Chuyện Queensland: Ông bà Lâm Phạm và việc tu sửa tôn tượng ở chùa

01 - Anh Lâm Phạm dát vàng tượng Phật chùa Phật Đà - 01.JPG

Anh Lâm Phạm dát vàng tượng Phật chùa Phật Đà

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nếu có duyên may đến thăm viếng chùa Phật Đà ở Brisbane, quý vị sẽ thấy trên tòa sen trong chánh điện bức tượng của Đức Thế Tôn uy nghi và tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát từ bi lấp lánh sáng ngời với những lá vàng được dát trên đó. Đây là công trình của đôi vợ chồng Phật tử hằng tâm hằng sản, thường xuyên đóng góp vào các công việc trùng tu sửa sang quanh ngôi chùa nói trên.


Hôm nay, nhân mùa Vu Lan, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm giữa chúng tôi với ông Lâm Phạm về việc dát vàng tượng Đức Phật Thế Tôn và trùng tu một vài tượng khác.

Hưng Việt: Dạ xin thân mến chào anh Lâm Phạm ạ.

Lâm Phạm: Dạ xin chào anh Việt, chào chị Mỹ Dung và chào tất cả quý vị thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Xin chào anh Lâm.

Hưng Việt: Dạ trước hết thì chúng tôi đã có hân hạnh được hầu chuyện với anh Lâm trong một chương trình trước đây về vấn đề làm nữ trang, nhưng mà ngoài cái biệt tài đó thì anh cũng còn có sự khéo léo là trùng tu những tượng Phật ở Brisbane. Thì hôm nay chúng tôi được gặp anh ở chùa Phật Đà đây. Thì trước hết xin anh có thể vui lòng thuật lại cho thính giả biết được câu chuyện mà trùng tu sửa lại cái tượng Phật nhập Niết Bàn ở trước chánh điện của chùa Phật Đà hay không ạ?

Lâm Phạm: Dạ, để trả lời câu hỏi này thì mình bắt đầu cái duyên mà mình được cơ may sửa tượng Phật nó bắt đầu từ đâu. Cả chục năm về trước rồi thì thầy Thiện Hữu có thỉnh vài cái tượng vô trong chùa Phật Tổ ở Greenbank. Thì những cái tượng phần lớn là bị gãy mấy ngón tay, mà hên là những ngón tay đó nó còn lại cho nên mình chỉ dán lại, xong mình sơn thôi thì cái công việc đó rất là dễ.

Sau đó khi mà chùa Phật Đà này có duyên của một Phật tử nào đó đặt ở Việt Nam làm cái tượng Phật nhập Niết Bàn để cúng cho chùa. Sau mới phát hiện ra là cái tượng bị nứt nhiều quá, thì mấy anh trong ban trị sự có điện thoại về nhà sản xuất bên Việt Nam để mà lấy cái ý như thế nào để sửa. Họ cũng nói thật, cái này là cái tượng đầu tiên họ làm bằng cái chất liệu fibreglass. Khi đó mấy anh trong chùa Phật Đà đó mới bàn với mình tìm cách nào đó để sửa những cái vết nứt này chứ thấy nó không có thẩm mỹ cho lắm.

Mình mới tìm hiểu coi chất liệu fibreglass khi mà nó bị nứt mình phải sửa bằng cái gì và sửa như thế nào từ đó mình đi mua nguyên vật liệu về mình sửa.

Thứ nhất là người ta làm cái tượng này cái chất liệu quá mỏng. Có chỗ dày tới 10 ly, nhưng ngược lại nhiều chỗ mỏng chỉ có 2 ly thôi, cho nên khi mà đặt cái tôn tượng nằm xuống thì cái lực kéo giãn nó không đồng đều cho nên những chỗ mỏng bị nứt ra hết. Nứt ra chỉ là một chuyện nhỏ thôi, cái vấn đề nằm ở chỗ là vì cái tượng bọng, thành ra mưa gió tạt vô những cái kẻ nứt, với lại phía dưới cái móng thấm nước, rồi nắng lên thì cái hơi nóng của nắng làm cho nước bên trong cái tượng Phật bốc hơi thành hơi nước tạo thành một cái pressure, thì cái sức ép đó nó mới làm cho những cái vết nứt nó giãn nở. Tôi chụp hình buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều đặng thấy cái vết nứt, sáng sớm thì nó khít, tới trưa thì nó nở ra có chừng gần 2 ly rồi buổi chiều nó lại khít lại. Cứ mình sửa ngày hôm nay, sau 2-3 ngày sau đó lại nứt. Là những cái vết nứt nó cứ co giãn, co giãn do cái hơi nước. Tôi mới nghĩ là bằng cách nào mình phải làm sao cho cái hơi nước nó thoát ra. Cái nắng nóng làm cho hơi nước bốc lên là cái đó mình không có cản được, mình phải đục cái lỗ cho nó thoát ra. Cho nên tôi mới khoan vài ba cái lỗ chừng 12 ly ở phía trên cái bàn chân của Đức Phật và một số năm bảy lỗ ở trong cái gối của Đức Phật nằm thì khi mà tôi khoan đó thì tôi mới biết là cái suy nghĩ của mình đúng, là vì khoan xong là hơi nước nó xì ra. Tôi khoan một số lỗ rồi tôi mới lấy miếng lưới đó tôi dán lại để cho côn trùng nó không có vô. Từ khi mà tôi giải quyết được cái nạn áp lực của cái hơi nước ở trong cái tượng Phật thì cái tình hình nó rất là khả quan.

Tôi mới nhờ cái anh bạn làm việc chung trong chùa đó là anh Lưu để mà khoan những cái lỗ trong cái hướng nước nó chảy trong cái móng của cái tượng và cái hướng nước nó chảy ra để cho nó thông thoáng.

Nói về vấn đề tâm linh đó thì khi mà mình vô trong chùa, không cần biết mình vô mình làm cái gì, mình cũng nên báo cho Chư Thiên thì như vậy thì mình cảm thấy mình có một cái phép tắc.
06 - Tượng Phật chùa Phật Đà.jpg
Tượng Phật chùa Phật Đà
Hưng Việt: Thì cái công việc đó mất khoảng bao lâu thưa anh Lâm?

Lâm Phạm: Dạ tại vì mình bận bịu công việc làm cho nên mình không có làm mỗi ngày mà mỗi tuần mình chỉ làm một hoặc hai ngày thôi thường thường 8 giờ sáng mình làm cho đến trưa nắng mình nghỉ, một ngày làm chừng ba bốn tiếng thôi. Kéo dài cũng cả năm trời mới xong. Cả trăm cái vết nứt khác nhau. Không phải đơn giản là mình trét vết nứt, mình phải mài cái vết nứt cho nó hở rộng ra đặng nó có cái thế rồi mình mới trét keo cho nó dính lại, rồi mình mới trét cái filler cho nó kín, chà giấy nhám, mới sơn lại. Thành ra nó rất là nhiều công đoạn chứ không đơn giản là dán miếng keo là xong. Sửa tới chừng nào mà nó hết nứt mình mới dám sơn. Cho nên tổng cộng nó cũng mất cả năm trời.

Hưng Việt: Rồi, đó là xong bức tượng Phật nhập Niết Bàn cũng rất là công phu rồi. Thì thưa anh, ở ngay cái cửa chánh điện bước vào đó thì ở hai bên có hai cái tôn tượng thì xin anh giải thích dùm công việc trùng tu hai cái tượng này.

Lâm Phạm: Thưa anh, khi mình bước vào chánh điện của Chùa Phật Đà đó thì bên trái và bên phải có hai cái tôn tượng của hai ngài hộ Pháp Hắc diện với Bạch diện. Cái tượng bên trái là do quý vị nào đó làm công việc clean up đã sơ ý làm gãy cái ngón tay với lại rớt cây cờ. Thì nhiệm vụ của tôi là phải dán lại ngón tay, sơn lại rồi gắn cái cây cờ trở lại, thì cái công việc đó nhỏ, làm tí xíu là xong.

Còn cái tượng bên tay phải đó là do cái trần nhà hôm trước nó bị rớt xuống nên bị gãy những cái những cái hoa văn ở trên cái tượng, thì mình tìm cách đắp lại sơn phết lại.

Cái khó trong cái công việc sửa những tôn tượng này ở chỗ phải biết những cái tượng này làm bằng vật liệu gì có cái làm bằng đất, bằng xi măng, bằng cẩm thạch, bằng fiberglass thì mỗi vật liệu có những cái loại keo dán khác nhau, thì mình phải dùng đúng cái loại keo thì nó mới có độ chắc. Sơn cũng là một cái vấn đề. Phải làm sao mà mình sơn cho nó match. Thì cái đó là cái công việc mà bà xã tôi chuyên môn hơn tôi.

Hưng Việt: Kính thưa quý thính giả khi quý vị bước chân vào chánh điện của chùa Phật đà sẽ thấy ngay tượng Đức Phật Thích Ca và Phật Bà Quan Âm rất là rực rỡ với những lá vàng được dát vào đó là do công sức của anh chị Lâm và Tân. Thì trước hết thưa anh Lâm, xin anh cho biết những lá vàng dát vào tượng Phật thuộc loại vàng nào? Và kích thước của những lá vàng là ra sao?

Lâm Phạm: Dạ để trả lời câu hỏi của anh Việt cách tốt nhứt là mình giới thiệu những lá vàng đó cho anh với lại chị Dung mục sở thị. Đại khái những loại vàng để dát người ta gọi là vàng lá thì nó có ba dạng chánh: cái loại mà cái lá lớn như thế này mỗi cạnh là 14cm rất là mỏng, super thin, anh chỉ cần thở một cái thôi là nó bay mất. Cái này gọi là vàng hóa học không phải là vàng thiệt. Là một cái hóa chất gì đó mà nhà sản xuất không tiết lộ cho mình biết. Nó là một dạng Nitro Titanium.

Loại thứ hai này là vàng thật nó giòn hơn một tí. Cái này thì nó chỉ có mỗi cạnh 8cm, so với cái kia đẹp hơn nhiều phải không?

Thì cái vàng mà mình dát tượng Phật Thích Ca này là cái loại vàng thứ nhì, nó là vàng thật, nó cũng ra rất là mỏng, super thin. Hai cái loại vàng này thuộc cái dạng vàng vô cơ. Vô cơ là như thế nào?

Thí dụ cơ thể mình thiếu chất sắc, mình không thể nào mà lấy con bù long mình ngậm cho có thêm chất sắt ở trong cơ thể mình. Tại vì sắt là sắt vô cơ. Nhưng mà mình vô trong tiệm chemist mình mua chất sắt mình uống thì sắt đó là sắt hữu cơ. Thì vàng cũng vậy, cái vàng này là cái vàng vô cơ, không có ăn được. Mình có một cái loại vàng mà ăn được. Đây là vàng hữu cơ làm ở bên Nhật là Edible gold. Thì cái miếng nó chỉ có khoảng chừng 3 phân vuông thôi và hữu cơ 24 carats, mình bỏ lên trên bánh kem, ice cream hay là đồ ăn để decorate.
10 - Lá vàng 14cm.jpg
Lá vàng
Mỹ Dung: Nhưng mà nó mắc không anh?

Lâm Phạm: Không mắc lắm đâu chị. Cái miếng này khoảng chừng vài ba đồng ở trong Woolworths, Coles có bán ở cái khu làm bánh đó.

Hai cái món mà phổ thông bên Nhật nhứt hầu như du khách nào đi cũng mua hết trơn nhất là ice cream mà có để miếng vàng lên. Thứ hai nữa là chai rượu, người ta bỏ những miếng vàng lá trong đó. Giống như rượu trắng, anh lắc lên thấy những miếng vàng lên lơ lửng trong đó.

Hưng Việt: Như vậy thưa anh thì với một tượng Phật uy nghi mà lớn như vậy và tượng Phật Quan Âm ở kế bên đó thì cả hai tượng đó anh chị dùng bao nhiêu lá vàng cả thảy?

Lâm Phạm: Tôi đo đạt cái diện tích mà mình sẽ cần dát vàng. Tôi tính ra là mình sẽ cần khoảng chừng hơn hai ngàn miếng vàng, mình phải order ba ngàn miếng. Số lượng vàng mà mình dùng thật sự trên cái tượng Phật chỉ có 30% thôi, còn 70% là bỏ đi. Cái vàng mà bị bỏ đi đó, nếu mà mình phân kim mình lấy lại vàng thì nó không có đáng giá là do cái tổn phí phân kim nó quá cao so với cái trị giá cái vàng mình lấy lại được.

Mỹ Dung: Vậy là mình có thể sử dụng cái lượng vàng đó để làm cái chuyện gì khác không anh?

Lâm Phạm: Dạ cũng có thể được chị, giống như những cái món đồ mà mình không có cần phải dát cho có hình dáng phẳng nhiều quá, cần những cái hạt li ti hay là những cái vết nhỏ nhỏ nhỏ thì mình dùng cái vàng vụn đó mình xài cũng được.

Hưng Việt: Thưa anh, những cái lá vàng này nó mỏng thì anh dùng cái cách nào để anh dán vào cái tượng Phật đó được?

Lâm Phạm: Dạ, để giải thích cái phần này đó thì nó có hai phần: thứ nhất là cần một cái loại keo đặc biệt, có một cái độ tĩnh điện. Anh nhớ hồi xưa đi học mà lấy cái miếng nylon mình chà trên chân mình để nó hút mấy miếng giấy nhỏ nhỏ đó ha thì nó là cái lực tĩnh điện. Khi cái miếng vàng mà người ta dát mỏng như vậy đó, nó mất cái điện tích âm, còn điện tích dương. Còn cái loại keo thì người ta lại chế một loại keo ngược lại. Thì khi hai miếng bề mặt mà mình có dán cái loại keo này, rồi cái vàng để gần nó hít ‘bạch’ một cái dính vô. Mà khi nó hít vô rồi, là không có gì để gỡ ra được hết. Tức là cái độ dính là một phần, mà cái quan trọng là cái điện tích. Cho nên cái loại keo này người ta gọi là keo tĩnh điện. Cái keo này là một dạng cao su non, người ta mới pha với cái hóa chất gì đó, rồi quay ly tâm. Cái lực ly tâm làm cho phân tử của cái chất keo này nó bị mất đi cái ion. Một thằng thì ion dương, một thằng thì ion âm. Hai âm dương gặp nhau nó mới hít lại với nhau.

Việc đầu tiên mình rửa sạch cái món đồ bằng alcohol để mất đi những cái dấu dơ hay là dấu vân tay. Kế đến là mình dùng keo tĩnh điện thoa lên cái món đồ rồi để cái chừng 10-15 phút cho cái keo này nó thiệt là khô.

Lúc đó mình mới lấy miếng vàng mình ịn nó lên. Nhưng mà nhiều khi cái tay mình cầm nó không được mà phải dùng tới cái đồ nghề là cái nhíp. Nếu mà anh dùng cái nhíp bằng kim loại đó, là vàng nó hít vô đây liền luôn. Cho nên phải có một cái loại nhíp đặc biệt, chế tạo bằng fibreglass. Cái loại nhíp này không có ăn điện. Thì đó cũng là một trong những cái kỹ thuật mà mình phải hiểu biết khi làm cái công việc này.

Khi mà dát vàng rồi đó mình chờ chút xíu rồi mình mới thoa một cái lớp lacquer mà water based, để seal cái lớp vàng này lại đặng tay mình cầm nó cũng không có bị oxy hóa, không có bị dơ. Các anh thấy simple không? Nói dát vàng, thì nghe nó ghê gớm vậy chứ ha.
05 - Chị Tân Phạm và tượng Phật Thế Chí.jpg
Chị Tân Phạm chăm sóc tượng Phật Thế Chí
Mỹ Dung: Nhưng mà cái độ dính của nó thì được bao lâu ha anh?

Lâm Phạm: Forever. Miễn đừng ra nắng thôi. Có nước cũng không sao, ra nắng thì cũng được, đừng có để ngoài nắng mà ngày này qua ngày kia.

Hưng Việt: Thưa anh như vậy khi mà làm cái công trình dát vàng cho tượng Phật ở đây cũng như tượng Phật Bà Quan Âm thì anh chị mất hết bao nhiêu thời gian cả thảy?

Lâm Phạm: Dạ, cái công việc này đó, mình và bà xã làm, thì tôi nhớ không lầm là trước cái lễ Vu Lan năm 2017. Khi mà mình order những cái vàng lá đó tới là hai vợ chồng sắp xếp đi vô chùa mỗi ngày làm liên tục full time luôn, hai tuần lễ đúng. Mỗi ngày thì sáng sớm tụi này chừng 7 giờ mấy vô rồi, làm tới 3, 4 giờ về, một ngày cũng 7, 8 tiếng Mà làm liên tục hai tuần lễ thì nó vừa xong. Tôi không có tính ra, nhưng mà tôi nghĩ có thể là cái công nó nhiều hơn cái trị giá vàng.

Hưng Việt: Thưa anh rồi những kỹ thuật những cái khéo léo như vậy đó thì anh học từ ở đâu mà anh biết được?

Lâm Phạm: Dạ thì cũng là nhờ ông chú Google. Lúc trước tôi chưa có làm cái việc này đó, tôi chuyên về xi mạ bên ngành nữ trang, thì có người khách hàng đặt một cái món đồ, nó không phải là kim loại mà người ta muốn biến nó thành vàng.

Đúng ra thì nó có hai cách. Cách thứ nhất là mình phải tìm mua một loại sơn dẫn điện. Rồi mình mới dùng cái lớp sơn dẫn điện đó mình mới xi mạ, thì vàng nó mới bám lên trên cái lớp sơn đó biến cái món đồ thành vàng. Thì công việc đó rất là nhiêu khê, mà sơn dẫn điện rất là khó mua và đắt tiền.

Thì một cái cách khác tiện hơn, đơn giản hơn, dễ hơn là dát vàng. Mà dát vàng có một cái lợi thế là nhanh, rẻ và đẹp, mà một cái điểm yếu của dát vàng đó là không thể nào để ngoài trời được. Lý do là vì vàng thì very sensitive với lại nhiệt độ, mà cái này nó quá mỏng cho nên cái nhiệt độ sẽ làm cái miếng vàng co nở rất là mau, mà món đồ dát vàng mà anh để ngoài trời dưới ánh nắng thì cái độ co giãn nó sẽ làm cho miếng vàng nó bị bể rồi nó từ từ nó biến mất, thì người khách hàng nói cái món đồ này là món đồ kỷ niệm người ta sẽ để ở trong nhà, trong tủ kiếng để người ta chưng. Cho nên lúc đó tôi mới nghiên cứu, hỏi ông chú Google, thì ông đó ổng dễ thương lắm, hỏi gì là ổng chỉ nấy. Tôi mới lùng, tôi mua hết những cái vật liệu cần thiết. Cái nghề dát vàng bắt đầu từ đó và từ đó về sau tôi có làm cũng rất là nhiều món mà phần lớn là quà tặng với lại cúng dường thôi.

Mỹ Dung: Ủa rồi anh mua mấy cái miếng vàng đó ở đâu vậy anh?

Lâm Phạm: À mua online chị. Cái miếng vàng mà to nhất hồi nãy tôi nói là 14cm đó là vàng giả đó thì nó ở bên Trung Quốc. Còn cái vàng mà thật mà là 8cm đó thì cái đó nó có hai cái xuất xứ, một là bên Nhật, hai là bên Dubai. Còn miếng vàng mà edible ăn được là của Nhật.

Hưng Việt: Còn cái keo thì anh mua ở đâu?

Lâm Phạm: Mấy cái nhà cung cấp người ta bán keo luôn anh.

Hưng Việt: Thì thưa anh ngoài những công đức mà anh đã đóng góp cho chùa Phật Đà ở đây đó thì anh chị còn có giúp trùng tu những cái tượng Phật như thế này ở các chùa khác hay là những nơi tu hành khác hay không thưa anh?

Lâm Phạm: Dạ thưa anh Việt hồi nãy anh có dùng cái chữ công đức đó, thì tôi xin không dám nhận. Mình cảm thấy mình đóng góp cái gì được cho chùa, cho xã hội thì mình đóng thôi chứ mình không nghĩ đến công đức.

Để tiếp nối câu hỏi của anh đó, thì cách nay khoảng vài tháng, thì chùa Pháp Quang đó, có một cái tôn tượng của Hộ Pháp mượn của một cái chùa Sydney thì không may cũng bị gãy nhờ tôi sửa, thành ra hai vợ chồng tôi cũng cấp tốc tới đó sửa, từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới xong để khoảng 2, 3 giờ cho lên xe chở đi Sydney trả lại cho sư cô.
03 - Anh Lâm Phạm tu sửa tượng Phật Hộ Pháp chùa Pháp Quang.jpg
Anh Lâm Phạm tu sửa tượng Phật Hộ Pháp chùa Pháp Quang
Hưng Việt: Dạ, cuối cùng thì thưa anh Lâm, anh còn có điều chi anh muốn chia sẻ thêm với lại thính giả của chúng ta hay không?

Lâm Phạm: Dạ thưa anh Việt, cái công việc này mình phải nói là mình có một cái thích thú, một cái đam mê thì mình mới làm được, chứ nó không phải là cái công việc làm để kiếm tiền. Thành ra khi mà có những việc mà cần tới sửa những cái tôn tượng mà mấy anh trong chùa gọi ra là mình sẵn sàng mình làm. Mình làm thứ nhất là cho nó đẹp, nó tốt. Thứ hai là có chỗ cho bà con mình tới để mà cúng Phật, học Phật. Bây giờ đó thì tụi này cũng bắt đầu già rồi cho nên cũng muốn tìm một cái thế hệ nối tiếp để mà truyền đạt lại. Nhân dịp này, thì tụi này cũng xin phép nếu mà quý vị nào mà cảm thấy hứng thú trong cái công việc mà sửa sang những cái tôn tượng các chùa mà muốn tìm hiểu học hỏi, thì cứ liên lạc thì tụi này sẽ sẵn sàng hướng dẫn giúp đỡ để mà có được cái kiến thức cũng như tay nghề trong cái công việc tu sửa những cái tôn tượng cho các chùa người Việt mình ở đây.

Hưng Việt: Dạ thưa thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả của chương trình Việt ngữ SBS chúng tôi thành thật cảm ơn anh Lâm Phạm rất là nhiều và xin anh cho gửi lời cảm ơn chị Tân luôn.

Thân mến chúc anh chị được nhiều sức khỏe, luôn được bình an và luôn luôn có những ý kiến, những cái điều mới lạ để cống hiến cho đời và cho người. Xin thành thật cám ơn anh.

Lâm Phạm: Xin cám ơn anh Việt rất nhiều, xin cám ơn chị Mỹ Dung và cũng cho gửi lời cảm ơn tất cả những quý vị đồng hương, các thính giả đã theo dõi chương trình này của Đài SBS Tiếng Việt.

Mỹ Dung: Dạ cảm ơn anh Lâm.

Quý vị có thể liên lạc ông Lâm Phạm qua địa chỉ email: phamlam@gmail.com

Bấm vào audio ở trên để nghe toàn bộ chương trình.


Share