Chuyện Queensland: Cô Hồng Võ và nghề làm bánh

01 - Cô Hồng Võ.jpg

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Kính mời quý thính giả làm quen với cô Hồng Võ, chủ nhân tmột tiệm bánh ở Inala, và anh Tuấn Trần, nhân viên lâu năm của tiệm.


Các bữa tiệc sinh nhựt, đám cưới cũng như các buổi liên hoan là một dịp đặc biệt không thể thiếu phần cắt bánh kỷ niệm.

Làm một cái bánh vừa ngon lại vừa đẹp là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự đam mê, kiên nhẫn, khiếu thẩm mỹ và sáng tạo khéo léo.

Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện của chúng tôi với cô Hồng Võ, chủ nhân tiệm bánh ở Inala, và anh Tuấn Trần, nhân viên lâu năm của tiệm.

Trước hết là cô Hồng Võ.

Hưng Việt: Dạ, xin chào cô Hồng Võ.

Hồng Võ: Dạ, xin chào bác Việt và cô Mỹ Dung và thính giả đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ, xin chào chị Hồng Võ.

Hưng Việt: Trước hết xin cô cho biết là cô mở tiệm làm bánh được bao lâu rồi?

Hồng Võ: Dạ, em mở tiệm được 10 năm nhưng mà mới dọn về địa điểm mới khoảng ba tuần.

Hưng Việt: Như vậy đó thì cô đã theo học cái nghệ thuật làm bánh này ở đây hay là cô tự học lấy?

Hồng Võ: Dạ vâng, hồi đó sang cái tiệm này rồi người chủ đó họ truyền nghề lại cho mình, rồi mình làm từ đó đến giờ luôn.

Mỹ Dung: Dạ, làm bánh này mình cần phải có cái khiếu hay là mình có thể học hỏi là mình làm được chị?

Hồng Võ: Cũng cần sự đam mê và cái tỉ mỉ nữa để hợp với khách hàng.

Hưng Việt: Như vậy đó thì ngoài cái chuyện mà khéo tay, đam mê ra đó thì cô thấy là còn cần những cái kỹ năng nào khác, cần những cái tài nghệ nào khác nữa không?

Hồng Võ: Tại vì cái nghề của mình mình cần phải theo đuổi nên phải làm cho hết cái khả năng của mình thôi. Thật ra mình cũng không có cái gì ngoài sự đam mê hết trơn, mà khi mà mình đã làm rồi thì mình muốn làm cho nó thiệt là tốt, vậy thôi.

Hưng Việt: Nhưng mà ý tôi muốn hỏi là cô phải biết cái nghệ thuật trộn bột làm sao, nướng bao lâu, kem nó nhiều hay ít v.v… Những cái kỹ thuật, những cái chi tiết đó, thì chắc cô cũng phải có hoặc là cô phải học từ đâu chứ hả?

Hồng Võ: Đúng rồi, thì lúc mình sang cái tiệm á, thì người ta sẽ truyền nghề cho mình, dạ, và những cái kỹ thuật đó nó cũng cần sự kiên nhẫn nữa, tại vì khi mà mình nướng bánh ra nó bị hư hoài, và nhiều lúc phải ở lại đến tám chín giờ hay đến khuya để làm cho chừng nào cái sản phẩm nó thành công mới thôi.

Hưng Việt: Thì như vậy đó một cái bánh mà sinh nhật chẳng hạn, birthday cake đó, thì thông thường mất khoảng bao lâu rồi cô làm xong từ đầu cho tới cuối?

Hồng Võ: Dạ, thông thường thì nếu mà bánh dễ thì khoảng 15 đến 20 phút, còn nếu mà cái bánh khó đó, chẳng hạn như là phải vẽ con này con kia thì khoảng một tiếng đến hai tiếng cũng có thể.
06 - Bánh sinh nhựt.jpg
Bánh sinh nhựt
Mỹ Dung: Em thấy bánh ở đây rất là nhiều kiểu, cái đó là chị coi theo mẫu hay là chị tự sáng tạo ra?

Hồng Võ: Có lúc thì khách đưa mẫu cho mình làm, mình nói là mình sẽ làm similar. Còn có nhiều cái mình cũng học trên mạng nữa dạ, với lại để theo mode, theo model của nó đó, dạ. Mấy đứa trẻ thì nó có nhiều ý kiến hay cho nên mình phải cần học hỏi.

Hưng Việt: Cô thấy bây giờ nó có cái khuynh hướng là người ta thường yêu cầu những loại bánh như lá dứa hay là sầu riêng mà có mùi trái cây này kia đó. Thì những cái kỹ thuật mà thêm những cái mùi vị đó, cô làm bằng cách nào?

Hồng Võ: Dạ cái đó thì mình cũng được sư phụ truyền nghề nữa, rồi mình cũng học trên mạng thêm, rồi mình cũng sáng tạo thêm nữa. Nhiều lúc mình cũng phải ăn cái sản phẩm của mình coi nó có ngon như thế nào, ngọt hay lạt hay gì đó, rồi mình thêm và bớt.

Mỹ Dung: Dạ, ngày nay thì người ta có cái khuynh hướng là ăn giảm đường, thì chị thấy là như vậy có trở ngại khi làm ổ bánh hay không?

Hồng Võ: Dạ cũng có lúc, nhưng mà không có trở ngại mấy đâu. Mình có thể thêm và bớt được.

Trường hợp nếu khách yêu cầu bớt kem thì mình sẽ giảm lượng kem và lượng đường lại cho nó bớt ngọt nữa.

Hưng Việt: Bây giờ thì tiệm của cô luôn luôn đông khách để đặt bánh, bánh đủ loại hết bánh sinh nhật, bánh anniversary, bánh cưới v.v… Cô có nhận làm bánh cưới đúng không?

Hồng Võ: Dạ có bác.

Hưng Việt: Một cái bánh cưới mà lớn nhất từ 10 năm nay cô đã làm đó là bao lớn?

Hồng Võ: Có một lần làm bánh năm tầng mà bánh khoảng 300 người ăn đó dạ, mà làm cái đó cũng nhiều lắm chứ không phải là ít. Hồi đó có một lần làm cái bánh mà nó có ba tầng, xong rồi thêm mười mấy cái nhỏ nhỏ nhỏ nhỏ xung quanh nữa. Tính ra cũng hai mươi bảy cái. Dạ, mà cái đó em tính ra là hai ngàn mấy đô đó. Mà làm một ngày một đêm. Ba người thợ luôn.

Hưng Việt: Một cái bánh lớn, và hai mươi bảy cái bánh nhỏ chung quanh?

Hồng Võ: Một cái bánh bự, bự thật là bự xong rồi cái bánh ba tầng bự nữa, rồi xong rồi bao nhiêu cái bánh nhỏ nữa. Em nhớ không lầm là cộng lại là 27 cái bánh tất cả đó. Em làm xong rồi không có chỗ để luôn.

Mỹ Dung: Đúng rồi ha, phải bỏ nó trong tủ lạnh mà.

Hồng Võ: Dạ em không có chỗ để luôn, bánh em dàn tùm lum hết luôn. Tại vì họ là người Island cho nên khi mà làm tiệc cưới xong rồi những cái bánh nhỏ đó họ biếu cho những người thân hay là những người mà có chức vụ trong cộng đồng của họ đó dạ, thành ra những cái bánh đó có tên của người đó hết. Nó amazing lắm, dạ.

Em làm cho nhà thờ rất là nhiều. Ở đây là chuyên về bánh lớn.

Mỹ Dung: Vậy hả? Lớn nhất là cỡ bao nhiêu chị?

Hồng Võ: Người ta gọi là full slab. Dạ làm cho nhà thờ Tin lành rất là nhiều ạ. Công giáo cũng có, nhưng mà Tin lành thì nhiều hơn ạ. Thường thường là một năm làm mấy lần như vậy đó rồi mình deliver tới nhà thờ luôn. Dạ làm gần 10 năm rồi. Mình làm cho mấy cái hội đoàn cũng nhiều nữa.

Hưng Việt: Bây giờ ngoài cái chuyện làm bánh tiệc, bánh cưới này kia đó, thì tiệm của cô tui để ý thấy là còn bán những loại bánh thông thường nữa. Đúng không? Cô có thể cho biết là những thứ bánh nào?

Hồng Võ: Dạ mình có bán những cái bánh nhỏ để khách mua về uống trà cà phê. Là giống như có sầu riêng, bánh lá dứa, bánh khoai môn, bánh dâu. Ở đây đặc biệt, chưa có làm bánh bông lan trứng muối. Nhưng mà thỉnh thoảng cũng khách hỏi.

Mỹ Dung: Khách hỏi rồi chị có làm không?

Hồng Võ: Bông lan trứng muối thì nó hơi mất thời gian làm trứng muối cho nên mình chắc chưa nghĩ tới.

Hưng Việt: Ngoài cái chuyện lúc khởi đầu cô học từ cái người mà sang cái tiệm cho cô, cô còn đi học ở cái trường TAFE hay là ở đâu về cái môn làm bánh này không?

Hồng Võ: Dạ có học ở chỗ mà họ dạy về lớp fondant để mình nặn những cái hoa bằng đường, đường cứng á, và có đi học với lại học online cũng nhiều lắm.
05 - Bánh sinh nhựt.jpg
Bánh sinh nhựt
Hưng Việt: Thì bây giờ học xong rồi, hành nghề thành công rồi cô có định là cô mở lớp để mà truyền nghề lại cho những người đi sau không?

Hồng Võ: Dạ cái đó thì cháu chưa dám nghĩ tới ạ, dạ maybe lúc 10 năm nữa khi mình retire, mình vô trong TAFE mình dạy.

Hưng Việt: Ước muốn của cô về cái nghề làm bánh này là những cái điểm gì? Cô muốn là cái nghề này nó sẽ phát triển rộng rãi ra trong cộng đồng người Việt mình hay cô muốn sẽ mở thêm tiệm ở những nơi khác nữa hay là những ước muốn gì cô có?

Hồng Võ: Dạ có từng mở rồi nhưng mà tại sức người có hạn cho nên mở cũng không được bao lâu rồi cũng trở về chi nhánh cũ. Tại thường thường khách đa số vô là hỏi mình, mà mình không có tiệm bên đó thì khách cũng không có thích lắm. Cho nên họ chỉ tới kiếm mình là chính, còn những người khác là chỉ phụ thôi. Cho nên nếu mà mở nhiều chi nhánh thì chắc cũng hơi khó.

Mỹ Dung: Vậy đến bây giờ mà một người muốn mở một cái tiệm bánh thì chị nghĩ là họ cần phải làm cái gì hả chị?

Hồng Võ: Trước tiên là đam mê với lại phải làm ở nhà để cho có khách. Có số lượng khách ổn định rồi hãy mở tiệm, tại vì ra tiệm có nhiều thứ mình phải lo toan lắm. Cho nên làm bánh thì nhờ các nghệ thuật nhiều, mà mình stress thì mình lại không có concentrate on cái sản phẩm của mình được.

Hưng Việt: Đối với một cái nơi buôn bán mà có liên quan tới thức ăn đó thì hội đồng thành phố họ có những cái điều lệ rất là chặt chẽ đúng không? Thì một cái tiệm bánh của cô đó có thường xuyên được hay là bị BCC họ cử thanh tra tới đây để mà khám xét không?

Hồng Võ: Mình thì chưa. Nhưng mà nó rất là khó. Dạ cũng có một lần thì tại cái vụ mà…

Mỹ Dung: Cái cúm đó hả…

Hưng Việt: Cúm gia cầm đó hả?

Hồng Võ: Dạ, cái trứng... dạ, chỉ có lần đó thì Hội đồng Thành phố nó xuống rồi nó... nó check about the eggs, nó kiểm tra mình coi mình có sử dụng trứng nhiều không, rồi mình có refrigerate trứng không rồi thôi, chứ mình không có, nó không có khó như là bánh mì bác ạ, lò bánh mì thì nó tại có involve meat, nó rất là khó, còn mình thì mainly chỉ có egg với kem thôi, với bột thôi là tương đối nó cũng dễ, nhưng mà khi mà học lấy cái bằng food supervisor thì nó cũng khó y như nhà hàng vậy, dạ.

Hưng Việt: Bởi vì họ có thể họ có một cái lý do bất kỳ nào đó chẳng hạn như có con gián chạy trong tiệm hay là có xin lỗi một viên thuốc tể của con chuột nó để lại là cũng nguy hiểm lắm đúng không?

Hồng Võ: Dạ rất là nguy hiểm, cho nên mình phải ba tháng một lần để diệt pest đó. Mình có mấy cái đó đầy đủ hết, dạ y như nhà hàng thôi, dạ, nhưng mà tương đối nó dễ hơn chút là mình không có involve meat.

Mỹ Dung: Dạ lúc mới vào nghề thì chắc nó cũng có những khó khăn thì chị có thể chia sẻ một hai được không chị?

Hồng Võ: Có, thí dụ như lúc em lần đầu tiên em nhận bánh búp bê, em phải làm ba lần. Đến năm giờ chiều rồi mà cái sản phẩm nó chưa xong cho nên em phải ở lại trong khi mọi người đã về hết rồi. Rồi em làm đến chín giờ đêm, bữa đó em nhớ hoài luôn á.

Hưng Việt: Thưa cô Hồng, tôi để ý thấy là trong cái nhà bếp này đó thì nó có những cái máy đặc biệt rất là lớn ví dụ như cái máy đánh bánh này hoặc là cái máy nướng bánh này thì cái sự cần thiết của nó đến mức độ nào?

Hồng Võ: Dạ, thường thường thì phải đặt số lượng nhiều thì mình mới làm được chứ nếu mà khách mà đặt một cái bánh lá dứa nhỏ thì em sẽ không làm được, tại vì không lẽ mình chỉ đánh chút xíu thì cái máy nó không có worth making, nó không có đáng cái công. Dạ, cho nên nhiều lúc mình phải từ chối khách là vấn đề như vậy cũng thấy tiếc lắm.

Mỹ Dung: Dạ trong suốt cái quá trình chị làm nghề này thì chị có những cái buồn vui nào chị có thể chia sẻ ra không chị?

Hồng Võ: Dạ buồn nhất là khi là thợ thầy với lại ông chồng mình về hết rồi, mình làm đến chín, mười giờ đêm, tại vì mình phải làm bánh cưới để sáng sớm giao đó, cái đó làm cho mình tủi thân lắm.

Mỹ Dung: Vậy hả chị?

Hồng Võ: Vui thì được khi mà khách khen mình là sản phẩm bánh ngon, bánh đẹp rồi đó là vui lắm, vui nguyên ngày luôn.

Hưng Việt: Và cuối cùng thì cô còn có điều chi mà cô muốn chia sẻ thêm với thính giả không nãy giờ chúng tôi chưa có hỏi tới?

Hồng Võ: Em xin đa tạ mọi người và đài SBS đã cho em cơ hội để được tâm sự ngày hôm nay. Và em cũng muốn cảm ơn khách hàng đã ủng hộ em từ bấy lâu nay. Dạ có nhiều khách hàng rất là dễ thương đi đâu cũng kiếm ra em.

03 - Cô Hồng Võ (giữa) cùng 2 nhân viên (cô Vy bên trái, anh Tuấn Trần bên phải).jpg
Cô Hồng Võ (giữa) cùng 2 nhân viên (cô Vy bên trái, anh Tuấn Trần bên phải)
Mỹ Dung: Mà muốn vận hành được một tiệm bánh kem như vậy, cũng cần đến những nhân viên lành nghề góp sức. Và sau đây chúng ta hãy cùng lắng nghe anh Tuấn Trần, một nhân viên lâu năm của tiệm chia sẻ.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Tuấn Trần.

Tuấn Trần: Dạ xin kính chào quý đài SBS và xin kính chào anh Việt và cô Dung.

Mỹ Dung: Dạ xin chào anh Tuấn.

Hưng Việt: Xin anh Tuấn có thể cho biết là anh đã làm việc phụ giúp với tiệm Cake Story này từ khi nào?

Tuấn Trần: Thật sự mà nói tôi được hân hạnh giúp cho cô Hồng đây một khoảng thời gian cũng tám năm và công việc của tôi trong này là thợ nướng bánh, dạ.

Hưng Việt: Anh nói thì nghe đơn giản lắm là thợ nướng bánh nhưng mà công việc nó chắc có nhiều phương diện, thì anh làm những chuyện gì?

Tuấn Trần: Nếu mà nói về chi tiết thì tôi làm bánh sponge cho cô Hồng làm bánh sinh nhật, rồi ngoài ra thì cũng có những thứ khác, ví dụ như Swiss roll, mud cake, cookies v.v. và v.v Nhưng mà nói chung là như thế.

Hưng Việt: Anh giúp cho tiệm này đó, mỗi ngày khi mà tiệm mở cửa từ sáng tới tối hay là chỉ một khoảng thời gian, bán thời gian thôi?

Tuấn Trần: Dạ, tôi chỉ làm bán thời gian part-time thôi, nhưng cũng làm đến hết việc mình thì cũng sáng đến chiều. Dạ.

Mỹ Dung: Rồi anh làm mấy ngày nào trong tuần anh?

Tuấn Trần: Dạ, làm part-time thì một tuần làm 3 ngày

Hưng Việt: Đối với anh, kỹ thuật làm bánh khó nhất là lúc nào?

Tuấn Trần: Nếu nói về kỹ thuật làm bánh thì có rất nhiều kỹ thuật tùy vào loại bánh mình làm. Nếu nói về sponge thì có nhiều loại sponge. Cái mẫu mã của nó tùy thuộc vào loại anh ạ. Xin cám ơn.

Hưng Việt: Dạ thay mặt cho quý thính giả và cô Dung Xin cảm ơn anh Tuấn Trần rất là nhiều.

Tuấn Trần: Xin cảm ơn quý đài Cuối cùng một lần nữa xin chào anh Việt và chào cô Dung Chúc hai người được nhiều sức khỏe.

Dạ thì cũng nhân dịp đài đến đây thì cũng mong quý thính giả nếu có nghe đài thì xin đến ủng hộ cho tiệm bánh của chúng tôi. Xin cảm ơn quý vị thính giả nhiều, xin cảm ơn anh Việt nhiều, xin cảm ơn cô Dung nhiều lắm. Dạ xin chào.

Mỹ Dung: Cảm ơn anh Tuấn.

Share