Chuyện Queensland: Lâm Phạm và nghề làm nữ trang

01 - Ông Lâm Phạm.jpg

Ông Lâm Phạm

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Để làm đẹp, dân Brisbane thường đến các tiệm nữ trang để mua sắm nhưng ít người biết rằng đa số các món trang sức đó là do một công ty của người Việt sản xuất.


Trong chương trình Chuyện Queensland tuần này, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm giữa chúng tôi với anh Lâm Phạm, chủ nhân công ty Precious Metal Chain Enterprises chuyên sản xuất nữ trang ở Brisbane trong hơn mấy chục năm qua.

Hưng Việt: Dạ, kính chào anh Lâm Phạm.

Lâm Phạm: Kính chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và tất cả quý vị thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ xin chào anh Lâm.

Hưng Việt: Trước hết xin anh Lâm có thể cho thính giả được biết là anh vào cái nghề làm nữ trang này từ hồi anh bao nhiêu tuổi và anh học nghề với ai, học ở đâu?

Lâm Phạm: Dạ tất cả cũng là do cái nhân duyên. Tôi tới Úc năm 24 tuổi, khoảng cuối tháng 6 năm 1981. Tôi mới xin trường Đại học ở UQ, nhưng mà hình như cái số mình nó lận đận trong cái vấn đề học hành, cho nên cuối cùng tôi được offer tôi không đi học được và sau cùng thì tôi được một chị bạn ở West End giới thiệu vô làm hãng Italia Chain sản xuất đồ nữ trang, người chủ là Bruce Turner. Tôi rất là mến người chủ đó.

Do may mắn, cũng là do cái duyên, thì tôi thấy trên kệ sách công ty có một cuốn sách rất interesting tôi, tên là The Jewellery Making. Tôi hỏi mượn đem về nhà đọc. Tôi quen bà xã tôi trong cái hãng này mà cưới nhau rồi tôi mới biết là bên gia đình vợ bên Việt Nam là làm ngành nữ trang. Thành ra khi đọc quyển sách này có nhiều cái vấn đề mình không hiểu thì có ông nhạc là ba của bà xã chỉ dẫn tôi. Nhờ hướng dẫn của ông nhạc thêm cái cuốn sách thì từ từ tôi có một số kinh nghiệm, một năm sau từ một người công nhân lên làm Leading hand sau đó làm Supervisor.

Sau vài ba năm có nhiều người khách lạ tới tham quan cái xưởng đó rồi một thời gian ngắn sau có nhiều người lạ gốc từ bên New Zealand tới đó làm việc chung để học nghề, tôi mới đặt cái dấu hỏi, có vấn đề gì đó đang xảy ra ngầm mà mình là nhân viên mà mình không có biết. Cái trực giác cho tôi biết công ty này sắp sửa thay đổi chủ. Không ngờ cái đoán của tôi nó đúng. Một thời gian sau, khoảng chừng sáu tháng người chủ tuyên bố công ty này đóng cửa, cho toàn bộ nhân viên nghỉ hết và sẽ chuyển sang Tân Tây Lan. Và cho nghỉ họ cũng có đền bù thỏa đáng đàng hoàng. Công ty mới sẵn sàng đón nhận nhân viên nào muốn đi qua bển làm. Thì hai người mà họ đề nghị ở lại nghỉ cuối cùng là ông manager David Smith và tôi. Lý do là ông David Smith ổng có liên hệ với khách hàng. Còn tôi là do ông David Smith nominate là người cuối cùng làm công việc cleaning tức là dọn dẹp hết cái đống rác họ bỏ lại. Trong lúc mà tôi đi thu dọn rác thì tôi nhặt được một số rác trong đó có cái Customer list, một cái Flyer của một cái công ty chuyên môn bán đấu giá đồ máy móc ngành nữ trang ở bên Mỹ, rồi tôi cũng thu lượm được hết những cái kìm, búa, đồ nghề cầm tay mà người ta bỏ đi, xài tới bây giờ luôn. Anh không tưởng tượng được đồ nghề của Ý nó tốt cỡ nào.

Rồi ngày cuối cùng tôi giao xưởng lại cho người chủ đó sạch sẽ đàng hoàng, tôi mới suy nghĩ bây giờ mình thất nghiệp rồi. Cái cảm giác thất nghiệp cũng buồn lắm, đang làm mà, mới mua nhà, bà xã mới sanh nữa cho nên tôi mới suy nghĩ bây giờ mình phải làm sao. Từ cái suy nghĩ đó mới lóe lên đầu tôi một cái ý là bây giờ nước Úc này lớn, nó có cái thị trường mà bây giờ cái công ty này nó dọn qua New Zealand thì sẽ tạo một cái khoảng trống trong khoảng thời gian ngắn này, bây giờ làm sao để mình nhảy ra mình thay chỗ. Đó là ý tưởng trong đầu tôi thôi nhưng mà đối với tôi thì thời điểm đó, ý đó là cái chuyện mơ hồ, cái chuyện viễn vông, một người tỵ nạn tới Úc tài sản chưa có gì kinh nghiệm chưa có gì chỉ có được chút xíu tiếng Anh thôi.

Tôi mới điện thoại ông David Smith rủ ổng đi ăn cơm tối, đề nghị là tôi có cái ý đó thử hỏi ổng có hứng thú để mà tham gia hay không thì ổng trả lời là ổng cũng rất là hứng thú.

03 - Với ân nhân Michael Pluta.jpg
Với ân nhân Michael Pluta
Sẵn đây thì tôi nhắc tới hai người bạn mà giúp đỡ tôi trong cái giai đoạn đầu. Đó là một cái ân tình mà cho tới giờ phút này tôi vẫn còn nhớ. Thứ nhất là kế toán gia Michael Pluta. Thì thỉnh thoảng có một hai tuần tôi với ông David Smith tới nhà của Michael Pluta ở Mt Ommaney để được hướng dẫn cách làm ăn, cách run business - không tính tiền nha - nhiều bửa dạy tới 11, 12 giờ khuya rất là hứng thú.

Một người bạn nữa cũng có ân tình với tôi đó là anh Mai Vĩnh Thăng làm cho ngân hàng Westpac ở Moorooka. Tôi tâm sự về cái ý của tôi thì anh Thăng nói, “thôi được rồi. Mày để đó tao vô tao gặp ông manager nói chuyện coi sao”.

Ông manager mới nói, “Bây giờ trường hợp của hai thằng mày có được cái nghề và hiểu biết về thị trường ở Úc thì 50% đầu tao chấp nhận bây giờ 50% sau đó là tao làm một cái survey rồi hẹn lại tuần sau nói chuyện tiếp.”

Tụi tôi về cũng rất là hồi hộp, thì một tuần sau, ổng mới nói, “tụi tao mới làm cái survey thì được biết là ở Úc này hiện tại không có một cái xưởng nào sản xuất đồ nữ trang ở cái dạng công nghệ như vậy Thì bây giờ hai thằng mày đều không muốn mortgage cái nhà để mà mượn cái loan thì ok tao giúp tụi bây bằng cách này, tao sẽ cho tụi bây mượn 10.000 personal loan mà no secure. Mày không làm được 10.000 đó thì Ngân hàng mất bỏ mà nếu trong 10.000 đó mà mày chứng minh cho tao là mày làm được sản phẩm và có người mua, tao cho mày mượn thêm 40.000 nữa no security.”

Anh tưởng tượng được cái chuyện mà nó xảy ra như vậy hay không.

Tôi giao hết tiền cho ông David xong tôi đưa cho ổng cái flyer bán đấu giá, thì lúc tôi dọn rác tôi lượm được miếng giấy đó. Bên Mỹ nó có công ty tên là Gold Machinery. Thì đặc điểm của công ty này là người chủ tên là David Gold, cả ba đời của ông David Gold này đó là chuyên làm cái ngành là mua bán máy móc cũ về ngành nữ trang. Ổng điện thoại về ổng báo là, “Lâm, tao mua được bốn cái máy, bây giờ nếu mà air freight bằng hàng không về Brisbane cho mình thì trong vòng hai tuần nữa là mình có máy mình làm việc.”

Cái máy đó thời đó nó đã trên 20.000 Mỹ kim cho một cái máy mà mình mua máy cũ chỉ có 1000 thôi quá rẻ. Đem về để trong cái garage nhà ổng ở Burpengary. Sau khi thất nghiệp thì ông David và tôi đều có công việc làm casual thêm để kiếm tiền sống thì hai thằng mới bàn bây giờ vẫn đi làm một tuần lễ ba bốn ngày, dành một hai ngày với lại cuối tuần set up cái xưởng của mình. Ổng cho máy móc chạy, tôi thì làm về thành phẩm. Hai thằng mới làm với nhau. Lúc đó tôi mướn một cái xưởng nhỏ ở ở Redcliffe, rồi mướn vài ba nhân viên.

Trong vòng một hai tháng sau thì tụi tôi có sản phẩm. Tụi tôi điện thoại cho công ty Jewellery Centre ở Brisbane – công ty wholesale lớn nhứt nước Úc. Jewellery Centre là khách hàng đầu tiên của tụi tôi và cũng là khách hàng trung thành sau ba mươi mấy năm. Khi tụi tôi bán với họ thì có một cái hợp đồng ngầm, không cần phải ký giấy tờ là tụi tôi cung cấp cho wholesale không được quyền bán ra tiệm.

Khi tôi làm đợt hàng đầu tiên chừng 1kg thôi nó không có đẹp lắm, thì mới điện thoại cho cái ông Ted Pevy là chủ của công ty Jewellery Centre này. Ổng nói, “đem ra liền ngày hôm nay, tụi tao đang thirsty đang hungry mấy tháng nay rồi.”

Tính từ ngày cái hãng đóng cửa dẹp tiệm cho tới lúc đó khoảng chưa tới nửa năm, tụi tôi ra được đồ. Trong lúc đó cái hãng mà nó chuyển về New Zealand nó vẫn chưa set up được.

Lúc đó mùa Đông, trời chạng vạng tối rồi mà ổng vẫn ngồi ổng chờ. Khi mà tôi đưa ổng coi đó, ổng mừng quá trời, ổng cười khà khà khà lên ổng mở Samsonite ổng ra, ổng lấy cái cheque book, ổng hỏi bao nhiêu tiền, ký trả liền trong vòng không tới 30 giây.

Anh biết cho tới giờ phút này, mỗi lần tôi gặp ổng, ổng nói, “Lâm, tới giờ phút này sau 35 năm tao vẫn nhớ cái nụ cười của mày ngày đầu tiên tao đưa cho mày cái cheque”.

Ngày hôm sau tôi đem cái cheque đưa cho ông manager, ổng ok giữ lời hứa, 40.000 liền

Sau cái hợp đồng tụi tôi lease ở Clontarf một năm, tụi tôi mới mướn cái xưởng lớn hơn ở Stafford, mua thêm máy móc mướn thêm nhân viên thì lúc đó khoảng năm 86.

Anh có nhớ là khoảng năm 88 là ở Brisbane có hội chợ EXPO không. Nhờ cái hội chợ EXPO đó mà tụi tôi booming. Du khách tới, nhu cầu mua bán đồ nữ trang, kỷ niệm nó cao. Mình làm xong thì mình thấy đúng là cái EXPO nó giúp cho kinh tế phát triển.

04 - Thành phẩm - 01.jpg
Hưng Việt: Cảm ơn anh cho biết tiến trình rất là chi tiết như vậy từ lúc đầu cho tới lúc phát triển thịnh vượng. Thì theo anh cái kỹ năng cần thiết nhứt để mà làm cái nghề nữ trang này đó là cái gì?

Lâm Phạm: Dạ, tôi mướn nhân viên tôi hổng cần người đó có tay nghề trước mà tôi chỉ cần thứ nhất là tay không run, thứ hai là con mắt tỏ, xong rồi con mắt phải lanh và phải kiên nhẫn.

Tôi trộn một số khoen nho nhỏ bằng bạc đường kính khoảng chừng 5mm, thì trong đó tôi trộn hai ba size khác nhau, nhìn thoáng qua nó na ná, nhưng mà nếu mà nhìn kỹ mới thấy nó khác.

Tôi tuyển thợ phải có con mắt lanh là phải lựa ra ba loại khoen này. Tôi giải thích xong, tôi để người đó làm tôi đi xuống xưởng, tôi hẹn 5 phút nữa tôi lên cho người ta thoải mái người ta lựa. Người nào mà pass cái đó thì tôi mới cho xuống xưởng làm thử trong vòng 1, 2 tiếng đồng hồ.

Mỹ Dung: Dạ, vậy trong suốt thời gian mà anh làm đó thì có người thợ nào mà anh tâm đắc nhứt không?

Lâm Phạm: Nếu mà mình dùng cái chữ tâm đắc theo cái hướng nào, thí dụ như về tay nghề hay là tánh tình hay là hoạt bát vui vẻ. Trong đó nếu nói tâm đắc nhứt về tánh tình dễ thương thì có anh Nguyễn Nhật Tâm đánh trống cho ban nhạc Mimosa hay là em của anh Tâm là Hùng Coca cũng là chơi đàn base cho ban nhạc Mimosa làm lâu năm và suy nghĩ, hành động nó hợp với nhau.

Còn nếu nói tâm đắc về cái khiếu và tay nghề đó là anh Tín. Anh Tín có chút xíu nghề ở bên Việt Nam trước rồi. Tín làm cho một xưởng khác ở Moorooka của một người bạn Úc của tôi. Người bạn đó đóng cửa dẹp tiệm ổng mới nói, “mày giúp tao mướn thằng Tín dùm vì nó mới qua nó rất là cần việc, bây giờ tao dẹp tiệm rồi tao rất là thương nó” . Tôi nghe ổng nói vậy rồi tôi lại nhớ tới anh Tín ảnh nhờ cái ông hàng xóm chở đi xin việc tôi rất là xúc động cho nên tôi mướn anh Tín. Thì từ đó Tín giống như là cánh tay trái đắc lực của tôi.

Mỹ Dung: Dạ thưa anh, vậy ở thời kỳ cực thịnh cái hãng của anh có bao nhiêu nhân viên và mức sản xuất là bao nhiêu, bỏ mối cho những tiệm nào hả anh?

Lâm Phạm: Dạ cái thời cực thịnh nhứt là sau EXPO năm 88 cho đến chín mươi mấy. Thời nhân viên mà nhiều nhứt khoảng chừng 18 người trong đó khoảng chừng 20% là người Tây và 80% là người Việt mình. Trong cái khoảng thời gian chục năm đó sản lượng trung bình mỗi năm là hai tấn là 2000 kg - 2.4 tấn là cái năm nhiều nhất. Thì ở Úc này cũng có khoảng năm bảy chục công ty wholesale về đồ nữ trang Úc thì phần lớn là khách hàng của tụi tôi hết. Trong đó cái công ty lớn nhứt là công ty Jewellery Centre của ông Ted Pevy. Một năm trung bình ổng mua của tụi tôi trên dưới 1 tấn coi như 40 - 45% tổng sản lượng hàng năm là vô một công ty này.

Lý do những người thợ của tôi họ có một năng suất cao gấp đôi gấp ba cái hãng cũ hồi xưa tụi tôi làm là do tôi nghĩ ra một phát minh làm sao để hàn cho nó nhanh. Tôi để 1000 cọng dây trước mặt người thợ, người thợ chỉ cần cầm cái nhíp móc cọng dây vô gắn khoen vô, cái ngọn lửa đứng yên, hai cái tay di động, cầm cái khoen đút vô ngọn lửa cái sẹt là nó dính liền. Thì cái phát minh của tôi gọi là fusion. Thay vì hàn thì là fusion.

Mỹ Dung: Dạ thưa anh những cái nguồn kim loại quý mà anh đặt mua là từ ở đâu vậy anh.

Lâm Phạm: Dạ có một công ty rất là nổi tiếng bên Úc tên là Perth Mint - là công ty nó làm ra cái đồng xu, đồng coin của Úc. Họ cung cấp mình vàng bạc ở dạng hột giống như là hột đậu vậy đó gọi là granule mình nấu cho nó chảy ra mình mới alloy, tức là mình hợp kim, làm thành dạng vàng hợp kim. Chứ ở Úc này vàng bạc nguyên chất không làm đồ nữ trang được là vì nó quá mềm.

Bạc cũng vậy, nó không phải là bạc nguyên chất mà nó gọi là stirling silver là 92.5% bạc và 7.5% đồng. Nếu mà anh nhìn món đồ mà bằng bạc anh muốn biết nó là bạc thiệt hay bạc giả thì theo quy luật của Úc trên món đồ có một chỗ đóng dấu 925.

Vàng 9 là nó có 37.5% vàng nguyên chất phần còn lại là hợp kim. Vàng nguyên chất là 24 cara, 100% là 24 cara thì 37.5% tính quy tắc tam suất thì nó ra là 9 cara. Hay là vàng 18 mà người Việt mình hay xài đó thì có 75% vàng nguyên chất cho nên đóng dấu là 750.

Hưng Việt: Thưa anh chúng tôi được biết là ngoài cái việc sản xuất những dây chuyền quý kim thì anh cũng còn đảm nhận cái việc sửa chửa tân trang tức là recondition hay là renew những cái món đồ cũ, mấy món đồ kỷ niệm của khách hàng đó thì anh có thể cho biết thêm về cái công việc này ra sao không?

Lâm Phạm: Dạ cái công việc recondition hay là renew những cái món hàng mà người Úc gọi là sentiments tức là nó có một cái tình cảm trong đó mà người ta trân trọng nó, người ta không có mind là nó tốn bao nhiêu tiền để làm cho nó mới nó đẹp lại thì đó là cái công việc mà thật ra tụi tôi lúc trước cũng không có hứng thú, nhưng mà khi mình càng làm mình càng thấy hứng thú khi mình làm cho người khác happy. Thì cái đó là một trong những công việc chánh của tôi trong xưởng. Hiếm khi nào mà tôi làm cái món nào gặp trouble, phiền phức lắm. Thỉnh thoảng tôi xui cũng bị tổ trác.
05 - Trước và Sau - 01.jpg
Đại khái là như vầy, món đồ đó là món đồ độc nhứt vô nhị trong đời tôi làm. Trên cái lắc tay đó có nhiều miếng nhỏ ghép lại mỗi miếng cỡ chừng 12mm2 trên đó là một cái phong cảnh nổi và background là một lớp sơn đen. Thì món đồ cổ này lâu ngày quá cho nên lớp sơn bị mòn, bị hư, bị tróc người ta mới nhờ tôi làm lại. Tôi nghĩ bây giờ trước khi làm mình cho vô trong những cái hóa chất để clean nó trước rồi cho một cái máy rung ultrasonic cleaner để lấy ra những chất dơ. Tôi không ngờ là khi tôi cho vô đó xong, thì toàn bộ những cái lớp sơn đen nó biến mất hết. Làm tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày. Bửa đó đang ngủ ngon giật mình dậy một cái, sực nhớ tới hồi xưa ở Việt Nam mình nhìn thấy ba mình làm sơn mài. Tôi áp dụng kỹ thuật sơn mài của ba tôi vô trong cái công việc sửa lại món đồ cho người ta. Thì cuối cùng là nó perfect.

Hưng Việt: Cuối cùng thì thưa anh Lâm anh có điều chi anh muốn chia sẻ với thính giả không?

Lâm Phạm: Dạ nhân dịp này tôi có lời tri ân đến những người đã từng giúp cho cái công ty PMC (Precious Metal Chain) được hình thành và những cựu nhân viên đã từng đóng góp trong suốt quá trình đóng góp cho xã hội của công ty này. Tôi muốn gửi lời cảm tạ đến anh Michael Pluta và gia đình. Tôi có lời cảm tạ đến anh Mai Vĩnh Thăng và gia đình và những người bạn cũng như những người thợ mà thân thiết nhất của chúng tôi là anh Tâm, Hùng, Hà, Tín, Thảo… rất là nhiều nhân viên. Tôi cũng có đôi lời gửi thăm sức khỏe, chúc mọi người được bình an và cảm ơn sự đóng góp của tất cả quý vị rất là nhiều cho công ty PMC này dù bây giờ nó đã là quá khứ rồi nhưng mà nó cũng là một cái điểm son để dánh dấu là trong cuộc đời của mình là mình đã đóng góp cho xã hội Úc một cái khoảng thời gian khá là dài.

Hưng Việt: Tôi nghĩ là hãng của anh chị đã đóng góp một phần rất là lớn cho nền kinh tế của nước Úc bởi vì nếu không thì anh không có được ATO cấp cho anh bằng tưởng lệ hay chứng chỉ là đã đóng thuế nhiều nhứt trong năm. Thì đó là sự đóng góp rất là đáng kể cho kinh tế Úc mà ngoài ra anh còn giúp cho những đồng hương cũng như những người thợ Úc khác có công ăn việc làm.

Cảm ơn anh Lâm đã dành thời giờ chia sẻ về công việc thích thú này và kính chúc anh chị được nhiều sức khỏe, may mắn, tận hưởng những cái ngày về hưu hạnh phúc và bình an.

Lâm Phạm: Cảm ơn anh Việt và chị rất là nhiều. Cảm ơn quý vị thính giả đã dành chút thì giờ nghe mình chia sẻ về cuộc đời của mình đối vơi xã hội Úc này như thế nào.

Mỹ Dung: Dạ em cám ơn anh Lâm.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 

 

Share