Chuyện Queensland: Kỉ niệm thời sinh viên ĐHKH Sài Gòn

Các giáo sư và cựu sinh viên ĐHKH (Brisbane) và gia đình họp mặt đầu năm 2020

Các giáo sư và cựu sinh viên ĐHKH (Brisbane) và gia đình họp mặt đầu năm 2020

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Sau biến cố 1975, một số sinh viên của ĐHKH Sài Gòn may mắn được tiếp tục với con đường học vấn. Họ cũng thành tài nhưng rồi cũng phải vượt biển, vượt biên. Ra đi nhưng trong lòng vẫn đầy ắp những kỷ niệm.


Biến cố tháng 4/1975 đã làm xáo trộn cuộc sống của tất cả mọi người dân miền Nam Việt Nam. Nhiều người phải đi học tập cải tạo. Nhiều gia đình phải về sống ở vùng kinh tế mới. Thành phần còn được phép ở lại thành phố cũng trải qua biết bao khó khăn, nhọc nhằn.

Xin mời quý thính giả cùng với các ông Dương Văn Lộc, ông Nguyễn Phúc Tài và ông Đỗ Nam Biên, đều là cựu sinh viên Đại học Khoa học Sàigòn trước đây, trở về những ngày xưa thân ái... Trước tiên ông Lộc chia sẻ:

Lộc Dương: Chương trình của Đại học Khoa học lúc đó thì anh nào cũng phải qua môt chứng chỉ dự bị. Thì có ba cái chứng chỉ dự bị, đó là chứng chỉ SPCN (Science Physics Chemistry Natural), MPC (Maths Physics Chemistry), và MGP (Maths General Physics). Thì đặc biệt chứng chỉ mà đông người nhất là chứng chỉ SPCN, là tại vì nó gồm chứng chỉ dự bị y khoa trong đó. Tất cả những phân khoa ở đây đều bắt đầu bởi ba kỳ thi là kỳ thi viết, kỳ thi thực hành chính giữa và vấn đáp sau cùng. Và mỗi một anh sinh viên thì đều phải đậu hàng năm nếu không thì sẽ không được miễn dịch vì lý do học vấn.

Hưng Việt: Nhưng rồi sau cái năm dự bị thì các anh đi theo những con đường riêng, như anh Lộc đi theo ngành Địa chất, anh Tài thì đi theo ngành Hóa Học, còn anh Biên thì anh tiếp tục đi theo ngành Hóa thực phẩm sau đó anh theo học Y khoa.

Mỹ Dung: Theo như các Ông cho biết, thì đa số các giảng sư tốt nghiệp từ ngoại quốc về, nên ngoại ngữ Anh, Pháp vẫn còn dùng để giảng dạy. Tuy nhiên, dưới chủ trương Việt hóa của chính phủ Ngô Đình Diệm thì khoảng sau năm 1968 hầu như chương trình đã hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Biên Đỗ: Tất cả những giảng sư trong trường có thể dùng tiếng Anh hoặc là dùng tiếng Pháp thì cái bản năng sinh tồn là phải hiểu. Thầy nói cái gì mà không có nghe ra thì thầy cho rớt. Cũng có một số khó khăn nữa không có dễ đâu, cứ người giảng sư ở ngoại quốc về mà nói tiếng Việt không có bỏ dấu. Đôi khi người ta lại chêm tiếng Anh giống như mình đang nói bây giờ cái ok, bye bye gì đó.

Hưng Việt: Thưa mấy anh có giáo sư, giảng sư mà mấy anh ưa thích nhất trong cuộc đời theo học ở Khoa học và lý do tại sao?

Lộc Dương: Khi mà tôi bắt đầu vô chương trình chuyên khoa, trong cái chứng chỉ Thực vật 1, tui được gặp lần đầu tiên giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Thầy lúc đó làm cho tui có cảm xúc nể phục kinh khủng. Thầy vô lớp thầy nói, “tui nói rất chậm, nhưng tui không lập lại lần thứ hai, các anh phải chú ý cái lời tui nói” và thầy giữ đúng lời hứa. Mình khoái quá, cái gì chứ nói một lần và nói chậm như vậy thì đâu có vấn đề gì đâu. Sau cái giờ đầu tiên mới thất cái tác hại của nó. Có cái thầy không có nói, thầy nói chậm – đúng, thầy không lập lại – đúng, nhưng thầy vừa nói, vừa vẽ, nếu mà anh vẽ, anh không có nghe nói, và nếu mà anh nghe thầy giảng thì anh không có vẽ được. Thế là trong cái tổ tụi tui mới chia ra: một anh chỉ là ghi chép bài giảng của thầy, một anh khác là chỉ có chuyên môn vẽ. Ccũng không được, bởi vì anh vẽ mà không nghe lời giảng thì anh không biết anh vẽ cái gì. Thành ra thêm một chàng thứ ba là có nhiệm vụ ngồi nghe, nghe để mà kết hợp bài giảng của thầy và cái hình vẽ. Cho tới bây giờ tôi vẫn thầy đó là một cái tổ hợp rất là khá vào lúc đó. Chứ nếu không thì năm thứ nhất không có thể qua nổi.

Hưng Việt: Cám ơn anh Lộc, chứng tỏ là ngay từ năm thứ nhứt thì các anh đã có óc sáng tạo để trở thành một khoa học gia rồi. Tiếp theo thì xin mời anh Tài đi ạ.

Tài Nguyễn: Tui xin phép tạm nhắc đến một vài thầy cô. Có một cái chạnh lòng tôi. Sau năm 1975, tụi tôi đang ở cổng trường chờ đến giờ vào giảng đường thấy một người phụ nữ nhỏ con mặc áo bà ba đạp chiếc xe đạp, khi tui nhìn lại tui giựt mình. Đó là cô Phạm thị Vân một giáo sư, vợ ông cựu bộ trưởng Y Tế Trần Ngươn Phiêu. Cô vẫn tiếp tục giảng dạy cho sinh viên sau năm 1975 với hoàn cảnh như thế. Tiếp theo đó thầy Chu Phạm Ngọc Sơn, là cái người đã cho tui cái hướng đi lên chuyên khoa Hóa học. Nói về cái người mà làm cho tui thích thú nhiều là thầy Phạm Khắc Tích, thầy giảng môn Lý Hóa.

Hưng Việt: Cám ơn anh Tài, mời anh Biên đi.

Biên Đỗ: Nói về tất cả các vị giáo sư đều đáng kính hết, nhưng mà có những vị giáo sư gây một ấn tượng rất là lớn đối với lại sinh viên mà chính cái ý thích của mình, chuyên khoa của mình bị ảnh hưởng bởi các vị giáo sư đó. Thí dụ như là giáo sư Cao Xuân Truân, ổng là tiến sĩ về nguyên tử học của viện nguyên tử Dalat và ông dạy chúng tôi về nhiệt động học rất là hay. Và khi mà ở những tuổi trẻ 18, 19 tuổi mà nghe các thầy nói thì cả một chân trời khoa học. Tiêu biểu là một số thầy như vậy kể ra không hết, nhưng mà mình thấy đó là những cái người mà đi trước mình, định hướng cho mình. Nhân đây thì cũng cám ơn các thầy các quý vị giảng nghiệm viên. Những cái gì mà mình đã hấp thu thì đó là những cái ơn.

Hưng việt: Cảm ơn các anh. Bây giờ hỏi ra ngoài cái giảng đường một chút xíu, những sinh hoạt đó thì muốn hỏi thăm là các anh có những kỷ niệm nào ở đại học Khoa học mà mấy anh thấy là đáng ghi nhớ nhứt của cuộc đời sinh viên của mấy anh.

Lộc Dương:  Một trong những kỷ niệm mà đáng nhớ nhất là tới mùa thi. Học thì đêm nào cũng học tới khuya và cử không được ăn bánh tiêu và cũng không được ăn chuối,... ăn bánh tiêu rõ ràng là nó sẽ tiêu, thành ra nó rất là ...căng dễ sợ lắm.
(Từ phải) ông Nguyễn Phúc Tài, ông Dương Văn Lộc, ông Đỗ Nam Biên.jpg
(Từ phải) ông Nguyễn Phúc Tài, ông Dương Văn Lộc, ông Đỗ Nam Biên
Thì năm đó tất cả các chứng chỉ khoa học đều thi làm ba phần. Tới cuối cùng là kỳ thi vấn đáp. Tức là thi oral đó. Tui có một cái kinh nghiệm nhớ đời về vấn đề này. Lúc đó là chánh chủ khảo là thầy Trần Kim Thạch, là vị trưởng khoa. Và những câu hỏi của thầy là nó thiên hình vạn trạng, không có nhứt thiết là nằm trong bài học. Cái anh bạn mà tui còn nhớ đó ảnh đi lên ảnh bắt nhầm câu hỏi của thầy, “anh cho tôi biết cái lý do nào mà khủng long bị tuyệt chủng trên trái đất?” Thì anh này ảnh mới tối tăm mày mặt ảnh đâu có học, mà ảnh không có nhớ nhưng mà ảnh có coi phim. Ảnh có coi cái phim về khủng long, thì ảnh nói, “dạthầy,khủng long mà bị tuyệt chủng trên trái đất là tại vì nó bị người tiền sử bắt kéo cày.” Thì thầy mới gật đầu, “Trả lời rất là hay.” Xong thầy phán nột câu, “Đất nước đang cần địa chất gia, mà địa chất gia hổng chịu ra trường.” Tôi nhớ muôn đời cái câu thầy phán.

Hưng Việt: Dạ cám ơn anh Lộc, câu chuyện rất là lý thú, và anh Tài chắc là cũng có một vài giai thoại lý thú không kém.

Tài Nguyễn: Lúc đó thời sau năm 1975 thì ông Võ Văn Kiệt lúc đó là bí thư ổng ra cái quyết định lập cái trung đoàn Hóa chất các sinh viên tốt nghiệp khoa Hóa năm 1978 đều lên danh sách thành quân nhân sĩ quan ngành Hóa học. Thế là hay tin đó sinh viên hoảng hồn, chạy tán loạn. Mọi người không có tiền cũng phải tìm cách như thế nào đó mà vượt biên. Bản thân tui thì nghèo quá không dám nghĩ tới chuyện vượt biên hay là chạy trốn hay gì hết, nhưng mà lại có cái may mắn là thời điểm đó ở địa phương lại gửi cho tui cái giấy triệu tập đi nghĩa vụ. Cái tui mới lấy cái giấy ở trường tui đem vô tui nộp cho địa phương. Còn ở trường tui nộp cái giấy địa phương. Thế là tui thoát, tui không có bị triệu tập nhập ngũ.

Hưng Việt: Phần anh Biên thì chắc cũng có vài giai thoại lý thú lắm phải không ạ?

Biên Đỗ: Khi mà mình bắt đầu từ học sinh trung học, học trong lớp thì có hai ba chục người, ở trong cái khuôn viên trường nhưng khi mình bước vào cái đại học khoa học này đó là vô cái giảng đường 1 đó là mấy trăm người, mình nhìn thấy cái thế giới nó mở rộng ra. Thằng này ở Mỹ tho, thằng kia ở Đà nẵng. Rồi thí dụ chia ra những nhóm mà thực tập thì gặp thằng này thằng kia cô này cô kia. Nó mới nảy sinh tình cảm thì mình trong cái nhóm của bà xã mình bây giờ. Sau 50 năm vẫn còn nợ. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Thì mình quen bà xã cũng bốn mươi mấy năm khi bắt đầu vào trường Đại học khoa học.

Hưng Việt: Câu chuyện thật là lý thú. Bửa nay nghe anh Biên tâm sự thì mình mới biết là tại sao trong cái đêm văn nghệ mấy anh tổ chức vừa rồi đó anh Biên hát cái bản “Anh còn nợ em” tuyệt vời.

Bây giờ trở về cái hội cựu sinh viên hội Khoa học Saigon ở Brisbane. Thưa anh Lộc anh là một thành viên sáng lập hội, anh có thể cho biết mục đích của sự thành lập hội ra sao và từ khi nào?

Lộc Dương: Tôi đến Úc năm 1981, rất là bơ vơ lạc lỏng. Khi mà đến Brisbane, tôi lại không may mắn, tôi ở một nơi cách xa thành phố, tôi ở Wynnum. Mãi đến năm 1989, khi mà tui về Sydney làm, thì mới bắt liên lạc được với thầy Nguyễn Văn Vân là vị thầy đã làm cho tôi rất là kính phục. Bắt đầu từ thầy Vân tui mới biết được tin tức của những thầy khác như là thầy Lê Duy Phước hoặc là thầy Vũ Đình Long ở Brisbane. Từ đó tui mới nhen nhóm ý định là tại sao mình hổng gặp những vị thầy này để liên lạc và những anh em của nhóm Khoa học để biết tin tức trao đổi kinh nghiệm. Tất cả những người khoa học, đặc biệt là những người học chung một ngành với nhau, khi mà ngồi nói chuyện thì có một cái điều rất là tương đồng. Những điều đó cho mình rất là phấn khích ở xứ sở không phải là xứ sở của mình. Thì buổi họp đầu tiên của chúng tôi đó là là lúc mà ở Goodna và có một anh bạn tức là anh Tiền Lạc Quan từ ở bên Darwin anh Nguyễn Phúc Tài và cũng gặp thầy Vũ Đình Long và những người khác, cũng có anh Biên và chị Diễm Khanh. Từ đó mới có ý định thành lập một cái nhóm. Dạ cái đó là năm 2015.

Hưng Việt: Dạ Cám ơn anh Lộc. Như vậy thì thưa anh Biên, hội thường có sinh hoạt gì ở trong năm hay không?

Biên Đỗ: Dạ hội mới thành lập được vài năm. Mục đích đầu tiên chỉ là tương trợ nhau. Mỗi năm thì mình sẽ gặp nhau, thăm hỏi nhau, ủng hộ nhau về tinh thần và nhắc lại những kỷ niệm cũ của trường Đại học Khoa học. Hội chưa có những sinh hoạt gì mà ngoài những sinh hoạt họp mặt hàng năm. Sắp tới thì anh em sẽ ngồi xuống, coi coi mình có thể làm cái gì, giúp đỡ cái gì. Hội cũng có nghĩ tới trợ giúp cho sinh viên đóng góp được kiến thức kinh nghiệm của mình thì đó là một điều rất đáng quý cho cộng đồng.
Họp mặt 2020 - 01.jpg
Tại cuộc họp mặt năm 2020: (từ phải) ông Đỗ Nam Biên và phu nhân, ông Dương Văn Lộc và phu nhân, ông Nguyễn Phúc Tài
Hưng Việt: Anh Lộc có đề cập đến việc là tiểu bang đều có những Hội cựu sinh viên Khoa học thì thưa anh Tài, anh có thể cho biết là các hội khác nhau ở các tiểu bang có liên lạc gì với nhau thường xuyên hay không và có những hoạt động cùng nhau cộng tác để thực hiện hay không?

Tài Nguyễn: Thưa anh Việt hội cựu sinh viên khoa học Saigon mỗi tiểu bang đều có và thật ra nó không chỉ ở nước Úc này mà còn rất nhiều nước khác trên thế giới. Các hội ở các tiểu bang có một cái hạt nhân thông qua đó các tiểu bang khác lien lạc. Tôi xin phép được nhắc đến Võ Lệ Chi ở Sydney cái người mà hạt nhân tổ chức những đợt sinh hoạt, họp mặt thường niên trong nước Úc kể cả tổ chức những buổi hội ngộ toàn thế giới.

Biên Đỗ: Thay mặt cho các bạn Khoa học, cám ơn anh Trần Hưng Việt và cô Mỹ Dung đã tạo cơ hội cho chúng tôi được một buổi nói chuyện rất là thoải mái và cái vấn đề quan trọng nhất bây giờ là cái đạo đức xã hội. Làm sao người có tri thì phải có thức, tức là có cái hiểu biết về khoa học thì cũng phải có cái tâm để mà nghĩ về xã hội, nghĩ về mọi người. Đó là cái điều mà mong mỏi nhắn nhủ.

Nếu quý vị có yêu cầu liên lạc với Hội Cựu sinh viên Đại Học Khoa học xin gửi email đến: locduong54@gmail.com

Hoặc qua số phone: 0402 028 846

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

 


Share