Chuyện Queensland: Trường nhạc VIVO ở Brisbane

Học sinh biểu diễn hòa nhạc hàng tuần trước cửa trường

Học sinh biểu diễn hòa nhạc hàng tuần trước cửa trường Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong dịp đầu năm mới chúng tôi kính mời quý thính giả đến thăm trường nhạc VIVO (VIVO College of music, Sunnybank), nơi có nhiều trẻ em Việt Nam và các sắc tộc khác đang theo học.


Lời đầu tiên chúng tôi xin kính chúc tất cả quý thính giả của đài SBS một năm mới 2022 an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý.

Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Robert Schumann từng nói, “Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người.

Trong khi trẻ em chính là những mầm non, và hy vọng cho tương lai.

Thế nên trong dịp đầu năm mới này, chúng tôi kính mời quý thính giả đến thăm trường nhạc VIVO (VIVO College of music), tọa lạc tại 3 Zamia Street, Sunnybank, nơi có nhiều trẻ em Việt Nam và các sắc tộc khác đang theo học.

Hơn nữa, phu nhân của thầy hiệu trưởng Doni Zelimir Wolfenstein - cô Hannah Hạnh Nguyễn - cũng là một phụ nữ Việt Nam.

Và bây giờ chúng ta hãy cùng lắng nghe cuộc chuyện trò của cô Hannah với anh Hưng Việt.

Hưng Việt: Trước hết xin chị cho biết lý do nào mà chị cùng với anh Doni đứng ra thành lập trường VIVO College of Music này.

Hannah Nguyễn: Trường VIVO college of music đã được thành lập từ năm 1997. Doni đã làm việc ở trường VIVO 20 năm. Sau khi chủ trường này muốn nghỉ hưu, gia đình của chúng tôi quyết định mua lại trường này, để Doni tiếp tục công việc và phát triển sự nghiệp của Doni, và của nhà trường, của các giáo viên ở đây. Cũng muốn tiếp tục cho các cháu học tiếp không bị gián đoạn.

Hưng Việt: Cám ơn chị Hạnh. Trước nhất là nói về thành phần giáo viên, thì ở trường VIVO có bao nhiêu giáo viên cả thảy và dạy những môn gì?

Hannah Nguyễn: tất cả giáo viên ở đây có khoảng 12 người, mỗi người chuyên môn về một nhạc cụ khác nhau. Tụi em tuyển giáo viên từ sau bậc Đại học (Bachelor of Music). Trường VIVO có dạy piano là chính, violin cũng là một môn chính, Cello, flute, clarinet, trống, guitar, thanh nhạc (vocal), theory, Ukulele – cái đó thì ít người học. Các cháu học Ukelele thì sau sẽ chuyển sang guitar vì âm thanh không hay lắm và cũng không phát triển được nhiều về chuyên môn.

Hưng Việt: Với 12 giáo viên dạy đủ thứ nhạc cụ như vậy thì hiện giờ trường có bao hiêu học sinh và có bao nhiêu trình độ, từ cấp một cho tới cấp mấy thưa chị Hạnh?

Hannah Nguyễn: hiện tại trường có khoảng 70 tới 75 học sinh, trong đó có một số em học từ hai instrument trở lên. Hầu hết chương trình của các em thì theo chương trình của AMEB (Australian Music Examinations Board) là bắt đầu từ beginner cho tới Amus (Associate of Music) tức là khoảng lớp 9, lớp 10. Lớp 6, lớp 7 thì có rất nhiều, khoảng hơn chục em.

Có em thì bắt đầu lúc bốn tuổi, có em thì bắt đầu từ 8 tuổi. Hầu hết học trò ở đây khoảng tám tuổi cho đến 12 tuổi là đông nhất. Ở đây mình có khoảng 7 gia đình người Việt. Từ năm ngoái tới giờ cũng có thêm người Việt. Nhà trường cũng rất là vui khi có thêm anh chị em Việt Nam tới ủng hộ.
Học sinh và Thầy Hiệu trưởng Doni Wolfenstein tham gia một buổi hòa nhạc công cộng ngoài trời
Học sinh và Thầy Hiệu trưởng Doni Wolfenstein tham gia một buổi hòa nhạc công cộng ngoài trời Source: Supplied
Hưng Việt: Khi mà nhận để phát triển trường này trở lại, chị và anh Doni đã trải qua những khó khăn như thế nào?

Hannah Nguyễn: Dạ, về khó khăn thì một doanh nghiệp nhỏ như vầy thì khó khăn rất là nhiều. Ngay từ bắt đầu thì tụi em cũng đã cố gắng vượt qua. Hầu hết khó khăn là về tiền thuê. Ở đây rất là mắc. Trung tâm của khu phố người Hoa, khu vực Sunnybank rất là nhộn nhịp.

Thứ hai là việc cho các em đi biểu diễn. Thật ra thì cũng có cơ hội, nhưng không nhiều. Hầu hết năm nay các em cũng được biểu diễn trước công chúng khoảng chín buổi. Trong đó thì cũng có một buổi concert của VIVO. Rồi có tham gia buổi concert của City Council với bên Brisbane Festival, tài trợ của Queensland Government.

Ước muốn của hai tụi em là thành lập orchestra. Thì hiện nay tụi em cũng có được hai cái orchestra. Một cái senior orchestra, một cái là junior orchestra. Thêm một cái nữa là một ca đoàn, tức ban hợp xướng. Thì cũng mới… nhỏ nhỏ…manh nha thôi, nhưng mà cũng rất là vui. Mọi người cũng có ủng hộ, tới tham gia, tới tập. Tới ngày đi biểu diễn thì cũng dắt con tới, lên đồ mặc cũng đẹp. Các cháu cũng tập rất là tiến bộ.

Hưng Việt: Tôi nghĩ những buổi đi trình diễn như vậy đó, nó giống như những đợt sóng ở ngoài biển vậy đó, nó tiếp tục với nhau. Càng trình diễn nhiều thì người ta càng biết đến trường, và từ đó có nhiều cơ hội để người ta mời mình đến trình diễn hơn, cứ tiếp tục thúc đẩy với nhau. Đúng không ạ?

Hannah Nguyễn: Dạ đúng rồi.

Hưng Việt: Khi mà mở một trường dạy âm nhạc như thế này và với các em học sinh tuổi nhỏ như vậy khi nhìn thấy các em đến học âm nhạc và các em tiến bộ, thì chị cảm thấy trong lòng vui vẻ, sung sướng ra sao?

Hannah Nguyễn: Thật khó nói, nhưng mà mỗi người đều có một ước muốn. Mỗi lần thấy các em có được những thành tựu thì hai vợ chồng cũng rất là vui. Về nhà nói chuyện về em đó, tương lai em đó như thế nào, mình sẽ đầu tư cho em đó như thế nào, rồi có những phương hướng khác nhau. Nói chung thì cũng rất là phấn khởi.

Hưng Việt: thưa chị, câu hỏi cuối cùng là chị cảm thấy sự quan trọng của việc học âm nhạc đối với các em ở lứa tuổi 8 đến 12 ra sao, nó cần thiết đến mức độ nào?

Hannah Nguyễn: Âm nhạc rất quan trọng đối với tinh thầncủa một con người. Ở lứa tuổi nhỏ như vậy, khi các em được học, được tiếp xúc với âm nhạc thì tâm hồn của các em sẽ đẹp hơn, dào dạt hơn, bay bổng hơn, thăng hoa hơn…Do đó, khi các em lớn lên, các em cũng có một kỷ niệm hay, đẹp về thời thơ ấu.

Thứ hai là khi học âm nhạc, các em có một tinh thần kỷ luật rất là cao, thì đó cũng giúp cho các em sau này, làm việc gì cũng rất là kỷ luật, tạo nên sự thành công.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thì việc học âm nhạc mang lại rất nhiều lợi ích đặc biệt với các em học sinh, không những nâng cao khả năng giao tiếp, mà còn cả kỹ năng về học thuật, giảm stress, rèn luyện tính kiên nhẫn, tự tin, kỷ luật, v.v… Thế nên các bậc phụ huynh thường cố gắng cho con mình theo đuổi ít nhất một môn âm nhạc.
Em học sinh tí hon Mia Mizumoto biểu diễn dương cầm trong buổi Hòa Nhạc Cuối Năm cuả trường VIVO
Em học sinh tí hon Mia Mizumoto biểu diễn dương cầm trong buổi Hòa Nhạc Cuối Năm của trường VIVO Source: Supplied
Chúng ta hãy cùng lắng nghe chia sẻ của chị Huỳnh Tuyết Mai, phụ huynh của hai em học sinh VIVO là Đỗ Quý Thiên Ân và Đỗ Khánh An.

Hưng Việt: trước hết chị có thể vui lòng cho biết tại sao chị cho hai cháu Thiên Ân và Khánh An đi học nhạc?

Tuyết Mai: Dạ, tại vì em thấy đi học nhạc thì các cháu sẽ có thêm một kỹ năng khác ngoài việc đi học ở trong trường. Đi học nhạc sẽ giúp cho các cháu tập trung nhiều hơn, về mặt xã hội thì các cháu có nhiều cơ hội đi biểu diễn và cũng có thêm bạn. Cảm thấy cuộc sống của các cháu phong phú hơn về nhiều mặt.

Nhất là khi tham gia vào trường VIVO các cháu có rất là nhiều cơ hội đi biểu diễn suốt năm và mỗi tuần vào chiều CN thì các cháu cũng tập trong nhóm Orchestra của trường. Về lâu về dài, các cháu có rất là nhiều bạn. Các bạn trong nhóm Orchestra cũng rất là ngoan. Nói chung rất là dễ thương. Khi các bạn đi biểu diễn các bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi mà được đứng trước công chúng biểu diễn.

Hưng Việt: Ngay từ lúc đầu vì sao, cái cơ duyên nào chị chọn trường VIVO College of Music?

Tuyết Mai: Thì thường khi mà chọn cái trường nào cho con học thì em hay tìm hiểu lịch sử phát triển của trường, với lại những hoạt động thông thường của trường như thế nào. Tại vì hai cháu nhà em đi học cũng nhiều nơi rồi. Thực ra các cháu đã học năm, sáu năm rồi, qua rất là nhiều thầy cô khác nhau, qua nhiều trường nhạc khác nhau, rồi cũng có học trong trường Úc nữa, nhưng vì ít cơ hội để được đứng trước công chúng biểu diễn cho nên các cháu tiến bộ không nhiều. Lúc đó đầu tháng Hai năm nay, cũng là lúc em muốn tìm một trường khác cho các cháu thử, thì vô tình thấy quảng cáo của trường VIVO trên Facbook, em mới vô trang website của trường để xem, đến liên hệ với chị Hannah để cho các cháu học thử. Sau khi học thử thì các cháu thích cho nên học luôn tới bây giờ.

Thực ra là mấy năm trước, các bạn chỉ lưng chừng ở grade 1, grade 2 thôi. Nhưng mà hiện tại bây giờ sau 10 tháng tham gia trường VIVO thì môn violin của bé Khánh An đầu năm sau đã có thể thi Grade 4 được. Còn hôm rồi bạn đi competition Beenleigh Eistedfod được hạng 4.

Hưng Việt: Thưa chị, nếu có một câu hay một lời nào, nhắn gửi đến phụ huynh về vấn đề khuyến khích con em học âm nhạc, đặc biệt là ở trường VIVO, thì chị sẽ nói thế nào?

Tuyết Mai: Em cũng giới thiệu với bạn bè về trường VIVO. Thật ra là trong thời gian tham gia trường VIVO tuy ngắn nhưng em cảm thấy rất là happy bởi vì trong 10 tháng qua thì các bạn đã có rất là nhiều cơ hội đi biểu diên. Chị Hannah, hiệu trưởng của trường cũng rất là năng động, và lúc nào chị cũng tìm kiếm cơ hội và chỗ này chỗ nọ để cho các bạn đi biểu diễn rất nhiều để nâng cao khả năng âm nhạc và cũng để các bạn tự tin hơn trước công chúng

Hưng Việt: Thưa chị là một phụ huynh muốn khuyến khích con em ở nhà có kỹ năng về âm nhạc, thì các cháu đi học về, thì chị khuyến khích các em ở nhà tập dợt đến mức độ nào? Bao nhiêu tiếng một ngày hay bao nhiêu tiếng một tuần?

Tuyết Mai: Dạ, hai cháu nhà em, các bạn  tập mỗi một loại nhạc cụ nửa tiếng một ngày sau giờ cơm tối và trước khi đi ngủ. Và em cũng khuyến khích là hai anh em tập chung với nhau. Ví dụ như là có những bản nhạc mà các bạn đang tập trong dàn orchestra, thì về nhà cũng hai anh em cũng tập chung với nhau hai loại nhạc cụ khác nhau, thông thường thì nửa tiếng cho mỗi loại nhạc cụ.

Hưng Việt: Thay mặt cho thính giả đài SBS, chúng tôi xin thành thật cảm ơn chị Truyết Mai rất là nhiều. Cảm ơn chị khuyến khích hai cháu theo đuổi âm nhạc, điều đó chẳng những tốt cho kỹ năng âm nah5c mà còn tốt cho tiến trình học tập nói chung cho mấy em. Nó sẽ hỗ tương cho việc học.

Em Đỗ Quý Thiên Ân tập luyện dương cầm
Em Đỗ Quý Thiên Ân tập luyện dương cầm Source: Supplied


Chúng ta làm quen với em Thiên Ân con trai của cô Tuyết Mai nhé quý vị.

Hưng Việt: Trước hết em cho biết em mấy tuổi, và em học ở trường Úc trường nào, lớp mấy?

Thiên Ân: Dạ con 12 tuổi học lớp 7 ở trường Brisbane State High

Hưng Việt: Con học ở trường VIVO được mấy năm rồi?

Thiên Ân: Con học được 10 tháng

Hưng Việt: Con thích học loại instrument nào?

Thiên Ân: Con thích chơi đànpiano, violin

Hưng Việt: Tại sao con thích chơi hai thứ đó

Thiên Ân: Tại vì dễ học. Violin có đi biểu diễn nhiều

Hưng Việt: Ở nhà con có tập nhiều không

Thiên Ân: Con tập đàn 1 tiếng mỗi ngày. 30 phút piano, 30 phút violin

Hưng Việt: mỗi thứ 30 phút? Dữ vậy hả. Vậy là giỏi rồi. Con có muốn sau này trở thành nhạc sĩ đi biểu diễn ở concert không?

Thiên Ân: Dạ có

Hưng Việt: Như vậy con phải học nhiều hơn nữa. Con nói tiếng Việt rất là giỏi. Con có đi học tiếng Việt ở đâu không?

Thiên Ân: Dạ con đi học tiếng Việt ở trường Hòa Bình 8 năm tới lớp 7.

Mỹ Dung: Con học ở trường Úc nè, con học ở trường Việt nè, rồi trường nhạc nữa, vậy con sẽ sắp xếp thề nào để con học hết ba thứ ở ba trường?

Thiên Ân: Mỗi ngày tập đàn và nói tiếng Việt và làm homework.

Mỹ Dung: Con ưu tiên cái nào nhiều hơn?

Thiên Ân: trường Úc kế đó là Nhạc.

Hưng Việt: Quá giỏi ha. Brisbane State High rất là khó đúng hông, mà con thi đậu vô thì rất là giỏi. Chúc mừng con.

Mỹ Dung: Lúc mà con tập đàn con cảm thầy như thế nào?

Thiên Ân: Lúc nào mà con tập đàn là con feel good. Con thích nghe nhạc.

Là phụ huynh, chúng ta nên tạo cơ hội cho trẻ để khám phá những năng khiếu tiềm ẩn của các em, có thể về thể thao, hay hội họa, hoặc âm nhạc, như em Thiên Ân vừa chia sẻ, âm nhạc đã mang lại cảm giác tốt đẹp cho em. Cho dù có thể trẻ không chọn âm nhạc là con đường nghề nghiệp để theo đuổi đến cùng, nhưng thử học một loại nhạc cụ hay ca hát sẽ luôn là chiếc chìa khóa mở ra cho trẻ một chân trời rộng lớn hơn.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share