Chuyện Queensland: Quà Xuân cho thương phế binh

05 - Anh Andy Lê.jpg

Andy Le

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm với anh Andy Lê Anh Vũ, một trong số các bạn trẻ hàng năm vẫn quyên góp cho các thương phế binh ở quê nhà.


Chiến tranh qua đi, có những người vĩnh viễn ngã xuống, nhưng cũng có những người đã để lại một phần thân thể cho quê hương. Như nhà thơ Kim Chi có viết:

Anh gửi lại một bàn tay cho đất.
Anh trở về, một bàn tay đã mất.
Xếp tàn y ngồi hát tựa ru mình

(Tặng anh, người hát bài Biển mặn)

Dù họ không bao giờ đòi hỏi ai thấu hiểu được những mất mát hy sinh thầm lặng đó, nhưng vẫn còn những bạn trẻ hàng năm vẫn quyên góp cho các thương phế binh ở quê nhà.

Chúng tôi đã trò chuyện với Andy Lê, trong ban tổ chức chương trình Món Quà Xuân Thương Phế Binh.

Hưng Việt: Dạ xin chào anh Andy.

Andy Lê: Xin kính chào chú Việt, chào chị Mỹ Dung và kính chào quý thính giả của SBS.

Mỹ Dung: Dạ xin chào anh Andy. Trước tiên hết thì xin anh có thể cho biết động lực nào mà thúc đẩy anh làm cái công việc giúp đỡ các thương phế binh như vậy không hả anh?

Andy Lê: Dạ để trả lời câu hỏi thì Andy xin được dài dòng một chút xíu. Khi mà còn ở trong nước, thì do sự bưng bít thông tin cũng như là bóp méo lịch sử, nên Andy chưa hề biết về sự tồn tại của những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, những người đã hy sinh tuổi trẻ cũng như một phần thân thể để bảo vệ miền Nam.

Khi được đến Úc định cư, với sự phát triển của Internet nên Andy có nhiều cơ hội để tìm hiểu lịch sử về cuộc chiến Việt Nam. Hơn nữa, ba của Andy cũng từng là một người lính, nhưng được cái may mắn là ông đã trở về với nguyên vẹn hình hài sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Có thể nói những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã gánh đi cái nỗi bất hạnh cho những người còn lại. Và chính vì lẽ đó Andy nghĩ mình nên có bổn phận và trách nhiệm để giúp đỡ họ, dù là không nhiều với khả năng của mình thôi chứ không phải là lớn lao gì để trả ơn họ, mặc dù cái ơn của họ, họ không bao giờ đòi.

Sau khi tham gia Facebook vào năm 2013 Andy đã tham gia kêu gọi đóng góp và giúp đỡ những người thương phế binh.

Ban đầu chỉ là kêu gọi giúp cung cấp xe lăn, trợ giúp một phần nhỏ tiền viện phí mỗi khi có người thương phế binh nào đó cần phẫu thuật hay gì đó, rồi sau đó là chuyển qua giúp xe lắc tay, rồi sau này giúp trang bị những cái bình điện cho những chiếc xe đó để cho những chú thương phế binh đó họ đi bán vé số. Đến cuối năm 2014 là lần đầu tiên nhóm ra mắt chương trình Món Quà Xuân Thương Phế Binh 1, mục đích là để anh em thiện nguyện viên bên đó họ có cơ hội đến thăm hỏi và họ tặng một món quà nho nhỏ cho các chú thương phế binh vào dịp cuối năm, và đến hôm nay, nhóm đang chuẩn bị cho món quà Xuân lần thứ 10 rồi đó chị.

Hưng Việt: Thưa anh, anh có đề cập đến nhóm các anh em bạn bè làm việc ở Việt Nam thì anh có thể cho biết là có bao nhiêu người ở trong nhóm cả thảy và những người đó làm việc ở những vùng nào?

Andy Lê: Dạ đây là một nhóm của những cá nhân chứ không phải là một hội đoàn hay một tổ chức nào cả, vài anh em khoảng chừng sáu, bảy người có cùng một cái suy nghĩ cho nên họp lại thành một nhóm đặt tên là nhóm Đồng Tâm.

Andy chịu trách nhiệm kêu gọi tài chánh ở đây, sau đó gửi tiền về Việt Nam qua dịch vụ cho các anh em thiện nguyên viên bên đó, từ đó họ sẽ chia ra những phần quà cho mỗi vùng. Thí dụ như ở ngoài miền Trung thì cho thiện nguyện viên chịu trách nhiệm các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Huế chẳng hạn, rồi anh em ở trong Sài Gòn thì họ chịu trách nhiệm một vùng đó bao nhiêu phần quà, hoặc là ở miền Tây, Vĩnh Long, Cần Thơ này kia đó được bao nhiêu phần quà, rồi thiện nguyện viên của mỗi vùng sẽ tự sắp xếp thời gian thích hợp để đi tặng quà.

Và xin nói rõ đây là nhóm kêu gọi tài chánh cho mỗi chương trình, có nghĩa là thí dụ ở bên này mình kêu gọi được 100 phần quà là 150 triệu đi, thì mình sẽ tặng hết 150 triệu đó không giữ lại một đồng nào hết. Trong khoảng thời gian giữa năm mình có cần cho gì thì mình kêu gọi cho cái mục đích riêng đó chứ cái nhóm của Andy là tuyệt đối không giữ lại quỹ.
02 - TPB Đặng Đình Khoa - miền Tây.jpg
Thương phỗ binh Đắng Đình Khoa
Hưng Việt: Rồi như vậy khi mà anh chuyển cái số tiền quyên được ở đây về Việt Nam thì ai là người quyết định bao nhiêu tiền đi cái vùng này, bao nhiêu tiền đi cái vùng kia?

Andy Lê: Dạ, anh em có mở cái chatroom giống như sinh hoạt bên ngoài vậy đó, mình chia sẻ thông tin, rồi mình bàn, mình đưa ra một quyết định, mình có thể phân phối quà cho nó hợp lý, chứ không nhất thiết là vùng này 20 phần vùng kia phải 20 phần, mà tùy theo tình trạng thực tế.

Hưng Việt: Thưa anh, số thương phế binh cần được trợ giúp đó thì các anh chị thu thập những cái chi tiết, những cái thông tin từ đâu để biết được?

Andy Lê: Dạ đa số thông tin cũng đến từ hội đoàn thôi nhưng mà bạn bè có đi kiểm chứng rồi cung cấp cho mình. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp là những chú thương phế binh đó họ quen biết họ cung cấp hồ sơ.

Hoặc là cũng có trường hợp anh em thiện nguyên viên trên bước đường mưu sinh của họ, thì họ thấy một người tàn tật bán vé số thì họ lại bắt chuyện, họ hỏi thăm. Nếu là thương phế binh thì mình đưa vô danh sách.

Hưng Việt: Như vậy theo tình hình hiện nay đó, số thương phế binh mà nhóm của quý anh chị giúp đỡ đó là vào khoảng bao nhiêu người?

Andy Lê: Dạ do giới hạn về tài chánh cho nên số chú thương phế binh mà nhóm đưa vô chương trình khoảng trên dưới 100 thôi và danh sách đó sẽ được cập nhật mỗi năm, thí dụ như trải qua một năm đó thì có nhiều chú thương phế binh qua đời thì mình thay thế hồ sơ khác.

Cái tiêu chí làm việc của nhóm là thà giúp lầm hơn bỏ sót. Nếu mình lầm thì xem như mình giúp một người tàn tật, không có mất mát gì hết. Nhưng mà nếu mình bỏ sót thì mình không có thể tha thứ được cho nên là không có đặt nặng lắm mức độ chính xác của cái hồ sơ đó. Cho dù những cái chú thương phế binh đó trước kia họ không phải là thương phế binh, họ chỉ là lính thôi. Nhưng mà bây giờ là do tuổi già sức yếu rồi họ bị tai biến mạch máu não hay là bị nhiều cái bệnh tật khác cho nên họ không còn khả năng làm việc nữa. Mình cứ xí xóa đi, mình coi như đó là một thương phế binh thôi, mình đưa vô danh sách thì cũng không có cái gì mà gọi là sai lầm.

Hưng Việt: Thưa anh, những cái phần quà mà các anh biếu tặng các thương phế binh đó thì có đồng đều với nhau hay không hay là khác biệt nhau ít nhiều là tùy theo cái tình trạng phế tật của cái người được giúp.

Andy Lê: Dạ thưa một năm mình chỉ có một phần quà thôi, nói quà vậy thôi chứ thật ra nó chỉ là món quà tinh thần là chánh chứ một món quà như vậy mình cũng không giúp ích được gì cho cả năm của một chú thương phế binh cho nên món quà chỉ gói ghém trong độ từ một triệu tới một triệu rưỡi thôi. Đúng ra là khoảng 100 đô. Khi mà những anh em ở mỗi vùng khác nhau thì họ sẽ có thời gian đi tặng quà khác nhau, thì cái tỷ giá hối đoái thay đổi từng ngày. Mà nếu mình tặng tiền đô, thì những chú thương phế binh ở vùng rất là xa, họ cầm 100 đô họ không biết làm gì, họ phải đi đổi. Còn nếu mình tặng tiền Việt đó, thì hôm nay mình tặng cho chú thương phế binh ở vùng này là một triệu rưỡi 20 ngàn nhưng mà hai tuần sau thì cái số tiền nó có thể lên là một triệu sáu, nhiều khi thông tin chia sẻ với nhau rồi họ không có hiểu họ nghĩ là thiện nguyện viên cắt xén phần này phần kia, cho nên nó rất là khó khăn cho anh em thiện nguyện viên. Để tránh tai tiếng như vậy cho nên anh em họp lại với nhau thôi Bây giờ mình một triệu rưỡi thì nó cũng là gần khoảng 100 đô thôi Mình lấy một triệu rưỡi mình chia đều ra hết đi Nếu có dư ra thì mình thêm được phần quà, còn nếu thiếu thì mình kêu họ thêm vậy thôi.

Mỹ Dung: Dạ, trong cái quá trình làm công việc này thì chắc là anh gặp cũng không hiếm những cái trường hợp thương tâm thì anh có thể chia sẻ một hai trường hợp được không anh?

Andy Lê: Dạ, trong suốt 10 năm làm việc thì đương nhiên có rất nhiều trường hợp thương tâm, rất là đau lòng, nhưng vì khả năng tài chánh hạn hẹp cho nên anh em cũng không làm gì được, nhưng mà Andy xin kể ra một vài trường hợp điển hình, thí dụ như chú Nguyễn Duy Anh, không có vợ con, không giấy tờ, nhà cửa cũng không có, sống tạm bợ trên một chiếc ghe hàng ngày phải lên bờ đi bán vé số, mưu sinh rồi tối về ngủ trên ghe, suốt nhiều năm như vậy đó. Đó là một trường hợp thôi nha, rất là nhiều trường hợp đáng quan tâm hơn.

Cái may mắn là có một cái chị kia ở Brisbane thì lâu lâu chỉ gửi cho Andy 500, 1000 thì chỉ nói là muốn giúp ai đó thì giúp, chị giấu tên thôi. Mà có nhiều trường hợp thì mình phải san sẻ ra thí dụ chú đó vậy rồi những chú khác ở những vùng khác cũng thương tâm cho nên mình cứ chia cái số tiền đó ra thì mình kéo dài được bao lâu hay bấy nhiêu.

Còn một cái trường hợp nữa chú kia là thương phế binh, mà vợ của chú bị thương do pháo kích, chú bị cụt một chân, vợ chú bị cụt một chân, rồi anh em tới tận nhà cố gắng giúp để gắn cái bình điện vô chiếc xe lắc tay để chú chạy bằng bình, đỡ hơn là lắc bằng cái tay.

Andy quên nhấn mạnh một cái về cách thức làm việc của nhóm là anh em đem quà đến trao tận tay mấy chú chứ không có gửi qua dịch vụ.
03 - TPB Phạm Văn Tư - miền Tây.jpg
Thương phế binh Phạm Văn Tư
Hưng Việt: Dạ thưa anh, khi mà các anh thương phế binh nhận được những món quà từ các anh chị trong nhóm trao đến, thì phản hồi từ những vị thương phế binh đó ra sao?

Andy Lê: Dạ thưa chú, các chú rất là vui tại vì không những họ nhận được cái món quà nho nhỏ trước Tết, mà họ còn đón anh em thiện nguyện viên như là con cháu về quê trước dịp Tết vậy đó. Tại vì nhiều khi anh em thiện nguyện viên đi, họ có cho những đứa con nhỏ đi theo nữa. Hơn nữa cách mà nhóm tặng quà không có đơn giản là mình cầm tiền mình trao, không phải như vậy, mà là họ bỏ vô một cái bao thơ đàng hoàng, trên cái bìa thơ đó có in ra chứ không phải là ghi bằng tay là “Cung Chúc Tân Xuân” đại khái giống như là một cái thiệp vậy đó, rồi có đề chủ đề của cái Món Quà Xuân. Có một năm là cái chủ đề là “Những Món Quà Xuân còn lại” tại vì bây giờ mình đâu biết được là cái chương trình Quà Xuân kết thúc khi nào khi mà những chú thương phế binh đã lần lượt qua đời hết, cho nên mới có chữ “còn lại” – có nghĩa là đếm từng ngày.

Có một cái chú thương phế binh tên là Nguyễn Văn Sơn, thương phế binh biệt động quân thì chú nhận được cái món quà, chú nhìn cái bì thư đó chú rất là xúc động, chú nói là “không ngờ là mình vẫn còn được nhớ tới, mình không có hề bị bỏ quên”. Thì còn một cái chú thương phế binh khác tên là Lý Văn Vương thì chú giữ lại hết những cái bì thư đó. Anh em trong nhóm còn cái idea nữa là in cái logo, cái huy hiệu của mỗi binh chủng, cho nên mấy chú rất là quý, giống như nhắc nhở họ lại một cái gì đó nó rất là đẹp cho nên họ giữ lại cái bì thư.

Hưng Việt: Anh em có những cái sáng kiến rất là hay bởi vì không phải chỉ chuyển những món quà không mà thôi mà tôi nghĩ là chuyển cái tâm, cái tâm tư của một người con, một người cháu, của các vị cựu quân nhân, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đến cho các chú. Thành ra các chú bồi hồi, xúc động là một điều không có gì mà ngạc nhiên cả.

Thưa anh, sự quyên góp của anh chỉ giới hạn ở Brisbane hay là mở rộng ra trên khắp nước Úc hay là các thành phố khác?

Andy Lê: Dạ, như chú cũng đã thấy, thì Andy kêu gọi trên Facebook. Hơn nữa, Andy không phải là người của công chúng cho nên rất là khó để gây quỹ ở bên ngoài. Cái may mắn là Andy có rất là nhiều bạn bè và họ đồng cảm, hưởng ứng, giúp đỡ những chú thương phế binh. Mỗi lần kêu gọi thì có những anh chị em Brisbane cũng có, Sydney, Melbourne, Perth cũng có. Và thậm chí có chị kia ở bên Canada đứng ra chỉ kêu gọi bạn bè ở bên Canada. Rồi có nhiều bạn bè ở bên Mỹ. Có một số người họ quen biết với anh em thiện nguyện viên ở trong nước thì họ cũng đóng góp.

Hưng Việt: Anh Andy có dự định phát triển rộng rãi hơn cái sự quyên góp hay không, thí dụ như anh ra Hội Chợ Tết xin mở một cái gian hàng, hay là anh mời gọi các văn nghệ sĩ ở đây hợp tác với anh để tổ chức một đêm văn nghệ để mà lạc quyên cho cái công việc của anh làm hay không?

Andy Lê: Dạ, gian hàng hội chợ Tết thì Andy cũng đã từng nghĩ qua. Mình có thể mở một cái gian hàng Chụp hình vui Xuân có trang trí theo kiểu Tết cổ truyền rồi mình chụp hình, tại vì Andy có quen biết các anh em nhiếp ảnh ở Brisbane này cho nên có thể kêu gọi họ giúp đỡ. Còn nếu mà nói về để tổ chức một cái đêm văn nghệ gây quỹ thì rất là khó cho một cá nhân. Cái này giống như là giúp đỡ thương phế binh không phải thuần túy là làm từ thiện cho nên với tư cách cá nhân mà mình làm một cái chương trình để kêu gọi quyên góp thì nó rất là khó.

Mỹ Dung: Dạ thưa anh, trong quá trình anh làm việc thì nhóm có gặp những trở ngại, khó khăn gì không hả anh?

Andy Lê: Dạ thưa chị đương nhiên khó khăn thì lúc nào cũng có rồi nhưng mà Andy làm cái này giống như là một cái sở thích của mình vậy đó. Mình giúp cho một người khi mà họ có một nụ cười thì mình cảm thấy trong lòng mình rất là thoải mái. Chính vì vậy Andy sẽ cố gắng loại đi những cái khó khăn, trở ngại nhỏ đó, để mình tiếp tục được công việc.

Nói về tình hình khó khăn của anh em thiện nguyện viên trong nước á, thì họ là ai, họ cũng là một người bình thường, họ cũng phải mưu sinh để nuôi gia đình. Cho nên cái khó khăn là nhiều khi mình mình có tám tuần để chuẩn bị cho cái chương trình món quà Xuân, mục đích ban đầu là muốn đem quà tới trước Tết. Nhưng mà thời giờ của anh em thiện nguyện cũng rất eo hẹp cho nên đôi khi họ không thể nào mang hết những cái phần quà đó trước Tết được.

Hưng Việt: Thưa anh, khi mà quý thính giả nghe được cái chương trình này mà muốn đóng góp đó thì có quá trễ cho cái chương trình Món Quà Xuân năm nay hay không?

Andy Lê: Dạ, Món Quà Xuân đã trải qua 10 năm rồi. Cho đến bây giờ là Món Quà Xuân Thương Phế Binh, thường thường là nhóm anh em chuẩn bị khoảng từ sáu tuần tới tám tuần anh em sẽ tặng quà sau Tết chứ không có nhất thiết là phải trước Tết cho nên nếu mà quý thính giả mà muốn biết về cái chương trình hoặc là muốn đóng góp thì nhóm vẫn sẽ tiếp tục nhận, nhận cái trách nhiệm đó, thật ra anh em chỉ là nhịp cầu chuyển tiếp giữa người đóng góp và những chú thương phế binh thôi. Cái việc đóng góp không có giới hạn, cái ngày deadline.
04 - Một TPB khác.jpg
Mỹ Dung: Dạ, cuối cùng thì anh Andy còn có điều gì muốn chia sẻ với thính giả nữa hay không?

Andy Lê: Dạ thì trong mười năm qua, nhận thấy các chú thương phế binh nay đã già yếu, phần thì do tuổi tác, phần thì do các vết thương cũ hành hạ, cũng như điều kiện sinh hoạt thiếu thốn chỉ vỏn vẹn trong cái danh sách chừng 100 chú thương phế binh lúc ban đầu thôi, thì bây giờ là cũng trên 20 chú đã mất rồi.

Trước khi dứt lời xin phép cho Andy kể lại một trường hợp đáng nhớ của nhóm. Đó là trường hợp của chú thương phế binh Phan Văn Bửa ở Củ Chi. Andy nhớ hình như vào Món Quà Xuân năm 2016 anh em thiện nguyện viên tới tặng quà cho chú, chú rất vui vẻ, chú có hát một bài vọng cổ để tặng mọi người trước dịp Tết, thì hai tuần sau đó anh em đang tặng quà những vùng khác thì hay tin chú Bửa qua đời. Anh em rất là buồn nhưng mà họ cũng an ủi là dù sao mình cũng đã mang cái món quà Xuân cuối cùng vừa kịp lúc đến cho người thương phế binh.

Chính vì vậy chúng ta nếu có điều kiện thì nên giúp đỡ họ trước khi quá muộn.

Hưng Việt: Nghe anh Andy kể lời cái trường hợp cuối cùng như vậy rất là thương tâm và cảm động. Tấm lòng của quý anh chị nghĩ về các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa như vậy rất là quý báu và rất xứng đáng để nhận được sự hỗ trợ từ đông đảo quý đồng hương ở đây cũng như ở các nơi khác.

Thay mặt cho thính giả và cô Mỹ Dung chúng tôi xin thành thật cảm ơn anh Andy cũng như các anh chị đã có một cái tấm lòng và có những cái hành động cụ thể để giúp đỡ những người mà đã bỏ một phần thân thể, một phần cuộc đời của họ để bảo vệ cho miền Nam. Thành thật cảm ơn anh Andy và quý anh chị một lần nữa và kính chúc các anh chị trong nhóm được dồi dào sức khỏe để tiếp tục làm cái công việc hữu ích này.

Andy Lê: Dạ xin chào tạm biệt chú Việt và chị Mỹ Dung và xin chào tạm biệt quý thính giả.

Mỹ Dung: Dạ xin chào anh Andy, cảm ơn.

Muốn biết thêm chi tiết, quý vị có thể liên lạc anh Andy qua số phone: 0433 797 556 hay qua Facebook “Andy Le”.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 


Share