Chuyện Queensland: Thầy Đăng Khoa và nghề giáo

02_crpped.jpg

Thầy Đâng Khoa

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Song song với các nhân viên y tế và cảnh sát, đầu tháng Sáu vừa qua, chính phủ Queensland đã phát động một chiến dịch chiêu mộ các giáo chức từ nước ngoài và những tiểu bang khác trong nước Úc để bổ sung cho sự thiếu hụt nhân sự trong các ngành này.


Riêng về giáo dục, có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng nói trên, bao gồm lương bổng tương đối thấp, số giờ làm việc cao, áp lực về biện pháp kỹ luật lỏng lẽo đối với học sinh v.v..

Thế nhưng một thầy giáo gốc Việt đã gắn bó và theo đuổi nghề giáo này với tất cả đam mê, hứng khởi trong hơn 20 năm qua.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào thầy Văn Bạt Đăng Khoa.

Đăng Khoa: Dạ xin chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào anh Khoa.

Hưng Việt: Trước hết xin anh Khoa có thể vui lòng cho biết là anh học ngành sư phạm mất bao lâu? Tốt nghiệp hồi năm nào?

Đăng Khoa: Dạ, em tốt nghiệp sư phạm ở Úc, Trường Đại học UQ University of Queensland vào năm 2000. Và em đi dạy vào năm 2001 cho tới nay.

Hưng Việt: Như vậy thì anh dạy lớp mấy?

Đăng Khoa: Dạ tùy năm, cái time table của mình sẽ khác đi một chút nhưng mà năm nay thì em dạy lớp 8 thì em có ba lớp, lớp 9 thì có một lớp, lớp 12 cũng có một lớp.

Mỹ Dung: Anh dạy môn gì hả anh?

Đăng Khoa: Dạ, em dạy môn Physics và Senior Physics là vật lý, Môn UAV có nghĩa là Unmanned Aerial Vehicle. Cái đó là dạy học trò coding, làm program cho drone nó tự bay.

Hưng Việt: Như vậy anh có được huấn luyện về cái môn đó hay không ở trường sư phạm?

Đăng Khoa: Dạ không, cái UAV rất là mới. Mình được học bổ túc sau này. Em là một trong những người đầu tiên ở Queensland có bằng UAV, có bằng drone pilot.

Hưng Việt: Học trò học cái đó thì mỗi tuần nó học mấy tiếng và về lý thuyết thì dĩ nhiên rồi, nhưng mà có được thực hành hay không thưa anh?

Đăng Khoa: Dạ, thực hành rất là nhiều. Lý thuyết thì rất là hạn chế tại vì mình muốn học trò có cảm hứng để học cái môn học mới như thế này. Hiện tại cái ngành về drone rất là phổ biến. Chẳng hạn như trường đại học UQ với QUT bây giờ có cái Aerial mapping, là dạy về môn địa lý, xài cái drone, làm cái 3D contour mapping.

Những cái công ty lớn chẳng hạn như Seaworld, những cái Research company có Drone pilot để nó bay vòng vòng để shoot mấy cái tracking pilot cho mấy cái con dolphins để mình track cá mập, dolphins vòng vòng biển. Rồi bây giờ người ta cũng xài drone để cứu những người bị tai nạn ngoài biển.

Hưng Việt: Như vậy thưa anh thì muốn học cái môn UAV này đó là cần phải có khả năng về cái môn nào?

Đăng Khoa: Dạ cái môn UAV thì đúng ra là chỉ lái drone bay thôi. Học trò chỉ cần biết một ít kỹ thuật về điều khiển mấy cái remote control. Tuy nhiên, vì công nghệ càng ngày càng tân tiến thì mình muốn học trò có thêm kiến thức về coding, về programming. Cái drone nó cũng giống như một cái robot vậy đó, mình có thể bỏ program vô để mà điều khiển drone làm những điều mình muốn. Học trò học để có những kỹ thuật đó.

Điều quan trọng của học trò là phải biết một ít về computer, biết một ít kiến thức về coding. Mà bây giờ, cái may mắn là coding bây giờ không còn khó như hồi xưa là phải biết sâu về như C++, về Java chẳng hạn bây giờ, nó kêu là “click and drag” mấy cái block coding, miễn là có logic mình hiểu được nó làm việc như thế nào là mình có thể lắp ráp những cái code đó chung với nhau để mà tạo nên những cái thành quả tốt.

Trường của em, trước COVID-19, thì mỗi năm dẫn học trò tới Dalby thi drone. Có nhiều quốc gia trên thế giới người ta tới lắm. Trường của mình chưa bao giờ được giải nhất, nhưng mà lúc nào cũng vô trong top 10. Còn năm vừa qua thì ở Sunshine Coast, có một cái kêu là Holy Moly Competition, thì trường mình đã giật được giải nhất và giải thứ tư, lấy cái trophy luôn.

Mỹ Dung: Thưa anh, theo anh thì trình độ học vấn của học sinh ở Úc ra sao hả anh?

Đăng Khoa: Dạ, chương trình của Úc thì có thể nói là cũng giống như của Anh, Mỹ và các nước tiên tiến khác. Nhiều người nói là ở Úc, người ta làm cái chương trình thấp xuống để cho học trò nó giỏi hơn, cái điểm nó cao hơn. Tuy nhiên thì em không thấy như vậy. Chỉ là những năm gần đây, nhà trường khuyến khích học trò, nếu mà không muốn vào đại học, thì lớp 10 có thể học thử các môn học và cảm thấy những môn đó không thích hợp với mình thì vào lớp 11 có thể đổi những môn khác mà thích hợp hơn hoặc học khá hơn. Nó có một cái hay là học trò sẽ chọn cái môn đúng với lại cái ngành nghề mà mình thích, hợp với các khả năng của mình.

Và hiện tại thì cha mẹ có rất là ít quyền hành để mà thay đổi quyết định của con cái. Ngay cả thầy cô cũng được khuyên là không có nên vẽ ra cái hướng cho học trò đi mình có thể khuyến khích, nhưng mà mình đừng có ép học trò chọn cái lối đi đó.

Mỹ Dung: Nhưng mà thưa anh tại sao anh lại chọn cái ngành giáo vậy? Anh yêu thích hay là như thế nào?

Đăng Khoa: Dạ, từ bên trại tỵ nạn thì em có dịp làm việc phụ ở trong một cái trường cho trẻ bị tàn tật. Những đứa trẻ đó không nói được, có trẻ thì không đi được. Có nhiều trẻ không có biết sign language, không có communicate với những người khác. Và sau một thời gian thì mấy em đó nói chuyện với những người khác, xài sign language - ngôn ngữ của người câm điếc - mình cảm thấy rất là vui khi mình thấy cái sự thay đổi, sự trưởng thành của các em đó. Rồi mình đem cái hoài bão đó từ bên trại tỵ nạn qua tới bên Úc này.

Ngày thứ hai mình bước chân trên nước Úc là mình đã đón xe bus lên trường Milpera để vô học rồi. Mình nói với lại thầy cô ở trong trường là mình đã mất nhiều năm ở bên trại tỵ nạn, mình rất là muốn quay trở lại để học để mà theo cho kịp những cái phần kiến thức mà mình không có được. Trong vòng hai tuần nhà trường chuyển mình qua trường Toowong, mình rất là mừng gặp được rất là nhiều bạn bè ở đó, là người Việt cũng từ trại tỵ nạn qua.

Lúc vào đại học University of Queensland thì mình may mắn là năm thứ hai được điểm khá cao, thành ra trong trường đại học gửi thư khuyến khích mình học bằng đôi. Và người ta nói là cái nghề giáo rất là cần. Thành ra mình học bằng Khoa học và Sư phạm bằng đôi. Cái lý do mình chọn cái ngành giáo một phần là vì cái hoài bão lúc xưa, một phần là cái sự cần thiết của quốc gia cưu mang mình, thành ra mình cố gắng mình theo đuổi cái ngành giáo từ đó.

Hưng Việt: Tình trạng thiếu giáo sư như anh đề cập đó. Một phần là họ bị quá mệt. Thứ hai nữa là vì vấn đề kỷ luật trong các trường, nhiều giáo sư không có đủ cái space, đủ một khoảng không gian để mà dạy dỗ học trò như trước nữa. Đụng tới học trò một chút xíu là có chuyện, thì thưa anh theo anh thấy cái vấn đề nó có gây khó khăn nhiều cho anh hay không?

Đăng Khoa: Dạ, em thấy là kỹ luật ở Úc này khó cho thầy cô chứ không phải là khó cho học sinh. Một cái luật quan trọng nhất trong bộ giáo dục là luật bảo vệ trẻ em để cho trẻ em đừng bị ăn hiếp, đừng bị bullied, đừng bị xúc phạm. Hoặc là ở nhà các em bị ngược đãi bị bạo hành thì nhiệm vụ thầy cô cũng phải thông báo cho nhà trường biết.

Nó hơi khắt khe một chút đối với thầy cô tại vì cái quyền hạn của thầy cô rất là ít. Không phải như hồi xưa mình có thể cầm cái gậy để mình đánh đòn phạt các em. Bây giờ không thể làm như vậy được nữa và thực ra cũng không nên làm như vậy nữa. Mình chỉ muốn các em làm sao mà có sự trưởng thành qua trường lớp, có bằng cấp để mà cạnh tranh với đời sống sau này, để tìm việc làm.

Hưng Việt: Bây giờ sang một điểm nữa mà muốn nhờ anh một phần là giải thích, một phần là để biện minh cho các thầy cô luôn. Là người ta thường nói nghề giáo một ngày làm việc có 6 tiếng, từ 9h sáng lúc học trò bắt đầu học tới 3h chiều rồi đi về, mà mỗi năm nghỉ tới 10 tuần lận, làm nghề thầy giáo rất là nhàn rỗi. Thì thưa anh có thể đính chánh giùm cho cái quan điểm sai lầm đó hay không?

Đăng Khoa: Dạ, điều này cũng là một cái điều mà thầy cô tụi em cũng hay nói chuyện với nhau, nói rồi cười. Bạn bè của tụi em nói là tụi bay sướng quá làm việc từ 8 giờ cho tới 3 giờ. Tụi em mới trả lời là đúng rồi. Tụi mình làm từ 8 tiếng tới 3 giờ nhưng mà 3 giờ khuya á.

Nếu mà thầy cô dạy full time là một tuần 25 tiếng đứng lớp. Đó là 25 tiếng được trả lương. Rồi trông coi học trò vào giờ nghỉ giải lao từ một tới hai tiếng. họp để bàn chuyện dạy dỗ cho học trò là từ một cho tới hai tiếng một tuần. Còn cái giờ mà chấm bài và soạn bài thì không có giới hạn. Tùy cái hoài bão của mình lớn tới cỡ nào mà thôi.

Em nhớ là cái hồi mà em mới ra trường á, cái hoài bão của em rất là lớn. Em muốn có sự thay đổi nào đó giúp cho học trò thành công, thành đạt. Thành ra, mỗi bài giảng của em lúc nào cũng soạn rất là kỹ.

Em nhớ có bữa em họp phụ huynh học sinh 11 giờ đêm em mới về tới nhà. Khi mà về tới nhà em ngồi xuống là em soạn bài. Em làm cái fraction dominoes. Em lấy cái dao lam em cắt mấy cái giấy cạc tông làm mấy cái thẻ fraction dominoes để ngày hôm sau dạy thập phân với lại phân số cho học trò lớp 9. Tại mình muốn cho tụi nó vừa học mà có cái sự vui vẻ khi chơi cái fraction dominoes đó nữa. Cái tối quá mà em buồn ngủ quá thành ra cái dao lam của em cắt mất một cái ngón trỏ của em, hết cái đầu ngón trỏ bị cắt đứt luôn nè. Mà khuya rồi, đâu có đi bệnh viện, đâu có đi bác sĩ được, em cứ chụp nó, bỏ vô lại băng nó. Băng xong, làm việc tiếp.

Rồi sáng hôm sau, lúc mà em dạy, em cho tụi nó chơi cái fraction dominos, nó vừa được vui mà vừa hiểu rõ hơn về số thập phân với phân số. Khoảng chừng năm phút, em đi vòng vòng, em thấy ở dưới đất tại sao mà mấy cái fraction dominos nó lăn lóc tùm lum, nó chơi xong nó vụt tùm lum hết trơn. Lúc đó em vừa đau ngón tay em vừa đau lòng nữa. Tại vì tối hôm trước em vừa đổ mồ hôi, vừa đổ máu để làm những cái fraction dominos đó cho tụi nó học.

Tuy nhiên làm nghề giáo, nếu mình không có nhẫn nại để mà vượt qua những cái thử thách đó thì rất là khó. Cái thứ hai là, nếu mà muốn kiếm được nhiều tiền mà đi làm cái nghề giáo thì đó không phải là cái nghề của mình. Mình phải có cái hoài bão, phải có cái sự yêu nghề trong đó. Còn nếu không thì mình sẽ không có cái động lực để mà tiếp tục cái nghề này.

Hưng Việt: Thưa anh, tôi tin chắc rằng với cái hoài bão đó, với cái tâm nguyện đó thì theo đuổi nghề này thế nào anh cũng nhận được những phần thưởng tinh thần rất là đáng kể. Anh có thể kể một hai thí dụ nào để chia sẻ với thính giả về những kỷ niệm đó hay không anh?

Đăng Khoa: Dạ thưa anh, cái nghề nào cũng có lúc vui lúc buồn. Cái nghề giáo thì cũng có nhiều lúc buồn lắm, nhưng mà cũng có rất nhiều lúc vui nữa. Cái niềm vui tinh thần cho cái người làm nghề giáo là mỗi ngày mình thấy được học trò của mình trưởng thành từng bước một.

Em nhớ là có nhiều học trò mà mỗi ngày em phải la mắng, mỗi ngày em đều phải phạt. Em cứ nghĩ là mấy học trò đó rất là ghét mình. Thấy thầy là bị thầy phạt. Cho tới cái buổi lễ tốt nghiệp lớp 12, có ba học sinh chạy tới bắt tay, rồi đứa thì ôm chầm lấy em, vừa khóc vừa cám ơn rối rít và nói là, “Cám ơn thầy đã dạy cho tụi em, đã trách phạt tụi em, để cho tụi em có ngày hôm nay.” Rất là cảm động! Mình cũng rơi nước mắt nữa.

Hưng Việt: Mà đó là những em mà anh thường quỡ mắng ở trong lớp phải không ạ?

Đăng Khoa: Dạ phải. Những giọt nước mắt đó không phải là những cái giọt nước mắt trẻ con mà đó là những cái giọt nước mắt trưởng thành. Mấy em đã biết là những quở phạt trách mắng của thầy cô trước đây là để cho các em trở thành người đàng hoàng và bỏ nhiều cái tâm tư vào cái việc học hơn và cái ngày đó là cái ngày mà mấy em được trở thành người lớn. Đó là cái niềm vui tinh thần rất là lớn, cái món quà tinh thần rất là lớn cho những người làm thầy giáo.

Mỹ Dung: Thưa anh, vậy đối với những người mà muốn theo học cái nghề giáo á, thì anh có những cái lời khuyên nào ha?

Đăng Khoa: Hiện tại cơ hội mà học làm nghề giáo rất là cao. Tại vì thứ nhất là ở Queensland bây giờ rất là thiếu thầy cô. Thiếu rất là trầm trọng luôn. Vì một số thầy cô khi mà ra trường người ta không có ở lại đây để làm việc. Ngoài ra có rất là nhiều cái bộ môn để dạy. Nếu mà mình giỏi về cái môn nào thì mình có thể dạy về cái môn đó. Có rất là nhiều người giỏi về nấu ăn chẳng hạn, thì mình có thể dạy về nấu ăn. Rồi những cái người nào mà giỏi về các cái nghề mà giống như Handyman cái việc làm thủ công, vẫn có thể dạy về thủ công chẳng hạn. Nói chung ông bà mình hay nói là “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” thành ra mình chỉ cần giỏi về cái bộ môn nào cái ngành nghề nào mình cũng có thể trưởng thành và phát triển cái bộ môn đó. Nếu mà bạn có một cái năng khiếu về bất cứ một cái phương diện nào, một cái ngành nghề nào, sau khi bạn tốt nghiệp về cái ngành nghề đó, bạn có thể học thêm về cái education, một cái diploma hoặc là nếu mà bạn vô đại học thì bạn có thể học cái bachelor. Cái phần bachelor đó thường thường là chỉ có một năm thôi. Mình học để lấy cái chứng chỉ sư phạm, mình xin dạy cái ngành đó, rồi mình sẽ được nhận việc ngay lập tức.

Hưng Việt: Dạ thưa cuối cùng thì anh Khoa anh còn có điều chi anh muốn chia sẻ với thính giả của chúng ta hay không ạ?

Đăng Khoa: Dạ mỗi lần mà em gặp bạn bè hoặc người quen người ta thường hỏi xoay quanh một cái vấn đề đó là: trường công hay trường tư.

Nếu nhìn vào một cái khía cạnh khách quan thì mình thấy là, tuy trường tư có nhiều lệ phí cao, cũng có nhiều điểm tốt của nó. Chẳng hạn như nó có nhiều tiền, thì có ngân quỹ cao để mà nâng cấp cho học sinh được học hỏi, chẳng hạn như có nhiều máy tính tốt, rồi có nhiều sân chơi, sân vận động, rồi cho học sinh có nhiều resources như có library, phòng thí nghiệm có đầy đủ những dụng cụ học sinh để mà làm thí nghiệm chẳng hạn. Đó là một cái điều rất tốt.

Còn nói là trường tư có nhiều thầy cô giỏi hơn trường công thì không có công bằng lắm tại vì theo kinh nghiệm bản thân thì lúc mà em ra trường em may mắn được điểm rất là cao, em có S1 rating, là top rating của Queensland, thì trước khi em tốt nghiệp là em có ba trường công mời dạy. Nói chung là các bạn mà được điểm cao như vậy, đều được như vậy hết, không phải chỉ riêng em.

Nếu mà gia đình có khả năng tài chính có thể gởi con vào trường tư rất là tốt. Còn nếu mà cái điều kiện không cho phép thì trường công vẫn có nhiều cái điểm tốt của nó cho các em học và phát triển.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi xin thành thật cảm ơn thầy Văn Bạt Đăng Khoa đã dành thời giờ rất là quý báu và bận rộn của thầy để dành cho chúng tôi một cuộc nói chuyện rất là lý thú, những tâm tình thầy chia sẻ rất là cảm động để thính giả có thể hiểu thêm được về cái nghề giáo. Xin cảm ơn anh Đăng Khoa rất là nhiều và kính chúc anh được nhiều sức khỏe và luôn luôn giữ được trọn vẹn cái hoài bão từ cái năm mà anh ở trại tị nạn bước sang đây.

Đăng Khoa: Dạ cũng xin cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung đã cho em cơ hội để chia sẻ. mình cũng hy vọng là những chia sẻ của mình sẽ giúp các thính giả hiểu sâu hơn về ngành giáo ở đây. Hi vọng là sẽ có nhiều bạn trẻ Việt Nam đi theo hướng này, muốn giúp cho những tâm hồn trẻ trên thế giới này được phát triển một cách tốt đẹp hơn.

Mỹ Dung: Cảm ơn anh Đăng Khoa.



Share