Chuyện Queensland: Ông Chánh Tô với kỹ thuật trồng hoa Mai tại Úc

ong ba chanh to.jpg

Ông Chánh Tô và phu nhân

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tết Việt Nam không thể nào vắng bóng những cành Mai. Thế nhưng, định cư ở nước ngoài, chúng ta hiếm khi nào được trông thấy những bông hoa vàng rực rỡ báo hiệu thời điểm giao mùa của đất trời, vạn vật.


Bánh chưng xanh, bên dưa hấu đỏ
Nhành mai vàng, bên cành đào tươi

Nhân dịp Tết Quý Mão đã cận kề, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm sau đây với ông Chánh Tô, người chuyên nghiên cứu việc trồng và nuôi dưỡng hoa mai ở Brisbane như một thú tiêu khiển trong hàng chục năm qua.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Chánh Tô ạ.

Chánh Tô: Dạ xin kính chào anh Hưng Việt, cô Mỹ Dung và quý vị thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ xin chào anh Chánh Tô.

Hưng Việt: Dạ thưa anh Chánh, anh có thể vui lòng cho thính giả được biết là anh đã bắt đầu anh thấy yêu thích hoa mai từ khi nào? ở Việt Nam hay là sang đến Úc này hay sao?

Chánh Tô: Vâng, câu hỏi của anh làm tôi gợi nhớ lại chuyện trước năm 1975 thì vào cái thời gian đó thì hầu hết mỗi khi Tết về các gia đình đều có một cái cành mai là tối thiểu và cành mai này nếu mà đúng vào ngày Xuân mà nở rộ ra thì coi như nhà đó sẽ được đầy may mắn. Từ mai thì người miền Nam đọc trại ra là may. Lúc đó còn bé thành ra tôi nhớ ba mẹ tôi đem cành mai về thì tôi cũng chỉ biết nhìn thôi, thật sự không ý tưởng nào cả vì lúc đó mình lo về được lì xì bao nhiêu, mặc quần áo mới làm sao. Xuân về thì ngoài Bắc có cành đào thì ở trong Nam có cành mai. Mai trong dịp Tết là biểu thị một cái nền văn hóa của dân tộc cổ truyền đặc trưng của người Việt Nam trong ngày Tết.

Ngoài vấn đề Tết nhất thì tôi thấy cây mai tượng trưng cho một cái gì mà tinh khiết, quyền lực, trong sạch bằng chứng trong nền đệ Nhất và đệ Nhị Cộng Hòa người ta đã dùng cái hoa mai để biểu thị cho cấp bậc sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi khi được thăng cấp có những câu nói là, “ừ bây giờ một mai vàng nở trên cổ áo hoặc mai bạc ở trên cổ áo” và mai vàng tượng trưng cho cấp Úy và mai bạc tượng trưng cho cấp Tá và từ cái đặc trưng như vậy thì từ đó tôi đã bắt đầu yêu thích cây mai.

Hưng Việt: Anh đã bắt đầu cái việc trồng hoa Mai từ hồi nào, đó có phải là cái nghề nghiệp chính của anh hay không ạ?

Chánh Tô: Đấy là nghề tay trái, vâng thưa anh. Nó tạo ra những lúc mà mình cần thư giãn, cần hưởng thụ tuổi già này kia. Qua đây vì áp lực cơm áo gạo tiền thành ra vấn đề cây Mai tôi chưa để ý lắm. Cho đến khi sau này tôi thấy tuổi tôi cũng lớn rồi, thành ra tôi hồi tưởng những ngày xưa. Và tôi thấy cây Mai và bông Mai ở bên này rất là hiếm, rất là quý không như ở Việt Nam. Thành ra từ những cái quý hiếm đó và nhớ lại những cái văn hóa của dân tộc và những cái tục lệ đáng bảo tồn sau này để con cháu mình noi theo, thì từ đó tôi bắt đầu tôi nghiên cứu về cây Mai và tôi bắt đầu thích về hoa Mai và cây Mai.

Hưng Việt: Bây giờ tiến đến tiến trình của nghệ thuật trồng hoa Mai nhé, thì trước hết là chọn cái giống Mai. Thưa anh làm sao một người bình thường như chúng tôi đây biết được cái giống Mai nào là tốt để mà mình chọn?

Chánh Tô: Đối với ở bên này cây Mai có năm cánh thì cũng đã quý rồi, nhưng mà sau này người ta có rất nhiều loại hoa Mai nữa. Như hoa Mai Thủ đức còn gọi là hoa giảo, sau đó cấp cao hơn là nhiều cánh hơn gọi là Mai Đại lộc, người ta còn gọi là Mai Tài lộc và một cái loại mai nữa gọi là mai Cúc Tân Châu có thể là tới 20 cánh và cái bề ngang của hoa Mai đường kính của nó khoảng hai ngón tay rưỡi. Ngoài ra còn một loại Mai nữa gọi là Cúc Tư Long, mai nở hình như cái bông cúc. Một loại nữa gọi là Cúc Tây Thi. Đây là chúng tôi đang nói về cây Mai chúng tôi hoàn toàn không nói về cây Cúc. Hoa mai nở tròn như bông cúc nhiều cánh. Cúc làm sao thì nó như vậy, tuy nhiên cúc thì to mai thì nhỏ. Và một loài nữa hoa nở rất to gọi là Cúc không nhụy người ta còn gọi là Hoàng Thiết Long hay là Hoàng Tuyết long. Còn một loại mai nữa bông cũng nở như bông cúc gọi là Cúc Thọ Hương. Còn một loại nữa, hoa Mai Cúc quá trời nhiều cánh gọi là cúc Siêu nụ.

Mỹ Dung: Dạ rồi bây giờ tới cái phần chọn đất để trồng hoa mai thì sao hả anh tại vì em nghĩ là cái thời tiết và đất ở đây nó không có giống như là ở bên Việt Nam?

Chánh Tô: Thưa để mà có câu trả lời đến ngày hôm nay tôi đã chịu thất bại nhiều. Có hai cách trồng dưới đất và trồng trong chậu. Trồng trong chậu nếu anh mua potting mix về và anh trồng thì một thời gian sau sẽ như đất sét. Đất sét thì anh tưới nó ngập nước, và ngập nước sẽ làm thúi rễ. Thành ra khi anh mua potting mix về trồng trong chậu hoặc trồng dưới đất, gọi là sơ chế - đây là từ của miền Nam bây giờ - thì khi sơ chế trồng trong chậu thì anh cho thêm tỉ lệ 60% xơ dừa. Ở Việt Nam người ta có vỏ trấu. Có người đem đốt, có người để nguyên và phải trộn thêm vỏ trấu và trộn thêm cát xây dựng thì nó sẽ làm cho đất nó xốp và từ đó rễ mới phát triển. Chứ nếu mà anh cứ mua potting mix về anh trồng thời gian đầu rất tốt nhưng sau đó nó sẽ giữ nước và từ đó sẽ thúi rễ và cây sẽ chết. Tôi đã bị thất bại nhiều lần.

Hưng Việt: Và hoa mai nó không chịu được thời tiết lạnh thưa anh. Tới Mùa Đông thì mình phải làm sao?

Chánh Tô: Tới mùa Đông thì tốt nhất là nên làm một cái nhà chung quanh giữ kín cái hơi để đừng có bị lạnh xuống. Ngoài cái mái thì phải che chung quanh để hơi lạnh nó đừng vô từ chung quanh.

Hưng Việt: Thì thưa anh thức ăn của cây cỏ ngoài cái việc đất còn có phân. Như anh đã nói là không nên chỉ dùng potting mix không mà nên dùng những thứ khác nữa thì anh có thể cho biết tỉ lệ thành phần của phân và các cách bón phân thường xuyên là bao lâu một lần hay là theo các tỉ lệ nào, thưa anh?

Chánh Tô: Dạ thưa anh nói về cái bón phân thì theo kinh nghiệm của tôi biết và những kinh nghiệm gì ngày hôm nay tôi nói với anh ấy tôi đã trả giá rất đắt. Hiện giờ tôi đang xài cái loại phân là “5 in 1”. Ngoài ra anh mua thêm lại “blood and bone” mua thêm xơ dừa trộn vô để cho nó ráo nước và cũng tốt cho cây. Và anh mua cát. Ngoài ra thì phải cho thêm cái Epsom salt, baking soda mình trộn vào nữa thì để cho đất có những acid humic, acid fulvic, acid amin thì những loại acid này sẽ tạo cho đất mỗi ngày mỗi dồi dào hơn, có nhiều dinh dưỡng. Tại vì khi potting mix anh xài một thời gian thì cái chất dinh dưỡng sẽ hết và cây sẽ bị còi và ba tháng anh phải vô những loại phân này một lần. Tất cả là được cung cấp bởi Bunnings Warehouse.

Hưng Việt: Và thí dụ như cây mai ở nhà tôi đó anh, nó mọc lên thì có những cái lá ngó thấy như là ủng rồi, hay là muốn chết rồi thì mình có cần phải lặt những cái lá đó không hay là mình cứ để đó rồi từ đó nó đâm chồi nảy ra những nụ khác thưa anh?

Chánh Tô: Đối với những cái lá mà bệnh này bệnh nọ thì tốt nhất là anh nên ngắt cái cành lá đem ra Bunnings Warehouse ở đó có những chuyên viên sẽ hướng dẫn anh nên mua thuốc loại nào để xịt. Mai thì rất thích ánh nắng và đặc biệt là ánh nắng buổi sáng và nếu mà ai có điều kiện thì nên tránh ánh nắng buổi chiều và nên đưa nó ra ánh nắng buổi sáng.

Nói về hai căn bản và khi nhìn lá cây của cây mai có thể biết là đang bị cái gì thì hai cái này rất dễ. Thứ nhất nếu mình vô phân quá tay thì cái lá của nó sẽ quắn lại, nếu mình vô phân hữu cơ thì nó sẽ không chết cây, còn nếu mà mình vô phân vô cơ thì nó sẽ chết cây. Trường hợp thứ hai là nếu mà cái lá nó cứ xìu xìu xìu xuống đó là dứt khoát đó là mình tưới nước quá nhiều, rễ đang úng, trong trường hợp đó phải thay liền đất nếu không sẽ chết cây. Soát nó nhiều nước hay ít nước thì anh nên lấy cái dao bươi bươi đất lên từ đó anh có căn bản cái ý tưởng là bao nhiêu lâu anh tưới một lần. Thành ra số lượng nhiều hay ít thì cũng khó nói tùy theo cái loại potting mix. Như tôi thì nếu trời mưa thì tôi không tưới nhưng mà nếu trời nắng thì cách một ngày tôi tưới một lần. Nhưng mà vì mai là giống rất chịu nước thì anh có lỡ tay anh tưới nhiều chút xíu cũng không sao cả. Nhưng kỵ nhất là đất trong chậu bằng đất sét thì đất sẽ giữ nước đó sẽ không thoát được. Đó là điều quan trọng.
CT-08.jpg

Mỹ Dung: Mà em có một cái thắc mắc cái là như hồi đó mà ở Việt Nam thì mỗi lần mà gần Tết thì mình phải lặt cái lá mai hết thì cây Mai nó mới ra hoa mà cái đó là tại sao vậy anh?

Chánh Tô: Là khi chúng ta lặt lá như vậy chúng ta biến đổi cái hiện tượng sinh lý của cây Mai, thành ra nó đang cây lá quá nhiều khi không bị vặt tay vặt chân thì đại khái nó biến chuyển, từ đó nó sẽ tức nó sẽ ra hoa. Cái câu hỏi này đó là một cái ông học Nông Lâm Súc ổng đã trả lời câu hỏi này.

Trở lại trường hợp mình nên lặt lá làm sao. Ở Việt Nam là cái xứ mùa nắng và mùa mưa nhiệt đới và ẩm thấp thì hoa Mai nở vào dịp tháng Giêng âm lịch trong dịp Tết. Nhưng mà với chế độ nhiệt độ ở bên Úc này thì hoa Mai sẽ nở vào khoảng tháng 9 tháng 10. Và cũng nói rõ luôn cây mai có nhiều loại, là mau tàn và bền. Còn do đặc tính của Mai nữa. Thí dụ mình nói ở bên này đi, tháng 9 là bắt đầu vừa hết mùa đông Chuyển sang mùa xuân, cái một tháng trước khi chuyển sang mùa xuân, cách một tháng, tối nhấn mạnh lại, thì anh bao nhiêu lá và lặt hết lá chỉ còn có cành thôi. Bước sang mùa xuân, là bước sang khoảng đầu tháng 10 hay cuối tháng 9 hoa sẽ nở rộ. Khoảng tháng 1 năm 2023 là Tết Nguyên Đán, vào cuối tháng 12 tây thì cũng nên vặt một lần nữa thì lần ra hoa này nó sẽ không được sung như lần trước nhưng mà cũng sẽ có hoa chúng ta thưởng thức Tết.

Hưng Việt: Một vấn đề nữa của chuyện trồng cây mai là mình có cần phải tỉa cành tạo dáng nó giống như là Bonsai không anh?

Chánh Tô: Tùy người chơi nếu người ta thích một cây mai mọc cao như hai, ba thước thì người ta không cần cắt cái đọt trên cao tuy nhiên có những người thích tàn ra nhiều thì cắt cái đọt trên cao để nó bung tàn ra chung quanh và cái đó còn gọi là tạo dáng nữa.

Hưng Việt: Thì câu hỏi cuối cùng về vấn đề mà trồng hoa mai thưa anh là chuyện mà sâu bọ này kia phải làm sao.

Chánh Tô: Thưa anh bây giờ nói về sâu bọ, những cây mai lá non thì hay bị châu chấu nó đến ăn vì nó rất thích, cái đó là món ăn khoái khẩu ngon miệng của nó. Tránh vấn đề sâu bọ này, quý vị nên ngắt cái lá đem ra Bunnings và cho người ta thấy là châu chấu nó ăn ra làm sao. Thì lúc bấy giờ người ta có câu vấn đáp cho quý vị. Và những ai mà muốn giữ hột mai để trồng gieo xuống đất để thành cây mai con, thì sau khi Mai tàn, có những hột nó bắt đầu nó bung ra thì nên lấy đồ bao cây lại để giữ cái hột đó, chứ nếu không chim chóc nó sẽ đến và sẽ ăn hết những cái hột của cây mai.

Mỹ Dung: Như vậy thì ngoài những cái kỹ thuật mà anh nói, người trồng mai thì cần nên tránh những cái điều gì không hả anh?

Chánh Tô: Nên tránh thứ nhất là đừng có để đất sét ở trong chậu bởi vì sẽ thúi gốc, thúi rễ. Khoảng ba tháng mình bón phân và thay đổi phân chứ đừng nên bao giờ mà giữ mãi một loại phân, bởi vì mỗi một công ty chế tạo phân, nó có những khoáng chất, hay nó có những chất bổ, hay acid thế này, thế nọ... thì sẽ giúp cho cái đất của mình có nhiều điều kiện cho cây phát triển hơn.

Hưng Việt: Dạ, nhưng mà về phân hồi nãy anh có nói là dùng những loại như là “5 in 1” và “blood and bone”, rồi bây giờ anh đề nghị là nên thay đổi loại phân thì ngoài hai loại đó ra còn những loại nào khác nữa không ạ?

Chánh Tô: Dạ thưa anh mình cũng có thể cho thêm phân vô cơ, nhưng mà phân vô cơ thì nên cho ít chớ đừng cho nhiều tại vì phân vô cơ cho quá tay sẽ chết cây. Và mình cho là cho phòng xa xa cái gốc đừng bao giờ mà cho gần gốc.

Hưng Việt: OK. Bây giờ tui muốn mua một chậu mai ở Bunnings thì họ có bán không anh.

Chánh Tô: Mua mai ở Bunnings thì dứt khoát là họ không có anh. Bởi vì Mai hiện giờ chưa được phổ biến lắm ở trên nước Úc này. Chỉ có những người Việt Nam họ thích duy trì văn hóa cổ truyền và nét đặc thù thì họ thích mai và nó hiếm. Thưa anh, cây Mai này không phải Mai dại.

Hưng Việt: Tôi muốn hỏi là bây giờ tôi tìm được một nhánh mai hoặc là được biếu một cái nhánh mai thì khi đem về nhà nó còn ở trong chậu thì phải đợi nó bao lâu, nó bao lớn thì tôi mới nên cho nó xuống đất?

Chánh Tô: Nếu mà anh có ai biếu một cái chậu mai thì tốt nhất nên trồng dưới đất vì trồng dưới đất là phát triển nhanh hơn. Nếu anh làm đúng theo những quy trình thì nó phát triển rất là nhanh, một năm có thể là cao bằng độ 50 cm. Thí dụ bây giờ nếu mà anh trồng một cây mai mà đến khi thân, đường kính thì nó khoảng độ chừng 10 cm hay 15cm, muốn đạt đến độ to như vậy là vài chục năm. Thành ra bên này chúng tôi đã nghĩ ăn gian, đốt thời gian tại vì mình không có thể nào chờ đợi thời gian quá lâu thì tôi hay tìm những cây mai Úc. Hơi khó kiếm nhưng mà cũng có rất nhiều. Những gốc mai nó đường kính khoảng độ chừng 15cm, 20cm thông thường là 15 đến 10 cm. Cái đó có nghĩa là nó đã được vài chục năm tuổi thì tôi đánh về và tôi ghép mai vô. Và tôi ghép được những cây Mai Đại Lộc mai Cúc này kia nọ trong đó. Để mình thực sự mình được thưởng thức, mình thấy hoa nữa để mình không phải chờ đợi quá lâu như vậy. Thưa anh, tôi xin cũng báo tin mừng tôi đang cấy một loài Mai Cúc, mai trắng gọi là Bạch Mai trong tương lai vài năm nữa thì nó sẽ phát triển loại mai này.

Hưng Việt: Thưa anh cuối cùng thì anh còn điều chi anh muốn chia sẻ với lại thính giả về cái việc trồng hoa mai hay là những cảm nghĩ của anh về hoa mai nhân dịp Tết Nguyên Đán hay không ạ.

Chánh Tô: Ngay bây giờ thì tất cả những cái gì muốn nói thì cũng đã nói rồi, với lại ngày hôm nay những gì tôi nói ra dùng lời lẽ rất là bình dân thành ra nếu có cái gì quý vị đừng có chấp. Những gì mà tôi nói hơi bình dân quá thì cũng vui lòng bỏ qua cho.

Hưng Việt: Dạ không có đâu, anh giải thích những cái từ ngữ mà anh gọi là ‘bình dân’ như vậy đó thì thính giả của chúng tôi rất hoan nghênh và cám ơn anh nhiều hơn, bởi vì như vậy rất dễ hiểu và dễ tiếp thu được để mà có thể theo dõi cái vấn đề. Thay mặt cho cô Mỹ Dung cũng như thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn anh Chánh Tô rất là nhiều đã dành thời giờ quý báu của anh để giải thích từơng tận về những cái khó khăn, những trở ngại cũng như đam mê trong việc trồng hoa mai. Xin kính chúc anh chị và quý quyến được nhiều sức khỏe bình an và luôn vui hưởng những cành mai tươi đẹp vàng óng ở trong vườn của anh.

Chánh Tô: Trước hết xin cảm ơn quý vị thính giả đã bỏ thời gian để nghe buổi mạn đàm của chúng tôi bữa nay với anh Việt và cô Mỹ Dung. Xin thành thật cảm ơn quý vị và xin thành thật cảm ơn anh Hưng Việt và cô Mỹ Dung rất nhiều. Dạ xin tạm biệt.

Mỹ Dung: Dạ cám ơn anh Chánh Tô.

Muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên lạc với ông Chánh Tô, điện thoại số 0449 513 509

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
CT-13.jpg

Share