Chuyện Queensland: Karen Mai và dịch vụ tang lễ cho người Việt

01.jpg

Karen Mai

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong những giờ phút đau buồn và bối rối nhứt để lo tang sự cho một người thân trong gia đình, thật không còn gì yên lòng và an ủi hơn là người lo công việc hậu sự nói được cùng ngôn ngữ và hiểu được các nghi thức của văn hóa chúng ta.


Chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm sau đây với cô Karen Mai, một người Úc nói tiếng Việt rất thông thạo và đã làm việc với một nhà quàn ở Brisbane trong nhiều năm qua chỉ vì muốn giúp các tang gia Việt Nam qua những giờ phút khó khăn nhứt.

Hưng Việt: Xin kính chào chị Karen Mai.

Karen Mai: Dạ chào anh Việt với cô Mỹ Dung, thính giả SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào chị Mai

Hưng Việt: Đầu tiên xin chị Mai cho biết lý do tại sao mà chị bắt đầu làm dịch vụ mai táng này và từ khi nào vậy chị.

Karen Mai: Dạ thưa anh, mình làm ở đây cũng khoảng 3 năm rồi, mình thấy nhà quàn bên Oxley thiếu người Việt Nam, thấy hơi khó làm mấy cái phong tục Việt Nam, tại vì đám tang Việt Nam có nhiều cái lắm, Công Giáo này, Đạo Phật này nó cũng khác nhau nhiều lắm, thì cần một người hiểu cái đó cho nên giúp người ta.

Hưng Việt: Như vậy thì thưa chị cái công việc mà chị cung cấp cho những tang quyến đó gồm có những cái chuyện gì? Trong đó cái phần nào theo chị nghĩ là khó khăn nhất?

Karen Mai: Cái việc của mình thì mình làm arrangement, tức là mình nói chuyện với người ta, sắp xếp đám tang, người ta muốn làm kiểu gì. Nhiều khi hơi khó tại vì con cái muốn làm kiểu này, xong rồi anh em của người mất muốn làm kiểu khác, nên mình phải làm làm sao hai bên được dung hòa. Nhiều khi mình phải giải thích cho anh em người lớn thì con cái nó muốn làm kiểu này, rồi mình cũng phải giải thích cho mấy đứa nhỏ cái phong tục Việt Nam muốn làm cái này. Thì mình cũng meet together.

Hưng Việt: Thưa chị từ cái lúc mà họ gọi điện thoại để mà nhờ chị giúp cho một cái đám tang trong gia đình họ, cho tới lúc mà mọi chuyện đã được chấm dứt tốt đẹp, thì thường là mất khoảng bao lâu?

Karen Mai: Lúc mà làm giấy tờ thì cũng khoảng hai tiếng. Có nhiều gia đình chưa bao giờ làm đám tang thì mình phải hỏi người ta muốn làm kiểu này kiểu kia. Tại vì mình thấy người Trung thì có một chút xíu khác nhau người Nam, mình nghe cái accent, cái giọng người ta mình biết người Huế rồi, hay là người Trung. Có người muốn làm kiểu giống đám tang chẳng hạn, có người khác làm giống celebration thì kiểu khác nữa đó, thì nhiều khi mình nói chuyện cũng hơi lâu, có một người một tiếng, một người hai tiếng, không biết được.

Hưng Việt: Thưa chị rồi có những trường hợp người mà mình thường gọi là chết một cách bất ngờ đó thì hình như là phải chờ thẩm định rồi họ cho phép thì mới được làm đám tang. Thì những cái đó chỉ có cần phải giải thích hay là cái người coroner có nhiệm vụ giải thích cho tang quyến.

Karen Mai: Ok, nếu một người mất bất ngờ, bị đi coroner đó, mình giải thích cho họ. Thì mình phải chờ nhiều khi một tuần, hai tuần thường cũng tùy người ta nó có nhiều việc hay không. Cũng khó cho gia đình, tại vì mình không có nói rõ bao nhiêu ngày, nhiều khi hai ngày, ba ngày, có một người khác thì nó bảy ngày, nhiều khi mình cũng thấy hai tuần đó. Cái đó thì gia đình cũng phải thông cảm, nhất là Công giáo, đạo Phật, tại vì đạo Phật rất là theo giờ, theo ngày.

Mỹ Dung: Dạ theo chị thì cái kỹ năng quan trọng nhất mà một người làm dịch vụ mai táng cần phải có là gì hả chị Mai?

Karen Mai: Dạ thưa cô mình phải nghe. Cái đó là quan trọng nhất. Mình phải nghe người ta nói chuyện, làm sao, muốn cái gì, tại vì nhiều khi vừa nói chuyện, vừa khóc lóc này kia, Thì sao mình nói muốn làm cái này, cũng hơi ngạc nhiên. Mình phải khuyên, mình cũng phải hiểu người ta. Khó nói lắm, cái tâm lý của mình nó phải giúp mình giúp người ta đó, mình phải sẵn sàng giúp này kia đó.

Mình cũng phải thông cảm với người ta. Mình phải nhớ, lúc đó người ta mất một người thương, nhiều khi bố mẹ hay là con cái. Mình phải thông cảm cho người ta. Nhiều khi nói cái gì khó nghe mình cũng phải bỏ qua.

Lúc làm đám tang, mình thấy người ta cũng giống như gia đình của mình, mình muốn giúp đỡ, mình muốn sympathize đó.

Hưng Việt: Ngoài cái sự thông cảm đó nói về vấn đề luật pháp chị có phải đi học những khóa dạy về những cái điều lệ mà luật pháp bắt buộc hay là phải đi học một cái khóa huấn luyện để mà giúp đỡ những tang quyến này kia hay không hay là mình cứ làm rồi nghề nó dạy nghề?

Karen Mai: Thưa anh, mình không có có học cái gì hết, tại vì mình nói tiếng Việt, mình biết cái phong tục Việt Nam.

Mỹ Dung: Dạ, rồi như công việc của chị đi làm vậy làm sao mà chị sắp xếp được?

Karen Mai: Nhiều khi chị không có đi lễ được với họ, tại vì nó làm ngày thường, mình phải ghi rất là rõ cho mấy người trên công ty đi theo được, mình cũng hên, thì bên đó mình có người sếp cũng biết làm cái phong tục Việt Nam rồi.

Hưng Việt: Thưa chị ở những cái đám tang của người Việt mình, chúng tôi đều thấy là tùy theo tôn giáo của cái gia đình của tang quyến đó thì thường có những trưng bày hình ảnh tượng Phật hoặc là của Chúa v.v. Thì những cái đó là của nhà quàn hay là của cái nơi mà họ làm tang lễ chị?

Karen Mai: Cái đó là của nhà quàn, thì mình mang đi theo mình sắp xếp cái bàn thờ tùy theo gia đình muốn. Ví dụ đạo Phật thì mình làm theo đạo Phật, theo Công giáo mình theo Công giáo hay là Tin lành hay là cái nào. Cái đó của mình không phải của chapel hay cái chỗ thiêu hay là chỗ nào mình đi.

Mỹ Dung: Dạ, thưa chị, em nghe chị nói tiếng Việt rất là lưu loát mà tiếng Việt đó là chị học từ đâu vậy và bao lâu rồi chị?

Karen Mai: Dạ thưa cô, cái này thì hồi xưa đó, mình bảo lãnh ông bà già qua, thì ông già bị tim, mình cũng đâu có biết được. Mình thấy ông qua, thấy chân của ông nó bị sưng, mình phone về cho là mẹ ruột của mình, thì mẹ nói, “à chắc bị gout, không sao đâu”. Mình nhớ, rõ ràng á, thứ bảy tuần đó mình chở đi ra bác sĩ Lê Thanh Hoàng, thì bác sĩ nói bị tim, trời ơi hết hồn. Chở ông già đi nhà thương. Hồi đó đâu có biết tiếng Việt đâu. Hỏi mấy đứa con coi ổng có nói tiếng Anh rõ được không? Là không. Thì mình phải học tiếng Việt cho ông biết ông sẽ mổ, hay là bên nhà thương nó làm cái gì. Thì mình cứ nhờ bác sĩ Hoàng, hỏi ông tim là sao? Thận nó là cái gì? Mình học bác sĩ Hoàng trước rồi sau đó mình nghe riết mình quen, cũng đi Việt Nam nhiều lần nữa, thì cũng có anh chị em cũng chỉ nữa.

Mỹ Dung: Hay quá, đâu phải ai cũng nghe rồi được như chị vậy đâu.

Hưng Việt: Nhưng mà chị không có đi học một lớp tiếng Việt hay chị không có xem trên Youtube hay là Internet hay cái gì hết. Chỉ nghe rồi nói, rồi sau bao nhiêu năm thì quen.

Karen Mai: Dạ thưa anh đúng rồi, chính xác luôn.

Hưng Việt: Điều đó tôi thấy rất là đáng phục.

Mỹ Dung: Hẳn là cái điều đó nó giúp ích cho chị trong cái công việc hiện tại nhiều lắm hả chị?

Karen Mai: Dạ đúng rồi, thưa cô thì mình làm đám tang cho người Việt thôi không có làm cho người Tây. Tại vì mình làm hai job luôn. Cái này mình làm thêm giúp người Việt.

Mỹ Dung: Dạ cái job chính của chị là gì hả chị?

Karen Mai: À cái job chính là IT manager. Cái công ty đó là của người Tây, thì công ty đó lớn lắm.

Hưng Việt: Tôi nghĩ đây là một cái tài năng mà thiên phú không phải ai cũng có được đâu.

Karen Mai: Bây giờ đó mình không biết, mình hỏi Google translate tại vì nhiều khi nó có mấy cái câu mới. Mình thấy người Việt hồi xưa là khác, bây giờ là khác nha. Bên Việt Nam là khác một chút, nhiều khi mình không hiểu. Người Trung thì nói có mấy câu khác. Mình học tiếng Bắc, cứ nhớ hồi xưa đó bà già kêu mình lấy bát, mình lấy bát. Xong rồi đi nhà người ta kêu lấy chén, cứ ngó hoài, không biết cái chén là cái gì. Bây giờ là biết rồi.

Hưng Việt: Chị có thấy nó khó không?

Karen Mai: Không, đâu có khó đâu, bây giờ quen rồi.

Mỹ Dung: Vậy ở nhà của chị thì chị nói tiếng Việt hay là tiếng Anh hay là cả hai hả chị?

Karen Mai: Cả hai tại vì bên nhà đó thì có con trai, vợ của nó là người Việt và mẹ của nó với mình rất là thân, mình nói tiếng Việt không hà. Mới đi chơi Việt Nam cũng đi chung với bà sui. Ở nhà thì ông xã mình nói tiếng Việt, con cái nó mới nói tiếng Anh, nhiều khi con gái, nó làm psychology, nó làm social worker đó, nó cần nói chuyện với mấy đứa nhỏ người Việt, cần nói chuyện với ba mẹ nó, thì nó phone về, nó hỏi, “mẹ cái này tiếng Việt là sao”, nó chẳng bao giờ hỏi ba nó, hỏi mẹ không à.

Hưng Việt: Rồi ông xã của chị đó, có dạy mấy cháu tiếng Việt không?

Karen Mai: Thì cũng nói chuyện với nó tiếng Việt thì nó phải nghe thôi, nó hiểu. Thì ba nó có cháu nội luôn. Cháu nội cũng đang học, nó hai tuổi.

Mỹ Dung: Chị, ngoài tiếng Việt với tiếng Anh ra, chị còn biết tiếng nào khác nữa không chị?

Karen Mai: Không, hai cái đủ rồi.

Hưng Việt: Thường thì những khách hàng, những tang quyến họ nói chuyện với chị bằng tiếng Việt hay tiếng Anh.

Karen Mai: Cả hai. Lúc mình nói chuyện bằng điện thoại mình nói tiếng Việt, lúc thấy mặt mình cái người ta nói, “ủa, người Tây”, xong người ta nói tiếng Anh, rồi lúc mình nói chuyện tiếng Việt với họ lúc đó bắt đầu nói tiếng Việt lại.

Hưng Việt: Quá hay há! Thưa chị, chị có một mối liên hệ khá chặt chẽ với cộng đồng người Việt thì theo chị thấy có sự khác biệt nào mà đáng lưu ý nhứt giữa cộng đồng người Việt và các cộng đồng khác nhứt là các cộng đồng chính mạch hay không?

Karen Mai: Thưa anh bây giờ mình đang nói chuyện đám tang thì mình nói cái đó đi. Đám tang của người Tây thì rất là đơn sơ, gia đình cũng có một ngày grieving thôi. Người Việt mình khỏi cần biết đạo nào, Công Giáo hoặc là Đạo Phật hay cái gì, nó có cái phong tục của nó, thì cũng mấy chục ngày nhiều khi 49 ngày hay 100 ngày. Bên Tây mình thấy cái đó ít khi có.

Gia đình của mình nói chung là khác một chút. Tại vì hồi xưa ông bà già của mình tức là bố mẹ của mình dạy mình kiểu khác mấy người khác. Nó rất là thân. Thí dụ mẹ có bị bệnh hay là anh em có bị trục trặc gì mình phải báo cho mẹ biết.

Gia đình của em thấy ba đứa rất là thương nhau rất là giúp nhau. Lúc nào một đứa nó có gì khó khăn, thì hai đứa kia nó cũng giúp nó, đứa nào cũng vậy nó muốn làm cái gì, có con trai lớn nó hay hỏi nó đó, mình thấy cái đó nó tốt.

Hưng Việt: Bây giờ trở về công việc chị làm để giúp cho cộng đồng người Việt mình là các dịch vụ mai táng cho những gia đình mà có tang sự đó thì đám tang nào cũng thường là đau buồn hết, chị có thể kể lại một, hai cái thí dụ nào mà chị cảm thấy là đau buồn nhất hay là không?

Karen Mai: Dạ thưa anh, hồi xưa đó bà già của mình đó, mẹ chồng. Lo cho mẹ chồng mà cũng mười mấy năm. Bà cũng hơi khó đó. Muốn bà ăn, chẳng hạn là bà không có ăn đàng hoàng hay là không biết làm gì cho bà có sức khỏe vậy kia đó. Mình cứ nói bà, mai mốt bà chết, không có khóc. Trời ơi, cái ngày làm đám tang, khóc như là gì, không có nói chuyện được luôn.

Mình thấy cái ngày đó là... yeah, rất là cảm động. Mình cũng có một cái đặc biệt, thì chắc người ta không bao giờ có. Cái ngày đám tang của bà già, mình chở bà về nhà có hai con chó nó vẫn ở đây. Hồi xưa nó tru đó, thì bà cứ kêu nó hát. Ừ Nó kêu to lắm, mình sợ lắm. Thì sau khi lúc bà mất rồi, thì mình khiêng cái quan tài về nhà, thì mình kêu hai con chó ra, một con nó chạy ra. Mình nhảy xuống, bắt con chó lại á, gãy tay. Mình chưa có làm lễ, chưa có làm gì hết. Xong rồi đi ra nhà thờ đó, con em á, thì con em nó cũng hỏi, ủa cái tay làm sao rồi, nói chắc gãy rồi. Mình cũng làm lễ, đi chôn, nhưng mà sau đó đi nhà thương PA á. Còn con dâu của mình đang chở em bé đi nhà thương con nít. Cái ngày đó, never forget, không bao giờ quên. Có cái đó là emotional nhất.

Hưng Việt: Cuối cùng thì thưa chị Mai là chị còn có điều chi chị muốn chia sẻ với lại thính giả của chúng ta nữa hay không?

Karen Mai: Thưa anh, không biết nói gì hơn. Lúc mình làm đám tang thì mình thấy người ta giống gia đình của mình, mình muốn giúp đỡ, mình muốn sympathise. Mình thấy thì ai có cần mình giúp, cứ việc phone, cứ việc liên lạc với mình, mình sẽ giúp hết cỡ luôn. Tại vì mình biết nhất là đám tang rất là buồn. Nhiều khi mình không biết làm gì, mình không biết đi đâu, không biết hỏi ai thì mình sẵn sàng sẽ giúp, sẵn sàng sẽ nghe.

Hưng Việt: Dạ, thay mặt cô Mỹ Dung và thính giả của đài SBS chúng tôi thành thật cảm ơn chị Karen Mai rất là nhiều sau một ngày làm việc vất vả mà chị vẫn dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này và chúng tôi cũng xin được thay mặt cho đồng hương Việt Nam ở đây cảm ơn chị Mai, với những sự giúp đỡ của chị trong những lúc mà các tang quyến gặp nhiều bối rối. Xin kính chào chị và kính chúc anh chị và gia đình được nhiều sức khỏe và mọi sự như ý.

Karen Mai: Cảm ơn anh Việt với cô Mỹ Dung. Cũng cảm ơn thính giả SBS.

Mỹ Dung: Cảm ơn chị Mai.

Quý vị có thể liên lạc cô Karen Mai qua số phone 0448 920 266

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
02.jpg
Cùng thân chủ đưa tiễn người quá cố.

 



Share