Thì mình tính ra khoảng 3,400 – 3,500 đô Úc là mình được một người. Cái cách mà bảo lãnh vô Mỹ cũng rất là dễ miễn là người đó có quy chế tỵ nạn. Ở bên Mỹ chỉ cần lập ra một nhóm 5 người có thể đứng ra để bảo lãnh một gia đình, một người, nhiều gia đình, nhiều người, tùy theo cái khả năng.

Miễn là trương mục của mình có đủ số tiền 2,375 đồng là mình đủ tiêu chuẩn. Số tiền chi phí vào Mỹ đó thì theo như em được biết là Mỹ tài trợ tiền vé máy bay, tiền gì Mỹ tài trợ hết. Cái số tiền 2,375 đô một người mà mình giữ ở đây đó, để dành cho 90 ngày đầu. Nhóm năm người khi mà mình đưa vào Mỹ đó thì mình có bổn phận là mình đón họ ở phi trường, mình mướn cho họ một cái chỗ ở, mình đưa họ đi làm thủ tục giấy tờ, nếu họ có con nhỏ thì đăng ký đi học, đại khái là những cái y tế, những cái công việc cần thiết giống như người tỵ nạn mình khi mình mới tới Úc đó anh. Thì mình cũng có một cái nhóm để mà giúp mình để mà cho mình có thể ổn định cuộc sống. và số tiền này nếu mà mình không xài tới thì mình vẫn có thể để dành đó, nó giống như là một cái tiền thế chân mình để sẵn để cho thấy rằng mình có khả năng để lo. Nếu mình không sử dụng tới thì mình vẫn có thể dùng nó để mình bảo lãnh những người kế tiếp nữa thưa anh.

Hưng Việt: Theo tôi thấy thì 2,375 tiền Mỹ, liệu cái số tiền đó có đủ để cho họ ở bên Mỹ sống 90 ngày hay không?

Mỹ Linh:  Thưa anh thì em biết rằng số tiền 2,375 thì thật sự mà nói nó rất eo trong vòng 90 ngày nhưng mà em nghĩ rằng chúng ta là người tỵ nạn ở đâu cũng thế, cộng đồng mình ở bất cứ nơi nào cũng rất là rộng rãi rất là có lòng hảo tâm. Thì em tin rằng, trong cộng đồng có thể giúp, nếu mà có phòng trống có thể giúp đưa một gia đình được một vài người về, mình không lấy tiền thì em nghĩ nó cũng là một cái rẻ hơn. Rồi ngoài ra nữa, thì như là mình cần đồ dùng, quần áo, ai trong cộng đồng có thể cho. Em xin được chia sẻ là ngay như cá nhân em đây cũng vậy thôi, em cũng giúp em đưa vài cháu về gia đình này mình chia sẻ mình nâng đỡ với nhau em nhớ căn nhà của em lúc đó là hình như là tới mười mấy người ở trong một căn nhà nhỏ như thế này mà mình vẫn có thể sống được. Rồi nếu như họ qua tới nơi, nếu mà may mắn họ tìm được việc làm liền, thì họ có đi làm ra tiền, thì họ cũng không cần phải nhờ sự trợ giúp.

Chính phủ Thái Lan họ không có ký cái thỏa ước quốc tế về tỵ nạn. Cho nên những người tỵ nạn ở Thái Lan cho dù có quy chế tỵ nạn hoặc là chưa có quy chế tỵ nạn thì lúc nào sống trong một cái nỗi lo sợ là không biết lúc nào mình sẽ bị bắt và bị trả về Việt Nam.

Hưng Việt: Xin lỗi tôi phải hỏi vào chi tiết như vậy bởi vì phải đi sâu vào vấn đề để đồng hương có thể hiểu rõ câu chuyện hơn. Hi vọng là nhờ vậy họ sẽ hỗ trợ cho việc làm của Ủy ban nhiều hơn

Mỹ Linh:  Đợt gây quỹ đầu tiên này Ủy ban có mời nhạc sĩ Nam Lộc đến để cùng tham dự và sẽ trả lời rất là nhiều những câu hỏi mà chúng ta thắc mắc.

Hưng Việt: Cám ơn cô Mỹ Linh đề cập đến Nhạc sĩ Nam Lộc bởi vì đó là câu hỏi sắp tới của tôi là nhạc sĩ Nam lộc sẽ có mặt trong cái buổi gây quỹ đó và sẽ trả lời những câu hỏi của đồng hương nếu mà có thì thưa cô Mỹ Linh nhạc sĩ Nam Lộc thường được kết nối với một tổ chức cũng thường làm công việc này là VOICE thì cô có thể xác nhận dùm là nhạc sĩ Nam Lộc và/ hoặc tổ chức VOICE có những liên hệ gì trong việc làm của Ủy Ban hay không?

Mỹ Linh: Thưa anh vâng, sở dĩ tại sao Ủy ban mời nhạc sĩ Nam Lộc, nhạc sĩ Nam Lộc là người đã làm việc với người tỵ nạn ở Thái Lan và đã qua Thái Lan rất nhiều lần cho nên là nhạc sĩ Nam Lộc là người hiểu rõ tận tường về tình hình của người tỵ nạn Việt Nam của mình ở Thái Lan như thế nào. Em cũng được biết rằng nhạc sĩ Nam Lộc là một trong những người đã vận động với giới chức Mỹ để chương trình Welcome Corps được ra đời và bây giờ chính nhạc sĩ Nam Lộc cùng những người ở bên Mỹ cũng đang vận động với những thân hữu để lập ra các nhóm bảo trợ.

Ủy ban này không liên quan tới VOICE. Tuy nhiên, VOICE vẫn có thể đứng ra là một tổ chức bảo trợ ở bên Mỹ. Theo như em được biết rằng VOICE cũng là một tổ chức đang nộp đơn xin để được làm một tổ chức bảo trợ cho người tỵ nạn này. Anh Nam Lộc có nằm trong Hội Đồng Quản Trị của một cái tổ chức USCRI viết tắt cho là US Committee For Refugees and Immigrants. Thì được biết là cuộc họp mới đây nhất của anh Nam Lộc với HĐQT thì họ đồng ý là họ sẽ tham gia vào chương trình bảo trợ cho người tỵ nạn Việt Nam ở Thái Lan.

Hưng Việt: Thưa cô Mỹ Linh, theo hy vọng của Ủy ban cũng như là của riêng cô đó, thì cái buổi gây quỹ này sẽ được ủng hộ tới mức độ nào?

Mỹ Linh: Dạ thưa sự ủng hộ của quý đồng hương ở tại đây rất là nhiệt tình. Chỉ trong vòng hai tuần lễ thì vé để đi dự tiệc đã bán hết. Ngoài ra quý đồng hương ủng hộ sổ vàng thì cũng rất là nhiều. Em xin được nêu ra hai trường hợp mà phải nói là em rất là cảm động. Một trường hợp đó là một chú ở dưới Melbourne nghe về chương trình này thì chú có liên lạc với anh Đoàn Việt Trung để gởi tặng 1,000 đô mà chú chỉ nói rằng xin cho ẩn danh. Vào ngày hôm qua Mỹ Linh cũng được một chị hội viên vẫn thường xuyên đến sinh hoạt Hội Tương Tế thì chị nói là chị mua vé không có kịp nữa nhưng thôi chị đã chuẩn bị sẵn một cái bì thư 500 đô. Ngoài ra Mỹ Linh cũng có nhận được những ủng hộ của sổ vàng từ những người mà Mỹ Linh gặp được ở trong bệnh viện trong lúc ngồi thông dịch.

Có một dì gần 80 tuổi mà Mỹ Linh rất là thương, dì sống tại Brisbane cũng chỉ có một mình, là một người bệnh nhân thường xuyên ra vào bệnh viện, dì nói thôi cho dì đóng góp 100, dì không có nhiều.

Dạ rất rất là nhiều những cái câu chuyện rất là dễ thương làm cho những thành viên ở trong ủy ban cũng như là cá nhân của em rất là cảm động, Cảm ơn Quý Đồng Hương nhiều lắm.

Hưng Việt: Cám ơn cô Mỹ Linh rất là nhiều đã rất bận rộn với chương trình không phải của Ủy ban này không mà những việc làm khác của cô ở trong Cộng đồng nữa, mà vẫn có thì giờ dành cho chúng tôi cái buổi nói chuyện ngày hôm nay. Thì cuối cùng cô Mỹ Linh còn có điều chi muốn chia sẻ với quý thính giả hay không ạ?

Mỹ Linh: Dạ cám ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung, em cũng rất là cảm ơn anh chị đã cho em cơ hội để lại tâm tình với quý thính giả của Đài SBS một lần nữa. Trước khi hết lời thì có lẽ là cho em xin mượn cái cơ hội này, cái thứ nhất là để cám ơn các nhà bảo trợ, ở tại Brisbane đã rất là nhanh chóng, rất là nỗ lực để hỗ trợ vào cái chương trình gây quỹ đầu tiên mà Ủy ban tổ chức. Vé để đi dự buổi tiệc gây quỹ thì thật sự là đã hết rồi. Và bây giờ cũng còn danh sách quý vị đang chờ cũng khá nhiều, cho nên là hy vọng Ủy ban có cái dự trù sẽ tổ chức thêm những lần gây quỹ khác nữa trong tương lai, thì những lần sau hy vọng được sự hỗ trợ nhiệt tình của quý đồng hương ở Brisbane. Hiện bây giờ, cho tới ngày gây quỹ thì Ủy ban đang bán giải Raffle Tickets, với cái giá rất là khiêm nhường, chỉ có 5 đồng một vé. Nếu quý vị nào mà có lòng hảo tâm mà muốn ủng hộ chương trình cũng như là muốn biết thêm thông tin thì xin quý vị có thể liên lạc trực tiếp với em thì em có thể giải thích thêm, nói thêm về chương trình trong cái khả năng hiểu biết hạn hẹp của em nhé. Vâng cảm ơn anh chị cũng như là quý thính giả rất là nhiều.

Mỹ Dung: Cảm ơn Mỹ Linh

Muốn biết thêm chi tiết xin quý vị liên lạc cô Mỹ Linh qua số: 0403 323 482

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 



Share