Chuyện Queensland: Quán takeaway ở Salisbury, Brisbane

02 - Anh chị Quí và Thùy Trần.jpg

Anh chị Quí và Thùy Trần

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hôm nay chúng tôi kính mời quý thính giả đến tiệm takeaway của hai anh chị Tommy và Tina Trần ở khu ngoại ô Salisbury, mở cũng được hơn hai thập niên rồi.


Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Quí Trần.

Quí Trần: Dạ xin kính chào anh Hưng Việt, cô Mỹ Dung và tất cả các thính giả của Đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào anh Quí Trần.

Hưng Việt: Thưa anh Quí, anh có thể cho biết tại sao mà anh chị lại chọn làm business Takeaway như thế này và đã được bao lâu rồi?

Quí Trần: Dạ lý do chọn cái business này thì thật sự mà nói đây là nghề bất đắc dĩ. Trước đây Quí học về bên tài chánh, hành chánh và du lịch quốc tế. Nhưng sau khi cưới vợ thì hỏi vợ có muốn làm chung cái nghề này không thì cô vợ không thích làm cái nghề này vì phải tiếp xúc với nhiều khách hàng, vợ Quí rất ít nói, cho nên cảm thấy không thích hợp cái nghề đó. Cuối cùng đẩy đưa đưa đẩy mua một business về bên thức ăn để vợ chồng làm việc chung.

Nguyên nhân thứ hai, lúc Quí còn làm ngành nghề cũ, thì cứ phải đi tiếp khách hàng thường xuyên, ít có thời gian ở với gia đình.

Cuối cùng đắn đo suy nghĩ, vì gia đình cho nên mua cái business làm từ năm 2001 cho đến nay là được 23 năm.

Cái business đầu tiên thì làm ở khu biển Wynnum, sau đó đến khu Coopers Plains, rồi đến gần khu vực Garden City, và cuối cùng về Salisbury.

Mỹ Dung: Anh dọn về đây từ năm nào vậy anh?

Quí Trần: Dạ cuối năm 2019 trong thời điểm Covid. Khi về đây, đây là cái business chết nên khi bắt đầu làm thì rất nhiều trở ngại khó khăn. Trong thời điểm đó thì những người làm business thành công vẫn bị thất bại và phải dẹp tiệm bỏ chạy nhưng mà may mắn là vợ chồng Quí cố gắng để vượt qua được những cái khó khăn trắc trở đó và đồng lòng với nhau để gầy dựng cho nó ổn định và được rất là nhiều khách hàng yêu mến cho đến ngày hôm nay.

Mỹ Dung: Dạ lý do mà anh chị chọn địa điểm này là tại sao vậy anh?

Quí Trần: Dạ địa điểm này thứ nhất là nó gần nhà, chỉ cách nhà có hai phút, nó nằm trên cái trục lộ chánh, có rất nhiều tiềm năng và xung quanh là những khu hãng xưởng lân cận rất nhiều. Thứ hai là cái business ngắn giờ, cuối tuần được nghỉ để dành thời gian cho gia đình và con cái.

Hưng Việt: Nhưng mà dọn về đây như vậy thì cần chuyển cái tiền đầu tư về đây nhiều không anh? Phải tốn thêm nhiều không?

Quí Trần: Dạ, vấn đề đầu tư thì nó tùy thuộc vào cái vấn đề thu nhập của từng business và địa điểm. Khi mà bắt đầu để làm một business mới thì đa số nó tùy thuộc vào mức thu nhập, cái turnover của business đó hàng tuần.

Thí dụ như nếu như một cái business mà mở cửa năm ngày một tuần, cái mức thu nhập 15 ngàn một tuần thì nó sẽ nhân lên 200% là khoảng 300 ngàn cho cái business đó.

Còn nếu như mở sáu ngày một tuần thì nó sẽ nhân lên 150% có nghĩa là khoảng 225 ngàn cho cái business đó Còn nếu mở bảy ngày một tuần thì nó sẽ nhân lên 100% là 150 ngàn cho cái business đó.

Hưng Việt: Tại sao mình mở dài giờ hơn lại nhân ít phần trăm hơn anh?

Quí Trần: Dạ đúng, mình mở ngắn giờ hơn có nghĩa là cái business đó có thu nhập cao nhưng lại bớt thời gian lao động của mình, và bớt tiền nhân công. Nhứt là ở xứ Úc mình thì người ta cần nhất cái thời gian cuối tuần với gia đình, cho nên vì vậy mà những người mà buôn bán business cũng dựa vào cái hình thức đó để người ta quy ra cái mức mua hoặc bán cho một cái business.

Mỹ Dung: Dạ mà em thấy cái tiệm của anh nó đông ghê, không biết tiệm của anh phục vụ những món ăn gì và cái món nào là cái món đặc biệt nhất của anh?

Quí Trần: Dạ, business của Quí chỉ là một family business nhỏ thôi và tất cả những món ăn ở tại shop đều đa số là do chính tay vợ chồng Quí làm ra, tự mình đặc chế ra những món ăn đó, tự mình đặt tên và thường xuyên tìm những món mới lạ để thay đổi cho thực đơn cũng như có những cái sáng tạo mới lạ. Đặc biệt là Quí và Thùy làm những món ăn là do những cái công thức và các nguyên liệu của riêng vợ chồng Quí, chứ không giống những cái shop khác.

Shop của Quí có những món ăn không có giống ai hết, chẳng hạn như Kung Fu Burger, Bang Bang Burger, Challenge Burger hoặc là cái món ăn mới nhất, hiện tại bây giờ rất thịnh hành ở shop mà rất được nhiều người yêu thích đó là cái món TTFC, có nghĩa là Tommy & Tina Fried Chicken. Đó là tên của vợ chồng Quí. Là cái món gà của Hàn Quốc, hiện tại bây giờ đang thịnh hành ở ngoài thị trường. Cái đặc biệt riêng của TTFC này là gà không xương, không da và không dầu - no bone, no skin, no oil - tất cả những shop khác đều phải qua chiên dầu nhưng cái gà của Quí nó đặc biệt chỗ không có dầu, mà nó không có bị khô, cái miếng thịt gà ngoài thì giòn nhưng mà bên trong nó vẫn juicy, mà nó hợp với cái thị trường hiện đại bây giờ là người ta thích healthy food.

Hưng Việt: Thưa anh, như vậy để phục vụ một số khách hàng ra vào nườm nượp như chúng tôi chứng kiến từ hồi trưa tới giờ đó, thì ở trong tiệm cần phải có bao nhiêu người làm việc cả thảy, và tất cả những người đó đều làm từ 5h sáng cho tới 2h30 chiều như anh chị hay là chia giờ ra?

Quí Trần: Dạ chỉ vợ chồng Quí 4h sáng đã có mặt tại shop để chuẩn bị thức ăn cho đến 8 giờ hoặc 8 giờ 30 thì nhân viên mới đến, giờ mở cửa từ 5 giờ sáng đến 2 giờ 30 chiều thì đa số những người mẹ phải đưa con đi học rồi đón con về cho nên rất phù hợp làm những công việc này.
05 - Cảnh nhộn nhịp trong shop.jpg
Cảnh nhộn nhịp trong shop
Nhưng riêng Quí là người cuối cùng ở lại để clean up dọn dẹp và chuẩn bị những thức ăn cho ngày hôm sau. Cho nên Quí ở lại cho đến khi 5 giờ, 6 giờ hoặc 7 giờ, có thể trễ hơn nữa nếu như có những cái order lớn khoảng 100, 200 meals. Và thậm chí nhiều khi có thể ở đến 12 giờ đêm.

Đầu bếp chính là Quí và vợ Quí, hai vợ chồng đều nấu nướng mỗi người một khâu, chẳng hạn như Quí sẽ phụ trách về những món nướng, những món chiên, vợ Quí sẽ chuẩn bị những món xào hoặc là những món salad, những món thức ăn lạnh.

Hưng Việt: Như vậy, ở cái quán của anh chị đó có bán những món thuần túy Việt Nam hay không?

Quí Trần: Dạ có, chẳng hạn như bánh mì thịt, bún chả giò, bún nem nướng, bún chạo tôm, cà phê sữa đá, gỏi cuốn… Và có những món ăn không riêng về Á Châu mà có cả những món ăn Âu Châu, chẳng hạn như món Terayaki Chicken, or Turkey Roll Hoặc là món sushi, khách hàng yêu cầu, hay là các món roll, món wrap, món muffin, mà mỗi buổi sáng khách hàng thường đặt. Rất nhiều món ăn khác nhau. Cộng thêm nếu khách yêu cầu thì ở đây Quí có thể làm những món ăn đặc biệt đó cho khách. Và đặc biệt theo túi tiền của khách hàng và đặc biệt một điều nữa là ở đây Quí có dịch vụ delivery miễn phí, chính Quí sẽ mang đến giao tận nơi cho các hãng xưởng hoặc các văn phòng trường học.

Mỹ Dung: Đó là với những cái order lớn phải không anh?

Quí Trần: Dạ. Quí có cả dịch vụ mobile delivery hoặc là Quí sẽ có một dàn equiptment sẽ đem đến tận nơi và nấu tại chỗ, phục vụ tại chỗ cho khách hàng nếu khách hàng yêu cầu những order lớn. Đó là những order cuối tuần thôi chứ trong tuần thì không thể làm được.

Mỹ Dung: Dạ, vậy theo anh thì bí quyết cho một cái shop takeaway thành công là gì hả anh?

Quí Trần: Dạ, Quí không dám nói là thành công nhưng mà cái bí quyết theo cái quan điểm cá nhân của Quí thì phải cố gắng, phải nỗ lực hết sức, nhất là vào giai đoạn đầu mới bắt đầu gầy dựng, sau khi ổn định thì chúng ta phải có những cái sáng tạo mới, phải có những món ăn mới và phải có những cách phục vụ mới, hoặc là những cái quảng cáo mới đến với khách hàng và đặc biệt không giống những nơi khác thì mình mới được chú ý. Đó là cái may mắn là gia đình Quí đã đồng lòng, đoàn kết để làm nên được việc đó.

Sáu tháng đầu tiên, Quí bỏ thời gian rất nhiều, 4 giờ sáng Quí có mặt tại đây và đến 8 giờ tối Quí mới rời khỏi shop. Lý do là Quí muốn tìm hiểu thị trường và tìm hiểu thị hiếu của khách hàng. Sau khi mình biết được cái sở thích của khách hàng và những món ăn nào phù hợp với địa phương, thì lúc đó Quí sẽ làm ra những món ăn khác lạ với những nơi khác để đưa ra cho khách hàng thì người ta sẽ đón nhận.

04 - Khách hàng Dylan Kearley.jpg
Khách hàng Dylan Kearley
Hưng Việt: Tôi hỏi chuyện một khách hàng tên Dylan. How often do you come here?

Dylan Kearley: Maybe four times a week but mainly about three. they're very friendly and their service is really really good and yeah. It's just a nice environment to be here in the snack bar.

I work near here and I live not too far from here as well.

The food is, most of it or nearly all of it, is homemade and they make it here, That is why I like it, because it's healthy. Yeah. And I always come down and have a coffee, a chicken burger or something on the menu and yeah I just enjoy their food, it's just really nice and you can come here and relax and watch TV.

Dylan Kearley: They're very very good people, very lovely people and yeah I get on really well with them.

Hưng Việt: Thank you very much. Và sau đây chúng ta trở lại câu chuyện cùng anh Tommy Quí Trần.

Hưng Việt: Một câu hỏi nữa mà tôi muốn hỏi là anh cũng là một người có những sinh hoạt đóng góp ở trong cộng đồng người Việt của mình ở Brisbane rất là nhiều. Một cái thí dụ tôi còn nhớ là trong những cái buổi sinh hoạt của trường Việt ngữ mà hai cháu đi theo học, anh chị cũng có cống hiến và đóng góp những món thức ăn từ cái tiệm của anh chị. Thì quan điểm của anh và chị đối với lại sự đóng góp của những cá nhân như mình, mỗi người một phương diện, vào sinh hoạt của cộng đồng nó quan trọng đến mức nào?

Quí Trần: Dạ, Quí là một người tỵ nạn đến Úc này năm 1992, còn vợ thì đến năm 1994. Hai vợ chồng tuy ở cùng đảo Galang, không biết nhau, may mắn khi qua đến Úc có cơ hội gặp nhau, thì đó là một cái duyên và có một cái tình cảm đặc biệt khi hỏi thăm nhau cùng một trại tị nạn, rồi từ đó hai người nảy sinh cái tình cảm và đến với nhau.

Do đó Quí nghĩ là cái vấn đề cộng đồng rất quan trọng. Riêng cá nhân Quí và cũng như nói chung với tất cả những người Việt Nam xa xứ, mình xa quê hương, xa gia đình, khi đến một xứ lạ quê người thì mình rất cần cộng đồng, rất cần những người cùng màu da, cùng hoàn cảnh với nhau để gần gũi, chia sẻ, gắn bó với nhau.

Cho nên mỗi một người có một sự đóng góp trong cộng đồng thì cộng đồng càng ngày càng đoàn kết, càng lớn mạnh, thì Quí nghĩ đó là điều nên làm. Cho nên nếu Quí có cơ hội, Quí sẵn sàng lúc nào cũng cống hiến và đóng góp cho cộng đồng. Mà không riêng gì Quí, Quí thường dạy các con cũng vậy cho nên rất thích thú để làm những cái công việc cộng đồng và đóng góp cống hiến cho cộng đồng.

Hưng Việt: Dạ thưa anh Quí, có một điều mà chúng ta đều biết là hiện nay chúng ta có một cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt, chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng thì như thế nó có ảnh hưởng gì nhiều đến cái tiệm take away như của anh chị hay không?

Quí Trần: Dạ ảnh hưởng rất nhiều. Tình hình kinh tế khó khăn thì hầu như mọi người đều tiết kiệm, đều cắt giảm bớt những phần ăn hoặc là tự mình làm thức ăn mang theo. Điều Quí có thể làm được là vợ chồng Quí lấy công làm lời, vừa túi tiền của người công nhân trong cái thời điểm khó khăn này và những món ăn của mình là những món ăn homemade.
06 - Gia đình anh chị Quí Trần đồng tâm hiệp lực.jpg
Gia đình anh chị Quí Trần đồng tâm hiệp lực
Hưng Việt: Cảm ơn anh Quí rất nhiều. Dạ cuối cùng thì anh Quí còn có điều chi anh muốn chia sẻ với lại thính giả của chúng ta hay không?

Quí Trần: Dạ, Quí rất cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung đã cho Quí cơ hội ngày hôm nay để nói lên những nỗi niềm của mình. Thì thật sự mà nói có rất nhiều để muốn chia sẻ, muốn nói. Thì hôm nay nhân cơ hội này, Quí xin trước hết cảm ơn rất nhiều bà Ớt của Quí, những người khác thì kêu là bà xã nhưng mà riêng Quí gọi là bà Ớt đã cùng kham cộng khổ không ngại gian nan để vượt qua mọi khó khăn để có được ngày hôm nay.

Kế đến cảm ơn hai người mẹ đã giúp đỡ từ vật chất lẫn tinh thần cho vợ chồng Quí rất nhiều, đó là mẹ của Quí và mẹ vợ.

Rồi Quí muốn nhắc đến một người rất đặc biệt mà Quí gọi là sư phụ, tên là Michael Lam, chú đã giúp cho tụi con rất nhiều, hết shop này đến shop khác, từ tư gia cho đến business, mỗi khi bất cứ lúc nào cần đến chú, chú sẵn sàng, chú giúp. Cái điều mà đặc biệt trước đây con chưa từng nói ra, ngày hôm nay con mượn cái đài SBS để nói lên cái lời cảm ơn tận đáy lòng của tụi con gửi đến với chú, con cảm ơn chú nhiều lắm.

Và sau đây Quí xin thành thật cảm ơn tất cả những anh chị em, những nhân viên đã từng giúp cho vợ chồng Quí để có được ngày hôm nay. Nếu không có tất cả mọi người thì vợ chồng Quí thực sự không làm nổi.

Ngoài ra Quí cũng xin thành thật cảm ơn đến tất cả những khách hàng đã và đang ủng hộ cho vợ chồng Quí cũng như business của Quí. Quí xin hứa nếu gia đình Quí còn làm business này thì gia đình sẽ cố gắng tìm những sáng tạo mới, những món ăn mới để phục vụ đến khách hàng và đưa những món ăn này đi đến mọi nơi. Đó là cái niềm mơ ước của Quí, mà không riêng gì những món ăn Việt mà mình có thể chế biến những món ăn Tây để cho những người khách địa phương cái đất nước, cái nơi mà đã cưu mang chúng ta và đó là một cái điều nhỏ nhoi mà Quí muốn đền đáp lại những cái sự cưu mang giúp đỡ đó. Dạ xin cảm ơn rất nhiều.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn anh Quí Trần rất là nhiều, shop thật là bận rộn mà anh cũng dành thời gian quý báu của anh cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Kính chúc anh chị và gia đình được nhiều sức khỏe, luôn luôn buôn may bán đắt và thành công trên tất cả mọi phương diện. Xin cảm ơn anh rất nhiều

Quí Trần: Xin cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung và xin cảm ơn thính giả của Đài SBS đã nghe những lời chia sẻ. Xin thành thật cảm ơn.

Mỹ Dung: Dạ xin cảm ơn anh Quí Trần.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 

 

 

Share