Chuyện Queensland: Ông Trần Văn Tứ và Nghệ thuật Nhiếp Ảnh

01 - Ông Trần Văn Tứ.jpg

Nhiếp ành gia Trần Văn Tứ

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Một trong những khuôn mặt cao niên mà hầu hết ai nấy trong cộng đồng người Việt ở Brisbane cũng đều biết đến là bác Trần Văn Tứ.


Tuy đã 95 tuổi, bác Trần Văn Tứ vẫn thường xuyên tham dự các sinh hoạt khắp nơi vì vốn dĩ bác đa tài và có vô số kinh nghiệm trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ nhiếp ảnh, qua đến cổ nhạc, sang thể thao võ thuật và ngay cả thi phú.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào bác Trần Văn Tứ.

Trần Văn Tứ: Dạ tôi xin kính chào chú Trần Hưng Việt, và thính giả của Đài SBS.

Hưng Việt: Dạ, kính thưa bác Tứ, xin cảm ơn bác đã dành thời giờ cho buổi mạn đàm ngày hôm nay. Bác là người có rất nhiều tài nghệ về nhiếp ảnh, thể thao, cổ nhạc, rồi thi phú, chưa kể là còn về võ thuật nữa. Hôm nay chúng ta chỉ có đủ thời gian để nói về nhiếp ảnh. Trước hết bác có thể cho biết là bác đã bắt đầu đam mê về cái nghệ thuật này từ hồi nào?

Trần Văn Tứ: Nhiếp ảnh thì ở Việt Nam tôi có học mấy khóa, ba khóa ở Liên Hợp Thanh niên Thành phố. Tôi có học riêng ở ngoài với Lê Văn Khoa ở Hội Việt Mỹ, nhưng mà tôi học lóm thì nhiều lắm, tôi không có tiếng tăm gì đâu. Sau tôi coi về nhiếp ảnh của Liên Hợp Thanh niên Thành Phố, chi hội nhiếp ảnh.

Hưng Việt: Thưa bác, theo bác thấy đó thì cái yếu tố nào quan trọng nhất để trở thành một người nhiếp ảnh viên gọi là xuất sắc. Nó từ cái nội tâm để chụp được cái giây phút đó trong đầu hay là nhờ những cái máy móc hiện đại, những cái phòng tối tối tân?

Trần Văn Tứ: Dạ, thú thật với chú người ta cần máy tối tân này kia, nhiếp ảnh là không cần, cần cái tâm của mình bắt được cái cảnh đó. Mình thưởng thức được cảnh đó với cái bố cục là quan trọng. Cũng từ bức ảnh đó mà người không biết chụp, bức ảnh không có nói. Anh chụp làm sao mà tấm ảnh nói. Nó khó là ở chỗ đó, còn máy lớn máy nhỏ không cần. Và đó là cái bí quyết. Mình phải rung động với cái thiên nhiên. Cũng chỗ đó mình bố cục tấm ảnh nói cái gì. Thành ra cái khó là cái tâm chớ không phải máy.

Hưng Việt: Thưa bác, theo bác thấy thì thường khi mà bác chụp một tấm ảnh thì bác có ở trong đầu là muốn chụp cái cảnh đó, cái người đó, cái sự kiện đó, rồi bác bố trí nó thành một cái bố cục như bác nói. Hay là tình cờ cái giây phút đó bác nhìn thấy một cảnh trời mưa, một cái chiếc cầu hay một cái cô gái ngồi đang ủ rũ, thì cái nào nó hay hơn?

Trần Văn Tứ: Thưa nhiếp ảnh nó có hai phần. Một phần mình muốn chụp đề tài gì, thì mình phải đem dụng cụ đúng. Muốn chụp mặt trời với cái mé biển, mình phải coi mé biển lúc đó mặt trời nằm ở đâu. Mình dọ trước, rồi mình chuẩn bị đồ đi đúng giờ đúng giấc.

Rồi có những cái mà kêu là bất chợt ở ngoài đời. Mình đi dọc đường, lúc này người nhiếp ảnh gia phải có cái máy thật tốt. Gặp một cái ảnh ngoài đường đẹp quá, chụp liền.

Tôi có cái bức ảnh mà Hai mái đầu đó, tôi đi dưới Melbourne, thấy ông già bà già đi trước tôi mà hai mái đầu ngon lắm, tôi đàng sau lấy máy ảnh ra chụp liền, đàng trước thấy đường nhỏ nó túm lại. Mà hai ông bà đi dòm đàng sau ót nó hay hơn.

Còn mình chụp hình chân dung. Mấy ông thầy tui ổng dạy. Thường thường cái người chụp hình, phải nói chuyện với người mẫu 15 phút, mình biết họ loại nào. Nói chuyện xong rồi biết cái mẫu người này liếng thoắng hay là nghiêm nghị. Từ đó mình bố cục chụp cái hình đúng với cái nội tâm của cổ chứ không phải là chụp liền. Giả tỷ như cái cô đó cô liếng thoắng thì mình để cái bộ của cô hơi vui hơi kiểu cách một chút. Lấy cái nội tâm của cổ, phát ứng ra mặt, mình phải nhạy cảm.
03 - Một thoáng suy tư - Giải thưởng Thủ hiến Peter Beattie.jpg
Một thoáng suy tư - Giải thưởng Thủ hiến Peter Beattie
Mà đã chụp chân dung là phải có người hoá trang chứ không thể nào chụp chân dung mà không hoá trang được.

Chứ không phải chụp đẹp là được. Bây giờ anh em chụp đẹp mà anh em không chụp cái nội tâm. Mà kỵ nhất là chụp 90 độ, không bao giờ ôm bức ảnh mà chụp một dãy người mà đứng 90 độ. Vì chụp như vậy đó cái mặt người ta nó dẹp, mà mình chụp 45 độ.

Rồi giả tỷ chỉ chụp ba người, bốn người, trong chụp hình nó không có cân bằng, nó kỵ nhất là cái gì cân bằng. Thành ra trước khi chụp tấm hình phải nghĩ vài phút.

Hưng Việt: Bác nhắc con mới nhớ là một trong những bức ảnh mà bác đã được giải thưởng của ông cựu thủ hiến Peter Beattie có tựa đề là Một thoáng suy tư thì bức ảnh đó rất là hay. Xin bác giải thích thêm.

Trần Văn Tứ: Để tôi nói chú nghe, chú Để hồi đó là đệ tử của tôi về nhiếp ảnh. Ổng từ Sydney lên đây. Bữa đó tôi dẫn ổng ra ngoài cầu Story uống cafe. Cái tôi đi xuống dưới mé sông nó có cái cầu, tôi thấy cái cầu ván mà đèn nhỏ nhỏ nó chiếu ánh sáng quá ngon. Mình thấy môi trường nó rất đẹp, tui nói để chụp cái này về lấy cái phông này rất đã, tui nói ông Để, “ông về ngày mai lại, ông nhớ ông bận đồ nghèo nghèo như vợ đuổi mang cái bị, lấy ánh sáng của cái đường đi ở dưới sông đó làm bối cảnh.” Ngày mai ổng lại, cái ổng bận đồ, mang bị đồ, tui để ổng ngồi đó thì ánh sáng cái đèn sau lưng ổng mà nó nhỏ nhỏ, trong cái background của ông Để đàng sau lưng rồi đen lốm đốm vài đèn trắng, cũng như ông vừa thoát khỏi quốc gia cộng sản. Tui nói làm sao ông dòm đàng trước mà người ta không thấy ông dòm, ông suy nghĩ cũng như ông bên đảo ông sắp được đi qua Úc, ông nửa vui, nửa buồn, mà nửa lo không biết qua bển sao, nửa giờ đồng hồ mà chỉ lấy được con mắt. Cái đó thể hiện mà trong cái nhiếp ảnh về chân dung, con mắt nói 80%. Chụp lên cái thì tui triển lãm ở Council Club liền.

Thì cái ảnh nó được các nhiếp ảnh gia cho trúng giải và tôi được năm trăm. Tấm ảnh đó được chưng ở ga Roma.

Hưng Việt: Dạ thưa bác, cái tựa đề cho một bức ảnh rất là quan trọng và hữu hiệu. Nó vừa ngắn, gọn mà phải nói lên được một cách xúc tích những cái tâm tư mà người nhiếp ảnh gia muốn chuyên chở.

Trần Văn Tứ: Chú hỏi rất đúng, có khi làm một bức ảnh ra rồi mà có khi năm mười năm sau mình mới tìm được cái tên. Mà cái tên nhiếp ảnh là một cái cửa sổ mở ra từ đó họ hiểu mình muốn làm gì. Để những người coi từ đó, họ mới suy tư ra cái tâm tư của mình muốn đặt vào bức ảnh ở cái lãnh vực nào. Có nhiều cái mình bí, tôi để vô đề. Cái tên nhiếp ảnh là một cái quan trọng nhất.

Mà trong nhiếp ảnh á, cái gì nó buồn, nó xa cách, nó mù mù, thì nó đi vô tâm trạng người hơn là cái ảnh đẹp. Tỷ như anh chụp một ông già chống gậy đi trong sương mù, ông già mà ở trỏng đi ra là mất hết rồi, phải ông già đi chống gậy mà thấy cái lưng, cái gì mà mình thấy nó sắp mất thì nó đánh động vô trong cái tâm não của người xem.

Hưng Việt: Theo bác thì bức ảnh nào mà bác cảm thấy là ưng ý nhất trong hàng trăm hàng ngàn bức ảnh bác đã chụp.

Trần Văn Tứ: Bức ảnh Trầm lắng. Tôi diễn tả giữa đêm khuya, đen tối, tôi ngồi ở cái đờn kìm, tôi đàn. Cái đem máy ảnh tôi để xa ba thước. Tôi lấy dây tự động tôi đạp vô chân. Xong rồi chìm trong tối. Tui lấy một cái bóng đèn 5W, tôi bó tròn, tôi rọi ngang cái mặt cây đàn, hên là chụp sao thấy tui ôm cây đàn, hổng cần đẹp mà chụp ngang cây đờn qua thấy những cái phím. Những phím nào mà mất, những phím tới hết cái phim này nó mất dạng Disparaitre dans l’infini. Chứ nếu còn thấy cái cần đờn là bức ảnh vô giá trị. Mình làm sao mà phớt trên mặt đờn, thấy mấy sợi dây thôi. Rồi đi qua lần lần lần tới ngoài này, nó mất. Bức ảnh nó quá đẹp. Bây giờ chụp lại hổng được.

Hưng Việt: Đúng vậy, phải nói là cái cảm hứng nhất thời lúc đó chỉ tới một lần mà thôi.

Trần Văn Tứ: Thành ra, cái nhiếp ảnh đó nó đòi hỏi cao lắm. Những cái dịp hiếm mà tâm sự người ta nói nhiều, anh em chụp được cái đó mới là cao.

Giả tỷ cái khoảng thời gian giữa ngày và đêm đó, cái ánh sáng nó rất là đẹp. Chụp mặt trăng thấy tựa hình chú cuội, rồi anh để lối 8 giờ mặt trăng nó trắng rồi mặt trăng nó mờ. Thành ra đi trước giờ tìm cái hướng, mặt trăng thường thường nó nổi đằng sau nóc chùa, đằng sau cành liễu. Mà anh chụp mặt trăng không giữa trời rộng quen, thành ra tui có cái nghề ghép mặt trăng. Tui chụp hình cầu Story đâu có mặt trăng, tui chụp mặt trăng kia tui đem qua cầu Story. Về nhà tôi làm phòng tối có đồ nghề hết.

Hưng Việt: Thưa bác, bác vừa đề cập tới bác đem vào phòng tối để mà thêm vào những chi tiết đó thì bác có thể cho biết sự quan trọng của việc có riêng cho mình một cái phòng tối để mà mình process những cái bức hình mình chụp không?

Trần Văn Tứ: Cái phòng tối rất là quan trọng. Không cần phải máy tốt nhưng mà cái người chụp biết thì ra bức ảnh nó đẹp. Tỷ giờ anh chụp cái hình đó mà anh muốn bức ảnh nó ra nó đẹp, hay là nó rõ ràng hay là nó mờ mờ thì, nhất định là thuốc, có thuốc nặng, thuốc nhẹ, rồi thời gian hiện nó bao lâu, rồi qua giấy, thì cái đó là cả một nghệ thuật phòng tối. Có nhiều khi cái tai nạn mà nó thành ra một cái phát minh mới.

Hưng Việt: Là sao bác?

Trần Văn Tứ: Là vầy, đồng minh họp tại bên Anh mà Eisenhower là tướng lĩnh. Đức nó gần thất trận rồi, thì đồng minh tính đổ bộ lên Normandy. Cái cuộc mà sắp xếp đổ bộ xuống, tất cả đều phải ghi lợi thì ổng mới cho một ông quay phim, chở ca nô vô trong bờ, ông này ổng quay film mà camera hồi đó vừa quay gió biển cuốn vô nó bít ống kính trắng bách, ông nói thôi chết rồi, ổng lấy khăn mù soa ổng lau ổng để lên nữa, vừa để lên gió, nước biển nó bít trắng sát ổng nói chết rồi, mà tất cả cuộc hành quân này đều nằm trong ống kính.
02 - Hai mái đầu.jpg
Hai mái đầu
Ông nói, thôi nhắm mắt, quay đại nó bít hết ống kính, ổng quay xong ông gửi về, ông nói kỳ này bị chửi. Về nó khen ông quá, kêu “lần này anh quay phim sao rõ quá” ổng nói, “trời ơi tui sợ bị chửi tui nói thiệt” .

Thì nó đưa qua chuyên khoa về ánh sáng thì là trong gió biển nó có muối, nó làm cho ống kính trong. Cái accident vì từ đó mới ra …

Hồi đó máy ảnh người ta làm ống kính đầu nó trắng sát hổng có hóa chất mà lọc cái kính. Từ đó mới có cái đó. Cái hóa chất đó, chất muối nó mới để lên đằng đầu máy ảnh, đằng sau máy ảnh. Thì do cái tai nạn, thành ra từ đó tất cả mấy ảnh đều có cái hóa chất.

Rồi có một cái nữa, hễ chụp chân dung mà hồi nước thuốc mà cho ảnh hiện lên á, tùy mình, đưa thuốc mạnh, đưa thuốc nhẹ, thường thường là 60 second mới đủ, hoặc là 40 gì đó tùy mình muốn làm lấy cái chi tiết.

Thì kỳ đó ông Sabattier ổng chụp chân dung. Có hai chục second, ông đụng công tắc, cái đèn trắng lên, hư rồi! ông hoảng hồn, ông tắt trở lại, ông tính liệng, tới chừng lên tấm hình nó quá đẹp. Tấm hình nó có một cái xảo thuật. Cái mặt người ta nó vừa mờ mờ mà nó vừa không ai làm được.

Cái ổng đem ra ổng chưng, “Trời ơi ông làm cái này đẹp quá nè. Ông làm sao được” mà ông nói, “Tai nạn”. Từ đó trong nhiếp ảnh nó mới có cái kỹ thuật làm mờ mờ bức ảnh, kêu là Solarization là cháy sáng, Sabattier.

Hưng Việt: Thưa bác như vậy, trong kinh nghiệm mấy mươi năm hơn nửa thế kỷ chụp ảnh của bác Bác có gặp cái “tai nạn” nào mà giúp cho bác tạo được một bức hình nghệ thuật không?

Trần Văn Tứ: Dạ không có, nhưng mà có nhiều cái vui, nhiều cái buồn nữa. Cái tâm của mình nó nhạy cảm thì chơi mới được. Cũng như cổ nhạc phải có cái tâm anh ra diễn xuất mới được. Anh học chữ mà anh đờn cũng vậy, lúc mà anh cảm động anh rung tay mới được thì nhiếp ảnh cũng có giây phút nào, anh sống chết với cái cảnh đó, nó cho anh cái ý tưởng, xoay chiều bố cục thế nào. Cái đó là cái nghệ thuật rất cao, anh phải thích nghi, anh phải đau khổ với cảnh đó hay anh vui với cảnh đó anh mới bố cục thì mới được.

Hưng Việt: Dạ thưa bác nói đúng bất cứ nghệ thuật nào muốn thành công, mình phải có cái tâm ở trong đó. Bất cứ nghệ thuật nào.

Trần Văn Tứ: Nghệ thuật về âm nhạc, cũng cái gì buồn là đi sâu. Cũng như tấm ảnh Tiếc thương.

Hưng Việt: Dạ, con nhớ tấm ảnh đó... Cái người phụ nữ mà...chống cằm mà có cái tấm thẻ bài đó…

Trần Văn Tứ: Dạ, rất là hay bố cục giữa đen trắng cũng như là giữa dương gian và âm cảnh đó, cái bố cục mờ mờ. Rồi bố cục cho cô này cổ khóc cũng mờ mờ rồi cái ảnh nó đẹp nó hay nhất là giọt lệ cổ rớt trúng thẻ bài, được giải quốc tế.

Trần Văn Tứ: Dạ cảm ơn bác Trần Văn Tứ rất là nhiều, nói chuyện hôm nay về vấn đề nhiếp ảnh thì thật sự là thời gian không có cho phép chứ còn nếu mà được thì hầu chuyện với bác cả ngày cũng không hết những đề tài thành ra xin thay mặt cho thính giả con thành thật cám ơn bác và xin kính chúc bác được nhiều sức khỏe và xin hẹn tới một lần tới nữa nói về những đề tài khác mà mình đã đề cập tới. Dạ cám ơn bác.

Trần Văn Tứ: Cám ơn chú Việt nhiều tui cũng rất ngại nhưng mà thôi thì tui sẵn đây mình có cái gì đồng bào cô bác nghe cái gì mà không trúng thì tha thứ cho tui, tui cũng gần 100 tuổi rồi, 95 rồi, thành ra xin cảm ơn chú Việt rất là nhiều. Dạ nếu có cô bác nào nghe tui nói mà có gì sơ suất thì xin tha thứ.

Hưng Việt: Dạ không có đâu, xin cám ơn bác nhiều nha.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
04 - Trầm Lắng.jpg
Trầm lắng

Share