Chuyện Queensland: Linh mục Phaolô Lương Minh Chánh

lm luong minh chanh 1.jpg

Linh mục Phaolô Lương Minh Chánh

Linh mục Phaolô Lương Minh Chánh, cựu Tuyên úy Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Brisbane vào cuối thập niên 1990 đã từng phải trải qua những năm tháng dài trước khi được thụ phong chức Linh mục.


Nhân mùa Giáng sinh năm nay, chúng tôi kính mời quý thính giả lắng nghe những tâm tình được Linh Mục Phaolô Lương Minh Chánh chia sẻ về cuộc đời tu hành cùng những ước nguyện và nhắn nhủ của Ngài qua cuộc mạn đàm sau đây.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào Linh mục Lương Minh Chánh ạ.

LM L. M. Chánh: Xin chào anh, chị Mỹ Dung. Tôi rất là hân hạnh được nói chuyện với hai anh chị và thính giả của đài SBS trong dịp trước Giáng sinh này

Mỹ Dung: Dạ xin chào Cha.

Hưng Việt: Trước hết xin thành thật cám ơn Cha. Đây là gần tới Giáng sinh là thời gian mà Cha rất là bận rộn mà Cha vẫn có thể dành thì giờ quý báu của Cha cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay.

Mỹ Dung: Dạ thưa Cha, Cha quyết định dâng đời mình cho Thiên Chúa vào lúc nào? Và cơ duyên nào đưa Cha đến với Thiên Chúa?

LM L. M. Chánh: Cám ơn chị. Gia đình tôi có truyền thống là đi tu. Tôi nhớ là gia đình bà ngoại có bảy người con: năm gái hai trai thì hai người con trai đã làm linh mục. Bà ngoại lại có chín người con, tám người con gái và một người con trai. Bà cũng dâng một người con trai độc nhất này cho Chúa và làm linh mục. Và rồi tới phiên mẹ tôi và dì tôi cũng có một người con trai duy nhất là tôi và ông anh họ, hai người cũng được khuyến khích để mà đi tu rồi làm linh mục. Hiện thời thì gia đình tôi rất là mãn nguyện bởi vì có nhiều người con trai đã dâng mình cho Chúa làm linh mục phục vụ cho giáo hội và cho mọi người.

Hưng Việt: Như vậy gia đình của Cha những người con trai đều đi tu hết. Thế thì thưa Cha, khi Cha quyết định trở thành một linh mục thì Cha đã phải qua những khóa học nào và những khóa học đó mất thời gian là bao lâu, thưa Cha?

LM L. M. Chánh: Thường thì phải mất rất là nhiều năm. Thời của tôi vào thập niên 60 phải học bảy năm ở tiểu chủng viện, ngang với bảy năm của trường trung học và khi tốt nghiệp Tú Tài II vào đại chủng viện học hai năm triết học, rồi hai năm đi giúp xứ ở ngoài và rồi trở lại trường đại chủng viện để học thêm bốn năm thần học, vị chi là mất 15 năm.

Thời nay, nói chung khoảng từ sáu năm đến 10 năm theo tiêu chuẩn huấn luyện của giáo phận hoặc của nhà dòng.

Hưng Việt: Như vậy, thời gian đi tu học đó thưa Cha cũng khá dài và vất vả Cha há? Cha có cảm thấy là nó có quá nhiều thử thách, có một lúc nào đó Cha cũng như là muốn ngưng ngang, muốn trở lại với đời sống bình thường không thưa Cha?

LM L. M. Chánh: Cũng là một thử thách cho rất là nhiều chàng trai trẻ. Lớp tôi thì vào ở chúng viện 60 người nhưng mà còn lại để làm thầy khoảng 12 người. Cuối cùng thì chỉ có ba người làm linh mục. Sau 15 năm học ở tiểu chủng viện mất đi rất là nhiều người.

Hưng Việt: Thưa Cha theo Cha thấy và nhìn lại thì khóa học nào, cái thời gian nào mà Cha cảm thấy khó khăn nhất, có nhiều thử thách nhất so với mấy giai đoạn khác?

LM L. M. Chánh: Trong thời gian 15 năm học đó, thì có hai năm đi giúp xứ, tức là sống ở bên ngoài, không có học hỏi về đạo đức về văn hóa nhưng học hỏi về cách sống với những người chung quanh. Tôi nghĩ rằng thời kỳ trai trẻ khoảng 21, 22 tuổi, đối diện với những thử thách bên ngoài rất là gay go và vượt qua hai năm thử thách đó cũng là điều rất quan trọng cho cái đời sống của một người muốn đi tu hoặc là làm linh mục.

Hưng Việt: Thưa Cha như vậy Cha chính thức thụ phong chức linh mục là vào năm nào và ở đâu?

LM L. M. Chánh: Tôi nhớ lại cái thời gian để mà lãnh chức linh mục rất là cam go. Tôi học xong thần học, triết học và mọi sự sẵn sàng để chịu chức linh mục vào cuối năm 75 và được Đức Giám Mục phong chức phó tế vào tháng 10 năm đó. Tôi nhớ rằng cứ mỗi năm lại phải xin chính quyền để cho mình được chịu chức. Chính quyền từ chối bởi vì dòng họ của tôi mấy ông cha ông, ông cha cậu rất không thích cái chế độ mới này. Đến 17 năm sau tôi vượt biên sang Mã Lai năm 1992 thì được đức tổng giám mục Kula Lumpur, chủ tịch hội đồng giám mục Mã Lai phong chức cho tôi làm Linh mục để phục vụ anh chị em giáo dân khoảng lối trên 4.000 người. Lúc bấy giờ cả gia đình tôi rất là vui mừng, bởi vì sau bao nhiêu năm chờ đợi, tôi đã được làm linh mục, được Chúa cất nhắc lên hàng tư tế, để mà chăm sóc giáo dân. Đó là niềm vui và sự hãnh diện cho chính tôi cũng như toàn thể gia tộc.

Tôi nhớ ngày chịu chức thì đâu có thấy gia đình của mình, mẹ của mình cũng như là cô dì chú bác bị tất cả còn ở Việt Nam và tôi nhận ra tất cả những người Việt Nam ở trong trại tị nạn bấy giờ là trên 13,000 người. Tôi nói với họ rằng đó là anh chị em của tôi và tôi cảm thấy mãn nguyện được phục vụ anh chị em cả những người mà không phải là người Công giáo cũng như trên 4.000 người Công giáo ở trong trại tị nạn. Tôi thấy tôi rất là thân thuộc với họ. Cho đến bây giờ khi gặp nhau ở cái đất nước thứ ba này, tôi cảm thấy như là anh chị em ruột đối với nhau dầu có là người Công giáo hay không.
01.jpg
Trên trại tị nạn Bidong, Malaysia
Hưng Việt: Cám ơn Cha. Thưa cha, như vậy mỗi nơi Tòa Tổng Giám mục bổ nhiệm linh mục làm việc bao lâu và các linh mục có thể xin phép được bổ nhiệm đi đến một Giáo xứ nào đó hay không hay là Tòa Tổng Giám mục bổ nhiệm đi đâu thì mình đi đó?

LM L. M. Chánh: Ở Úc này linh mục trông coi giáo xứ được Đức Tổng Giám mục bổ nhiệm một nhiệm kỳ sáu năm và cứ sáu năm lại được bổ nhiệm tiếp tục làm việc cho giáo xứ hoặc thuyên chuyển sang một giáo xứ khác. Đó là thời hạn mà một linh mục được gọi là cha chính xứ trong giáo xứ lãnh nhận từ đức Giám mục. Cha xứ cũng có thể có cha phụ tá hoặc là cha phó. Nhiệm kỳ của họ là bốn năm, sau bốn năm được thuyên chuyển sang giáo xứ khác. Cũng có thể vì lý do đặc biệt nào đó linh mục có thể xin giám mục cho phục vụ gần nhà, gần cha mẹ già để tiện việc chăm sóc. Đó là cái quy trình hiện thời ở Úc này cũng như là tổng giáo phận Brisbane của chúng ta đang thực hiện.

Mỹ Dung: Dạ mà hiện nay thưa Cha, Cha phục vụ cho giáo xứ nào? Và công việc của Cha ra sao thưa Cha?

LM L. M. Chánh: Lúc này thì tôi cũng lớn tuổi rồi, gần 75, được Đức Tổng giám mục bổ nhiệm làm việc cho hai trung tâm người già của người Úc. Người Công giáo ở hai trung tâm này không nhiều nhưng họ rất tin vào Chúa. Khi đến thăm viếng, dâng thánh lễ, xức dầu thánh hay đem mình thánh Chúa, họ rất trân quý và tỏ lòng biết ơn linh mục. Đó là niềm an ủi lúc tuổi già của tôi khi tôi còn có khả năng phục vụ giáo dân và những người chung quanh.

Mỹ Dung: Dạ thưa Cha, vậy nhiệm vụ của một cha xứ gồm có những gì hả Cha?

LM L. M. Chánh: Chúng ta biết Cha xứ giống như Cha xứ Inala của giáo xứ St. Mark này thì Ngài có toàn quyền để điều hành cả vật chất lẫn vấn đề thiêng liêng của giáo xứ. Cha xứ ban phát các bí tích cho mọi người Công giáo trong giáo xứ. Cha xứ cũng là cánh tay của Đức Tổng Giám mục nên nếu Đức Tổng Giám mục cần gì có thể nhờ Cha xứ giúp hoặc là chăm sóc cho giáo xứ cách riêng và cho cả địa phận Tổng Giáo phận Brisbane nói chung.

Hưng Việt: Riêng về phần các linh mục thì thưa Cha nhiệm vụ của họ là làm những gì? Và ngoài ra thì linh mục không được làm những gì?

LM L. M. Chánh: Chúng ta biết rằng là linh mục được chọn sống độc thân không lập gia đình với ba lời khấn: Vâng lời, Khiết Tịnh (không có lập gia đình) và Khó nghèo (không ham muốn vật chất trong cuộc đời trần thế này). Linh mục là người ban pháp bí tích vô vị lợi. Đó là bí tích rửa tội, bí tích thêm sức, bí tích mình thánh Chúa, bí tích giải tội, bí tích xức dầu thánh, bí tích truyền chức thánh và biết tích hôn phối. Linh mục được cử hành các bí tích này trừ bí tích truyền chức thánh chỉ dành cho Giám mục. Linh mục lo lắng cho người nghèo khó, đau khổ bệnh tật. Coi như là người thay mặt Chúa để chăm sóc người Công giáo cách riêng và cho mọi người nói chung trong cái sứ mệnh mình là bỏ hết mọi sự để theo Chúa.

Hưng Việt: Thưa Cha câu hỏi này hơi khó khăn phức tạp chút xíu... là

trong thời gian những năm gần đây đó Giáo hội Công giáo đã phải qua những thử thách, có những dư luận về việc này việc kia, rồi ngay cả như Đức Hồng Y Pell cũng đã phải trải qua sự hàm oan, thì thưa Cha qua những bước thăng trầm như vậy đó thì niềm tin của giáo dân Cha nhận thấy có giảm xuống hay không hay ngược lại có thể tăng lên hơn nữa? Và tại sao?

LM L. M. Chánh: Đối với cá nhân tôi thì trong thời gian mấy năm qua nhứt là ở các nước văn minh bên ngoài Việt Nam, thì việc thực hành đạo dường như lại ít hơn. Có nhiều vấn đề thách đố trong Giáo hội. Sự kính trọng và vâng lời Giáo hội qua những đấng bậc làm việc cho Giáo hội ít đi. Nhất là dịch Covid đã hoành hành, người Công giáo mất đi thói quen tới nhà thờ trong những ngày lễ cuối tuần, nên số người hành đạo có vẻ ít đi. Đó cũng là điều rất quan tâm đối với Giáo hội, những vị lãnh đạo các giáo phận, các quốc gia cũng như cấp giáo hội. Hy vọng rằng tương lai giới trẻ nhận ra dấu chỉ là mình cần phải có đức tin để mà thực hành lời Chúa, thực hành sống đạo trong đời sống hàng ngày của mình. Tôi cũng rất là vui mừng, những người Việt Nam xa quê hương đến nơi đất khách quê người này cũng giữ được cái truyền thống của cha ông để lại là mến Chúa, yêu người và họ thực hành và cũng rất là kỹ lưỡng. Cho dầu rất ít giới trẻ quên đi, thế nhưng cha mẹ vẫn là người cảm thấy có trách nhiệm nâng đỡ chăm sóc và khuyến khích con cái của mình tin vào Chúa và thực hành đạo trong cái cuộc đời của mình.

Hưng Việt: Dạ thưa Cha có thể cho biết cha đã được bổ nhiệm về phụng vụ ở Inala này được bao lâu rồi và trong thời gian đó Cha có kỷ niệm nào mà đáng nhớ nhất không thưa Cha?

LM L. M. Chánh: Tôi được Đức Tổng Giám mục bổ nhiệm làm Tuyên úy cho cộng đồng Công giáo Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2000. Tôi rất mãn nguyện khi giúp đỡ anh chị em Công giáo Việt Nam ở đây. Vui buồn lẫn lộn. Thế nhưng niềm vui của tôi là thấy được anh chị em rất là hăng say, với truyền thống của người Việt Nam, cách sống đạo của người Việt Nam, để cho con cái có được mẫu gương và có được sức sống. Đó cũng là cái kết quả mà tôi nhận thấy được cái đời sống của anh chị em Công giáo Việt Nam ở cái vùng Brisbane này. Tôi cũng đã khuyến khích họ mua cái trung tâm mới gần nhà thờ St. Mark và tôi cảm thấy mãn nguyện bởi vì Trung tâm này có nhiều tiện nghi hơn, rộng rãi hơn. Sau đó thì rất là nhiều người Việt Nam ở vùng xa đến với trung tâm tham dự những ngày lễ lớn chia sẻ nhau về văn hóa của người Việt Nam. Đó là cái kỷ niệm mà tôi cảm thấy vui nhất cho riêng tôi cũng như cho hết mọi người Công giáo Việt Nam ở vùng Brisbane này.
04.jpg
Kỷ niệm 30 năm ngày thụ phong Linh mục
Hưng Việt: Dạ, cảm ơn Cha. Như vậy cuối cùng Cha còn điều chi Cha muốn nhắn gửi đến quý thính giả, đặc biệt là thính giả Công giáo nhân ngày Giáng sinh.

LM L. M. Chánh: Mùa Giáng sinh tôi thấy dường như là mùa vui cho hết mọi người bởi vì chúng ta đều có ngày nghỉ, đều có những bửa tiệc linh đình để mừng Chúa Giáng sinh, có những dịp để mọi người gặp gỡ nhau và tôi rất thích cái văn hóa của người Úc là không phân biệt người Công giáo, cho nên là tôi cũng muốn tham dự tất cả những cái niềm vui này cùng với mọi người Việt Nam ở chung quanh tôi và muốn cầu chúc cho mọi người được nhiều sức khỏe bình an trong cuộc sống.

Riêng đối với người Công giáo một lần nữa tôi xin chúc mọi người Công giáo một Mùa Giáng Sinh tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa, được sức khỏe và bình an cả xác lẫn hồn.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và chúc anh chị em có một Mùa Giáng Sinh Hoàn Hảo.

Hưng Việt: Thưa thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả chúng con thành thật cám ơn Linh mục Lương Minh Chánh rất là nhiều . Xin kính chúc Cha được nhiều sức khỏe và một Mùa Giáng Sinh thật an bình và được mọi điều may mắn tốt đẹp trong con đường phụng vụ Thiên Chúa.

Mỹ Dung: Dạ con cảm ơn Cha.

 

Ban biên tập “Chuyện Queensland” chân thành cám ơn ban Việt ngữ đài SBS, quý cộng tác viên cùng quý thính giả đã hổ trợ tích cực cho tiết mục này trong suốt năm qua.

Nhân mùa Giáng sinh và Tân niên Dương lịch, Hưng Việt và Mỹ Dung kính chúc tất cả quý vị và quý quyến một mùa Giáng Sinh An lành và một năm 2023 Thành công, Thịnh vượng và Hạnh phúc...

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung



Share