Chuyện Queensland: Kỷ niệm Ngày Quân lực VNCH

01 - Toán hầu kỳ.jpg

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Như thông lệ hàng năm, Hội Cựu Quân nhân Quân lực VNCH Queensland đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6 tại tượng đài chiến sĩ Úc - Việt trong khu công viên Roma Street Parklands, Brisbane, vào sáng thứ Bảy 17/6/2023 vừa qua.


Với sự hiện diện của khoảng 50 cựu quân nhân, gia đình và thân hữu, buổi lễ đã được cử hành thật ngắn ngọn nhưng không kém phần trang trọng với các phần chào quốc kỳ Úc Việt, tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì hai chữ Tự Do, đặt vòng hoa tưởng niệm và ba bài phát biểu của ông Huỳnh Bá Phụng (Chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Qld), cựu Đại tá Kerry Gallagher (Trưởng toán Huấn luyện Quân sự Úc ở Việt Nam) và bà Jenny Gregory (Liên Hội trưởng Quả phụ Tử sĩ Liên bang Úc).

Trước tiên chúng tôi có dịp hân hạnh trò chuyện cùng ông Huỳnh Bá Phụng.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào ông Huỳnh Bá Phụng.

Huỳnh Bá Phụng: Chào anh Trần Hưng Việt và cô Dung và kính gửi lời chào đến tất cả quý thính giả đang nghe đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ xin chào ông Huỳnh Bá Phụng.

Hưng Việt: Dạ xin thưa anh Phụng, xin được phép gọi là anh cho nó thân mật. Thưa anh Phụng, đối với anh và các chiến hữu của anh ngày 19/6 có cái ý nghĩa gì?

Huỳnh Bá Phụng: Thưa anh, đây là cái truyền thống của quân đội Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Cái ngày 19 tháng 6 là cái ngày quân nhân đứng ra nhận lãnh trách nhiệm trước toàn dân ở tại miền Nam Việt Nam. Nếu mà nói thì rất là dông dài trong cái vấn đề cái tiểu sử của ngày quân lực. Chúng tôi hàng năm đều phải tổ chức, ở đây và khắp nơi trên thế giới. Nơi nào có cựu quân nhân là có tổ chức Ngày Quân lực VNCH.

Hưng Việt: Thưa anh, địa điểm tổ chức ở Roma Street Parklands rất là đẹp thì ở đây có một tượng đài chiến sĩ Úc - Việ. Anh có thể kể lại cho thính giả chúng ta được nghe về tiến trình của việc thành lập tượng đài đó hay không ạ?

Huỳnh Bá Phụng: Dạ thưa anh, Hội Cựu Quân nhân xây dựng cái tượng đài lúc đầu thì chỉ có hai người nhưng mà sau cùng thì tôi đã quyết tâm phải làm để tri ân chiến đoàn I của Úc đại lợi và những người lính Úc đã đến Việt Nam tham chiến, đã đóng góp xương máu của mình cho miền Nam Việt Nam chống lại Cộng sản. Cái tượng đài này kéo dài gần năm năm trời, đến năm 2005 thì hoàn thành. Nhưng mà ở đây tôi phải nhấn mạnh một vấn đề, cái người mà đóng góp nhiều nhất là giáo sư Lương Minh Đán và bác sĩ Thủy là vợ của ông Lương Minh Đán đã yểm trợ cho cái tượng đài này.

Tôi xin kể ở đây một vấn đề. Có một ông Trung tá Úc khi mà ông ra cái tượng đài này thì ổng rất là ngạc nhiên, tui thấy ổng lại ổng ôm cái tượng, tui hỏi tại sao vậy, ông nói rằng, “chúng tôi ở đây rất là đông RSL, vậy mà không làm được, mà bây giờ những người lính Việt Nam Cộng Hòa đến đây, số đó rất là ít mà hoàn thành”.

Trong thời gian làm thì chúng tôi gặp rất nhiều trở ngại. Thứ nhất là thành phần đánh phá. Nếu nói mà tìm nơi đặt lại là một vấn đề khác nữa. Rất là khó khăn. Nhiều người, chính khách Úc kêu đặt ở trong hãng xi măng ở Darra. Với cái công việc, sức lực chúng tôi bỏ ra như vậy, mà đặt ở trong hãng xi măng thì nó đâu có giá trị. Kêu đưa ra khu parking chợ Inala, tui nói không được. Thì sau cùng quyết định là sẽ đặt một cái chỗ khả dĩ coi cho được xứng đáng với cái tượng đài mà chúng tôi xây dựng. Thì Úc chỉ cho tôi ở bờ sông Brisbane, chỗ đó có một cái cái triền, thành thử nếu đứng được độ chừng khoảng bốn năm chục người, tôi từ chối. Tôi muốn ở trong Roma Street Parklands. Thì họ chỉ tôi ngay cái thác ở đầu ga xe lửa Roma này, tôi cũng không chịu nữa, bởi vì không có chỗ đứng. Một buổi trưa đó thì họ gọi cho tôi. Hôm đó trời mưa lâm râm, tôi nhớ rất kỹ cái ngày hôm đó. Council và chính phủ ở đây, bốn người đang đợi ở tại Roma Street Parklands, mà tôi cũng chưa biết chỗ đó là cái gì nữa. Bây giờ đứng ở trên cái đồi, tui nhìn về hướng city thì tôi thấy quá sướng. Tôi nói tôi chọn nơi này, họ nói, rồi cắm cọc cho ông liền. Thì đó là lý do mà tôi về tôi báo cho anh em biết, chúng ta được một nơi rất là trang trọng, nổi bật nhất ở Queensland, nhìn về City Hall, đường chim bay khoảng độ chừng 500 thước. Tôi nói ngắn thôi, chứ thật sự nó dài lắm, nhiêu khê lắm. Hội Cựu Quân Nhân chúng tôi rất hãnh diện đã xây dựng được cái tượng đài và trong đó chúng tôi vẫn ghi là có sự đóng góp của RSL Úc.

Hưng Việt: Thưa anh, anh có đề cập tới những cái khó khăn khi mà xây dựng cái tượng đài lên. Nhưng mà sau khi tượng đài được thành lập, chúng tôi được biết là cũng vẫn đôi khi gặp những khó khăn, chuyện đó nó xảy ra như thế nào thưa anh có thể kể lại và giải quyết ra sao?

Huỳnh Bá Phụng: Hồi xưa khi đặt cái tượng đài ở đây không có security thì có xảy ra một việc, là họ dùng cái ống sắt thọc vô cái nòng súng, bẻ công cái nòng súng quặp xuống, thì được an ninh ở Roma Street Parkland cho biết, tôi coi tôi cho người sửa lại rồi. Sau có một vài lần, nó cũng phá. Điển hình sáng nay thì lấy một cục đá rất là to, nó quăng lên trên tượng đài. Bây giờ họ sẽ đặt máy thường xuyên 24/24 và làm đèn đầy đủ ngay xung quanh tượng đài.

Hưng Việt: Cảm ơn anh Phụng cho biết những cái giai thoại đó. Còn anh cũng có đề cập tới chuyện cảm ơn RSL, mỗi năm chúng tôi được biết là hội Cựu Quân nhân của mấy anh được mời để tham dự cuộc diễn hành ngày ANZAC Day. Đó là ai mời vậy thưa anh?

Huỳnh Bá Phụng: Ông Đại tá Kerry Gallagher là Chủ tịch Tổng hội toán cố vấn và huấn luyện tại Việt Nam Ông ấy bây giờ dự phần các cuộc diễn binh của ANZAC Day. Ông là người chỉ huy trưởng, thường thường ông đứng trên khán đài với bà Thủ Hiến. Ông là người rất gần gũi với chúng tôi.

Hưng Việt: Thưa anh, như vậy đó thì đối với anh, thế hệ mà của các anh của chúng ta đã lớn tuổi rồi, thì một ngày nào đó không còn tiếp tục sinh hoạt một cách hữu hiệu như bây giờ nữa, theo anh thấy thì các thế hệ hậu duệ tiếp nối những bước đi của mấy anh ra sao?

Huỳnh Bá Phụng: Đây là một vấn đề nhức nhối mà từ xưa tới giờ mỗi lần sinh hoạt thì tiểu bang nào cũng muốn có hậu duệ đứng sau lưng cái hội Cựu Quân nhân của tiểu bang, nhưng mà tôi đã thử nhiều lần, cái giới trẻ chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở Sydney thì tôi thấy có, nhưng ở các tiểu bang khác rất là khó kiếm hậu duệ. Vì họ có cái nghĩ khác.

Hưng Việt: Dạ, thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả của SBS, chúng tôi thành thật cảm ơn ông Huỳnh Bá Phụng rất là nhiều. Sau một buổi tổ chức rất là long trọng như thế này thì phải rất là mệt mỏi, nhưng vẫn dành thời gian cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Xin kính chúc anh và các chiến hữu của anh luôn được nhiều sức khỏe và thành công trong tất cả mọi sinh hoạt.

Huỳnh Bá Phụng: Cảm ơn anh Trần Hưng Việt, cảm ơn cô Dung. Cảm ơn tất cả các thính giả đang theo dõi chương trình SBS.

Mỹ Dung: Dạ, cảm ơn ông Huỳnh Bá Phụng.
05 - Ông Kerry Gallagher.jpg
Ông Kerry Gallagher, ông Huỳnh Bá Phụng (trái)
Kế đó là đại tá Kerry Gallagher, Trưởng toán Huấn luyện Quân sự Úc ở Việt Nam.

Hưng Việt: Good morning. How are you, Colonel Gallagher?

Gallagher: I'm very well, thanks very much. And it's an honour and a privilege to be here this morning.

Hưng Việt: Can I call you Kerry?

Gallagher: You certainly can. I've been Kerry for a long time.

Hưng Việt: Kerry, what does this sort of ceremony trigger your memory about the time you served in Vietnam?

(Translation: Kerry, lễ tưởng niệm như hôm nay gợi ông nhớ lại những gì khoảng thời gian ông phục vụ ở Việt Nam?)

Gallagher I was a member of the Australian Army Training Team Vietnam and so we worked independently virtually. I started off, I was a little time at Nui Dat where the Jungle Warfare Training Centre was, …

(Translation: Tôi là một thành viên của Nhóm Huấn luyện Quân sự Úc ở Việt Nam và chúng tôi hầu như hoạt động độc lập. Khởi đầu, tôi ở một thời gian ngắn tại Núi Đất nơi có Trung tâm Huấn luyện Du kích chiến, nhưng sau đó chỉ khoảng một tháng tôi được điều tới Pleiku và có một toán nhỏ ở đó. Rồi thì sau đó Pleiku trở nên khá ‘nóng bỏng’ bởi vì vị trí địa lý của nó, như anh biết rồi đó, và nhóm di chuyển đến vị trí an toàn hơn tại Phú Cát ở duyên hải cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30-40 km về phía bắc.

Tôi có một số kỷ niệm tuyệt vời khi làm việc chặt chẽ với cộng đồng người Việt. Vai trò của tôi là huấn luyện lực lượng địa phương, chỉ là các tiểu đội PF, tiểu đội lực lượng địa phương quân, và sau đó tôi sẽ đến làng của họ và sống với họ. Ban ngày tôi sẽ giúp họ nhiều nhất có thể trên các cánh đồng. Họ thường nói với tôi rằng tôi làm không giỏi lắm, nhưng tôi thường cố gắng giúp đỡ họ. Sau đó, vào buổi chiều, họ trở thành người của tôi và chúng tôi đã thiết lập, nói chung, phục kích xung quanh làng của họ để bảo vệ ngôi làng khỏi sự xâm nhập của Việt Cộng, quân Bắc Việt vào ban đêm.)

Hưng Việt: So were you training the ARVN soldiers or the local militia men as well?

(Translation: Vậy ông đã huấn luyện binh lính QLVNCH hay cả dân quân địa phương?)

Gallagher: We train some ARVN armed forces people, but generally speaking it was militia forces, right down as I said at the village level and it gave me I suppose more than most Australians a very clear and close look at the Vietnamese community, how they lived, what was important to them and I think that's by far my most valuable memory.

(Translation: Chúng tôi huấn luyện một số lính QLVNCH, nhưng nói chung đó là lực lượng dân quân, xuống đến tận cấp làng, như tôi nói và nó cho tôi, hơn hầu hết những người Úc khác, có cái nhìn rất rõ ràng và gần gũi về cộng đồng người Việt Nam, cách họ sống, điều gì là quan trọng đối với họ và tôi nghĩ rằng đó là kỷ niệm quý giá nhất của tôi.)

Hưng Việt: And was it just military training or civilian and what do we call the psychological welfare training as well?

(Translation: Ok. Và đó chỉ là huấn luyện quân sự hay dân sự và điều mà chúng ta cũng gọi là huấn luyện chiến tranh tâm lý?)

Gallagher: It was mainly military training. Sometimes they would ask me about governance as opposed to government, but governance within the village, how to spread the, I suppose, the responsibility for making decisions through the whole of the village, but mostly it was training them to defend the village.

(Translation: Đó chủ yếu là huấn luyện quân sự. Đôi khi họ hỏi tôi về việc quản trị, trái ngược với việc cầm quyền, quản trị trong làng, làm thế nào để phân chia trách nhiệm hầu có những quyết định cho toàn thể khu làng, nhưng chủ yếu là đào tạo họ để bảo vệ làng.)

Hưng Việt: I believe that you had quite a close working relationship with Mr. Huynh Ba Phung in Vietnam. How did that come about?

(Translation: Tôi tin rằng ông đã có mối quan hệ làm việc khá thân thiết với ông Huỳnh Bá Phụng tại Việt Nam. Điều đó đã xảy ra thế nào vậy?)

Gallagher: Well, he was part of the group that liaised with the MACV group, the Military Assistance Group Vietnam, which was essentially, predominantly the American force in Vietnam…

(Translation: Vâng, ông ta là một phần của toán liên lạc với nhóm MACV, Nhóm Hỗ trợ Quân sự Việt Nam, về cơ bản, chủ yếu là lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam. Và ông là một sĩ quan liên lạc với họ và thông qua trách nhiệm đó cũng là một sĩ quan liên lạc với người Úc. Sau một khoảng thời gian, trước hết như tôi đã nói ở Pleiku và sau đó tại Phú Cát, tôi được chuyển đến phụ tá ở Tổng hành dinh Toán Huấn luyện Quân đội Úc tại Tổng hành dinh Lực lượng Thế giới Tự do ở Sài Gòn. Nhưng với tư cách là phụ tá, người phụ tá giống như một cảnh sát trưởng. Tôi trông coi việc quản lý và kỷ luật của Đội Huấn luyện Quân đội Úc. Và vì vậy, ở vị trí đó, tôi có một số trách nhiệm liên lạc và liên kết với ông Phụng.)

Hưng Việt: So it's really good to see that comradeship illustrated or exhibited today. So thank you for your time.

Gallagher: Thank you for your time and thank you for the invitation to talk.
07 - Bà Hương Nguyễn (bên trái).jpg
Bà Hương Nguyễn (bên trái)
Và sau cùng là tâm sự của bà Hương Nguyễn, vợ của sĩ quan Cầu Văn.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào chị Hương Nguyễn ạ

Hương Nguyễn: Dạ xin chào anh Hưng Việt, dạ xin chào cô Mỹ Dung Dạ tất cả thính giả SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào chị.

Hưng Việt: Thưa chị hôm nay chị đi dự lễ kỷ niệm Ngày Quân lực này thì ở trong gia đình chắc chắn là phải có người ở trong quân đội thì thưa chị có thể cho biết là ai không ạ?

Hương Nguyễn: Dạ ông xã mình là trong quân đội, anh hai mình thì bên Không quân còn anh ba mình thì bên Hải quân nên mình thường thường là mình họp với mấy anh cựu chiến binh ở đây đặng đi tham dự ngày 19 tháng 6.

Hưng Việt: Thưa chị, anh ở nhà là thuộc ở trong binh chủng nào chị?

Hương Nguyễn: Dạ, ông xã mình thì sư đoàn 25 bộ binh.

Hưng Việt: Thưa chị khi mà dự cái lễ 19 tháng 6 như vậy đó, nó gây cho chị trong lòng những cái cảm tưởng như thế nào?

Hương Nguyễn: Dạ, trong lòng mình cũng thấy thương mấy anh chiến sĩ hồi xưa đã chiến đấu cho Việt Nam mình mà giờ mình thì không còn như hồi xưa nữa, mình tưởng nhớ những người chiến sĩ đã mất. Mình lại dự cái lễ này, mình nhớ những người đã hy sinh cho đất nước, hy sinh cho tự do, hy sinh cho dân chủ. Tất cả anh chị em cũng đồng ý ra đây tham dự với Hội Cựu quân nhân Queensland. Dạ.

Hưng Việt: Thưa chị hồi đó anh ở Sư đoàn 25 là tới cấp bậc nào thưa chị?

Hương Nguyễn: Dạ ông xã mình thì hạ sĩ quan thôi anh.

Hưng Việt: Thưa chị, ý tôi muốn hỏi là để dẫn tới câu hỏi tiếp là khi mà ngày 30 tháng 4 xảy ra thì anh có phải vào trại cải tạo không chị?

Hương Nguyễn: Dạ, thưa có anh, ông xã mình cũng đi học cả tháng đó.

Hưng Việt: Rồi sau này thì anh chị vượt biên hay là đi theo diện đoàn tụ?

Hương Nguyễn: Dạ, ông xã mình đi vượt biên xong rồi mình cũng đi với ông xã nhưng mà mình bị bắt kẹt lại rồi ông xã mình qua đây tại lúc đó mình có con nhỏ, rồi ông xã mình mới bảo lãnh mình qua sau. Dạ

Hưng Việt: Anh chị qua đây đó thì theo chỗ chúng tôi được biết anh được hưởng cái tiền trợ cấp như là một cựu quân nhân Úc, phải không ạ?

Hương Nguyễn: Dạ, hồi xưa thì ông xã với em thì cũng đi làm sau này retire rồi thì được hưởng trợ cấp của chính phủ về bên Hội cựu quân nhân đó.

Hưng Việt: Cái quan trọng hơn là vấn đề sức khỏe, thì sau cái thời gian học cải tạo rồi đi vượt biên qua ở trong trại tị nạn thì sức khỏe của anh ra sao? Có như hồi xưa nữa không?

Hương Nguyễn: Dạ sức khỏe tụi em hồi xưa còn trẻ thì nó cũng ok lắm. Nhưng mà mình cũng lớn tuổi thì mình cũng phải vận động. Phải đi exercise hay này kia thì cũng thấy cũng ok chưa có đến nổi gì lắm.

Hưng Việt: Dạ, thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả của SBS, thành thật cảm ơn chị rất nhiều đã cho thính giả được có một chút khái niệm về những người vợ hiền của các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Các chị đã đóng góp một phần rất là quan trọng cho công cuộc chiến đấu miền Nam hồi xưa. Cảm ơn chị!

Hương Nguyễn: Dạ cảm ơn anh Hưng Việt, cô Mỹ Dung, dạ cảm ơn khán giả đài SBS nghe tâm tình của anh em chúng tôi! Dạ!

Mỹ Dung: Cảm ơn chị.

Sau đó mọi người đã được mời dùng một buổi ăn trưa nhẹ thân mật ngoài trời.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
03= Tượng đài Chiến sĩ Úc Việt.jpg
Tượng đài Chiến sĩ Úc Việt

Share