Chuyện Queensland: Nghề thông dịch viên

145602.jpg

Đỗ Mỹ Linh

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hiện nay ở Brisbane nhu cầu về thông dịch viên để giúp đồng hương chúng ta khi đi đến bệnh viện hay Centrelink hoặc ra tòa đang rất cao. Hưng Việt và Mỹ Dung tìm hiểu thêm với cô Đỗ Mỹ Linh, thông dịch viên nhiều năm kinh nghiệm.


Hưng Việt: Dạ xin chào cô Mỹ Linh.

Mỹ Linh: Dạ xin kính chào thính giả của đài SBS, xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung

Mỹ Dung: Dạ, chào Mỹ Linh

Hưng Việt: Trước hết thì xin cô Mỹ Linh cho biết về sự khác biệt giữa hai loại bằng thông dịch. Theo tôi được biết thì có bằng gọi là Thông ngôn, là Interpreter, và Phiên dịch, tức là Translator. Thì xin cô Mỹ Linh cho biết sự khác biệt giữa hai cái bằng đó.

Mỹ Linh: Dạ thưa, thì tóm tắt đó, có nghĩa là thông dịch là bằng lời nói và phiên dịch là bằng trên văn bản. Bằng thông dịch thì khi mình thi, mình có thể dịch từ Anh-Việt Việt-Anh. Tuy nhiên bằng phiên dịch Translator, một là mình thi từ Anh qua Việt, rồi nếu mình muốn dịch từ Việt qua Anh là cái bằng khác nữa.

Hưng Việt: Cám ơn cô Mỹ Linh đã giải thích rõ ràng về cái việc đó. Bây giờ thí dụ tôi muốn học luyện thi các cái bằng đó, một hoặc cả hai, thì tôi học ở đâu? Có trường nào dạy hay không?

Mỹ Linh: Dạ thưa anh thì hiện nay ở Brisbane thì chỉ có trường TAFE ở ngoài South Bank, họ có một cái lớp nó gọi là lớp luyện thi bằng thông ngôn viên, và ở các tiểu bang khác ở phía Nam của mình như Sydney, Melbourne thì họ có những cái trường Đại học, họ mở những cái khóa dạy bằng thông ngôn viên này ạ. Đó là một cái bằng cử nhân, thưa anh. Rất tiếc là ở Brisbane mình không có.

Hưng Việt: Như vậy thì khi học xong và khi mình sẵn sàng để mà đi thi lấy bằng rồi đó, mình phải qua những cái giai đoạn nào?

Mỹ Linh: Dạ thưa anh thì cái thủ tục để mình xin phép thi, dù là Interpreter hay là Translator thì mình phải đăng ký và mình phải liên lạc với NAATI – đó là National Accreditation Authority for Translators and Interpreters, hoặc là mình tạm gọi là Cơ quan Quốc gia Công nhận Thông ngôn và Phiên dịch. Mình phải đăng ký qua họ. Rồi mình phải tìm những ngày thi thích hợp, mình muốn đăng ký mình thi chiều nào.

Hưng Việt: Thí dụ bài thi translator chẳng hạn, nó có bao nhiêu bài dịch ở trỏng và họ cho mình bao nhiêu thì giờ?

Mỹ Linh: Dạ thưa anh ít nhất thì cũng vài tiếng đồng hồ. Rồi còn nếu mình thi thông dịch thì tùy theo cái level. Có những cái levels, mà nó cao hơn là nhiều khi một buổi thi nó chiếm cả ngày luôn ạ.

Ngày xưa cái cách thi hơi khác một chút xíu, có nghĩa là dùng máy ghi âm, rồi mình nghe, mình dịch lại. Bây giờ thì rất là khó hơn, có nghĩa là trong cái phần thi có luôn video có những diễn viên đóng thực tế, nó giống như dàn cảnh thiệt luôn anh.

Còn thi mà phiên dịch là thi Translator đó thì bây giờ họ sử dụng những công nghệ tiên tiến lắm, em tạm gọi nó là “gác thi” đi, có nghĩa là họ cho mình thi online ở nhà nhưng mà họ gần như là họ điều khiển cái máy vi tính của mình để mà mình không ăn gian được.

Mỹ Dung: Ồ hay quá há?

Hưng Việt: Cái bằng interpreter như hồi nãy cô nói là có nhiều levels, thì đầu tiên là chỉ được thi level 1, rồi mình làm vài năm rồi mình xin thi level 2 rồi mới lên level 3 v.v.. hay là sao?

Mỹ Linh: Cái bằng đầu tiên nhất gọi là provisional certified, xong rồi đến certified, rồi trên đó là professional, lên cao hơn một chút xíu thì về các lĩnh vực chuyên môn, còn những cái bằng provisional hoặc certified đó thì không có cái lĩnh vực chuyên môn mà là thi tổng quát hết, họ có thể đưa cho mình bất cứ đề tài gì. Không bắt buộc mình phải cầm cái bằng này bao năm rồi mình mới được thi bằng kia anh ạ. Nếu mình cảm thấy mình thích mình có quyền thi thẳng luôn một cái level cao hơn. Nhưng mà phải nói rằng những cái đề thi bây giờ họ chấm rất là kỹ.

Hưng Việt: Nói về level professional thì cô nói là có chia ra làm nhiều cái lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thì cô có thể cho biết một vài cái lĩnh vực nào không, như y tế, luật pháp v.v…

Mỹ Linh: Dạ đúng chính xác như vậy anh ạ. Đến lãnh vực chuyên môn thì thường có y tế, rồi còn ngoài ra thì đi về luật pháp.

Có thể nói là hai lĩnh vực chính nhất mà có việc hữu hiệu nhất. Nếu em không lầm thì ở Brisbane may ra có được một người giữ cái bằng chuyên môn professional. Có lẽ đây không phải là người ta không có trình độ đâu nhưng mà tại vì bây giờ mình có giữ provisional, certified hay là professional thì thực sự mức lương nó không có khác nhau, giỏi lắm một vài đồng, cho nên là cũng không có ai muốn tập trung vô để mà đi thi, tại vì mỗi lần mình thì mình đóng tiền rất là cao thưa anh.

Mỹ Dung: Rồi khi học xong thì mình có dễ kiếm việc làm không hả Mỹ Linh?

Mỹ Linh: Dạ thưa chị, hiện bây giờ, tại Brisbane thông dịch viên Việt Nam thiếu trầm trọng cho nên hoàn toàn mình sẽ không có lo thất nghiệp. Các bệnh viện lớn ở Brisbane bây giờ hầu như đã mướn thông dịch viên tại bệnh viện của mình để mình không có phụ thuộc hoàn toàn vào công ty thông dịch. Thứ nhứt bảo đảm được rằng họ luôn luôn có một người thông dịch tốt ở tại bệnh viện, và thứ nhì nữa cũng đỡ chi phí hơn.

Hưng Việt: Cô nói là cộng đồng người Việt mình đang rất là thiếu thông dịch viên người Việt thì như vậy đó chúng ta đang cần thông dịch viên ở trong những cái lĩnh vực nào nhiều nhất?

Mỹ Linh: Dạ thưa anh lĩnh vực y tế là một nơi mà phải nói là nhu cầu rất rất là cao luôn. Em chỉ có thể lấy ví dụ là ở trong bệnh viện Mater, tại em làm ở bệnh viện Mater, thì em biết là hầu như các mức mà họ gọi là “unmet” đó, có nghĩa là mình gởi ra rồi các agencies gởi trả về tại vì không kiếm được người thông dịch, nó nằm rất là cao. Cao nhất trong các ngôn ngữ của tại bệnh viện.

Về lĩnh vực luật pháp, khi đi tòa cũng rất là cao ạ. Tại địa phương mình thì hầu như rất là ít thông dịch viên đi toà. Em không nói là cái trình độ họ không có đâu, nhưng mà có lẽ là đi vào tòa những cái protocols cũng hơi khác. Mà vô trong tòa phải nói nó rất là căng thẳng tại vì tất cả những cái gì trong tòa đều được thu băng.

Nếu mà mình đi qua agency đó thì agency họ ăn hết ít nhất cũng phải 50% cái số tiền của mình rồi. Nếu mà mình cần thông dịch ở trong một lĩnh vực mà mình không được tài trợ, nên đi tìm một người thông dịch viên trực tiếp, thứ nhất nó dễ tìm cho mình hơn, thứ nhì mình chọn lựa được người thông dịch mình ưa thích hoặc là mình nghĩ là tin tưởng vào khả năng, thứ ba nữa là tiền mình trả rẻ hơn mà cái người thông dịch viên lãnh cao hơn nên nó có lợi cho tất cả mọi người.

Hưng Việt: Thưa cô, tôi tin là với cái đạo đức nghề nghiệp, mình gọi là ethics đó, thì tôi tin chắc là các thông dịch viên đều sẽ cố gắng trong cái khả năng của họ dịch một cách rất là trung thực. Nhưng mà điều trên phương diện pháp luật, tôi không hiểu là các thông dịch viên có phải tuyên thệ là tôi sẽ dịch trung thực hay không?

Mỹ Linh: Dạ thưa anh trước khi mình dịch cho một phiên tòa án, mình bắt buộc có cái lời tuyên thệ. Còn thông dịch ở bệnh viện, ở ngoài những nơi đó thì bắt buộc họ cũng bắt mình ký một cái hợp đồng anh ạ. Hợp đồng quan trọng là cái ethics, có nghĩa là mình phải bảo mật những thông tin đó. Cái đó là một trong những cái rất là quan trọng trong ngành thông dịch, là mình không được phép đem thông tin của người đó chia sẻ với bất cứ ai.

Và dĩ nhiên là cái accuracy có nghĩa là cái chính xác là mình phải tuyên thệ rằng mình sẽ thông dịch đúng cái chính xác theo khả năng của mình.

Tại sao bệnh viện thông thường không để cho người nhà thông dịch cho người nhà? Là chỉ vì sợ rằng mình giấu thông tin đó. Thì đó là để mình tránh cái trường hợp biased có nghĩa là mình giấu thông tin.

Mỹ Dung: Mỹ Linh có gặp những cái trở ngại nào trong việc thông dịch không?

Mỹ Linh: Chắc có lẽ đối với nhận xét của em thì cái trở ngại nhất cho những người thông dịch là khi mình gặp những người mà cái âm giọng nó khác, họ dùng những cái ngôn từ địa phương. Thí dụ như mình gặp một chuyên gia đó họ có cái accent thì mình phải cần sự tập trung rất là nhiều. Tại sao mà dịch trong y tế nó dễ hơn là sao ạ? Mình nghe không được có quyền hỏi lại, nhưng mà mình vào tòa mà mình cứ bắt họ phải hỏi đi hỏi lại thì chắc ông tòa sẽ suspend cái case đó và ổng cho đi ra ngoài liền, tại vì tất cả đều được thâu băng, họ không muốn trục trặc, họ không muốn tái đi tái lại hoài. Thông dịch ở trong tòa bởi vậy nó căng thẳng là ở chỗ đó. Thì em nghĩ rằng đó là hai cái vấn đề mà em thấy rằng khó khăn nhất.

Một cái khác mà em nhận thấy rằng người Việt mình hay đi vòng vo Tam Quốc, đi hoài không vào tới được câu trả lời. Nhưng mà nếu mà mình ngưng, không cho người ta nói, mình chặn lại thì dĩ nhiên mình lại sợ mích lòng cho nên mình cũng phải rất là uyển chuyển để mình tìm cách mình nghe một tí xíu rồi mình nhắc “À anh ơi, chị ơi, bác ơi, bác làm ơn cho con biết cái câu bác sĩ hỏi như thế này nè, bác làm ơn cho con câu trả lời được không?” thì để mình từ từ mình dắt người ta trở về với cái câu hỏi.

Hưng Việt: Đối với tôi thì tôi thường nghĩ là làm thông dịch, mà nhất là về phương diện y tế thì rất là khó bởi vì mình phải hiểu những cái danh từ y khoa, nhưng mà có những cái chứng bệnh mà mình chưa từng nghe bao giờ thì cô Mỹ Linh có gặp những các trường hợp đó hay không? Và nếu có thì cô làm sao?

Mỹ Linh: Dạ cám ơn anh Hưng Việt hỏi cho em câu hỏi này. Em thì thỉnh thoảng em có gặp những người bệnh nhân thì có khi thì họ nói là thông dịch A giỏi hơn thông dịch B thì em luôn luôn em phải đính chính cho các anh chị em trong ngành thông dịch là khi có cái bằng thì em nghĩ rằng trình độ của ai cũng giống như nhau. Và đúng, là tại sao mà người bệnh nhân nghĩ rằng người này giỏi hơn người kia, là tại vì có những từ y khoa mình chưa nắm vững được, mình chưa hiểu được mà mình không dám hỏi lại bác sĩ tại vì có khi mình nghĩ rằng mình hỏi lại bác sĩ thì bác sĩ cho rằng trình độ mình chưa đủ. Đối với em, cái danh từ nào em không hiểu em nói bác sĩ liền “bác sĩ làm ơn giải thích cho tôi cái căn bệnh theo cái ngôn ngữ bình thường để tôi có thể giải thích lại với bệnh nhân”. Ngoài ra thì khi đó em take notes, em ghi chú xuống rồi những lúc khác em về, em rảnh, em tìm hiểu thêm. Mình tìm hiểu thêm về cái căn bệnh, nó xuất phát từ đâu để mình có một tí xíu kiến thức để sau này nếu mình gặp lại, mình có thể giải thích tại sao cái này nó sẽ diễn ra cái này. Em nghĩ rằng đó là cái sự học hỏi liên tục và để mà mình trau dồi kiến thức, nó cũng sẽ giúp cho mình trong cái ngành thông dịch rất là nhiều.

Hưng Việt: Điều đó chứng tỏ cô Mỹ Linh làm việc, thứ nhất, là rất chuyên nghiệp, professional, và thứ hai nữa, cô có cái tâm, cô muốn giúp người ta thành ra cô tìm hiểu tới nơi tới chốn.

Mỹ Linh: Dạ thưa, một trong những cái lĩnh vực của thông dịch, nhất là về y tế thì bao giờ cũng vậy, khi cái buổi nói chuyện với bác sĩ xong, bác sĩ thường thường luôn luôn cho người bệnh nhân có cơ hội để hỏi bác sĩ. Em thấy đại đa số bệnh nhân Việt Nam mình, một là có thể mình không biết mình cần hỏi cái gì, hai là có thể mình cũng ngại, thường xuyên thì mình nói là mình không có. Đối với cá nhân em một người thông dịch thì em thường xuyên khuyến khích người bệnh nhân đó có thắc mắc gì cứ hỏi, bất cứ điều gì, không có câu hỏi nào là câu hỏi vô lý cả. Đôi khi trong một vài trường hợp thì em có thể nói “à bác ơi, cô ơi, chú ơi, con nghĩ là bác có muốn biết về cái này hay không, bác có cần hỏi cái này không?”. Mình cũng gợi ý cho người ta tại vì mình làm ở trong cái lĩnh vực này thì mình có thể hiểu được rõ hơn về cái quá trình trị liệu. Em nghĩ những cái điều này nó cũng cần.

Cũng cám ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung bữa nay cho em có cơ hội nói đến điều này, hy vọng thính giả của mình khắp nơi nghe và tương lai nếu mình là một người bệnh nhân, thì sau khi mình khám bệnh xong, bác sĩ hỏi mình muốn hỏi gì thì mình cứ việc hỏi ra, tại vì đây là cái cơ hội của mình và đây là cái quyền của mình được phép hỏi ra để mình hiểu về tình trạng của mình hơn.

Mỹ Dung: Bây giờ Mỹ Linh có thể kể lại một hai cái kỷ niệm vui buồn không?

Mỹ Linh: Dạ cảm ơn chị. Nói về y tế đi thì thật sự cái niềm vui và cái nỗi buồn trong ngành thông dịch là em rất vui khi mà mình gặp được những bệnh nhân rồi từ từ mình đi theo họ từ ngày này qua tháng khác, theo những trị liệu và cuối cùng họ thành công, sức khỏe của họ tốt đẹp hơn thì đó là cái niềm vui, rất là vui. Và dĩ nhiên, ngược lại thì nó cũng có những cái nỗi buồn là cũng có những trường hợp là mình phải đi theo họ và đến một cái điểm là mình phải cho họ biết rằng căn bệnh của họ là bây giờ bác sĩ đã nói bác sĩ không thể tiếp tục được nữa, thì đối với cá nhân em thì em vẫn đồng hành với những người bệnh nhân đó một khi mình biết … đồng hành đây là sau khi họ không còn là bệnh nhân nữa em vẫn cố gắng để mà quan tâm thăm hỏi và dĩ nhiên nếu có thể thu xếp được thì mình vẫn có thể đến mình chia sẻ với họ trong những lúc gia đình có điều buồn. Giống như một cái đam mê của em và nó là cái gắn bó với em rất là nhiều.

Hưng Việt: Như vậy, thưa cô Mỹ Linh, thì cuối cùng cô còn có điều trị muốn chia sẻ với thính giả của chúng tôi hay không ạ?

Mỹ Linh: Nếu mà được chia sẻ thì em chỉ có thể xin nói một điều rằng muốn theo cái nghề thông dịch thì trước nhất mình phải có cái sự đam mê, đam mê về ngôn ngữ và mình phải luôn trau dồi ngôn ngữ của mình cũng như là mình học hỏi để mình có thêm được những cái kiến thức của mình, thì đó là cái điều rất là cần.

Dĩ nhiên hồi nãy em có nhắc rồi là nghề thông dịch là một cái nghề phải cần giữ bảo mật, cái đó là cái ethics của mình, bắt buộc mình phải có những vấn đề đó. Dĩ nhiên ai cũng có những cái riêng tư và đôi lúc cũng ngại chia sẻ. Em lấy thí dụ nếu mình là một người thông dịch nữ, mình đi thông dịch cho một người bệnh nhân nam, đôi lúc có những cái bịnh mà người nam họ cũng ngại để nói trước mặt một người nữ thì cái vấn đề đó em có thể hiểu được và mình cũng thông cảm. Nếu mình nhìn thấy cái sự lúng túng của người đó, mình trấn an họ liền. Là mình nghe đây chứ mình không nhớ đâu, anh cứ yên tâm. Tại vì thứ nhất là nghề nghiệp, mình không được chia sẻ với ai, và thứ nhì, một ngày em thông dịch cho rất nhiều người, nghe đây ngày mai ra chuyện của anh nó như thế nào em cũng không biết. Cái có lẽ là người thông dịch nào em nghĩ cũng đã gặp qua, cái buồn nhất cho người thông dịch là khi mình ngồi với thân chủ của mình mà thân chủ của mình chỉ nói với mình một câu “Ôi làm cái nghề này sướng thấy mồ, đâu có làm cái gì đâu, chỉ nói không là lãnh tiền”, có lẽ là một cái câu mà em nghĩ là nó là câu buồn nhất của một người thông dịch.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn cô Mỹ Linh rất là nhiều, hôm nay đã giải thích những việc làm cũng như những cái kinh nghiệm ở trong cái nghề thông dịch này. Xin kính chúc cô luôn luôn được nhiều sức khỏe và thành công trong những công việc làm của cô. Xin thành thật cám ơn.

Mỹ Linh: Dạ một lần nữa em xin phép cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung rất là nhiều đã cho em cái cơ hội để được trình bày một tí xíu hậu trường sân khấu phải không ạ, của ngành nghề thông dịch của em. Và cũng xin cảm ơn quý vị thính giả của đài SBS và rất hân hạnh được đàm chuyện với anh chị trong ngày hôm nay và xin kính chúc quý vị cũng như anh chị một ngày vui, bình an.

Mỹ Dung: Cảm ơn Mỹ Linh.

Để liên lạc với cô Mỹ Linh, xin vui lòng gọi số 0403 323 482

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 



Share