Chuyện Queensland: Triển lãm Vượt qua nỗi đau này

01 – Cô Emily Duyên Đặng.jpg

Emily Duyen Dang

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Emily Duyên Đặng, một ứng viên cho luận án tiến sĩ ở Monash University, đã tiếp xúc với nhiều nạn nhân của bạo hành gia đình và có sáng kiến trình bày lại những câu chuyện đó qua những hình ảnh đi kèm với các lời tường thuật tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích, và đã được triển lãm tại Inala Art Gallery hôm đầu tháng 5 vừa qua.


“Vượt qua nỗi đau này” là chủ đề của cuộc nghiên cứu cho luận án tiến sĩ về Xã hội học ở Monash University (Melbourne) của cô Emily Duyên Đặng mà theo cô hy vọng sẽ có thể “giúp thêm ý thức về nạn bạo hành gia đình trong cộng đồng người Việt và thấy được khả năng cùng ý chí phục hồi của các nạn nhân đã thoát khỏi thảm nạn đó”.

Hưng Việt: Xin chào cô Emily Duyên Đặng.

Emily Duyên Đặng: Dạ, chào chú Hưng Việt, tên em là Emily Duyên Đặng. Em đang nghiên cứu ở đại học Monash về bạo hành gia đình.

Hưng Việt: Thưa cô, trước hết xin cô cho biết là tại sao cô chọn cái chuyện nghiên cứu về vấn đề bạo hành trong gia đình.

Emily Duyên Đặng: Dạ, chuyện bạo hành gia đình là một vấn đề thiệt lớn ở trong xã hội bên Úc. Một trong ba người phụ nữ bên Úc sẽ bị bạo hành ở trong gia đình, từ một người thân hay là một người chồng. Mà cái này là một cái khó khăn hơn cho người di dân, cho người Việt trong cộng đồng mình, rồi mình phải cố gắng nói chuyện hơn để mình hiểu biết hơn về mấy cái kinh nghiệm, mấy cái chuyện của mấy người phụ nữ Việt Nam bị bạo hành gia đình.

Hưng Việt: Thưa cô, như vậy đó thì cuộc nghiên cứu của cô là đi để mà tiếp xúc với những người bị bạo hành nhưng mà thường những người bị bạo hành họ không muốn người khác biết là họ bị bạo hành thì làm sao cô tìm được những nạn nhân đó để cô đến cô phỏng vấn?

Emily Duyên Đặng: Dạ đúng rồi. Đây là một cái vấn đề khó khăn cho nhiều người nói chuyện về, trước hết em nói chuyện với mấy người làm việc trong mấy dịch vụ bạo hành gia đình. Em nói chuyện với mấy người luật sư, mấy người làm việc social work, mấy người bác sĩ, mấy người làm việc trong migration, từ đó người ta giới thiệu cho em với mấy người mà người ta giúp đỡ trong mấy năm trước, từ đó em mới phỏng vấn mấy cô phụ nữ Việt Nam, mà mấy cô đó bây giờ trong một tình trạng tốt hơn thì người ta có thể nhìn lại kể chuyện của họ về đời sống của họ ra sao lúc người ta mới được bảo lãnh qua bên Úc, người ta ở với người mà bạo hành gia đình, với cách nào người ta có thể kiếm được mấy cái dịch vụ để giúp người ta bây giờ có một đời sống tốt hơn, không có bị bạo hành gia đình.

Hưng Việt: Như tôi đã có đề cập không phải ai mà được tiếp xúc cũng muốn nói tới cái chuyện họ bị bạo hành thì khi cô được giới thiệu như vậy đó, cô đi hỏi đó thì cái tỷ lệ phần trăm số người đồng ý nói chuyện với số người mà từ chối không muốn nói chuyện là khoảng bao nhiêu phần trăm?

Emily Duyên Đặng: Thật ra một trăm phần trăm mấy cô mà em nói chuyện là vui lòng để kể chuyện.

Hưng Việt: Tại sao vậy? Tại vì họ bây giờ đã ổn định rồi hả?

Emily Duyên Đặng: Dạ, cái đó là một phần, nhưng mà một phần khác nữa là có nhiều người phụ nữ, kể là người ta chưa bao giờ nói chuyện với gia đình, với bạn bè về cái chuyện này nhưng người ta muốn giúp mấy người phụ nữ khác mà ở trong tình trạng giống như họ trong mấy năm trước, thì người ta hiểu biết là cái nghiên cứu này có thể giúp được họ, giúp được mấy người phụ nữ khác ở trong cộng đồng.

Lúc mà em làm cái nghiên cứu này em nói là 100% em giữ cái bảo mật của họ, rồi không có viết tên, không có viết mấy cái gì mà có thể cho người khác trong cộng đồng biết là họ, em chỉ ghi lại chuyện của họ nhưng mà trong một cách bảo mật.

Hưng Việt: Trong bài nói chuyện cô nói cô đã tiếp xúc với 15 phụ nữ cho cái cuộc nghiên cứu của cô trên toàn nước Úc, là ở những tiểu bang nào?

Emily Duyên Đặng: Dạ 15 phụ nữ này là ở nhiều tiểu bang ở Úc, ở Melbourne, Sydney, Perth và ở Brisbane ở Inala. Mà nhiều khi có thể mấy cô phụ nữ mới qua bên Úc, nhưng sau khi đó, lúc người ta trốn người chồng, người ta sẽ đi một cái tiểu bang khác.

Hưng Việt: Thưa cô, những cái nạn nhân mà cô nói chuyện đó thì theo họ cho biết, họ bị bạo hành về những phương diện gì? Về physical, về financial, or something else?

Emily Duyên Đặng: Dạ, có một cái là cộng đồng có nhiều lúc không hiểu là bạo hành gia đình không phải chỉ là đánh đập, bạo hành gia đình cũng có thể là ăn hiếp về mấy cái mặt khác, về tiền bạc, người chồng có thể không cho người vợ biết cái bank account details, hay người chồng có thể ép người vợ phải đi làm xong rồi đưa hết tiền cho người chồng. Nó cũng có thể bao gồm mấy cái khác giống như chửi. Có nhiều cô kể là người chồng lúc nào cũng chửi họ, nói người ta xấu, nói người ta mập, nói người ta già, nói người ta ngu, người ta không biết làm gì hết cứ lúc nào cũng chửi tới cái lúc mà...

Hưng Việt: Verbal abuse

Emily Duyên Đặng: Verbal abuse, đúng rồi mấy cô này giống điên lên tại vì người ta lúc nào cũng nghe mấy cái lời mà chửi người ta. Có một cái đặc biệt về mấy cô di dân là cái loại immigration abuse là abuse về cái visa của họ.

Thường thường mấy người chồng sẽ đe dọa là nếu mà người vợ không có nghe lời họ, không có chịu làm cái gì ở trong nhà thì người ta sẽ đuổi họ về Việt Nam, mà cái đó là một cái người ta không có thể làm được, cái đó chỉ có một mình cái Immigration Department có thể cancel cái visa.

Nạn nhân thiệt sợ hãi, người ta lo, nếu mà người ta không có nghe lời chồng người ta sẽ bị đuổi về Việt Nam. Nếu người ta có con nít mà ở bên Úc người ta không có muốn làm cái gì có thể chia họ với con nít của họ, nếu mà họ phải về Việt Nam thì lúc đó người ta không biết phải làm gì.
04 – Câu chuyện của cô Linh Mai.jpg
Hưng Việt: Thưa cô, theo cô nhận xét đó thì các cấp chính quyền, authorities họ có làm đủ để mà bảo vệ cho cái quyền lợi của những nạn nhân hay không? Chúng tôi biết là họ có thể cung cấp những cái order để mà bảo vệ người nạn nhân nhưng mà cô nhận xét như vậy có đủ hay chưa? Và có thể làm gì thêm được không?

Emily Duyên Đặng: Dạ, thiệt ra cái này là một cái vấn đề hết nước Úc trong mọi cộng đồng phải có thêm tiền hơn, phải có thêm hiểu biết hơn, phải có thêm dịch vụ hơn, không phải chỉ ở trong cộng đồng Việt Nam. Nhưng vấn đề là có nhiều lúc nếu mà có mấy cái dịch vụ mà giúp cộng đồng ở bên Úc, người ta không có đủ tiền bạc để vô mấy cái dịch vụ mà đúng trong cộng đồng Việt Nam.

Có thể có nhiều mấy cái dịch vụ người ta giúp về, có chỗ ở hay là có chỗ để đi nói chuyện với mấy người luật sư. Nhưng nếu mà mấy chỗ đó không có người làm việc, không có người nhân viên mà người Việt, cộng đồng mình cũng đâu có biết để tới mấy chỗ đó đâu. Mà có nhiều lúc nếu mấy cô tới mấy cái chỗ shelters, mấy cái chỗ ở emergency accommodation, nhưng mà ở đó không có người Việt, không có đồ ăn Việt, không có một người để cắt nghĩa bây giờ sẽ làm gì ở trong tiếng Việt. Nó thiệt khó khăn cho mấy người phụ nữ Việt Nam để đi mấy chỗ đó tại vì người ta sợ hãi, người ta không thấy có người quen có thể giúp họ.

Hưng Việt: Chúng ta đang đề cập cái vấn đề bạo hành ở đây đó thì thường nghĩ đến là đàn ông bạo hành phụ nữ. Cô có gặp cái trường hợp nào ngược lại hay không? Là một người đàn ông bị bạo hành hay không?

Emily Duyên Đặng: Thiệt ra, trong lúc mình nói chuyện về bạo hành gia đình là gần như 99% là người đàn ông bạo hành với phụ nữ. Và mình coi số mấy người phụ nữ mà bị giết, cái đó là gần như lúc nào cũng mấy người đàn ông xài cái bạo lực giết phụ nữ.

Có mấy trường hợp mấy người đàn ông bị bạo hành gia đình. Thường thường cái đó cũng là về cái visa abuse. Nếu mà có một cái visa phối ngẫu có một cái mất cân bằng. Người mà bên Úc người ta bảo lãnh một cái người từ Việt Nam, cái người từ Việt Nam người ta giống như người ta mang ơn cái người ở bên Úc người ta thấy là người ta phải nghe lời cái người đó không thôi người ta có thể bị đuổi lại Việt Nam. Trong cái trường hợp đó trường thường là phụ nữ là cái người được bảo lãnh nhưng mà trong có hai, ba trường hợp thì cũng là có mấy người chồng được bảo lãnh qua bên đây thì trong mấy cái trường hợp đó có thể người đàn ông có thể bị bạo hành.

Hưng Việt: Trở lại vấn đề là người phụ nữ thường là bị người đàn ông bạo hành nhưng mà văn hóa Việt Nam đó, là trọng nam khinh nữ. Người đàn ông thường được coi là chủ gia đình, thành ra họ thường họ chứng tỏ cái quyền lực của họ là muốn kiểm soát những cái chuyện ở trong gia đình, thì cô nghĩ cái điều đó có ảnh hưởng đến cái tâm lý của người phụ nữ, là muốn báo cáo nhưng mà khi bị bạo hành thì họ xem đó như chuyện là phải xảy ra. Cái chuyện đó nó trở thành thường lệ rồi, cô có nghĩ đó là một yếu tố không?

Emily Duyên Đặng: Dạ, cũng có một phần đúng. Văn hóa Việt Nam mình có ảnh hưởng của Confucian - Khổng giáo, nhưng mà thiệt ra nếu mà mình coi hết mấy cái văn hóa ở trong nước Úc, không có một sắc tộc nào, một cái dân tộc nào mà có bạo hành gia đình nhiều hơn cái khác.

Thành ra trong mọi cái văn hóa lúc nào cũng sẽ có bạo hành gia đình. Với một cái khác nữa là em phỏng vấn mấy cô ở Việt Nam người ta nói người ta thấy khó kiếm người chồng ở Việt Nam tại vì trình độ của họ có thể cao hơn mấy người đàn ông ở Việt Nam tuổi của họ, hay là người ta nói là người ta thấy chắc là mấy ông ở Việt Nam không có thích cưới họ tại vì họ có một cái đời sống độc lập, người ta có thể có việc làm, có nhà cửa, người ta mong là nếu mà người ta cưới một người đàn ông ở bên nước Úc, có thể hôn nhân của họ sẽ cởi mở hơn, người ta có thể có một cái relationship mà nó progressive, tiến bộ hơn.

Người ta kiếm cái đó lúc mà người ta qua bên nước Úc, tại người ta nghĩ là bên Úc sẽ có cơ hội để kiếm một người thích hợp hơn mà có cân bằng giữa vợ chồng hơn, nhưng mà thật ra, lúc mà mấy người bên Úc người ta kiếm người vợ bên Việt Nam người ta thì kiếm cái khác cái đó, người ta kiếm mấy người vợ có thể thiệt truyền thống, người ta kiếm mấy người vợ, người ta nghĩ là người Á Châu, phụ nữ phải...

Hưng Việt: Phục vụ cho chồng

Emily Duyên Đặng: Đúng rồi, phải nấu ăn cho chồng, phải làm dâu, phải dọn dẹp, không có được nói lại, không có được cằn nhằn với chồng, thành ra có hai cái suy nghĩ khác nhau, chính giữa vợ chồng lúc mà người chồng ở bên Úc, người ta kiếm người vợ ở bên Việt Nam.

Hưng Việt: Như vậy có một sự khác biệt về văn hóa mà cần có nhiều conversation hơn, có cuộc đối thoại hơn. Thí dụ như seminar, thí dụ như workshop v.v. Đúng không?

Emily Duyên Đặng: Dạ đúng rồi. Mình phải nói chuyện về mấy cái vấn đề này để cho cộng đồng mình hiểu cái nguyên nhân của bạo hành gia đình là từ cái sự mất cân bằng giữa giới tính.

Hưng Việt: Như vậy muốn có sự cân bằng đó thì câu hỏi cuối cùng là cô có những lời muốn gửi đến những người nam giới Việt Nam đó ra sao về cái chuyện bạo hành trong gia đình.

Emily Duyên Đặng: Mình phải nhớ là lúc mà mình trong một cái hôn nhân với một người khác, cái người đó phải được sống trong một cách người ta không có sợ hãi. Mình phải đối xử với người ta trong một cách mà mình kính trọng người ta, mình phải cố gắng, lúc có cái gì mình không có vừa ý hay là mình không có vui, mình vẫn phải nói chuyện với đối xử với người ta trong một cách mà nó tôn trọng nhân quyền của họ.

Hưng Việt: Thay mặt cho thính giả của đài SBS chúng tôi thành thật cảm ơn cô Emily Duyên Đặng rất là nhiều dành thời gian cho cuộc nói chuyện và chúc cô thành công tốt đẹp trong cuộc nghiên cứu của cô với luận án Tiến sĩ. Cảm ơn cô.

Emily Duyên Đặng: Dạ cảm ơn chú, cảm ơn mọi người
03 – Cô Linh Mai và hai con trai.jpg
Cô Linh Mai và hai con trai
Và tiếp theo là tâm sự của cô Linh Mai…

Hưng Việt: Trước hết xin chào cô Linh Mai ạ

Linh Mai: Dạ xin chào anh Hưng Việt và thính giả của đài SBS ạ.

Hưng Việt: Thưa cô có một câu chuyện ở trong cái cuộc triển lãm này nói lên cái sự khó khăn ở trong cái hôn nhân của cô. Cô có thể cho biết là cô có tự cho cô là một nạn nhân của bạo hành trong gia đình không?

Linh Mai: Dạ đúng, em cho em là một nạn nhân bạo hành gia đình.

Hưng Việt: Cái vấn đề bạo hành nó xảy ra như thế nào?

Linh Mai: Dạ cách đây thì bốn năm, lúc đó thằng con lớn của em được hai tuổi, em đang mang bầu thì được bảy tháng rưỡi. Lúc đó chồng em đi chơi, thì con bệnh, em điện về tiếp em để lo cho con mà không về, mà lúc về rồi thì kiếm chuyện, rồi xong hai người có cãi qua lại thì ổng quýnh em á và em thấy như em bị xúc phạm quá, em mới nhờ bên hội với bên cảnh sát giúp em giải quyết vụ này cho em. dạ

Hưng Việt: Khi lúc đó là cô nói cô đang mang bầu đứa thứ hai hả cô?

Linh Mai: dạ đúng rồi, mang bầu đứa thứ hai được bảy tháng rưởi

Hưng Việt: Như vậy nó có ảnh hưởng tới cái bào thai không?

Linh Mai: dạ không có ảnh hưởng tới bào thai. Ổng chỉ quýnh trên đầu em với lại bóp cổ em một cái.

Hưng Việt: Thì cảnh sát tới, sau đó những cái chuyện gì tiếp tục xảy ra

Linh Mai: Cảnh sát tới em với lại lấy lời khai của ổng. Cấm ổng hai năm không được lợi gần em. Lúc em sanh em bé thì ổng cũng không được vô bệnh viện thăm em, người ta nói ổng rất là nguy hiểm.

Hưng Việt: Thưa cô, cô với người phối ngẩu đó cưới nhau ở Việt Nam hay ở bên đây?

Linh Mai: Dạ không, trước đây đã có một người chồng rồi, sau đây thì không có hợp nữa thì chia tay, rồi em mới gặp người thứ hai này là ba của hai đứa con em bây giờ.

Hưng Việt: Rồi như vậy đó thì từ khi mà có cái lệnh mà cấm không được liên lạc đó thì có trường hợp nào mà cái người đó không có theo cái lệnh đó không? Tức là liên lạc lại với cô.

Linh Mai: Dạ không, khi có án lệnh hai năm thì ổng cũng chấp hành theo đó, ổng thỉnh thoảng cũng có tới thăm con nhưng mà không có quậy, đàng hoàng. Dạ

Hưng Việt: Cái vấn đề mà thăm con đó thì hình như tòa án cũng sẽ phán xét là ai được giữ con và cái người kia được quyền thăm con bao lâu một lần phải không cô?

Linh Mai: Cái này không có, em rất là dễ tại vì em nói muốn tới thăm thì thăm còn không thăm em giữ ên cũng được cũng không sao.

Hưng Việt: Nhưng mà ổng giao cho cô nuôi hai đứa nhỏ?

Linh Mai: Dạ đúng rồi, bây giờ là ổng giao hết cho em giữ, mình ên hai đứa nhỏ luôn. Ổng không có tới lui nữa.

Hưng Việt: Như vậy thì cái người chồng của cũ của cô đó có phải cung cấp cái tiền bảo dưỡng cho hai đứa nhỏ không?

Linh Mai: Dạ không, không cung cấp gì hết trơn chỉ có bên Child support lấy một fortnight không có nhiêu hết trơn. Ổng không có chu cấp gì cho em hết, thật sự.

Hưng Việt: Bởi vì theo chỗ tôi hiểu là...cái người chồng mà chia tay rồi đó thì đi làm thì sẽ có cái lợi tức thì phải cung cấp cái tiền bảo dưỡng cho hai đứa nhỏ chứ hả?

Linh Mai: Dạ không có cung cấp gì hết.

Hưng Việt: Có ra tòa chưa?

Linh Mai: À không có ra tòa, chỉ hai người tự giải quyết với nhau thôi. Dạ giống như một năm sinh nhật con thì ổng có tới ổng cho tiền thì có Dạ còn những mấy ngày thường thì không bao giờ có. Tới thăm con cũng không có luôn. Dạ

Hưng Việt: Như vậy cái đời sống kinh tế của cô có chật vật lắm không? Cô có đi làm không?

Linh Mai: Dạ, không có đi làm, ở nhà giữ hai đứa nhỏ Nói chung là cũng nhờ Centrelink với chính phủ giúp ba mẹ con. Dạ cũng xài tiết kiệm gói ghém là đủ Dạ. Nếu mà xài nói với ấy thì không dám xài nhiều Dạ

Hưng Việt: Vấn đề nhà cửa ở thì sao?

Linh Mai: Cũng mướn nhà ở như vậy đó, dạ, một tuần 300 đồng nhưng mà tháng 7 này sẽ lên dạ.

Hưng Việt: Vậy cũng khó khăn chứ ha.

Linh Mai: Dạ đúng rồi, khó khăn nhưng mà nói chung là mình xài tại vì mình không có làm ra đồng tiền mình phải tiết kiệm này nọ vậy đó để lo cho con nữa.

Hưng Việt: Dạ cảm ơn cô Linh rất là nhiều đã dành cho chúng tôi cái cuộc nói chuyện chớp nhoáng này nhé. Xin chúc cô với hai cháu được nhiều bình an, mạnh khỏe.

Linh Mai: Dạ, ok. Cảm ơn anh Hưng Việt và cảm ơn thính giả SBS đã nghe phỏng vấn của em ạ. Em xin cảm ơn ạ

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
02 – Cô Emily Duyên Đặng trình bày về cuộc nghiên cứu.jpg
Cô Emily Duyên Đặng trình bày về cuộc nghiên cứu
 

 


Share