Chuyện Queensland: Trọng tài bóng tròn Võ Thanh Liêm

Hai trọng tài Trần Quang Vinh và Võ Thanh Liêm (phải)

Hai trọng tài Trần Quang Vinh và Võ Thanh Liêm (phải) Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhân dịp đội Socceroos của Úc sẽ tham dự giải World Cup 2022 vào tháng 11 năm nay ở Qatar chúng ta hãy cùng lắng nghe cuộc mạn đàm với ông Võ Thanh Liêm, một trọng tài bóng tròn chuyên nghiệp ở Brisbane.


Nhân dịp đội Socceroos của Úc sẽ tham dự giải World Cup 2022 vào tháng 11 năm nay ở Qatar và nhằm giúp quý thính giả có thể theo dõi dễ dàng hơn các trận đấu khi những luật lệ về túc cầu mới được thay đổi trong thời gian qua, chúng ta hãy cùng lắng nghe cuộc mạn đàm với  ông Võ Thanh Liêm, một trọng tài bóng tròn chuyên nghiệp ở Brisbane.

Xuất thân là một thầy giáo dạy toán từ trước năm 1975, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng với bộ môn túc cầu, ông Võ Thanh Liêm đã từng bước trở thành trọng tài chuyên nghiệp. Ông khởi nghiệp với sự hướng dẫn của trọng tài Trần Quang Vinh, thường gọi là trọng tài Linh. Lần tập huấn đầu tiên để trở thành trọng tài của ông ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn của một trọng tài người Liên xô vào năm 1976.

Năm 1980, ông vượt biên và định cư tại Nhật. Cơ duyên lại đến, ông  được tập huấn lần thứ hai và tốt nghiệp khóa trọng tài ở Nhật năm 1980 và làm trọng tài suốt bảy năm sống ở Nhật.

Năm 1987, ông di dân sang Úc, và kể từ khi ông đặt chân tới Úc, thì nghề trọng tài của ông mới thực sự được phát triển. Một lần nữa cơ duyên lại mang đến cho ông cơ hội tập huấn lần thứ ba và được cấp bằng trọng tài hạng 3 tại Úc năm 1987. Năm 1989 ông lên trọng tài hạng 2 và hai năm sau, ông đã được cấp bằng trọng tài hạng nhứt sau khi trải qua những cuộc thi luật và thi ngoài sân cỏ.

Trọng tài Liêm: Rồi phải thi hai trận đấu nha anh Việt, phải đúng 6 điểm mới được đậu. 5.9 điểm là rớt. Trận đầu tiên tui ra sân đúng 6 điểm đậu. Rồi hai tuần sau bắt tui thi một trận thứ hai nữa. Đưa hai đội găng đá với nhau. Anh thấy trong tờ Sun Herald đăng trong trận này tui đuổi ba thằng. Nhưng mà tui đậu 6 điểm luôn. Ba khóa huấn luyện mà tui đã học là Việt Nam, Nhật Bản và Úc châu.

Hưng Việt: Khi mà anh thi thổi hai trận đấu mà thực tập, họ căn cứ và chấm điểm anh ở những cái kỹ năng nào.

Trọng tài Liêm: Dạ thưa thứ nhứt là theo dõi lời nói của mình, liên lạc với hai trọng tài biên. Hay là anh nói chuyện cầu thủ ra sao, coi cái thể lực anh như thế nào. Khoảng cách anh đứng chỗ nào để anh quan sát. Thứ hai là anh quyết định thổi tiếng còi dứt khoát hay không và thứ ba là anh phải sử dụng luật lợi thế. Bởi luật lợi thế là luật rất quan trọng. Mặc dù thổi đúng luật, đúng phạt nhưng mà anh cướp lợi thế là một trọng tài dở. Cho nên ba điểm đó phải phối hợp, phải nhận định tình hình để phán đoán chính xác.

Hưng Việt: Em chỉ xin phép có một cái nhận định về cái chuyện là lợi thế đó: nó là cái con dao hai lưỡi. Khi một đối thủ mà bị đốn ngã chẳng hạn mà anh không phạt liền đó tại vì đồng đội cái người đó đang có lợi thế có thể thắng bàn thì anh phải cho đi luôn. Nhưng mà ngược lại nếu mà anh cho đi luôn mà mất lợi thế thắng bàn thì cái đội đó cũng bị mất luôn một cái quả phạt. Thì nó cũng mất một cơ hội cho họ. Thành ra anh phải có một cái nhận định ngay lập tức và dứt khoát là có nên cho lợi thế hay không bởi vì chưa chắc cho lợi thế đã có lợi cho đội được phạt. đúng không ạ?

Trọng tài Liêm: Anh nói đúng chính xác như vậy. Bởi vì trọng tài dùng lợi thế cho đúng. Cho nên xưa trọng tài hay để còi trên miệng ngậm thấy vi phạm là thổi liền. Nên trọng tài ngày nay không cho phép được ngậm còi nữa, mà cái còi phải cầm trên tay. Là bởi vì khi anh thấy một đối phương phạm lỗi rồi, thì từ cái tay anh đưa lên miệng để thổi thì anh có một hai giây để anh coi trái banh này đang ở đâu hoặc ai sẽ lấy banh.

Hưng Việt: Bây giờ sẵn nói về vấn đề luật lệ thì thưa anh Liêm, chúng ta biết là sắp tới giải World Cup 2022 tháng 11 này. Thì để giúp cho thính giả chúng tôi được rõ hơn, theo dõi một cách hứng thú hơn các trận đấu thì thưa anh có thể chúng ta lần lượt đi qua những sự thay đổi về luật lệ túc cầu gần đây hay không để cho thính giả đỡ bỡ ngỡ thưa anh.

Hồi trước theo em nhớ thì khi mà bắt đầu giao bóng thì anh phải đá lên qua sân của bên địch thủ, nhưng mà em thấy hình như hiện giờ muốn đá đâu thì đá, muốn đá lên hay đá về sân nhà mình cũng được phải không ạ?

Trọng tài Liêm: Dạ quả giao bóng bây giờ anh có quyền đá về sân nhà

Hưng Việt: Rồi bây giờ nói về chuyện phát bóng tức là ‘goal kick’ thì thủ môn dầu cho quả bóng nó đi ra ngoài cuối sân của anh ta ở bên trái hay bên mặt anh ta muốn đặt trái banh ở bên nào cũng được phải không ạ? Và còn có những thay đổi luật lệ nào nữa thưa anh?

Trọng tài Liêm: Vâng, đúng rồi, nếu hồi trước mà đá phát bóng lên thì đá phía bên nào anh để phía bên đó. Nhưng mà bây giờ anh để bên nào cũng được khỏi mất thì giờ. Nhưng mà hồi trước cái luật phát bóng thì anh phải chờ ra khỏi khu phạt đền, tức là phải ra khỏi khu 16.50m, thì đồng đội mới được nhận bóng. Bây giờ thủ môn hay đồng đội vừa đá ở trong vòng đó thì anh cứ lấy bóng đi luôn khỏi 16.50m

Hồi xưa thủ môn bắt bóng rồi thì không được chạy quá bốn bước đá ra liền hay liệng lên. Bây giờ trọng tài cho phép được chạy bao nhiêu bước cũng được, nhưng mà chạy trong vòng 6 giây thôi.

Hưng Việt: Cái chuyện mà thủ môn bắt bóng một phần cũng là do đồng đội của anh ta đưa banh về để anh ta bắt thì có thể bị phạt nếu sự đưa banh về đó là một sự cố ý. Anh có thể giải thích về lúc nào bị phạt lúc nào thì không bị phạt hay không ạ?

Trọng tài Liêm: Dạ thưa cái luật khi mà trọng tài thế giới đưa ra cái luật này rất là tuyệt vời thưa anh Việt, bởi vì ngày xưa khi một cầu thủ đưa về cho thủ môn thì thủ môn có quyền dùng tay chụp, như vậy khi mà hậu vệ có bóng thì không ai dám vô. Là bởi vì chỉ cần đưa về, thủ môn chụp thì vô chi cho mắc công rút về. Nếu đồng đội cố ý đưa bằng chân về cho thủ môn thì thủ môn không được dùng bắt bóng bằng tay nữa. Nhưng mà anh không phải đá cố ý chuyển về cho thủ môn, chớ không phải cố ý đưa về cho thủ môn, thì lúc đó thủ môn có quyền chụp. Cho nên đó là phán đoán của trọng tài. Nhưng mà cố ý đưa về cho thủ môn từ đầu gối trở lên bụng, trở lên ngực và đầu thì thủ môn được phép chụp.

Hưng Việt: Nếu mà trái banh trúng từ đầu gối trở lên tới đầu mà về tay thủ môn thì thủ môn có quyền bắt bóng. Thì có một trường hợp nữa là khi ném biên, em là đội phòng thủ, em có thể ném về cho thủ môn em chụp được không?

Trọng tài Liêm: Hồi trước thì nó cho nhưng sau ném biên là không được bắt bóng. Chuyền bằng chưn hay là lúc mà ném biên cố ý ném về cho thủ môn, thủ môn không được bắt bóng bằng tay.
Papers cutting
Source: Supplied
Hưng Việt: Một cái luật nữa mà em thấy nhiều người rất là hoang mang bởi vì không rõ thôi mà cứ thay đổi hoài. Đó là cái luật việt vị. Luật việt vị  theo em thì hồi mà em còn làm trọng tài, khi mà một trái banh tính từ lúc đội tấn công đá lên đó mà đồng đội của anh tức là đội tấn công đứng trước chỉ có một anh thủ môn, một đối thủ phòng vệ thôi là anh bị phạt, không cần biết là anh có nhận được banh hay không, nhưng mà bây giờ hình như cái luật đó thay đổi phải không anh

Trọng tài Liêm: Dạ đúng vậy, bây giờ bắt việt vị là khi đồng đội vừa đá trái banh thì giám biên phải bám sát làm một đường thẳng song song với đường banh cuối sân dưới hậu vệ cuối cùng. Nhưng mà khoan, anh chưa được phất cờ. Anh chở đến người chạm trái banh khi anh kia đưa bóng đó thì lúc đó anh mới phất cờ. Cho nên bây giờ rất là khó, năm bảy người trong đó tấn công. Rồi anh phải dòm ông nào đang việt vịm ông nào không việt vị rồi ông nào sẽ nhận trái banh đó. Thành ra cái luật này làm cho trọng tài biên rất khó anh Việt.

Hưng Việt: Nói về việt vị đó thưa anh thì theo em nhớ có những trường hợp không tính như việt vị thì anh có thể lược sơ qua như ném biên không kể là việt vị dù anh dừng ở vị thế nào đi chăng nữa thì đá phạt góc không tính là việt vị.

Trọng tài Liêm: Đúng là anh là trọng tài mà anh vừa hỏi anh vừa trả lời luôn. Thêm cái thứ ba nữa là đá phát bóng, ném biên và đá lỗi việt vị. Thì ba cái đó không bắt lỗi việt vị.

Hưng Việt: Càng nói về luật lệ thì càng có nhiều, mình đi chắc không có đủ thì giờ đi hết, chỉ có một cái thay đổi mới mà chính hôm vừa rồi cái trận vòng loại của Úc mà đá với Peru là phải tính bằng quả phạt đền sau khi hai bên huề nhau sau 90 phút chính thức và 30 phút giờ đấu phụ. Úc có vẻ có một cái chiến lược đã tính sẵn hết rồi là lúc trước khi chấm dứt, cái giờ phụ trội một phút, thay đổi thủ môn. Thì cái anh thủ môn mới này, ảnh vô thì khi tới phiên ảnh chụp những trái đá phạt đền cầu thủ Peru đó thì ảnh đứng ảnh sàn qua sàn lại, ảnh nhảy tứ tung trên cái đường vôi của cái goal thì em hơi làm lạ bởi vì lúc trước theo em biết thì anh chỉ được đứng anh muốn lắc qua lắc lại thì lắc nhưng cái chân anh phải đứng yên. Cái tay của anh có thể vẫy vẫy này kia nhưng mà cái anh thủ môn này ảnh chạy tới, ảnh chạy lui, ảnh chạy ở trên cái đường vôi thì đó là cái thay đổi mới nhứt phải không ạ?

Trọng tài Liêm: Dạ thì đúng vậy anh Việt, cái luật mới cho phép thủ môn có quyền di chuyển ngang trên đường vôi cuối sân, đường cầu môn của anh đó. Chứ hồi trước là phải đứng yên một chỗ, hai cái chân không được rời khỏi đường vôi đó đến khi nào sau khi anh kia đá trái banh rồi thì anh mới nhích qua bên đây nhích qua bên kia, bay tới bay lui nhưng mà anh nhích trước khi người ta đá là anh anh bị lỗi. Nhưng mà bây giờ không biết tại sao FIFA cho phép thủ môn bây giờ có quyền chạy qua chạy lại trên đường vôi. Theo tôi thì luật đó tui không đồng ý

Quả phạt đền là gì? Quả phạt đền là bởi vì anh làm mất bàn thua của đối phương cho nên quả này coi như hợp thức hóa trái banh đó mà thôi.  Anh để thủ môn di chuyễn qua di chuyển  lại, làm cho Thủ môn có lợi thế. Mong rằng thủ môn bắt cho rồi thì coi như huề.  Không công bằng.

Hưng Việt: Em đồng ý với anh. Như vậy đâu gọi là đền nữa.

Trọng tài Liêm: Cho tui nói thêm một điều nữa mà nhiều khi thính giả ở ngoài họ còn thắc mắc đó anh Việt.

Thí dụ một cầu thủ đang đá mà bị thẻ đỏ đuổi ra sân thì coi như không được đổi . Nhưng mà tại sao thủ môn bị đuổi thì anh thủ môn phụ lại được vô. Đó, cho nên nhiều khi khán thính giả không thấy được điểm gián tiếp đó cho nên họ thắc mắc. Là bởi vì khi thủ môn bị đuổi thì cái luật là một cầu thủ ở trên xuống làm thủ môn để thay thế cho thủ môn đã bị đuổi. Khi anh cầu thủ này đã trở thành thủ môn rồi, thì đương nhiên anh thủ môn phụ ở ngoài bước vô thay. Có nghĩa là một cầu thủ ở trên phải hy sinh đi ra. Thì cũng như là mất một người còn có 10 người.

Hưng Việt: Cuối cùng thưa anh Liêm anh có điều chi muốn chia sẻ với thính giả hay không ạ?

Trọng tài Liêm: Trước hết thì phải nói cảm ơn anh Trần Hưng Việt với cô Dung cho cơ hội để tui kể lại một vài câu chuyện cuộc đời làm trọng tài của tui.

Thứ hai nữa cho tui có cơ hội để nói lên những điều luật lệ mới để cho các thính giả nhiều khi coi đá banh hổng biết luận, thì hổng hứng thú. Và cảm ơn các thình giả đã lắng nghe buổi nói chuyện của chúng tôi hôm nay.

Tui đã trở về Brisbane một năm nay rồi. Thì ước vọng của tôi là sẽ gặp lại một số anh em, để qua mùa ấm áp tôi sẽ mời anh em tổ chức lại giải đá banh cho người Việt Nam. Đó là ước vọng của tôi muốn gửi đến quý thính giả.

Hưng Việt: Cảm ơn anh Liêm đã chia sẻ tâm tư đó. Hy vọng ước mơ của anh sẽ trở thành sự thật. Thay mặt cô Mỹ Dung cũng như thính giả, chúng tôi xin thành thật cám ơn anh Võ Thanh Liêm rất là nhiều đã chia sẻ những kinh nghiệm, những hoài bão, cũng như những kỷ niệm của anh trong cái nghề thổi còi làm vua sân cỏ trong mấy chục năm nay. Xin cảm ơn anh và kính chúc anh, chị và gia đình luôn được nhiều sức khỏe, bình an trong cuộc sống.

Mỹ Dung: Dạ em cảm ơn anh Liêm.

Nếu quý thính giả muốn tìm hiểu thêm về việc thành lập đội túc cầu Brisbane, xin liên lạc ông Võ Thanh Liêm qua số: 0413 524 048

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Trọng tài Võ Thanh Liêm
Trọng tài Võ Thanh Liêm Source: Supplied



Share