Chuyện Queensland: Nghề kinh doanh tạp hóa và bán vé số

02 - Anh Trần Sỹ Thiện trước cửa tiệm.jpg

Anh Trần Sỹ Thiện trước cửa tiệm

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Với mong muốn mau chóng hội nhập và đóng góp cho nước Úc, anh Trần Sỹ Thiện đã mở một cửa tiệm Convenience Store và Lotto ở gần trung tâm thành phố Brisbane.


Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về những kinh nghiệm của anh Trần Sỹ Thiện về những đòi hỏi cho một chiếu khán thương nghiệp, đến các khó khăn, ràng buộc cùng những kỹ năng cần thiết khi mở một cửa hàng tiêu thụ ở Úc.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Thiện Trần.

Thiện Trần: Dạ em chào anh Việt, chào chị Mỹ Dung và kính chào khán thính giả của Đài SBS.

Mỹ Dung: Chào anh Thiện Trần.

Hưng Việt: Thưa anh Thiện, anh có thể cho biết tại sao mà anh chọn mở một cái business là một cái convenience store như thế này và được bao lâu rồi thưa anh?

Thiện Trần: Dạ bởi vì ở Việt Nam em làm một công ty về phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng 15 năm rồi cho nên em hiểu rõ cái hàng hóa cũng như cách thức mà dòng hàng lưu thông, cho nên em sang đây em chọn mở convenience store, đó là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai, convenience store thì mình mua hàng người ta đã đóng gói rồi và về mình bán lại cho khách thì mình loại trừ được những rủi ro trong quá trình lưu thông hàng hóa, những rủi ro gây cho khách hàng. Ví dụ như, khi sản phẩm đó đã được một công ty làm rồi và đã được vệ sinh, đã được đóng gói rồi, cho nên mình chỉ là người trader thôi, mình không phải chịu trách nhiệm với chất lượng của sản phẩm cũng như về an toàn của sản phẩm.

Cái thứ ba nữa là, ở nước Úc thì nhân công rất là đắt. Convenience store thì mỗi ca làm việc của tụi em chỉ cần tối đa là hai người thôi như vậy nó tương đối dễ dàng cho tụi em là những người mới tới nước Úc.

Hưng Việt: Như vậy khi anh qua Úc để mà anh sinh sống đó, anh có cần một loại visa đặc biệt nào để mà được vào nước Úc mở cái thương nghiệp như vậy hay không?

Thiện Trần: Dạ thưa có và rất khó khăn để có một cái visa để vào nước Úc. Em vào nước Úc với diện visa 188A. 188A có nghĩa là họ đòi hỏi em phải có một nền tảng ở đất nước của mình, có nghĩa là em phải là doanh nhân, phải có kiến thức, phải có học vấn, phải có tiền vốn và những yêu cầu rất là cụ thể trong visa đó.

Người ta sẽ hỏi câu đầu tiên là tụi em vào nước Úc và tụi em đóng góp gì cho đất nước của họ, chứ không phải vào đây để họ nuôi mình.

Đóng góp gì thì có hai yếu tố, thứ nhất anh mang được bao nhiêu tiền vốn vào để xây dựng đất nước Úc. Thứ hai anh làm được cái gì cho đất nước Úc.

Hưng Việt: Cái số tiền đó họ có ấn định là một cái số tối thiểu là bao nhiêu hay không thưa anh?

Thiện Trần: Dạ thưa anh có, đối với visa của em là 800 ngàn. 800 ngàn mà họ chia rất rõ ràng 800 ngàn đó bắt buộc tối thiểu 300 ngàn anh phải đưa vào lưu thông business, còn 500 ngàn còn lại thì anh phải mua nhà cho vợ con ở để bảo đảm cho cuộc sống của mình ở đây, make sure rằng là mình vào đất nước của họ và mình phải có tự tạo lập được cuộc sống chứ không phải là gánh nặng vào họ.

Hưng Việt: Như vậy cũng khá khó khăn ha. Khi mà anh chị tới Úc thì anh chị quyết định là chọn thành phố Brisbane trước hay là qua rồi xem vòng vòng rồi mới chọn Brisbane này là quê hương thứ hai?

Thiện Trần: Dạ thưa anh, trước khi bọn em qua Úc thì tụi em cũng định hướng là mình sẽ vào ở bang nào, thành phố nào. Nó lại còn tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu của mỗi bang. Ví dụ như Victoria, họ đã có nhiều cư dân rồi và giàu có rồi, họ sẽ yêu cầu cao hơn so với Queensland. New South Wales và Tây Úc họ cũng có những yêu cầu khác và tụi em căn cứ với những yêu cầu của từng bang và từng điều kiện khí hậu, thời tiết cũng như điều kiện làm ăn của tụi em, tụi em mới căn cứ vào đó tụi em chọn.

Lúc đầu thì em đã nộp đơn vào Victoria rồi và em cũng có approve của Victoria rồi nhưng sau đó em lại rút đơn lại, vì thứ nhất là điều kiện thời tiết của Victoria nó không giống Sài Gòn, họ yêu cầu mang nhiều tiền hơn rất là nhiều so với Queensland, họ yêu cầu mang gần hai triệu. Họ có yêu cầu rất ngoặt ngoèo nữa là một năm ở Victoria tụi em không được rời khỏi nước Úc 60 ngày, nhưng còn ở Queensland thì trong tổng cộng hai năm tụi em không được rời quá một năm thôi.

Mỹ Dung: Dạ rồi sao anh lại chọn cái suburb này để mở một cái business.

Thiện Trần: Dạ trước khi em sang thì em cũng đã xác định là em sẽ mở ngành hàng nào, từ ngành hàng đó em bắt đầu đi tìm kiếm những nơi nào họ đang có business tốt để mình nhảy vào, mình tiếp quản mình mua lại. Cũng nhờ với kỹ năng làm việc tụi em có, cả quá trình chọn mua ở đâu và khu vực nào thì em đều làm ở Việt Nam, bây giờ với công nghệ hiện đại của Google và tất cả mọi thứ rồi thì em cứ ngồi Việt Nam, em vừa làm thu xếp công việc nhà bên đó và em gọi điện sang bên này, nhờ cái đội ngũ agent của người Úc ở đây gửi thông tin cho mình. Khi có những thông tin ban đầu rồi em mới khoanh vùng lại. Qua quá trình chọn lọc như vậy thì em tìm được cái cửa hàng hiện tại của em đang làm đây.

Và em sang nước Úc ngày 27 tháng 12 năm 2022 thì hai tháng sau là em ký em mua cửa hàng này. Em phải mất một thời gian ba, bốn tháng để approve thuê mặt bằng, em phải đi học để làm The Lott, phải làm tất cả những công tác chuẩn bị rồi settlement. Hai tháng sau đó em mới settlement xong. Cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu, tức là đến thời điểm này là em chạy cửa hàng này được gần một năm.

Sau cả quá trình nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm những người đi trước thì thông thường ở đây mình set up một cái mới tương đối là khó, thường mọi người advise là nên mua một cái cửa hàng đã tồn tại trước.

Mỹ Dung: Dạ, thưa anh cửa hàng này, anh bán loại hàng nào là chạy nhất hả anh?

Thiện Trần: Dạ thưa doanh số hàng ngày gồm có đồ ăn, nước uống, và vé số, thuốc lá. Nó chia ra là hai cái mảng chính như vậy. Số lượng item em bán hàng ngày mà nhiều nhất thì vẫn là nước uống. Thuốc lá và vé số thì doanh số nó lớn tại vì một bao thuốc lá có thể tốn đến 50 đô, 60 đồng nhưng mà thật ra cái số lượng mua thì lại không nhiều, ví dụ như là một ngày em bán được 700 đồng tiền thuốc lá thì thật ra em có khoảng mười mấy item thôi. Nhưng mà trong khi đó có những ngày trời nắng, mùa hè em có thể bán đến cả 1.000 đô tiền nước uống. Em có cả hệ thống tủ lạnh lớn như thế để phục vụ việc đó.
06 - Các kệ hàng.jpg
Hưng Việt: Thưa anh Thiện, tôi để ý thấy tủ lạnh mà chứa nước uống anh có ngoài kia rất là to lớn đồ sộ, thì còn có những món thức ăn như sandwich, ice cream này kia,… thì những món đó thì anh chị tự làm lấy hay là đặt mối với người khác.

Thiện Trần: Dạ thưa anh cái sandwich đó tụi em tự làm, nhưng mà cũng không phải là sản phẩm sáng tạo trí tuệ của tụi em, mà là người chủ trước sang lại cửa hàng cho tụi em người ta đã làm mười mấy năm rồi, người ta đúc rút là khách của khu vực này họ thích ăn những mùi vị gì và những loại nào, họ làm việc rất khoa học và họ để lại cho tụi em một công thức và trên cơ sở công thức đó thì tụi em là người Việt Nam nữa cho nên là mình cũng có cái khiếu là mình biết là khách thêm chút này, thêm chút kia thì tụi em có chế thêm một chút thôi nhưng mà nó ngon hơn, để cho nó béo hơn, từ ngày tụi em làm thì một ngày em bán trung bình khoảng 50 cái sandwich tự làm thì mỗi cái giá trung bình khoảng bảy đồng, bảy đồng rưỡi gì đó một cái.

Hưng Việt: Anh có đề cập tới là làm những cái sandwich theo khẩu vị của khách hàng ở đây thì tôi nhận thấy là cửa hiệu của anh nằm ở cái khu mà toàn là văn phòng không à. Thì thưa anh những khách hàng thường xuyên của anh là thuộc về cái giới gì?

Thiện Trần: Dạ khách hàng của tụi em là những người công chức văn phòng và họ vào tiệm là họ đã biết họ mua cái gì rồi. Họ lấy đồ rất là nhanh, họ đi ra rất là nhanh, họ cũng không có nhiều thời gian. Rồi lúc giải lao 15 phút họ có, họ chạy từ bên kia đường sang họ lấy một vài lon nước rồi họ lại vội vã họ chạy đi. Vì tụi em cũng nắm biết được tính chất của khách hàng như vậy nên tụi em phục vụ tối đa. Thì cách thức mà tụi em phục vụ khách hàng là như vậy, tụi em sẽ cố gắng ghi nhớ tất cả mọi người, và cố gắng để làm sao đáp ứng hết tất cả yêu cầu của họ ngay lập tức.

Hưng Việt: Thưa anh có cái luật lệ nào mà bắt buộc là muốn mở một cửa hàng convenience store khác tương tự như vậy thì phải cách cái tiệm của anh bao nhiêu thước không? Ý tôi hỏi là anh có người cạnh tranh hay không?

Thiện Trần: Dạ câu trả lời của em là có và không. Hai cái này lẫn lộn nhau và em phải giải thích một chút xíu. Những cái mặt hàng không bị giới hạn là những cái nước uống và những cái bánh trái nho nhỏ, và những cái đó không đóng góp nhiều doanh thu cho cửa hàng.

Để một cái convenience store có thể sống và tồn tại được lâu dài có lợi nhuận thì mình phải bán rất nhiều thứ kết hợp với nhau mà trong đó cái vé số là một trong những cái đóng góp duy trì cho convenience store. Có những cái convenience store có vé số và có những cái không. Thì trong bán kính em không biết là bao xa nhưng mà hôm trước The Lott có gửi cho em một cái thư là có một cái người xin mở ở phía kia cách đây khoảng hơn một cây số, họ cũng không đồng ý.

Thí dụ như anh muốn mở một cái mới, bán những cái hàng thông thường không liên quan gì đến những cái mặt hàng mà bị giới hạn, hoặc như cửa hàng của em, em muốn làm top up cái Go Card đây, em đã xin rất là lâu rồi, nhưng mà câu trả lời của người ta là không. Và lý do là gì? Em quá gần cái train station ở đây.

Hưng Việt: Vừa rồi anh đề cập tới cái vấn đề bán vé số, tiếng mình gọi thông thường là lô tô, thì muốn được cái giấy phép bán lô tô đó anh chị và nhân viên có cần phải qua một cái khóa huấn luyện nào của The Lott hay không?

Thiện Trần: Dạ, rất cần và nó là tối cần thiết. Khi em ký hợp đồng mua cửa hàng rồi thì cái việc đầu tiên của em là phải làm việc ngay với The Lott để thông báo và cái phản ứng tức thì của họ là họ sẽ hỏi tất cả mọi thông tin về cá nhân em, em từ đâu tới, ở nước Úc với dạng visa nào học vấn của em ra sao, em có đủ trình độ ngôn ngữ để làm việc với khách hàng hay không và họ cũng nói rất rõ ràng cái lotto là một cái trò gambling cho nên người điều hành cửa hàng mà có lotto thì phải chịu trách nhiệm tương đối cao về mặt pháp luật, mình phải bảo đảm rằng mình không vi phạm những quy định của bang về những điều cấm không được làm trong lotto, ví dụ không được bán cho trẻ em dưới 18 tuổi, không được bán cho những người nghiện cờ bạc và có dấu hiệu làm những việc vi phạm pháp luật thì mình phải giải quyết thế nào.

Và để được cấp phép thì em phải được đi training hai tuần, em phải pass cái examination của họ, rồi em qua hai vòng phỏng vấn nữa và sau khi em pass tất cả những cái đó thì họ gửi em đến một cái trung tâm vé số, có một cửa hàng của họ và em phải thực hành ở trong đó 10 ngày, 10 ngày sau em có cái chứng chỉ đó thì em mới quay lại để được họ cấp phép.

Đối với những người nhập cư như tụi em khi ban đầu mới đến nước Úc thì cái vấn đề ngôn ngữ là vấn đề rất là khó khăn. Nếu mà muốn làm được lotto em nghĩ mọi người phải chuẩn bị một cái trình độ tiếng Anh tương đối vững cả về đọc, viết cũng như làm bài tập và thường xuyên hàng quý họ sẽ cử người xuống đây để check liệu tụi em có comply tất cả những quy định. Có những quý thì họ cử người xuống, có quý thì họ bọn em phải tự đánh giá, phải chụp hình tất cả những cái gì mà theo tiêu chuẩn điều kiện. Nói chung lotto là một ngành mà ban quản lý rất chặt chẽ.

Mỹ Dung: Nghĩa là luôn luôn kiểm tra như vậy hay là chỉ một thời gian đầu thôi hả anh?

Thiện Trần: Dạ luôn luôn ạ.
04 - Anh Trần Sỹ Thiện.jpg
Anh Trần Sỹ Thiện
Hưng Việt: Thưa anh Thiện nếu mà một người mà bước vào để mà mua lô tô đó. Làm sao anh biết được cái người đó nghiện cờ bạc, hay là không để mà anh ngừng và nếu anh biết rõ ràng rằng người đó nghiện cờ bạc anh có quyền ngưng và không bán thêm vé số cho họ hay không?

Thiện Trần: Dạ, khi một người bước vào Lotto mình muốn biết nghiện cờ bạc hay không thì mình phải căn cứ với những tiêu chí mà công ty The Lott đã đưa ra và mình phải đánh giá trên những tiêu chí đó. The Lott cũng hướng dẫn luôn cho mình cách thức nào để giải quyết trong việc cung cấp dịch vụ cho người đó. Dịch vụ là ý em nói là có bán vé số cho họ hay không, có phục vụ cho họ hay không đó, thì em theo những instructions ở trong đó.

Có hẳn cả một cái book như vậy và tụi em từ người chủ cho đến những người staff của tụi em là đều phải trải qua những training đó hết và nếu bọn em chỉ cần vi phạm thôi thì hậu quả nó tương đối là nặng nề cho nên bắt buộc tụi em phải học rất là nghiêm túc cái chuyện đó và phải hiểu rất rõ.

Mỹ Dung: Anh có thể tiết lộ chút xíu một vài cái dấu hiệu không hay là không được?

Thiện Trần: Dạ, em có thể tiết lộ bởi vì cái đó thì có ghi trong luật và không có gì phải bí mật cả. Ví dụ như trong cái hướng dẫn của The Lott ghi rất rõ là nếu một người trong một ngày họ cứ quay đi, quay lại, mua liên tục cái vẽ số của mình và cứ ở lì trong tiệm của mình để chơi cái vé số đó thì đó là dấu hiệu thứ nhất.

Cái dấu hiệu thứ hai họ có những dấu hiệu như say xỉn, không làm chủ được chính mình rồi họ mua vé số trong tình trạng họ không nhận thức được chính cái hành vi của họ đang làm gì .

Những cái dấu hiệu khác như là họ phàn nàn, họ khóc lóc về chuyện họ bị phá sản, bị nợ nần về chuyện chơi xổ số, chơi lotto thì những cái dấu hiệu đó rất là rõ ràng tụi em căn cứ với những cái đó để tụi em giải quyết và The Lott có đường hotline mình có thể tư vấn hoặc mình gọi đường hotline để nhờ nhân viên, chuyên viên trong cái lĩnh vực đó họ xuống hỗ trợ mình giải quyết.

Hưng Việt: Vé số bây giờ gần như là nó xổ mỗi ngày rồi, nó không có còn có ngày nào nghỉ nữa hết trơn, chỉ trừ ngày Chủ Nhật thôi. Thì cái loại vé số nào mà anh nghĩ là cái tiệm của anh bán chạy nhất.

Thiện Trần: Dạ thưa câu hỏi rất là hay. Dạ cái bán chạy nhất là Powerball bởi vì với cách cấu tạo giải thưởng như vậy, cho nên là số tiền nó quá lớn và nó hấp dẫn người ta rất là nhiều. Ví dụ như năm nay lần này là lần thứ hai Powerball đã lên đến 150 triệu, lần trước là 100 triệu, và Oz Lotto vào ngày thứ Ba và Saturday Lotto vào ngày thứ Bảy thì những giải thưởng rất là lớn, thứ Bảy của cuối tháng thì thông thường là khoảng 20 triệu, còn bình thường là năm triệu, còn những cái giải thưởng đều đều như là thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu thì luôn luôn là một triệu, em thấy gần như tuần nào cũng có người lãnh hết.

Hưng Việt: Thưa anh Thiện, một cái convenience store đó, nó có cả hàng trăm mặt hàng thì anh có cái cách nào hay là có cái ứng dụng nào trong thời đại công nghệ này để mà biết cái mặt hàng nào là của mình còn bao nhiêu để mà mình đặt mua thêm rồi cái mặt hàng nào cái giá hiện giờ trên thị trường đó là bao nhiêu v.v.. để mình có thể mình định liệu là nên mua thêm bao nhiêu nữa không anh?

Thiện Trần: Dạ câu hỏi của anh đúng cái điều cốt yếu của việc bảo đảm lợi nhuận cho cửa hàng. Thì cũng rất may mắn cho thế hệ của tụi em là tụi em lớn lên lúc mà công nghệ đang phát triển. Trong convenience store cũng như tất cả các hàng siêu thị đều có phần mềm để quản lý tất cả những cái đó và có những công ty phần mềm họ cung cấp phần mềm để cho mình quản lý barcode này, quản lý giá này, quản lý stock tức là cái inventory đó, và quản lý đặt hàng nữa, và cái mặt hàng này mình bán ra với giá đó thì mình có lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm.

Rồi cũng thông qua tất cả kiến thức tổng hợp của mình cũng như phần mềm thì tụi em cũng hạch toán ngay lập tức là mỗi ngày từ tiền rent, tiền điện, tiền nhân công mình phải có tối thiểu doanh thu bao nhiêu là điểm hòa vốn. Và từ cái doanh thu đó đổ lên thì mình sẽ lời bao nhiêu mỗi ngày.

Với câu hỏi của anh em xin trả lời là phải có phần mềm và phải có kỹ năng quản lý nữa.

Cái convenience store thì thông thường tụi em làm việc với các supplier, họ đã có cung cấp mặt hàng cho tụi em cố định rồi nhưng mà cũng nhiều supplier cung cấp cùng một mặt hàng giá cả họ khác nhau thì mình phải lựa chọn cái chỗ nào mình mua hàng với giá tốt nhất.

Hưng Việt: Những cái ứng dụng đó là mình phải mua hay là mướn hay là nó có free ở trên internet thưa anh?

Thiện Trần: Dạ thưa anh, thông thường bây giờ họ cũng có phần mềm họ làm như thuê bao điện thoại. Tức là hàng quý họ sẽ lấy mình số tiền không nhiều, ví dụ mỗi quý em trả khoảng 300 đô cho tiền phần mềm.

Nhưng mà ngược lại thì họ phục vụ mình rất là tốt. Như em hồi đầu mới vào làm thì em phải gọi điện cho họ miết. Toàn bộ hệ thống máy tính tiền là cả một hệ thống rất là phức tạp, chỉ cần trục trặc một chút xíu thôi là mình không bán được hàng rồi.

Cho nên phải luôn luôn có người và khi em gọi cho họ thì dịch vụ của họ rất là tốt, có thể họ gửi người đến đây hoặc là ngồi ở văn phòng của họ sửa từ xa cho mình luôn, fix tất cả những cái lỗi đó cho nên là mình phải tốn tiền cho phần mềm em nghĩ cái đó là rất là đáng giá.

Phải tốn tiền cho những cái dịch vụ khác nữa như ví dụ như dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ về tất cả này nọ kia. Cái đó rất là đáng giá để khi mà mình có vấn đề mình có người hỗ trợ ngay.

Hưng Việt: Dịch vụ về kế toán nữa, anh có một kế toán gia hay là một bookkeeper chứ phải không ạ?

Thiện Trần: Thưa anh, cái kế toán hàng ngày thì bản thân người owner như em em tự làm. Nhưng mà cuối mỗi quý, báo cáo quý thì bắt buộc phải có một công ty kế toán để làm cho em. Ví dụ như invoice của em mỗi quý nó sẽ phát sinh khoảng 500 invoice, và tất cả những cái đó phải thu thập lại và report lên để thành cái chi phí giá mua, rồi trong tháng đó em bán được bao nhiêu thì có phần mềm chạy ra, và giá mua trừ giá bán thì sẽ ra cái số lợi nhuận của em rồi từ cái lợi nhuận đó mới ra số thuế để đóng. Thuế thì gồm những thuế gì, GST hay là thuế income hay thuế này thế nọ thì kế toán họ phải làm chuyện đó.

Hưng Việt: Thành ra ngó thì thấy một cái tiệm convenience store như anh nói đó có thể điều hành thì trông bề ngoài thì thấy nó dễ dàng nhưng mà bên trong nó cũng đòi hỏi khá nhiều kỹ năng khác nhau, phải không ạ?

Thiện Trần: Dạ thưa anh, nếu ai đã làm chủ doanh nghiệp rồi thì em nghĩ cũng không thành vấn đề. Tại vì bất cứ doanh nghiệp nào mở ra thì nó cũng có cái công thức đó hà, anh mở lớn, mở nhỏ gì nó cũng vậy. Giả dụ bây giờ thay vì em mở thêm ba convenience store nữa như thế này thì cũng một công việc đó thôi. Cho nên thông thường tại sao họ khi họ làm quen rồi họ mở thêm là vì vậy.

Mỹ Dung: Vậy anh có định mở thêm không?

Thiện Trần: Dạ thưa chị vì vấn đề nhân lực cho nên hiện tại thì em chưa có đủ sức. Chứ nếu mà có thì em cũng mở thêm.

Hưng Việt: Cuối cùng không biết anh Thiện còn có điều chi muốn chia sẻ với thính giả hay không ạ?

Thiện Trần: Dạ em cũng xin cảm ơn anh chị đã dành thời gian và cũng xin gửi đến các bạn thính giả trong cộng đồng của mình là mỗi người có thể chọn một cái business để làm nhưng mà tùy theo hoàn cảnh của từng người.

Gia đình mới di cư như tụi em, thì hiện cũng chưa có được quen biết nhiều, cũng như chưa thâm nhập sâu vào xã hội được cho nên em thấy là Convenience Store cũng là một cái lựa chọn tốt.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn anh Thiện rất là nhiều, bận rộn với lại cái shop mà vẫn dành thời giờ cho cái cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Dạ cám ơn anh và xin kính chúc anh chị luôn luôn nhiều sức khỏe, gia đình được nhiều vui vẻ bình an và cửa hiệu sẽ ngày càng phát đạt hơn.

Thiện Trần: Dạ một lần nữa em xin cảm ơn anh Việt, cảm ơn chị Mỹ Dung đã dành thời gian đến shop và có bài phỏng vấn ngắn với tụi em và cũng xin gửi lời chào đến thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ cảm ơn anh Thiện.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share