Chuyện Queensland: Quyền trợ tử

tochan.jpg

Ông Chấn Tô

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hôm nay, Chuyện Queensland sẽ bàn luận về một đề tài quan trọng nhưng cũng hết sức tế nhị, liên quan đến quyền được trợ tử, tiếng Anh gọi là Voluntary Assisted Dying, gọi tắt là V.A.D.


Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện giữa hai phóng viên SBS là Hưng Việt và Mỹ Dung với ông Chấn Tô, một thông dịch viên đã qua khóa học về vấn đề nhạy cảm này.

Chúng tôi xin nói rõ, cuộc nói chuyện chỉ có tính cách hướng dẫn, và vấn đề bao hàm luật pháp cũng như về phương diện y tế, quý vị cần tham khảo thêm ý kiến chính xác của luật sư hay y sĩ của chính quý vị.

Hưng Việt: Trước hết chúng tôi xin được kính chào ông Chấn Tô.

Chấn Tô: Kính chào anh Hưng Việt và cô Mỹ Dung cùng quý vị thính giả đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ xin kính chào anh Chấn Tô.

Hưng Việt: Dạ xin ông Chấn Tô có thể cho thính giả của chúng ta được biết là VAD tức là “được giúp đỡ để tự nguyện chết” ở Úc này đó, có hợp pháp hay là không? Và nếu có thì riêng ở Queensland này đó, đã có từ hồi nào?

Chấn Tô: Hôm nay chúng tôi sẽ nói về chuyên đề tương đối còn nóng hổi này. Tại sao nóng hổi? Vì mới được công nhận và ban hành thành luật sau khi đã thông qua Quốc hội của tiểu bang Queensland tháng 1 năm 2023. Để trả lời câu hỏi của anh, chúng ta ngược về thời gian bảy năm về trước.

Tại tiểu bang Victoria, chương trình này được chính thức thành luật ngày 19 tháng 6 năm 2017, kế đó là Western Australia, gọi là Tây Úc, về thứ ba là Tasmania, và thứ tư là Southern Australia còn gọi là Nam Úc. Còn Queensland thì đứng thứ năm. Trước khi đưa ra quốc hội biểu quyết để trở thành luật nó đã được tham vấn, bàn cãi, chỉnh sửa và rút ưu khuyết điểm của bốn tiểu bang đã đi trước.

Luật được thông qua ở Queensland với 61 phiếu thuận và 29 phiếu không thuận, và hơn 110.000 người ký tên tán thành luật này.

Mỹ Dung: Dạ thưa anh, những tiêu chuẩn nào cần phải có để một bệnh nhân được giúp đỡ tự nguyện chết vậy anh?

Chấn Tô: Một bệnh nhân muốn được chấp thuận của chương trình mình tạm dịch là “được giúp đỡ để tự nguyện chết” thì phải hội đủ các điều kiện sau đây. Chúng ta đang nói chuyện ở Queensland, vì mỗi một tiểu bang có những luật lệ khác nhau. Tổng quát là

Thứ nhất, người này phải ở Queensland tối thiểu là 12 tháng.

Thứ hai, phải trên 18 tuổi.

Thứ ba, phải tự nguyện, không bị ép buộc hay bị xúi dục.

Thứ tư là bệnh nặng không chữa khỏi được, bệnh càng ngày càng phát triển thêm. Bệnh nhân chịu đau không nổi và sẽ mất trong vòng 12 tháng tới. Xin nói thêm, những người quá lớn tuổi hoặc thể trạng yếu kém, hoặc vì lý do này hay vì lý do khác mà chán đời, chán sống và muốn đi thăm tổ tiên qua chương trình này thì sẽ không được chấp thuận.

Thứ năm, người này sẽ phải làm ba yêu cầu trong vòng chín ngày. Tại sao phải chín ngày? Lý do là để họ có quyết định dứt khoát, không hối hận vì đã quyết định nông nổi, không kịp suy nghĩ chính chắn trước khi đi đến cái quyết định cuối cùng. Yêu cầu lần thứ nhất được gửi đến hai bác sĩ, hai bác sĩ này cũng phải qua một khóa huấn luyện đặc biệt. Bác sĩ thứ nhất thì là người nhận đơn nghiên cứu tình trạng và cho biết được hay không. Còn bác sĩ kia là người đang điều trị bệnh nhân từ trước đến nay. Yêu cầu lần hai, cũng bằng văn bản và gửi đến hội đồng giám định dưới sự làm chứng của hai người bên luật pháp, thường là luật sư. Yêu cầu này phải được viết rõ ràng trên giấy tờ. Lần yêu cầu thứ ba, gửi đến bác sĩ thứ nhất để tái xác nhận là mình muốn đi xa vĩnh viễn.

Thứ sáu, người này còn đủ minh mẫn và tự mình quyết định về mạng sống của mình, không bị bệnh tâm thần, không bị áp lực.

Thứ bảy là phải có quốc tịch Úc.

Thứ tám, đơn xin tự nguyện chết sẽ được cứu xét bởi một hội đồng.

Thứ chín, trong thời gian từ ngày nộp đơn cho đến ngày quyết định, bệnh nhân muốn rút đơn ra lúc nào cũng được.

Hưng Việt: Dạ cám ơn ông Chấn rất là nhiều, tôi nghĩ là có thể có thính giả sẽ thắc mắc là thí dụ như là nói rằng bệnh nhân phải còn minh mẫn, tự mình quyết định được. Nhưng mà trường hợp có những người họ đã bệnh quá nặng, trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh hoặc là không còn ổn định tinh thần nữa thì làm sao và ai chứng nhận được cái điều thứ sáu đó là cái tinh thần, đầu óc của họ còn minh mẫn?

Chấn Tô: Thưa anh, cái câu hỏi này cũng rất là hay. Tuy nhiên, để trả lời thật sự thì qua cái khóa học tôi chưa được đề cập tới vấn đề này.

Hưng Việt: Thưa anh, ai là người có cái thẩm quyền quyết định cái đơn xin của bệnh nhân? Anh nói là khi mà gửi lên ba cái yêu cầu đó thì cái yêu cầu lần thứ hai là có một cái hội đồng giám sát quyết định về cái đơn xin. Thì cái hội đồng giám sát này gồm có những ai?

Chấn Tô: Thưa anh, hội đồng giám sát này gồm có hai bác sĩ. Một bác sĩ là nhận đơn, nghiên cứu và cho kết luận. sau khi đã tham khảo qua tất cả những yêu cầu đồng ý của những thành viên khác. Các thành viên khác gồm người bác sĩ thứ hai là người điều trị bệnh nhân đã một thời gian rất lâu và xác nhận bệnh này chỉ mỗi ngày một phát triển. Thí dụ, ung thư nó sẽ di căn qua bộ phận này và bộ phận kia và càng ngày nó càng di căn nhiều nơi. Và bệnh nhân quá đau, chịu không nổi.

Rồi bệnh nhân có những văn kiện, thí dụ như chia tài sản, hoặc là ủy thác tâm tư, nguyện vọng, thí dụ, chôn cất làm sao, thì cũng được viết văn bản và có luật sư chứng nhận, bởi vì tất cả bên Úc này đều có thị thực của những người có thẩm quyền. Và hội đồng này cũng lấy ý kiến của những người y tá đã từng điều trị cho bệnh nhân này và những người trong nơi mà bệnh nhân điều trị, như nhà dưỡng lão để lấy ý kiến. Và sau khi tất cả đồng ý rằng là tốt nhất là nên để bệnh nhân ra đi, thì sau đó đi đến kết luận và cuối cùng hội đồng này đồng ý chuyện đó, thì bệnh nhân mới được chấp thuận yêu cầu của họ.

Hưng Việt: Thưa anh Chấn là khi một bệnh nhân quyết định chuyện xin để được giúp đỡ ra đi đó thì có những cái mẫu đơn mà họ phải điền vào như anh nói thì phải đích thân bệnh nhân ký tên hay là sao?

Chấn Tô: Thưa anh, đúng ạ, thì sau khi điền vào mẫu đơn đó chính bệnh nhân phải ký tên và có sự thị thực của người luật sư đại diện luật pháp để chứng nhận đúng chữ ký của đúng người đó.

Hưng Việt: Sau khi hội đồng đã cứu xét và đã đồng ý cho người bệnh nhân được hưởng cái VAD đó, thì khi nào và bằng cách nào cái ý định đó được thực hiện thưa anh?

Chấn Tô: Thưa anh, sau khi quyết định đưa ra thì sẽ định một ngày nhất định nào đó thì bệnh nhân sẽ được uống thuốc hoặc chích thuốc và ở nơi nào thì do người bệnh nhân quyết định.

Đa số nơi để mà thực hiện việc này ban đầu là nhà thương, tuy nhiên nhà thương chung quanh có những bệnh nhân khác và không gian không được rộng rãi, thành thử cái việc thực hiện quyết định này thông thường được tổ chức tại nơi bệnh nhân điều trị, thí dụ như nhà điều trị hoặc nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, tại những nơi này thì cũng không được rộng rãi và không tụ họp được nhiều thân nhân của người bệnh. Thành ra, đa số người bệnh tổ chức tại nhà riêng của họ, tại vì lúc đó sẽ là tử biệt và sinh ly. Người thân sẽ được chứng kiến người thân thuộc nhất của mình sắp ra đi, từ một bước sống và một bước chết chỉ qua một cái ly thuốc hoặc qua một mũi chích thành ra những bịn rịn, quyến luyến, những cái ôm ấp, dặn dò, tình cảm rất là xúc động và không gian để mà hợp thực hiện những việc này tốt nhất là nơi cư trú của họ.

Và đến thời khắc đã định, tất cả người trong ban hội đồng sẽ có mặt, gồm có hai bác sĩ, đại diện bên luật sư, nhân viên y tế và những người chăm sóc lúc thời gian họ bệnh nếu họ được mời đến.

Bây giờ mình nói việc giải quyết bằng cách uống thuốc trước. Uống thuốc thì chính tay người bệnh sẽ trộn thuốc và tự mình uống. Thuốc thì gồm có hai bình. Cái bình thứ nhất gọi là ORA Plus, cái bình thứ hai gọi là ORA Sweet. Hai bình này trộn lại và có vị ngọt, lỏng hơi sệt sệt để dễ uống. Lọ thứ ba là lọ thuốc độc, được đặt mua đặc biệt và được khóa lại. Chỉ khi xài thì dược sĩ hoặc bác sĩ mới được mở khóa và pha vào trong ly đã có hai hỗn hợp trộn vừa kể trên. Sau đó chính tay họ đưa cho bệnh nhân để người bệnh tự uống.

Nếu người bệnh vì lý do này, lý do nọ họ không nuốt được thì bác sĩ và y tá sẽ chích thuốc vào mạch máu chính. Nhiều thứ thuốc được chích vào, thứ nhất gồm có thuốc ngừa nôn mửa để sợ bệnh nhân bị ảnh hưởng thuốc sẽ ói ra, kế đó là thuốc an thần để bệnh nhân ngủ mê đi, sau đó là thuốc tê để làm tê cái vein để chích thuốc vào, vì khi chích thuốc cuối cùng thì sẽ đau nhức, sợ rằng bệnh nhân sẽ thức dậy, và cuối cùng thuốc để làm chết là thuốc làm các bắp thịt tê giãn và hậu quả là tim sẽ ngừng đập và lúc này thì người bệnh đã rời trần thế.

Các loại thuốc trên phải đặt mua mới có, không thể mua ở các nhà thuốc tây và được kiểm soát rất chặt chẽ của Bộ Y tế. Những người tham dự vào sự việc này đều được huấn luyện kỹ lưỡng, vì ngoài mặt sức khỏe còn có dính líu đến pháp luật và ngoài ra còn có những xúc động dồn ép về tâm sinh lý khi có sự ra đi của một người giữa cái sống và cái chết. Người dược sĩ cũng có nhiệm vụ đóng một vai trò lớn trong vấn đề soạn thuốc và mở thuốc, hòa thuốc cho bệnh nhân trong giai đoạn này.

Xin cũng nói thêm là nhiều khi bệnh nhân ra đi, họ rất muốn được những người đã từng chăm sóc họ đều có mặt để họ từ biệt trước khi họ ra đi và cũng nói thêm ở Victoria đã có một vị bác sĩ, đã từng tham dự chương trình này 37 lần và chính ông ta đã chứng kiến 37 lần người bệnh nhân ra đi trước mặt ông ta.

Mỹ Dung: Dạ, như vậy một thông dịch viên như anh thì có phải qua một cái khóa học đặc biệt nào về VAD không anh?

Chấn Tô: Thưa chị như trên đã nói luật này được thông qua bởi quốc hội Queensland tháng 1 năm 2023 thì đến tháng 11 cùng năm 2023 một cơ quan chuyên môn cung cấp dịch vụ thông ngôn và dịch thuật mang tên On-call Language Services hay còn gọi là On-call Interpreters and Translators có tổ chức một khóa học đặc biệt chuyên môn về vấn đề này cho các thông dịch viên của các ngôn ngữ khác nhau.

Cuối khóa, các học viên phải trả lời 10 câu hỏi và phải đúng hết 10 câu thì mới được đậu. Và các học viên đều phải có bằng NATII. Và tôi là thông dịch viên duy nhất đã đậu trong số các thông dịch viên người Việt tham dự khóa đó. Và đây là chứng chỉ cấp bằng mà anh chị đã thấy để thông dịch cho chương trình TỰ NGUYỆN ĐƯỢC CHẾT.

Trong một vụ việc thì người thông dịch nào làm từ ban đầu sẽ phải làm cho tới phút cuối trừ những trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Và mọi giao dịch giữa người bệnh và các nhân viên qua hội đồng đều phải qua người thông dịch viên này. Cho dù con cháu của họ có giỏi tiếng Anh đi chăng nữa, dù họ có bằng Master, PhD hay gì chăng nữa, cũng sẽ không được thay thế thông dịch viên vì họ chưa được huấn luyện và họ cũng không có bằng NATII. Bằng này của chính phủ Úc công nhận về khả năng nói hai ngoại ngữ của một thông dịch viên. Hơn nữa, người thân của người bệnh nhân nhiều khi vì tình cảm, bị cảm xúc hay vì một vấn đề gì đó mà thông dịch không chính xác như ý muốn của người muốn ra đi, vì thế họ không được phép tham gia phiên dịch trong vấn đề này.

Những lúc đó là những lúc vô cùng cảm xúc, xúc động, và mình thấy cái cuộc sống sao mà nó ngắn ngủi quá. Chỉ một ly nước hoặc một mũi chích mà người ta ra đi. Giữa cái bịn rịn, người sống và người chết thưa anh không thể nào nói cho hết, rất là xúc động, thấm thía và tiếc nuối giữa sinh ly và tử biệt.

Mỹ Dung: Ủa mà anh, anh có chứng kiến cái này bao giờ chưa anh?

Chấn Tô: Đối với người Việt tôi chưa chứng kiến. Nhưng mà với những người ngôn ngữ khác thì tôi đã dự kiến rồi. Vì mình phải dự kiến để mình có kinh nghiệm để làm, một khi mình làm cho người Việt.

Đây tôi cũng xin nói thêm rằng là những người theo đạo Thiên Chúa, qua tiếp xúc tôi được biết tín đồ Thiên Chúa thì không được tự nguyện kết liễu cuộc đời mình. Còn theo nhà Phật thì ngay cả con kiến nó cũng còn muốn sống cho nên tôi nghĩ chương trình này chắc không hấp dẫn lắm đối với người Việt chúng ta. Ở tiểu bang Queensland thì cho đến nay vẫn chưa có người Việt nào đăng ký cho chương trình này. Có thể chưa ai biết và cũng thể chưa ai muốn.

Mỹ Dung: Em thấy cái này hay lắm, tại vì nó tránh cho người ta đau đớn mà còn tiết kiệm cho xã hội nữa.

Hưng Việt: Khi anh chứng kiến cái cảnh này xảy ra thì cảm xúc của anh ra sao mặc dầu họ không phải là người Việt?

Chấn Tô: Thưa anh lúc mà họ uống cái ly nước cho đến khoảng một hai phút sau họ đi luôn về thăm tổ tiên ông bà thì cảm giác mình như là mình đơ người luôn, mình không thể nói năng gì được cả bởi mình nhìn về phía bên người thân còn sống của họ, mình thấy rất tội nghiệp và mình cũng hòa đồng vào những cái cảm xúc của họ, cũng hỷ nộ ái ố họ ra làm sao thì mình cũng hòa nhập trong cái vai của họ. Bởi vì cũng là con người với nhau mặc dù không cùng một ngôn ngữ nhưng tình cảm và suy nghĩ cũng là một con người.

Mỹ Dung: Dạ, theo anh đã dự thì một cái cuộc V.A.D như vậy thì thường nó diễn ra cở bao lâu hả anh?

Chấn Tô: Thưa chị, nếu mà nói từ lúc đầu đến khi kết thúc thì nó khoảng độ ba, bốn tiếng. Nhưng mà nói khi mà cầm cái ly nước ực hoặc là mũi thuốc chích vô thì độ khoảng chừng hai phút thôi là người đó ra đi.

Hưng Việt: Thật sự thì tôi không biết là thính giả của chương trình này khi nghe cuộc mạn đàm này thì sẽ có cảm nghĩ ra sao nhưng mà trước khi trình bày cảm nghĩ của mình thì xin anh còn có những điều gì muốn chia sẻ với thính giả mà chúng tôi chưa đề cập tới hay không?

Chấn Tô: Thưa quý vị, thưa anh, hiện nay một ủy ban để lo vấn đề này đã được bầu lên họ đang tiếp xúc tiếp tục cải tiến để chương trình này được hoàn chỉnh hơn bao gồm tổ chức những khoa huấn luyện thêm về chuyên môn và soạn thảo, đề xướng những cái mới để việc này được hoàn hảo hơn.

Đồng thời họ cũng nghiên cứu theo những cái văn hóa và phong tục của từng sắc dân một, thí dụ như về văn hóa của người Việt Nam chẳng hạn. Tôi không biết nói gì hơn nữa vì vấn đề này nó hơi tế nhị.

Hôm nay mình nói về đề tài này hơi tế nhị và nhạy cảm Như vậy thì xin hẹn anh và chị cùng quý vị thính giả trong tương lai sẽ nói về một đề tài nào đó vui hơn. Xin chúc anh chị và quý vị thính giả một ngày mới an khang và thật nhiều hạnh phúc. Xin chào.

Hưng Việt: Dạ xin thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả của chương trình Chuyện Queensland chúng tôi thành thật cảm ơn anh Chấn Tô, rất là nhiều. Như anh có nói đây là một đề tài hết sức là tế nhị và nhạy cảm. Người Việt mình thì thường ít khi mà đề cập tới chuyện chết chóc. Đó là một vấn đề tối kỵ. Dầu là đạo Công giáo hay là đạo Phật đi chăng nữa mạng sống con người đối với người Việt mình nó rất là thiêng liêng và cao quý. Nhưng mà đối với văn hóa Tây phương thì họ thực tế hơn, họ thấy là có thể chấm dứt một sự đau đớn tột cùng của bệnh nhân là để giải thoát cho bệnh nhân thì đó có thể là điều tốt hơn. Đôi khi chúng tôi đi dự những cái đám tang của những người mà đã bị bệnh ung thư mà lâu năm thì cũng thường nghe bạn bè thân hữu đến chia buồn cùng tang quyến là “thôi ông hay bà hay cô hay chú đó ra đi thì kể như cũng giải thoát được đớn đau rồi”.

Thì đây là một cách để mà người Tây Phương họ muốn chấm dứt cái sự đau đớn đó một cách nhanh chóng hơn. Cảm ơn anh Chấn Tô đã đưa một cái đề tài như vậy lên để đồng hương của chúng ta được rõ hơn để biết hoặc nếu đã biết rồi thì có thể có những cái quyết định rõ ràng hơn Xin một lần nữa cảm ơn anh Chấn Tô và xin kính chúc anh và gia đình được nhiều sức khỏe bình an để phục vụ cho cộng đồng ngày càng hữu hiệu hơn. Cảm ơn anh.

Chấn Tô: Xin chúc anh chị và quý vị thính giả một ngày mới an khang và thật nhiều hạnh phúc.

Mỹ Dung: Dạ cám ơn anh Chấn Tô

 

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share