Chuyện Queensland: Thu Hường ngâm thơ

02.jpg

Thu Hường

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngâm thơ là cả một nghệ thuật, đòi hỏi ở người nghệ sĩ chẳng những một chất giọng truyền cảm mà còn phải có một kỹ thuật luyến láy điêu luyện để thổi hồn vào những bài thơ.


Brisbane may mắn có một nghệ sĩ với biệt tài đó. Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm giữa cô Thu Hường cùng chúng tôi về những nét đặc thù của ngành nghệ thuật cá biệt này.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào chị Thu Hường ạ.

Thu Hường: Dạ em kính chào anh Hưng Việt và chào Mỹ Dung, cùng tất cả quý vị thính giả đang nghe đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ em chào chị Thu Hường. Trước tiên chị có thể cho biết là khi nào chị phát hiện ra chị có cái năng khiếu ngâm thơ mà sao chị ngâm thơ hay quá vậy.

Thu Hường: Trước tiên thì cho Thu Hường cảm ơn lời khen của Mỹ Dung. Nói chung là hồi nhỏ thích hát vọng cổ. Rồi đi học, vô trong trường có một cô đó, cổ ngâm hai câu thơ Chinh phụ ngâm, thì khi mà mình nghe cổ ngâm xong mình về tự nhiên câu thơ cứ lởn vởn ở trong đầu mình, cái mình nghĩ đâu để mình thử mình ngâm lên thử coi, mình ngâm cũng nghe được được ...

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh

Sau này khi mà Hường phát hiện ra mình ngâm thơ thì Hường nghĩ đó là cái thiên phú của trời cho. Cứ mỗi lần Hường cầm bất cứ bài thơ nào lên thì những âm điệu đã có sẵn trong đầu mình rồi để mình luyến láy theo sự cảm nhận bài thơ đó. Hường lại thích diễn đạt thơ tự do hơn là những bài thơ về lục bát hay là song thất lục bát này kia. Bởi vì thơ tự do cho mình cảm nhận về bài thơ nhiều hơn.

Hưng Việt: Thưa chị, chị là người miền Nam, nhưng mà hồi nãy chị mới ngâm bốn câu đó thì thấy hoàn toàn là chị ngâm theo giọng Bắc. Thưa có khó khăn lắm không khi mà chuyển qua như vậy và chị có cố tình ngâm giọng Bắc tại ngâm thơ giọng Bắc nó hay hơn hay sao?

Thu Hường: Dạ, đúng rồi anh. Thường thường ngâm thơ thì người ta hay ngâm giọng Bắc, giọng Huế đó anh. Miền Nam mình thì ngày xưa thì cũng hò. Nếu mình chuyển qua mình ngâm thơ bằng cái giọng miền Nam thì em nghĩ cũng ngâm được. Nếu mà người chính gốc người Bắc hoặc người Huế thì người ta sẽ nhận ra được.

Hưng Việt: Chị thích ngâm thơ tình, thơ quê hương, thơ chiến tranh hay là thể loại thơ nào?

Thu Hường: Thu Hường thích những cái loại thơ tình cảm, nhưng mà khi mà Thu Hường qua bên Úc Châu này đó, Thu Hường lại bước vô lĩnh vực thơ đấu tranh. Mặc dù khi mình ngâm thơ tình thì cái lời lẽ rất là nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng mà khi qua cái thơ đấu tranh nó cần phải có cái lửa trong đó, thì... như anh Việt cũng đã từng nghe Hường ngâm thơ đấu tranh rồi, anh cho biết ý kiến của anh đi?

Hưng Việt: Hôm nay mình bị phỏng vấn ngược lại ha. Thì thưa chị lần đầu tiên mà tôi được nghe chị ngâm cách đây lâu lắm rồi, thì tôi có cái cảm nhận ngay được đây là một giọng ngâm hết sức đặc biệt. Hôm đó là chị ngâm một bài thơ về quê hương. Thì tui có cái cảm xúc đây là một người có tình cảm mặc dầu đã sang tới Úc rồi vẫn còn nhớ về quê hương, nhớ về mảnh đất bên kia Thái Bình Dương. Rồi sau này đi dự những sinh hoạt trong cộng đồng thì được nghe chị ngâm những bài thơ đấu tranh. Nói thật là tôi rất là cảm phục. Tôi nhìn chung quanh hội trường thì tôi thấy là họ chăm chú theo dõi.

Thu Hường: Cảm ơn anh. Khi mà mình diễn, mình nhìn tới khán giả họ nghe đó, nó tăng thêm cái sự truyền cảm cho cái lời thơ của mình nữa. Cầm cái bài thơ đấu tranh thường ít khi nào mà Hường tập dượt ở nhà lắm. Khi ngâm lên tự nhiên từ lời từ lời cái nguồn thơ nó lại ra. Cái Hường cảm động nhất hôm Tết vừa rồi, Hường ngâm bài thơ của anh Võ Đại Tôn, lúc mà Hường xuống, thì có những người bạn trẻ thanh niên bảo là “Trời ơi, tui nghe chị ngâm mà tui khóc luôn á” làm cho Thu Hường cảm thấy cũng có một cái niềm vui ở trong lòng là mình đã diễn đạt được cái bài thơ đó, đi đúng với lại cái ý muốn của tác giả.

Hồi đó mà mỗi lần mà có những cái buổi mà đi trình diễn thơ đó thì thường thường mình cũng phải có chuẩn bị đọc bài thơ lên, coi chỗ nào để mình cần cái luyến láy như thế nào, rồi trước cái giờ mà lên sân khấu không có dám ăn no anh biết không. Ăn no nó kg có hơi (cười) Nhưng mà thời gian, tuổi tác, tác động lên cái dây thanh quản của mình rất là nhiều. Hồi trẻ ngân nga, mình luyến láy theo cái ý mình rất là nhiều nhưng bây giờ thật sự ra là muốn luyến nhiều cũng không luyến nỗi nữa anh.

Khi mà Hường mới có 20 tuổi Hường đã tham gia cuộc thi ngâm thơ ở Việt Nam. Sau khi Hường đoạt giải thì họ có mời mình đi ngâm. Có một lần chương trình ngâm thơ đưa Hường một cái bài thơ là nói về thi sĩ Anh Thơ đó anh, nổi tiếng trước năm 45 lận. Lúc đó là mình còn ở dưới chế độ sau này mà, cho nên họ đưa những bài thơ đó thì mình phải ngâm.

Thì trong bốn câu thơ Thu Hường mới lấy hai câu thơ đầu ra Thu Hường làm thành một cái câu ru hời. Cái này là do mình chế tác ra. Thì nó cũng làm cho bài thơ đó trở nên truyền cảm hơn. Đại khái là Hường ngâm như thế này:

À.. ời ... À .. ơi .. Ngoan ngoan con ngủ cho ngoan
Mẹ đi giữ lúa đồng xa chưa về
À .. ời … À .. ơi … Miệng thơ khác sữa trong khuya
Vẳng đêm mưa bão mẹ nghe con hờn

Thì khi mà Hường ngâm cái bài thơ đó Hường xuống thì mấy cái anh trong chương trình thì họ cũng rất là thích cái lúc mà Hường làm cái điều đó.

Hưng Việt: Thưa chị, chị có đề cập tới là chuyện là chị dự thi rồi trúng giải thì chị thắng cái giải thưởng đó là giải gì thì chị có thể cho biết được không ạ?

Thu Hường: Dạ, năm 86 thì hội thơ ở nhà văn hóa Phú Nhuận thì họ tổ chức cuộc thi ngâm thơ toàn quốc. Thu Hường không có ý định đi ngâm đâu mà tại vì Hường có một người bạn gái, hay ngâm cho cổ nghe lắm. Thì cổ mới nói rằng là để thử sức coi mình ngâm như thế nào. Cổ đi đăng ký cho mình đi ngâm thơ mà cũng chẳng nói cho mình nghe nữa. Thì Hường chọn ngay một bài thơ tự do của Thanh Nguyên nói về mẹ, khi mà Hường đọc cái bài thơ lên Hường thích quá thì mới dự thi cái bài đó.

Khi con biết đòi ănMẹ là người mớm cho con từng muỗng cháoKhi con biết đòi ngủ bằng tiết tấuMẹ là người thức hát ru conBầu trời trong mắt con ngày một xanh hơnLà khi tóc mẹ nhiều thêm sợi bạcMẹ đã thành hiển hiện như Trời – ĐấtNhư mặt trời không thể thiếu trong con

Bài thơ đó Hường là người phát hiện đầu tiên. Bây giờ là bài thơ đó đã được phổ ra làm nhạc nè, vọng cổ nè.

Hưng Việt: Thưa chị Thu Hường nhân dịp Xuân Quý Mão cũng sắp về tới thì chị có thể ngâm tặng cho thính giả một bài thơ được không ạ?

Thu Hường: Vừa rồi đây thì bác Trần Văn Tứ có ghé Thu Hường và gửi cho Hường một bài thơ. Sẵn đây Hường cũng nói riêng một chút xíu về Bác Tứ. Bác là một người lão niên, nhưng có tinh thần văn nghệ rất là cao. Đến tuổi 90 mấy rồi mà bác vẫn còn làm thơ cho nên là Thu Hường rất là quý cái tài năng của bác và cũng nhân đây thì Hường cũng sẽ ngâm một cái bài thơ của Bác. Đó là bài Bến Vắng

Ta chới với giữa mùa Xuân lỡ vận
Mấy ngọt ngào em cánh én chao nghiêng
Đêm thăm thẳm bầu trời in bóng nguyệt
Say men tình lạc lối nẽo lợi danh
Mái tóc xanh không xanh mãi với thời gian
Màu trắng tóc không xóa nhòa dĩ vãng
Đêm khuyết nguyệt gợi nỗi sầu vong quốc
Mấy cung trầm đàn khẩy khúc ly tan
Say bước chân trong tà quy nắng hạ
Vòng nguyệt quế thân tặng bạn tri âm
Giữa khung trời vang lên nghìn tiếng nhạc
Bản tương tư hòa điệu khúc tương phùng
Gió có về bến cũ, dòng nước đã ngược xuôi
Con đò xưa vắng dạng bến vắng chỉ mình tôi...

Hưng Việt: Bài thơ hay mà lại qua cái phần diễn xuất của chị Thu Hường nữa nghe nó thấm lắm chị.

Thu Hường: Dạ hôm nay cái giọng của Thu Hường cũng không được khỏe lắm.

Hưng Việt: May là như vậy mà còn như vậy đó há. Thưa cuối cùng thì chị còn có điều chi muốn chia sẻ thêm với thính giả về thi phú, về ngâm thơ, về nghệ thuật tổng quát nói chung hay không?

Thu Hường: Thực ra thì Thu Hường rất thích có những buổi biểu diễn trong một cái không khí rất là êm vắng, rồi có một số khán giả thích thưởng thức về thơ để mình có thể thỏa sức mà bày tỏ niềm đam mê của mình.

Mỹ Dung: Chị, hồi nãy chị có nói là chị hát vọng cổ nữa đó...

Thu Hường: (Cười...)

Hưng Việt: Đúng rồi chị làm một câu vọng cổ nữa đi...

Mỹ Dung: Được hông chị?

Thu Hường: Bây giờ Hường hát một câu trong cái bài vọng cổ Lan Và Điệp nghen.

(Hát vọng cổ)

Hoa bay theo gió cuốn rụng đầy sân rêu. Nhìn hoa tàn rụng rơi, Lan bâng khuâng tê tái tâm hồn, bởi bao cay đắng dập dồn. Tình đầu vừa tan theo khói sương, Lan khóc than trong tháng năm sầu thương. Mùi thiền đành quen câu muối dưa. Mong lãng quên khổ đau ngày xưa...

Điệp ơi! tiếng mõ chuông đã chấm dứt cuộc tình duyên đầy trái ngang đau khổ, Lan phải lịm đời hoa trong nếp áo nâu... sòng.

Lan vẫn từng đêm suối lệ tuôn dòng. Điệp ơi lỡ rồi duyên hương lửa. Lan có tiếc gì một quãng ngày xanh. Thân bọt bèo vạn kiếp mỏng manh, yêu làm chi rồi khổ lụy riêng mình. Mái tóc thề để lại bạn tình chung. Gởi kiếp hoa tàn trong chuông khuya mõ sớm...

Hưng Việt: Wow, cám ơn chị Thu Hường rất nhiều chứng tỏ rằng cái tài năng của chị rất là đa dạng, thì bây giờ còn giọng Huế nữa chị có thể cho thính giả chúng tôi được thưởng thức hay không ạ?

Thu Hường: Dạ được

Đêm Hương Giang mang điệu lý về mô
Dìu dặt nỉ non ơi giọng hò xứ Huế
Cứ vây chặt lấy em bằng hơi rung nhè nhẹ
Như tình yêu xa thoắt níu lại gần

Hưng Việt: Chúng tôi rất lấy làm hân hạnh có cuộc mạn đàm này và được thưởng thức những cái bài thơ cũng như bài Vọng Cổ. Xin thay mặt cô Mỹ Dung và thính giả cảm ơn chị Thu Hường rất là nhiều. Kính chúc chị nhiều sức khỏe và luôn luôn giữ được và phát huy tinh thần nghệ sĩ của chị.

Thu Hường: Thu Hường cũng xin cảm ơn lời khen của anh Hưng Việt. Thu Hường cũng tiếp lời anh và chúc cho tất cả quý vị thính giả luôn luôn lúc nào cũng vui khỏe có được những cái niềm vui trong cuộc sống.

Mỹ Dung: Dạ em cảm ơn chị Thu Hường.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 


Share