Chuyện Queensland: Linh mục Trần Công Vang và Việt Tộc Foundation

01 - LM Trần Công Vang tại Brisbane.jpg

LM Trần Công Vang tại Brisbane

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Linh mục Phêrô Trần Công Vang Dòng Chúa Cứu Thế là một trong những thành viên sáng lập ra Việt Tộc Foundation năm 2000, nhằm mục đích giúp đỡ những người thiểu số Tây nguyên trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, huấn nghệ và đời sống.


Nhân dịp linh mục từ Hoa Kỳ ghé thăm Brisbane, chúng tôi hân hạnh có cuộc trò chuyện cùng Cha. Trước buổi mạn đàm chúng tôi được Cha chia sẻ những thước phim thực tế trong những chuyến Cha đi thăm những dân tộc thiểu số Tây nguyên, những trại phong… Thật không thể nào cầm được nước mắt trước những mảnh đời bất hạnh.

Dù thời gian có hạn, kính mời quý thính giả lắng nghe, để cảm nhận một tấm lòng yêu thương vô hạn của Cha.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào Linh Mục Trần Công Vang ạ.

LM Trần Công Vang: Kính thưa anh Hưng Việt, chào chị Mỹ Dung và quý thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ, xin chào Cha.

Hưng Việt: Kính thưa Cha, chúng con rất lấy làm hân hạnh được Cha cho phép có một buổi nói chuyện ngày hôm nay. Thưa Cha, Cha qua Brisbane là về vấn đề mục vụ hay là có tính cách gia đình cá nhân à?

LM Trần Công Vang: Dạ thưa cả hai, mình vừa xong sáu tuần về bên đồng bào chúng ta trên các vùng núi Tây nguyên Lâm Đồng và bên vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Như thường năm, mình vẫn về hai lần để công tác với những tâm hồn đại độ tại quê hương chúng ta trên vùng rừng núi đó, giúp cho đồng bào chúng ta vượt qua cái khó cái khổ của họ để tạo cái tương lai. Mình quyết định qua bên vùng trời Australia để gặp một số người thân và những người bạn quý của mình.

Hưng Việt: Dạ, cũng nhờ vậy mà hôm nay chúng con có cơ hội tiếp xúc với Cha. Thưa Cha có thể cho quý thính giả được biết sơ lược về tiểu sử của Cha, nhất là quãng đời của Cha từ lúc Cha quyết định dâng hiến đời mình cho Chúa không?

LM Trần Công Vang: Mình sinh tại Đà Nẵng, tuy cha mẹ là gốc Huế với Quảng Trị. Mình vào Dòng khi mới 12 tuổi, tại Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Lớn lên trên quê hương của mình, tám năm học trong nhà dòng, rồi sau đó bốn năm ở ngoài để biết cuộc đời bên ngoài như thế nào vừa đi làm vừa đi học, và sau bốn năm mình trở lại nhà dòng. Lúc đó là cuối năm 74. Vừa vào dòng được mấy tháng thì quốc gia của mình thay đổi chủ quyền. Và mình lìa bỏ đất nước của mình trong một trong những chuyến bay trực thăng cuối cùng. Một năm sau khi làm việc thì mình trở lại nhà dòng bên Mỹ, nhập Dòng Chúa Cứu Thế của Mỹ và học cho tới khi chịu chức năm 83.

Hưng Việt: Dạ kính thưa Cha, Cha có thể cho biết lý do tại sao mà Cha gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế và cái tôn chỉ của dòng Chúa Cứu Thế thế nào để những người ngoại đạo như chúng con có thể hiểu được một phần nào về cái dòng đó hay không?

LM Trần Công Vang: Cái đứa trẻ 12 tuổi đó, nó không biết gì nhiều đâu. Nó chỉ thấy bóng một người linh mục tới trong giáo xứ để giảng, thấy cái tác phong của người linh mục, cái bộ áo chùng thâm, áo dòng và cái lòng của người linh mục đó hướng về người nghèo. Và mình cảm thấy có cái gì lôi cuốn mình và vì thế vào Dòng Chúa Cứu Thế xin cha mẹ cho đi. Việc học, việc tu của mình nó cũng gắn liền với cái định mệnh của quê hương. Mình cảm thấy được rằng cái tôn chỉ của dòng Chúa Cứu Thế là loan báo tin mừng cho người nghèo. Đi giảng cho người nghèo, mà giảng không phải chỉ bằng lời, mà bằng cuộc đời của mình, bằng cái chia sẻ, bằng cái chung sống để phục vụ, để yêu thương. Mình cảm thấy có cái gì đó rất là ý nghĩa cho mình và vì thế mà mình xin về Dòng Chúa Cứu Thế và cho tới ngày hôm nay cuộc đời của mình cũng gắn liền với cái tôn chỉ đó là sống làm sao để cuộc đời của mình trở thành món quà để cho anh chị em nghèo họ cảm nghiệm họ có cái đẹp, có cái giá trị, họ được thương, họ được tôn trọng và đó chính là cuộc đời của mình hôm nay.
03.jpg
Hưng Việt: Thưa Cha, Cha đã lập ra cái nhóm Việt Tộc foundation, xin Cha có thể vui lòng cho thính giả được rõ về cái nguyên do, cũng như thời điểm mà Việt Tộc Foundation được thành lập hay không ạ?

LM Trần Công Vang: Vâng thưa anh Hưng Việt. Nhiều kỷ niệm lắm, mình cảm thấy đó là cái phúc của mình. Sau 10 năm làm linh mục thì mình nghe tiếng mời gọi về với đồng bào của chúng ta ở tại Hong Kong, các trại cấm năm 1993 và mình qua đó nghĩ là chỉ có đi sáu tháng được nhà dòng cho phép, nhưng mà khi qua đó mới thấy dân của mình có những cái thách đố quá cao. Bề trên toàn thế giới đi kinh lý các nước, ghé Hồng Kông đúng cái dịp mình đang ở đó và bề trên thấy mình làm việc, và Ngài nói rằng công việc này, công việc Dòng Chúa Cứu Thế xứng đáng để Cha gánh vác lấy, Cha có thể ở đây cho tới khi nào Cha thấy công việc ở đây kết thúc và mình ở đó suốt bốn năm cuối cùng. Đến năm 97 mà Hongkong phải trả lại cho Tàu thì trại cấm đóng cửa, vẫn còn một số người lây lất trở lại nhưng mà sau đó thì mình về lại Mỹ để tiếp tục cuộc sống của trong dòng.

Trước khi về Mỹ thì mình muốn về lại quê hương thăm lại vùng đất đã bỏ đi cách nay hai mươi mấy năm trước. Thì trong chuyến đi một tháng mấy đó, cố ý để tìm thăm những anh chị em bị cưỡng bức trở về từ Trại Cấm Hongkong, từ Trung ra Bắc. Thì tuần cuối cùng, anh em trong dòng Chúa Cứu Thế đưa mình lên cái nơi mà họ phục vụ đó là vùng trời Pleiku. Thời đó hoang vắng lắm và anh em đưa mình tới một cái làng, sau gần một tiếng bằng xe máy. Thì tới nơi, trong một cái không gian nhỏ bé và rất là cô đơn giữa rừng đó, thì thấy cái bóng của một phụ nữ ngồi dưới gốc cây giữa làng, mình tới gần thì đó là một người mẹ đang ôm con và xoa đầu con với bàn tay mà không còn ngón. Khuôn mặt rất là cằn cỗi, rất là nghèo. Mình mới biết được đó là một làng phong của người dân tộc. Mình chưa bao giờ gặp người dân tộc, chưa bao giờ gặp người phong. Có sợ lắm lúc đó. Nhưng mà lúc mà mình xin được ôm đứa bé trong lòng của mình đó, tự dưng nó dấy lên như là một câu hỏi, mà Chúa hỏi mình, con có muốn trở về để lo cho họ không? Một giây phút mình suy nghĩ cầu nguyện tưởng như lâu lắm nhưng mà mình không biết làm sao để trả lời và cuối cùng mình nói với Chúa, nếu thực sự đó là điều Chúa muốn thì con xin vâng, con xin nhận đứa bé này là con của con, đây là gia đình mới của con. Và năm sau Việt Tộc Foundation được thành lập tại Mỹ và nhà dòng cho mình từ đó mỗi năm hai kỳ mình về với đồng bào của mình để mà giúp cho Tây nguyên của chúng ta, cho họ có một cái tương lai.

Hưng Việt: Cám ơn Cha. Thì thưa Cha theo Cha thấy và muốn chia sẻ thì những đồng bào ở Tây nguyên họ cần những thứ gì, họ thiếu thốn những thứ gì và nhóm Việt tộc giúp đỡ được những gì?

LM Trần Công Vang: Có rất nhiều người nói tại sao Cha không về lo cho làng, làng mình cũng nghèo lắm, cũng thách đố nhiều lắm nhưng khi mà đến với đồng bào sắc tộc rồi đó, mình thấy họ bị nghiệt ngã hơn, tương lai không có, họ không đủ điều kiện để có thể xông pha để vươn lên như anh chị em người Kinh của chúng ta. Ngôn ngữ, văn hóa và cuộc sống của buôn làng không cho họ tự tin để họ có thể hòa mình với cái nhịp sống của người Kinh. Trong cái làng mà xung quanh là rừng núi, cung cấp cho họ nước, trong nước có cá, có tôm, có ốc trong rừng có thú có thịt, cũng có thuốc đó, rồi cây cỏ họ trồng tỉa được. Họ không có giàu nhưng mà họ bình an. Cho tới cái ngày mà rừng không còn là của họ thì ngày hôm đó họ mất hết, mất đi cái phương tiện để sống và lần lần sự hiện diện của những người ở bên ngoài làm cho họ không còn được cái nguồn sống căn bản mà họ cần phải có. Do đó muốn cho họ được cái phương tiện để họ có thể vươn lên được. Và cái ăn, cái mặc, thuốc, nước sạch, đó là những cái nguồn cung cấp mà họ rất là quý, rất là cần. Mình cho một chút họ trân trọng lắm vì họ không có đủ.
02 Các em được học bổng Việt Tộc.jpg
Các em được học bổng Việt Tộc
Ví dụ như là cái vùng mình mới đến tháng vừa rồi trên vùng Cao Bình cách Lạng Sơn chừng 180 cây số, đồng bào sống trên núi nhờ nước mưa thôi. Những cái hố họ đào rồi họ bỏ những cái bạt xuống, bỏ đá xung quanh để cho cái bạt đó nó giữ được nước mưa, cùng với nước mưa là bùn và côn trùng và đó là nguồn nước uống chính của họ khi còn có mưa. Có những tháng không có mưa. Trên cái vùng họ sống trên núi, đá nhiều hơn đất, không canh tác được chỉ có thể cạy từng cái cây, đào từng cái cỏ trong hốc đá để rồi bỏ một vài cái hạt giống vô hay là bắp xuống chỗ đó. Cái gia đình mình gặp vào cuối tháng Giêng vừa rồi đó, có hai đứa con. Bốn tháng nay họ không có miếng thịt nào hết đó. Và ăn cơm là bỏ nước vào trong cơm, tại vì rau không có. Mừng là có cơm với lại rau. Cá với thịt là khoan nói. Họ mừng là có đủ cơm. Nhưng mà khi không có đủ rau thì chan nước với muối thôi. Và đó là cuộc đời của dân. Đó chính là những cái mà mình thấy được dân mình cần nhiều lắm. Nhưng mà muốn thay đổi cái định mệnh đó, vượt cái khó, làm cho họ vượt qua cái tự ti, để giúp cho họ tự tin, giúp cho họ đừng có mặc cảm, để họ có thể vươn lên để mà tạo cho mình một cái chỗ đứng trong cuộc đời này, để họ có thể giúp cho vợ, cho chồng, cho con, cho cha mẹ của mình, thì họ cần cái chữ, cái kiến thức. Và ngoài những nhu cầu bình thường về thể xác mà mình cố gắng giúp cho đồng bào của chúng ta thì mình chăm chú vào vấn đề học vấn và cho những người trẻ có một cái tương lai qua con đường học vấn đó và đó là cái mục tiêu chính của Việt Tộc.

Rất nhiều em bây giờ là cô giáo, thầy giáo, nó quay về, thay đổi cả đời sống buôn làng cho những đứa trẻ không được cơ hội đến trường. Có những em bây giờ là y tá, một số là bác sĩ. Nó không có điều kiện như những người khác, nhưng nó có thể làm những công việc mà không bao giờ người dân tộc dám mơ. Vì được nâng đỡ để đạt được cái học vấn đó. Bây giờ có khoảng chừng 50 nữ tu đang phục vụ và những người nữ tu đó họ nói rằng ngày xưa con hứa với với Cha, với ân nhân là con học xong con ra trường và con sẽ phục vụ, và con xin được phục vụ bằng cả cuộc đời của con. Khi con người của mình tin vào chính mình đủ, dựa vào tình thương của bao nhiêu người góp cho thành công trong cuộc đời của mình, họ bắt đầu biết quay trở lại và đó là một lời cảm ơn rất là quý, rất là trân trọng và xứng đáng. Mình vẫn nhớ có một linh mục đến với mình ở cái vùng trời Lâm Đồng. Trong một buổi tối mà trong làng họp nhau lại mừng. Thì trong số những người tới mừng có một người thanh niên chạy tới và nói rằng ngày xưa Cha giúp cho một thằng bé lớp 9, nó đi học. Khi mà gia đình của nó quá túng và muốn nó ở nhà để mà chăn bò. Và nhờ cái học bổng của Cha đó, mà thằng bé đó lướt qua được cái giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời học vấn của nó. Và thưa Cha, thằng bé đó chính là con. Và con bây giờ là linh mục về làm phó xứ của một cái làng mà có tới 13.000 dân trong vùng này. Mình thấy bàng hoàng và hạnh phúc. Những món quà mà mình nghĩ rằng với cái tâm mà mình muốn cho đi, cái hạt giống mà chúng ta gieo vào cuộc đời của nhiều con người mà họ không có tương lai, mình không ngờ những hạt giống ta gieo với cái yêu thương đó nó biến đổi cuộc đời của nhiều người lắm. Và mình đang là cái nhịp cầu 26 năm rồi để ân nhân tiếp tay để xây dựng lại những cái cộng đồng. Cũng là dịp mình muốn cảm ơn rất là nhiều những ân nhân những người có tình dành cho đồng bào của chúng ta để rồi cuộc đời của nhiều người thay đổi. Thì đó chính là một vài điểm mà mình muốn chia sẻ trong tâm tình trả ơn.
05 - Nhặt rau để ăn.jpg
Hưng Việt: Dạ thưa Cha, đó là những điều rất là quý báu và tạo cho mình một cái niềm hạnh phúc khi thấy hạt giống mình gieo nó nảy mầm và đôi khi nó trở thành cái cây non nữa. Thì thưa Cha có những thầy cô giáo cũng như những bác sĩ nhờ những cái học bổng đó tiếp tục đi học, và bây giờ họ trở về buôn làng để mà họ giúp cho dân làng của họ, thì họ cũng cần có những cái hạ tầng cơ sở, thí dụ thầy giáo cần phải có trường lớp, bác sĩ cần phải có nhà thương, thì Việt Tộc có gặp những trở ngại hay khó khăn nào trong việc giúp họ tạo dựng những cái hạ tầng cơ sở đó hay không ạ.

LM Trần Công Vang: Với cái xã hội Việt Nam mình đó, cái trường là cơ sở của nhà nước, mình không xây trường được trừ phi mình là một cái Hội dòng lớn có rất nhiều điều kiện để mà đầu tư. Việt Tộc mình không có đủ khả năng đó. Mình chỉ xin ân nhân ví dụ như là giúp về học vấn một em cấp 1 cấp 2 đó, một ân nhân có thể giúp một năm $80 đô la hay là cấp 3 là $100 đô và sinh viên là $500 đô cái tiền đó là vừa tiền học, tiền sách vở, vừa cái tiền nhà ở trọ, vừa tiền ăn, không có đủ nhưng mà đó là một món quà căn bản để các em có thể bắt đầu và các em phải đi làm thêm thì mới trang trải được, tại vì tiền mà tốn kém có thể gấp ba số tiền mình cho, nhưng mà ít nhất các em có được một cái lực đẩy ban đầu để các em nhận ra được rằng có những người thương, có những người đang quan tâm và đồng hành với các em.

Hưng Việt: Dạ cám ơn Cha hy vọng là có những thính giả của chúng ta nghe cái chương trình này thì cũng muốn đóng góp vào những hoạt động của Việt Tộc thì thưa Cha phải làm cách nào và liên lạc với những nơi đâu.

LM Trần Công Vang: Dạ thưa anh, nếu anh chị em chúng ta vào trong website của Việt Tộc là Viettoc.org thì có thể biết được những thông tin đó và cũng biết được vài sinh hoạt ghi nhận được trong những chuyến về Việt Nam.

Có thể vào Facebook Việt Tộc Foundation, cũng có thể theo dõi được để có thể chia sẻ và trao đổi với những người thân của chúng ta và nhờ những cái tương quan đó thì mình cũng mong sẽ có thêm nhiều người biết về các em, thương các em và từ cái tình thương đó nó đi đến với những hành động xứng hợp. Đó là những món quà bắt đầu từ con tim của chúng ta.
06 - Gánh củi.jpg
Hưng Việt: Cảm ơn Cha đã cho chúng con một cuộc mạn đàm rất là thú vị rất là hữu ích, và cuối cùng thì Cha còn có điều chi muốn chia sẻ với lại thính giả hay không ạ.

LM Trần Công Vang: Thưa quý vị thính giả của đài SBS qua anh Hưng Việt, qua chị Dung mình muốn gửi lời đầu năm tuy là hết mồng rồi nhưng mà cái lời nguyện chúc mùa Xuân mới Giáp Thìn đầy hồng ân của Chúa, hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày trong tình thương mình chia sẻ, mình cho đi. Nó đến từ con tim mình đến với gia đình với những người thân và đến với những người mà mình có hạnh ngộ được biết để rồi giúp nhau có một cái ý nghĩa hơn trong cuộc sống của chúng ta và mong chúng ta sẽ nhớ đến nhau nhớ tới đồng bào của chúng ta trong lời cầu nguyện của mình, trong những cố gắng để chúng ta chia sẻ. Mình cảm ơn một số anh chị em trong bốn ngày qua từ khi về đây Brisbane hay Sunshine Coast đó.

Xin cầu nguyện cho mình cũng như cho cái chuyến đi của mình cuối tuần này, ở tại Melbourne. Tuần sau ở tại Sydney, trong cái cố gắng để chúng ta làm cho đời đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Sẽ có khó khăn trong cuộc sống của chúng ta, nhưng tình thương nó thắng tất cả. Và xin nhớ tới nhau, xin cầu nguyện cho nhau, và xin hãy xác tín những chia sẻ của chúng ta với cái yêu thương nó đang biến đổi cuộc đời này rất là nhiều. Nhiều khi mình không biết, không thấy đâu, nhưng mà mình gieo hạt mầm và cái yêu thương đó đã sẽ kết trái rất là đẹp. Cám ơn anh chị em nhiều lắm đã lắng nghe. Xin nhớ tới nhau và xin cầu nguyện cho nhau, cho quê hương của chúng ta.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả chúng con thành thật cảm ơn Cha rất nhiều về buổi nói chuyện hôm nay. Đây là bài học về lòng bác ái lòng nhân từ mà Cha đã truyền dạy lại. Xin kính chúc Cha luôn luôn được nhiều sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình mà Cha đã nhận lãnh từ Thiên Chúa và đang tiếp tục gánh vác cho đời và cho người.

LM Trần Công Vang: Xin cảm ơn anh. Cám ơn chị Dung.

Mỹ Dung: Dạ xin cảm ơn Cha.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 

 

 

Share