Chuyện Queensland: Phật tử Chùa Pháp Quang

06 - Ban bán thức ăn.jpg

Ban bán thức ăn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ở bất kỳ một ngôi chùa hay một giáo đường nào, đàng sau vị Hòa thượng trụ trì hay vị Linh mục chủ chiên là một đội ngũ thiện nguyện viên âm thầm làm việc để giúp đỡ cho các việc thờ phượng và tu tập được tiến hành tốt đẹp.


Chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện sau đây của chúng tôi với một vài nữ Phật tử hằng tâm đến chùa Pháp Quang để đóng góp vào Phật sự của chùa.

Trước tiên chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của chị Võ Kiều Oanh, để biết được nguyên nhân thành lập chùa Pháp Quang và gia đình Phật tử Chánh Quang.

Hưng Việt: Dạ thưa chị Oanh, chị đã từng là huynh trưởng của gia đình Phật tử Chánh Quang ở đây, thì chị đã sinh hoạt với chùa này được bao nhiêu năm rồi thưa chị?

Oanh Võ: Sau năm 1975, khi mà làn sóng người tỵ nạn rời khỏi Việt Nam thì gia đình cũng rất là may mắn là rời khỏi Việt Nam vào cái thời điểm đó. Khi mà đến đây thì chưa có chùa, chưa có Thầy, chưa có hình bóng tăng ni nào hết. Vì nhu cầu Phật sự, do đó mà mới thuê tạm một cái phòng ở vùng Corinda để làm cái Niệm Phật Đường, để có nơi quy tụ cho đồng hương Phật tử.

Mãi đến năm 1982, do sự giới thiệu của Đại đức Thích Bảo Lạc thì mới thỉnh được Thầy Thích Nhật Tân từ bên trại tỵ nạn Thái Lan qua. Thầy qua rồi thì thành lập gia đình Phật tử Chánh Quang tiếp tục sinh hoạt. Sau này cơ duyên đưa đẩy đổi nhiều chỗ, rồi ở đó bị cháy mới về Darra rồi mới về Oxley, lúc đó Thầy mới kêu gọi Phật tử thì mới mua được cái nơi này là số 12 Freeman Road, Durack để làm sinh hoạt cho tới bây giờ.

Thầy đến Úc ngày 20/4/1982, mấy tháng sau Thầy mới quy tụ một số những thanh niên. Mình cũng may mắn chút xíu là mình sinh hoạt gia đình Phật tử ở bên Việt Nam. Thầy mới kêu gọi ngồi lại với nhau rồi quy tụ các em trẻ về ra mắt vào cái dịp lễ Vu Lan cái năm đó thì mình sinh hoạt cho tới 23 năm liên tục, sau những dời đổi thì vẫn theo Thầy tới đây và đa số anh chị huynh trưởng lớn tuổi thì cũng không còn sức lực nữa, một số thì có gia đình, cũng bận rộn, từ từ rồi tạm ngưng sinh hoạt lúc đó huynh trưởng cũng mấy chục người rồi đoàn sinh cũng hơn cả trăm. Rất tiếc thì tạm ngưng sinh họat một thời gian, đó là tại không có đủ nhân lực. Rồi cái mấy năm nay thì Thầy không có được khỏe, thành ra công chuyện nó càng bận rộn nữa, thành ra cái vấn đề mà phục hoạt trở lại chắc là sẽ không có nghĩ tới nữa
02 - Chị Oanh Võ.jpg
Chị Oanh Võ
Hưng Việt: Rất đáng tiếc thưa chị. Đó là một cái điều rất là quan trọng trong việc đào tạo cái căn bản đạo đức cho đứa trẻ. Rồi nó lớn lên hi vọng trở thành một người tốt cho xã hội.

Dạ thưa chị có đề cập đến tình trạng sức khỏe của Thầy trong thời gian gần đây không được tốt, thì để cho quý đồng hương Phật tử được an tâm thì chị Oanh có thể vui lòng cho biết là sức khỏe của Thầy hiện nay ra sao hay không?

Oanh Võ: A Di Dà Phật, thì cũng cám ơn quý Phật tử quan tâm sức khỏe của Thầy. Khi mà dọn về đây là hai bàn tay trắng. Mấy bác thời xưa bây giờ mấy bác đã về cõi Phật hết rồi, xây dựng rồi đóng góp hình thành cái ngôi chùa. Đến năm 1999 thì là bắt đầu khởi công để mà đặt đá xây chùa.

Vì Thầy ở đây là nhất tự, nhất sư, một chùa chỉ có một Thầy thôi cũng không có nhiều để phụ. Mấy anh chị cũng bận công chuyện làm ăn thì thỉnh thoảng về chùa được lúc nào mà nhất là cuối tuần thôi, thành ra công việc từ trong ra ngoài Thầy cáng đáng hết. Thầy rất là đơn giản Thầy không muốn Phật tử phải phiền lo cơm nước cho Thầy, Thầy tự lo, Thầy ăn cũng đơn giản, nhiều khi mệt quá rồi ăn mì gói vậy đó.

Thầy là tổng thư ký của Giáo hội công việc càng nhiều nữa. Rồi bắt đầu xây dựng cái chùa thì cũng lúc đó cũng còn gia đình Phật tử phụ với Thầy lo này kia nọ, thì sức khỏe Thầy lúc đó cũng là ok. Nhưng mà khi bắt đầu xây cái hội trường này đó là tại vì Thầy nói là bây giờ sức khỏe của tất cả chúng ta đều đã lớn tuổi rồi, mỗi lần tổ chức này kia mưa gió che lều che bạt đồ, cực khổ quá thành ra làT muốn xây một cái hội trường. Thứ nhất là để cho mấy bác nấu nướng là không có bị mưa gió này kia, một phần nữa là có nơi quy tụ cho Phật tử về làm lễ hay là văn nghệ mình khỏi có vất vả. Thầy mới khởi công để làm. Nhưng mà khi bắt đầu làm thì công chuyện nó quá nhiều, nó ngoài cái sức tưởng tượng của mình, ngoài cái dự định của mình. Khi mà làm thì thay vì mướn người ta đi đổ cái nền bê tông, cốt sắt Thầy cả ngày phải đổ cả mấy tấn, cái trailer là Thầy phải kéo đi đổ rất cực khổ mà những người Phật tử mà ở đây nhìn thấy mới thấy xót, thay vì cái tiền mướn mấy chục ngàn thì Thầy tiết kiệm Thầy đi tự làm thì ngày sức khỏe Thầy càng đi xuống thì Phật tử có quan tâm, nhưng Thầy nói thôi để Thầy làm được cái gì Thầy làm.
01 - Cảnh nhà bếp chùa Pháp Quang.jpg
Cảnh nhà bếp chùa Pháp Quang
Rồi vừa công chuyện của giáo hội, vừa công chuyện của chùa, đủ thứ hết, thì bắt đầu cái sức khỏe Thầy nó suy sụp xuống. Phật tử có khuyên Thầy thôi nghỉ ngơi, khuyên Thầy đi bác sĩ. Thầy nói hổng sao hổng sao. thời gian xong thì Phật tử ở đây nhận xét thấy Thầy xuống tinh thần bị stress dữ quá. Lúc đó thì có quý Thầy cũng lên thăm Thầy, rồi cũng có đưa đi bác sĩ. Tới 2019 thì bắt đầu là thầy hơi mệt thì lúc đó Thầy mới nhập thất với an dưỡng vậy đó. Thì anh Thanh, anh Huệ, rồi mấy Phật tử hồi xưa tới giờ với Thầy đó, mới ngồi lại nói thôi bây giờ là mình lập cái bang Hộ trì tam bảo để mình giúp cho chùa mà lo cho Thầy để Thầy bớt lo, nghỉ dưỡng vậy đó. Thì bây giờ gần năm năm thì sức khỏe của thầy vẫn bình thường, Thầy vẫn ăn uống bình thường, sức khỏe thì cũng bình thường hổng có gì hết, Thầy vẫn còn minh mẫn, mỗi lần công việc Phật sự của tụi tôi làm, thì tụi tôi sẽ vô trình với Thầy, Thầy gật đầu, còn những việc nào thưa với Thầy, Thầy nói hổng cần thì tụi tui không có làm, mọi việc này kia nào đều trình báo với Thầy hết đó, thì hy vọng rằng mấy anh chị vẫn còn sức khỏe vẫn còn cái đạo tâm để mà tiếp tục chung lo.

Hưng Việt: Dạ thưa nghe chị Oanh trình bày là Thầy vẫn khỏe vần ăn uống bình thường rồi thì riêng cá nhân chúng tôi rất là mừng tại vì khi mà chị kể những cái việc mà Thầy làm, đích thân Thầy phải đi xúc từng tấc đất tấc xi măng để đem xây cái hội trường đó thú thật là chúng tôi muốn ứa lệ đó, tại không thể ngờ được là Thầy hy sinh rất nhiều cho chùa, nhưng mà ít nhất bây giờ Thầy vẫn có những lới khuyên để mà các anh các chị cần điều gì để mà Thầy chỉ bảo thì điều đó rất là đáng mừng và chúng tôi tin rằng Phật tử mà nghe được thì cũng rất là vui

Mỹ Dung: Ý thức được sự quan trọng của việc giáo dục tâm thức cho con trẻ, nên cả hai chị Hải Bùi và Hà Nguyễn cùng đưa con đến chùa để gia nhập gia đình Phật tử Chánh Quang, và đó cũng chính là cơ duyên để hai chị có cơ hội làm Phật sự. Như chị Hà Nguyễn chia sẻ:

Hà Nguyễn: Dạ, em đi vô đây cũng mười mấy năm rồi ạ. Hồi xưa thì mấy đứa con nó đi Phật tử, rồi trong thời gian mấy đứa nhỏ làm lễ thì mình rảnh rỗi thời gian sẵn rồi phụ mấy anh chị trong chùa làm luôn.

Dạ làm công quả thì em không có phân biệt việc gì. Chẳng hạn mình thấy lá chùa thì mình quét hay là mình rửa chén làm từ từ thành cái quen, phụ lặt rau cải rồi mình thấy mình chiên đồ được đó, rồi từ từ em thấy đồ em làm ra mấy chị ăn thích thì lúc đó em mới bắt đầu đem đồ em ra bán.
03 - Chị Hà Nguyễn.jpg
Chị Hà Nguyễn
Thường thường thì em phụ ngày thứ Tư với thứ Bảy. Tụi em rảnh ngày nào thì vô, em làm sẵn để đông đá. Rồi có nhiều khi nấu mì thì tùy theo, có nhiều khi 70-80 phần, có khi 100 phần thôi. Tại vì nói chung tụi em cũng lớn tuổi rồi, không có sức để làm.

Dạ, tụi em thay phiên nhau đứa ngồi một góc để nấu đó, rồi mới dồn lại nấu một cái nồi lớn cho chị Oanh chị nấu.

Mỹ Dung: Hay chị Hải Bùi tâm sự:

Hải Bùi: Dạ, nói cơ duyên thì có thể nó cũng lâu lắm rồi. Tôi nói với con tôi là mặc dầu mình sanh tại Úc, mình là người Việt cho dù mình có nói giỏi tiếng Anh cách mấy nhưng mà cái gốc tiếng Việt của mình là không bao giờ mất được cho nên mặc dầu con tôi học trường Úc nhưng mà cuối tuần tôi cũng cho con tôi vô sinh hoạt trong gia đình Phật tử. Thì cái cơ duyên là được vô chùa Pháp Quang này sinh hoạt từ hồi khoảng năm 1987.

Nói cho ngay, cái vấn đề công quả thì nghe nó hơi khách sáo quá. Khi con nó đi sinh hoạt vô chùa vào ngày thứ Bảy thì trong cái thời gian con sinh hoạt thì tui phụ ở chùa rồi những lễ lớn trong năm của chùa là tôi phụ vào cái weekend. Vậy thôi. Còn ngày thường là chỉ đi làm. Cho đến khi con tôi lớn và cho đến khi tôi không đi làm nữa, thì tôi mới có thời gian giúp ở chùa được nhiều hơn. Và hiện tại bây giờ có cháu, nên tôi chỉ giúp được nữa ngày thứ Bảy thôi.

Nếu mà làm công quả trong chùa thì có rất là nhiều việc. Chẳng hạn, thí dụ như hồi mới, tôi chưa biết cái gì hết, tôi phụ các bác, các anh chị lớn tuổi hơn tôi, thì cần cái gì tôi giúp. Chẳng hạn như là rửa chén, hay là xắt rau. như một phụ bếp vậy đó. Cho đến một thời gian mình quen việc chút đỉnh thì những lễ lớn tôi mới phụ hẳn trong nhà bếp. thời mà tôi còn khỏe tôi có thể phụ xào, xắt đồ đủ thứ. Bây giờ đến khi mình càng lớn, sức khỏe mình nó khác hồi xưa thì chỉ bán hàng những ngày lễ lớn thôi, chứ không phải là bán hàng mỗi thứ Bảy như bây giờ.

Mà thực sự bán hàng là để duy trì cho cái sinh hoạt của chùa tự vì mình phải trả những cái chi phí. Tôi chỉ bán mỗi cái thứ Bảy thôi. Vấn đề công quả thì nó không có giới hạn. Bất cứ nếu cái khả năng mình làm được cái gì thì mình làm cái đó thôi.
04 - Chị Hải Bùi.jpg
Chị Hải Bùi
Mỹ Dung: Khác với hai chị Hải Bùi và Hà Nguyễn, cơ duyên chị Tiền Anh Thơ đến chùa làm công quả theo như chị kể là:

Thơ Tiền: Dạ Đúng là tôi có cái duyên may hay là cái phước được sanh ra trong gia đình Phật tử cho nên chưa thôi nôi là má đã ẳm đi quy y rồi và tôi được quy y ở chùa Huê Lâm và thầy tôi là ni trưởng Thượng Hồng Hạ Ẩn, còn có pháp danh khác là sư bà Như Thanh mọi người biết hơn. Thì ngài cũng là vị Ni trưởng của Ni bộ Việt Nam trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Trước đây khi tôi còn ở Darwin, Bắc Úc, thì mỗi lần mà có dịp lễ lạc như là Vu Lan hay là Phật Đản, cũng thường cung thỉnh quý Thầy trong giáo hội đến Darwin, Bắc Úc, để mà chủ trì những cái lễ lớn. Thì trong những vị mà đã cung thỉnh là có Hòa Thượng trụ trì của Chùa Pháp Quang.

Mình là một người Phật tử thì khi mà đến Brisbane, vào khoảng năm hai ngàn lẽ mấy đó thì đi tìm đến chùa chiền thì thấy ngôi chùa mà đến là chùa Pháp Quang. Thật ra, khi mà tôi đến Brisbane, gia đình Phật tử Chánh Quang thì cũng có cái duyên như thế nào đó mà không có còn sinh hoạt mạnh mẽ như trước nữa. Cho nên là khi tôi đến chùa Pháp Quang là chủ yếu là phụ công việc, công quả thấy việc gì cần làm thì làm thôi.

Hưng Việt: Thưa chị, rồi đến lễ Vu lan và lễ Phật đản hai lễ lớn trong năm của Phật giáo thì theo chị nhận thấy thì cái số Phật tử tham dự những buổi lễ đó mỗi năm có tăng thêm hay là nó giảm đi và nếu có tăng lên hay giảm đi thì lý do tại sao?

Thơ Tiền: Cái đó phải có con số liệu thông kê chính xác. Nhưng mà thật ra mắt thường tôi thấy nói chung cho dầu là tất nhiên là trong thời gian đại dịch Covid thì không nói làm gì nhưng mà trước đây và bây giờ thì như năm vừa rồi thì Vu Lan Phật Đản thì số lượng người đến chùa Pháp Quang vẫn đông như xưa tức là trên dưới ngàn người thì tôi nghĩ là số lượng không thay đổi mấy, theo nhận xét riêng của tôi thôi.
05 - Chị Tiền Anh Thơ.jpg
Chị Tiền Anh Thơ
Hưng Việt: Đó là điều đáng mừng thưa chị, bởi vì có thể là cũng sau Covid một thời gian, bà con không được đi dự lễ nữa thì khi có lễ trở lại thì bà con muốn sống lại cái không khí với chùa.

Mỹ Dung: Khi được hỏi về sự quan trọng của việc tiếp thu Phật pháp đối với giới trẻ hiện nay thì chị Hải Bùi tâm sự:

Hải Bùi: Với con tôi, mặc dù tiếng Việt không được gọi là nhuần nhuyễn nhưng ít ra nó cũng học được ý chính của đạo Phật. Mặc dù nó không có tới chùa nhiều vì công việc phải lo gia đình đủ thứ nhưng mà nó nghĩ được căn bản là luật nhân quả là cái tôi mừng nhất. Con tôi nó chỉ giải thích cái luật nhân quả nghĩa là khi mình làm cái gì, mình phải chịu trách nhiệm cho cái hành động của mình làm. với lại luật nhân quả nó còn dạy cho mình biết cái nào đúng, cái nào sai, cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Tôi thấy đó là cái vấn đề căn bản gốc rễ của làm người..

Hưng Việt: Như vậy là quá tốt rồi, cháu đã được đào tạo một cái căn bản đạo đức và điều đó là chắc chắn luôn luôn được áp dụng ở mọi xã hội, mọi tầng lớp.

Mỹ Dung: Như chị Hà Nguyễn chia sẻ:

Hà Nguyễn: Dạ, tụi trẻ bây giờ thì đa số nó thích đi vô chùa chơi. Cũng có nhiều em nó vô nó phụ nhưng mà nó chỉ phụ đôi ba tiếng chứ nó không có phụ giống như tụi em được. Những cái lễ thì mấy em trẻ trẻ có vô phụ, gom những cái thức ăn của người ta ăn đó, gom rác dọn dẹp, những ngày lễ lớn cũng có mấy em vô phụ còn thường thì không có, nhưng mà đa số những em vô phụ là cha mẹ đi vô chùa rồi đem mấy đứa con đi theo nó phụ.

Hưng Việt: Dạ, như vậy cũng là quý rồi thưa chị, là có các bạn trẻ rồi sau này có thể các em có cái cơ duyên rồi tiếp tục để mà giúp việc cho chùa.

Mỹ Dung: Và cuối cùng là lời nhắn gửi của các chị đến quý thính giả:

Oanh Võ: Dạ chùa Pháp Quang cũng rất hân hạnh được đài SBS đến để phỏng vấn. Kính chúc sức khỏe của toàn thể quý đồng hương Phật tử dược nhiều an lạc. Ai theo Phật giáo thì cầu Phật gia hộ còn nếu cầu Chúa gia hộ cho tất cả đều bình an trong cuộc sống.

Thơ Tiền: Dạ cám ơn anh Hưng Việt, cô Mỹ Dung, cũng như khán thính giả của đài SBS đã bỏ thì giờ để nghe tâm sự của những người con Phật, Cũng chúc cho quý đài là cầu nối liên kết giữa cộng đồng người Việt với nhau để chúng ta hiểu nhau hơn.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

07 - Chị Oanh Võ và anh Thanh Hà, một Phật tử đắc lực của Chùa.jpg
Chị Oanh Võ và anh Thanh Hà, một Phật tử đắc lực của Chùa

Share