Chuyện Queensland: Người chứng hôn

04.jpg

Một đám cưới do ông Lâm Thiện Hoa (bìa phải) chứng hôn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Câu chuyện Queensland kỳ này là về ông Lâm Thiện Hoa, người đã chính thức thị thực hàng ngàn cuộc hôn nhân trong nhiều thập niên qua.


Chứng nhân hôn phối là chứng kiến khởi đầu của một sự cam kết sống chung giữa hai người với nhau.

Người chứng nhân hôn phối bặt thiệp, khéo léo không chỉ hiện diện để thay mặt pháp luật và hợp thức hóa tờ giấy giá thú mà còn cần có những kỹ năng khác.

Hôm nay, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm với ông Lâm Thiện Hoa, người đã chính thức thị thực hàng ngàn cuộc hôn nhân trong nhiều thập niên qua.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Lâm Thiện Hoa.

Lâm Thiện Hoa: Kính chào anh Việt và cô Mỹ Dung, cùng thính giả của đài phát thanh SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào anh Hoa.

Hưng Việt: Thưa anh Hoa, tại sao anh chọn làm dịch vụ chứng nhân hôn phối này? Và anh làm đã được bao lâu rồi thưa anh?

Lâm Thiện Hoa: Tôi được bổ nhiệm làm nghề này vào ngày 28/4/1995 nghĩa là vừa bắt đầu năm thứ 29. Theo tôi nghĩ cho sâu thì trường hợp mà đưa tôi tới cái công việc ngày hôm nay là khoảng đầu năm 1990, tôi làm công việc kỹ sư nhưng có thời gian chút xíu thành thử tôi vô cái hội học bổng Úc Châu. Đó là cái hội để người ta khuyến khích, khi có con hay là baby, người ta đóng vài đồng một tuần lễ để khi con học đại học thì sẽ có tiền học bổng. Hôm đó tôi đi dự đám cưới, thì một anh bạn Úc mới nói thế này, “Anh làm cái nghề này coi bộ có lý à, vậy thì anh nên làm cái nghề ký giấy tờ hôn phối cho người ta đi.”

Tôi hỏi anh chi vậy. “Để khi người ta lấy nhau đẻ con ra anh enrol dùm người ta vô trong hội học bổng”. Cái nghề làm học bổng mình cần người ta, mình phỏng vấn 10 gia đình thì có khi một gia đình mới vô một hai đứa con, còn trong khi cái nghề chứng nhận hôn phối này họ cần mình, mỗi lần họ tìm mình là mình có ‘tiên huyền’ chút xíu. Đấy cái đó là lý do chánh mà tui làm nghề hôm nay.

Mỹ Dung: Dạ thưa anh, để được bổ nhiệm là một chứng nhân hôn phối thì cần những cái điều kiện gì hả anh?

Lâm Thiện Hoa: Ngày xưa thì mình không cần học cái gì hết. Chỉ mình có làm việc xã hội tí, mình nộp đơn để xin làm cái nghề này, cần hai người - mình gọi là có máu mặt trong xã hội chút - làm referees cho mình. Xong mình nộp lên trên bộ Tư pháp, họ sẽ coi cái vùng đó có cần người hay không. Hồi xưa là bổ nhiệm tùy vùng nha. Bây giờ tất cả mọi người đều có thể học nghề này hết. Học ở trong TAFE hay là học trên mạng tốn khoảng $1000 hơn rồi sau đó sẽ được có giấy chứng nhận Certificate 4. Học về luật Hôn phối 1961. Khi mà cái cặp đó muốn làm hôn thú thì cần giấy tờ gì, tên, tuổi, giấy tờ phải cho nó đúng luật. Rồi mình phải học cái cách làm lễ, mình phải học cách là khi mà cái nghề của mình làm ở ngoài đó với nghề ký giấy tờ hôn phối mà nó chạm nhau - ethnic crash - thì không nên làm, mình phải học cách nói chuyện, học này học nọ, đại khái như vậy.

Hiện bây giờ có khoảng 9000 người làm ký giấy tờ hôn thú ở Úc. Nhưng mà tổng số người ký giấy tờ hôn thú là 60.000 mỗi năm. Như vậy, mình chia trung bình 60.000 cho 9000, một người không tới bảy cái đám cưới. Vậy thì làm sao mà sống? Sao mà nuôi gia đình được? Ai thấy cũng dễ thật sự, nhưng mà nó phải chạy tới chạy lui này nọ. Thành thử người ta vô nhiều nhưng mà người ta cũng nghỉ nhiều. Mà cái nghề này làm cho tới khi mình bệnh làm không nổi nữa thì thôi. Chứ không có bị đuổi.

Hưng Việt: Thưa anh, anh cho biết là học thì tốn khoảng một ngàn hay là hơn, mà học xong mình có cái giấy hành nghề đó, thì tính trung bình là mỗi năm làm được có bảy cái đám cưới. Thì mỗi lần như vậy cái lệ phí mà cái người đứng ra chứng nhận hôn phối đó tính là khoảng bao nhiêu để mà mình bù đắp lại cái số tiền mình bỏ ra học?

Lâm Thiện Hoa: Tiền lệ phí hồi xưa là tất cả đều tính một số tiền nào đó, 200 đồng thí dụ, nhưng bây giờ là ai tính bao nhiêu cũng được. Nhưng mà trung bình hiện giờ mình lấy cái căn điểm là ở ngoài văn phòng, họ chỉ làm ban ngày thôi là khoảng 400 một cái đám cưới.

Lúc trước họ bắt mình phải đi học thêm năm tiếng đồng hồ mỗi năm. Nhưng bây giờ bộ Tư pháp họ đổi lại là tất cả mọi câu hỏi là ở trên mạng hết thành thử mình không tốn tiền mà chỉ tốn giờ, nhưng mà phải làm. Họ hỏi những luật lệ mình làm gì, làm gì… coi mình còn nhớ hay không.

Hưng Việt: Rồi ngoài cái chuyện mình học để mình am tường luật lệ và biết thêm những điều kiện về thủ tục đó thì một người chứng nhân hôn phối cần có những kỹ năng nào khác mà anh nghĩ là cần thiết để trở thành một người chứng nhân hôn phối được?

Lâm Thiện Hoa: Cám ơn anh Việt đã hỏi câu hỏi đó. Câu đó cũng khá lý thú. Theo tui nghĩ là cái giọng nói của mình rất là quan trọng. Và mình phải có cái tánh vui vẻ, không có sùng bất tử. Chứ chờ đợi lâu quá mình sùng, mình khó khăn, mình nhăn nhó là hết đường rồi.

Rồi mình phải có óc khôi hài, phải ứng phó nhanh nhẹn chút xíu. Và theo tui làm đám cưới bên Úc ở đây là phải có tiếng cười, không như đám cưới Việt Nam mình nó rất là nghiêm trọng từ đầu chí đuôi. Mình phải làm cho họ cười họ vui để mà họ nhớ. Cái lý do chính là đừng có sợ mình đứng trên bục để mình giảng. Thí dụ là một lần tôi làm đám cưới cho cô này lấy luật sư người Úc, thì ở chỗ tổ chức có gần khoảng 300 người mà trong đó chắc khoảng 150 người luật sư, thành thử mình phải làm cho nó đàng hoàng, cho nó đúng cách. Mà mình đừng sợ người ta thì mình mới làm được. Đừng có run, đừng có say xỉn bất tử này nọ, đại khái như vậy đó.

Tôi kể một chuyện vui là hồi xưa tôi có làm đám cưới cho cái bà này. Chồng của bà là một trong những người đánh basketball cho Brisbane. Mình gọi điện thoại nói chuyện xong xuôi cái bả đòi tới nhà. Sau khi tới nhà nói chuyện rồi bả mới nói sao, “Tui tới nhà để tui coi giọng nói của anh ra sao.“ Quan trọng đó.

Hưng Việt: Thưa anh có đề cập tới chuyện anh đứng làm chứng nhân cho những đám cưới Việt lẫn Úc, như vậy cần thêm một kỹ năng phải hoạt bát về song ngữ luôn phải không anh?

Lâm Thiện Hoa: Thưa anh Việt nói đúng. Tại vì mình phải giỏi tiếng Anh chút xíu và bây giờ tôi đi làm cho người Việt rất đông thành thử tiếng Việt mình phải giỏi nữa đặng mình phải nói cho người ta vui vẻ. Làm cho Úc - Việt có khi mình phải nói chuyện một câu tiếng Việt, một câu tiếng Úc. Và bài vở tôi làm để làm lễ đó là phải được bộ Tư pháp ở Canberra họ chấp nhận. Thành thử bài tôi viết ra đó là có một hai người Việt Nam coi. Nhưng mà sau khi làm rồi thì mình cứ việc dựa vô đó mình làm. Nó không có khó khăn lắm thì anh xài suốt đời. Trong cái bài làm lễ nó có những bài thơ nhỏ trước khi mình vào đề giống như là love hay là music cái gì này nọ, mình có những cái không đổi được là cái bắt buộc phải nói.

Nó có cái vui là mình làm cho Việt Úc đó, mình chỉ cần dạy họ nói, Khi mà tôi nói với anh “Anh có chịu lấy cô này hay không á thì anh nói dùm, “tôi hứa, nói bằng tiếng Việt nhé”. Mà kêu người ta nói vậy xong rồi người ta bật cười. Người ta vui hết, anh thấy không.

Hưng Việt: Thưa anh, trước mỗi cái đám cưới như vậy đó thì anh có tới tiếp xúc với lại cô dâu, chú rể nói chuyện với hai người để tìm hiểu một chút về chi tiết của họ rồi ở trong cái bài nói anh thêm vô cho nó thêm phần lý thú của cái bài nói với lại cử tọa hay không anh?

Lâm Thiện Hoa: Thường thường trước khi họ muốn làm giấy tờ đám cưới với nhau, họ tới gặp tôi để trình bày những chi tiết, cần cái gì, cái gì... cho nó rõ ràng. Sẵn dịp đó mình mới hỏi thêm chút xíu. Người Việt Nam mình làm, tôi không cần phải hỏi chi tiết. Khi họ tổ chức đám cưới, trong tiệc cưới họ sẽ nói hết, lý do làm sao hai người gặp nhau sao sao đó. Mình làm ngắn gọn trong vòng 20 phút, 25 phút vậy thôi. Ai cũng vui hết là được rồi.

Mỹ Dung: Dạ thưa anh, vậy anh có thể kể lại một vài cái kinh nghiệm hứng thú nào hông?

Lâm Thiện Hoa: Kinh nghiệm thì nhiều lắm, mà phải là vui. Chắc khoảng bảy tám năm về trước tôi làm cái đám cưới tôi gọi là đám cưới chạy tại vì gia đình cô dâu không chịu cho cô dâu lấy chồng, mà chính cô dâu đã bảo lãnh người Việt Nam qua đây rồi. Gia đình chống đối kịch liệt lắm kìa. Rồi sau mấy lần hẹn nhau với tôi, cái bữa tối đó họ nói “anh tới giùm tôi cái hotel đó”. Cảnh sát đưa hai cô dâu chú rể tới và có bà chị. Tôi vô làm lễ trong hotel đó. Chính cảnh sát làm nhân chứng luôn. Sau đó hai vợ chồng đó đi về Melbourne sống. Cái lý do người Việt mình không hiểu là khi mà cô dâu hay chú rễ 18 tuổi thì họ có đầy đủ quyền hết, luật pháp bảo vệ bởi vậy có cảnh sát tới ủng hộ.

Còn một cái chuyện nữa là cái surprise wedding, nguy hiểm lắm à, đám cưới không nói trước. Một lý do là những người mà ký giấy tờ hôn thú là một người có thể làm đơn ký tên, người kia có thể ký ngay bửa đám cưới đó, khi tới bửa trưa đó thì cô dâu bật ngửa, cô dâu: “tui không biết gì hết vậy”. Trời đất ơi! Thành thử chú rễ với bà con của chú rễ năn nỉ gần nửa tiếng đồng hồ. Xong xuôi, cổ cũng chịu. Thành thử vui vẻ cả làng. Ngạc nhiên, mà ngạc nhiên nguy hiểm quá!

Hưng Việt: Nguy hiểm thiệt đó. Rủi cổ không chịu rồi sao…

Mỹ Dung: Không chịu sao mà chịu qua đây..

Hưng Việt: Chú rễ cũng hơi...tự tin.

Lâm Thiện Hoa: Tự tin quá…

Hưng Việt: Thưa anh, rồi cái chứng chỉ hành nghề của anh là áp dụng cho trên toàn nước Úc phải không ạ? Thì anh đã có khi nào anh đi đến những cái tiểu bang khác để mà anh làm cái công việc này hay không, hay chỉ ở Brisbane này thôi?

Lâm Thiện Hoa: Tôi đã có vài lần bay lên Mackay, Rockhampton và bay xuống Sydney, Melbourne. Chỗ nào cũng đi được hết và cái nghề này làm cho cả nước Úc thôi, không được quyền làm ở đâu khác nghĩa là khi mà qua khỏi 12 cây số là biển của quốc tế, mình không được làm.

Hưng Việt: Tức là anh không được làm chứng nhân ở Samoa hay New Zealand. Nhưng mà thí dụ tôi muốn mướn một cái tàu để làm cho nó khác đời một chút xíu. Tôi ra ngoài khơi cách đây 10 hải lý, tôi làm cái đám cưới chắc được.

Lâm Thiện Hoa: Được luôn. Thí dụ anh muốn bay lên máy bay làm, miễn đừng có bay khỏi địa phận Úc thôi.

Mỹ Dung: Dạ thưa anh vậy làm cái dịch vụ này nó mang lại những niềm vui cho người ta như thế nào hả anh?

Lâm Thiện Hoa: Ở đời mình có cái câu gọi là Cười là liều thuốc bổ. Theo tôi nghĩ là mình làm nghề này thì phải cười, mà cười thì mặt mình nó mới trẻ ra, chụp hình nó mới rõ. Cười thì nó mới tươi, mình làm cho người ta vui là mình vui lây, cái đó là cái niềm hạnh phúc.

Và đây cũng là một dịp nhỏ thôi để tôi đọc những bài thơ chúc tụng cho cô dâu chú rễ do tôi viết. Hồi khoảng 10 năm trước, thì là bạn nhà thơ ở bên Mỹ gửi cho tôi mấy bài để tôi đọc. Nhưng mà sau này thì tôi làm thơ riêng mình để cho nó sát nút hơn cái đám cưới. Thí dụ câu tiếng Anh nó nói là:

May you always have love to share,
Health to spare, and friends that care.

Quá ngắn gọn. Nếu mà mình viết ngũ ngôn, thì tôi có thể viết như là thế này.

Mong anh chị được luôn
Chia sẻ tình yêu thương,
Dư thừa đầy sức khỏe
Và bạn bè luyến thương

Nhưng mà theo tôi bảy chữ nó hay hơn:

Đời sống bạn là một đại dương
Luôn luôn chan chứa vạn tình thương
Sức khỏe dồi dào, tâm thanh tịnh
Bạn bè quyến thuộc mãi yêu thương

Làm như vậy cho người ta vui. Rồi lâu lâu mình cũng chỉ dạy mấy đứa nhỏ cho nó biết cái lối sống ở đời phía sau này nó thế nào.

Có những cái câu tôi làm từ tiếng Việt, tôi làm qua tiếng Anh tôi đọc cho người ta thích. Thí dụ như cái bài:

Quá khứ qua rồi, bỏ qua đi.
Tương lai chưa đến ước mong gì.
Nhiệt tâm với hôm nay hiện tại,
Hòa hảo sống mãi phút giây này.

Thành thử tui viết bằng tiếng Anh:

The past is gone so let it bygone
The future’s unknown, don’t let it control
Live and feel enthusiastically today, the present
Always keep this happy moment forever and ever.

Và để chấm dứt buổi hôm nay thì tôi đọc cái bài mà tôi viết khoảng hai mươi mấy năm về trước lần đầu tiên tôi làm bài thơ cái câu tiếng Anh:

Happiness shared happiness double
Sorrow shared, sorrow half

Thì tôi mới cho thêm hai câu nữa là

Learn to forgive and forget
To have a calm mindset

Tôi mới đặt lại bài tiếng Việt:

Hạnh phúc chia, hạnh phúc gấp đôi
Nỗi buồn chia, nỗi buồn xẻ vơi
Lỗi lầm nên bỏ, không nên giữ
Học tánh vị tha, sống thảnh thơi

Hưng Việt: Quá tuyệt anh Hoa, không ngờ là anh là một người tốt nghiệp kỹ sư Hóa học tức là một người thiên về khoa học mà anh lại có một cái tâm hồn thi sĩ như thế thật là bất ngờ và rất là may mắn được anh cho biết những đoạn thơ như vậy, ngoài ra chúng tôi cũng được biết anh còn là một nhà thơ viết những bài thơ thiền.

Thay mặt cho thính giả và cô Mỹ Dung, chúng tôi xin thành thật cảm ơn anh Hoa rất là nhiều đã dành thời giờ quý báu của anh cho cuộc nói chuyện rất hứng thú ngày hôm nay. Xin kính chúc anh chị được nhiều sức khỏe và mọi sự may mắn.

Lâm Thiện Hoa: Xin cảm ơn anh Việt và Mỹ Dung đã bỏ giờ tới hôm nay phỏng vấn 15 phút mà phải đi cả tiếng đồng hồ tới. Tôi rất là hân hạnh. Tôi xin cám ơn Đài phát thanh SBS. Tôi hy vọng quý thính giả đã biết được đôi chút về nghề này. Xin chúc tất cả an lành và sức khỏe. Xin chào tất cả.

Mỹ Dung: Xin cảm ơn và chào anh Hoa

Quý vị có thể liên lạc với ông Lâm Thiện Hoa qua số: 0434 280 457

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung



Share