Chuyện Queensland: Hội ngộ cựu thuyền nhân Bidong

04 - Chị Nguyễn Bạch Yến (thứ 3 từ trài) và chị Trần Thị Kim Huệ (thứ 3 từ phải).jpg

Buổi hội ngộ được tổ chức ở Gold Coast, Queensland

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tuần rồi chúng ta đã nghe những chia sẻ của các anh chị trong Ban tổ chức trại Bidong Hội ngộ. Tuần này chúng tôi xin gửi đến quý thính giả một số ký ức về những tháng ngày ở trại tỵ nạn Pulau Bidong từ các cứu thuyền nhân.


Trước tiên hết là chia sẻ của những chị Hoa Nguyễn, Nguyễn Cathy, Hương Nguyễn, và Hoa Bùi ở Hoa Kỳ về quá trình vượt biên và định cư của mình.

Hoa Nguyễn: Dạ, mình là Hoa Nguyễn đi với gia đình mình là ông xã mình Phạm Phú Điền cùng với ba đứa con.

Mình đi sau 14 tháng 3 năm 83 và năm 98 mình mới được bước chân đến đây. Mình đi ngày 28 tây tháng 3 của năm 89 trong vòng có ba ngày tới Bidong. Nhưng mà mình tới Bidong sau 14 tháng 3 cho nên là cuối cùng mình phải ở đó tới bảy năm, rồi trả mình về Việt Nam. Về Việt Nam được ba năm, rồi lúc đó mình mới tìm cái đường dây của ông Thượng nghị sĩ John McCain. Ông ta mới giúp cho gia đình mình, cho mình phỏng vấn lại và mình được đi.

Hưng Việt: Thưa chị, khi mà chị ở Bidong đó, thì có cái kỷ niệm nào mà chị nhớ hoài suốt đời chị sẽ không bao giờ quên không?

Hoa Nguyễn: Cái đó không phải gọi là kỷ niệm mà là sự kinh khủng tột cùng luôn, mình đau đớn, sợ hãi, ngay tới bây giờ trong giấc mơ thỉnh thoảng mình và ông xã mình ngủ nằm mơ đang ở trại tị nạn.

Hưng Việt: Sợ cái gì vậy chị?

Hoa Nguyễn: Sợ là bởi vì mình bị áp bức. Mình ở đó chỉ được có 3 năm thôi. Năm 1, năm 2 thì mình cũng có thân nhân giúp cho mình một ít tiền, vài ba tháng cho mình 100 đô, nhưng mà tới cái thời gian mà ở lâu quá người ta bỏ mình luôn, mình phải đi buôn bán để mình kiếm sống. Mình trồng những cọng rau, cọng cỏ, rau đắng với rau muống trồng mình bán mình kiếm tiền cho các con mình. Hoặc khi phát cho mình những gói mì mình để dành lại. Một gói mì mình có thể nấu ra được nhiều nước, chồng mình và mình chỉ việc ăn rau, còn lại mì cho các con ăn. Khổ lắm!

Một đêm đó mình đang ngủ nghe tiếng xoong nồi đánh rầm rầm rầm là báo động. Mình ở lầu ba mình nhìn ra ngoài, trời ơi mình thấy Police cầm dùi cui với mã tấu, những cái khiên này nè.

Trong này thì người ta cũng bắt loa nói là người ta cưỡng bức bọn mình đi về. Mà bây giờ đồng bào mình đừng bao giờ lung lay tới chuyện đó. Cứ ở trong yên tĩnh.

Lựu đạn cay ném vô cái vèo, trúng ngay phòng nhà mình luôn, lựu đạn cay đó, nó bùng lên lúc đó không khí nó đã bị cay rồi. Mình sợ quá, cái đứa nhỏ năm 92, lấy cái bọc nylon trùm đầu nó. Trong cái phút mà mình khủng hoảng quá mình đâu có biết đâu, mình quên mất, từ lầu ba mình đi xuống, thằng nhỏ nó nghẹt thở, ba nó ẳm nó, bắt đầu ba nó thấy nó mềm rồi không còn biết gì hết, ba nó hoảng hồn xuống bắt đầu dỡ cái bao ra, thấy thằng nhỏ như vậy ông thấy ngay dưới tầng chót có thùng nước, ông xã mình nhúng cái đầu thằng nhỏ vô, lúc nó khóc lên, cái bắt đầu mình ẵm chạy.

02 - (từ trái) Các chị Cathy Nguyễn - Hương Nguyễn - Hoa Bùi.jpg
Từ trái: Các chị Cathy Nguyễn - Hương Nguyễn - Hoa Bùi
Còn hai đứa lớn đứa 11 tuổi đứa 9 tuổi gì đó đâm đầu chạy bởi vì cái luồng người đẩy hai cháu chạy không biết đường nào đi nữa. Mình phải chun cái đường lỗ cống đi ra, mình ẳm thằng nhỏ ra, mà khóc quá trời vì mình mất hai đứa con.

Đến lúc ông xã mình phải chạy ngược vô lại để đi tìm hai đứa nhỏ. Cái thằng lớn mình, em nó và nó bị lựu đạn cay làm cay quá. Mà dân thì cứ nói là mỗi lần như vậy thì cứ lấy nước đái. Thằng lớn nó lấy nước đái nó chà vô mặt em nó để cho bớt cay.

Trời ơi cái thảm cảnh đó mình không thể nào mình quên được.

Cathy Nguyễn: Dạ, xin chào quý đài em tên là Nguyễn Cathy. Bố của em là HO nên ông già quyết định phải đi Mỹ cho bằng được. Nên tụi em phải chờ phái đoàn Mỹ hơi lâu thành ra phải ở lại trại tị nạn cũng phải ba năm. Và qua Philippines để mà học đời sống của Mỹ hết sáu tháng và sau đó tụi em nhập cư vào ngay California sinh sống ở California được 15 năm. Sau đó tụi em lại moved to Texas. Và sinh sống ở đó cũng được 15 năm nay rồi. Hiện tại thì cuộc sống của tụi em cũng rất là ổn định.

Hương Nguyễn: Xin kính chào quý đài. Mình tên Hương Nguyễn. Em rớt thanh lọc hai lần và em trở về Việt Nam. Ba đứa em đây đều ở chung một khu gọi là khu thanh nữ, tất cả gọi là thanh nữ độc thân. Khi mà gặp lại đây rất là vui và ôn được kỷ niệm. Em sang Mỹ năm 2018 theo diện ODP rồi em định cư và em đang sinh sống tại Mỹ.

Hoa Bùi: Xin chào quý đài SBS, tôi tên là Hoa Bùi. Em rớt thanh lọc hai lần và về thuộc diện cưỡng bức từ năm 1996, và finally em được đi chương trình Tái định cư của Mỹ 1999. Trước tiên em đến tiểu bang California ở đó hơn 10 năm và em đã về lại Hawaii cũng sống hơn 10 năm và tạ ơn Chúa cuộc sống em cũng bình an và em cũng cảm ơn đài SBS có mặt và tạo không khí thân thiện và cảm ơn những người dân ở đây rất là thân thiện và welcome tụi em đến từ Mỹ và một đất nước rất là hiền lành và em cảm thấy rất là có cảm tình với đất nước này. Em hi vọng là thời gian gần đây em sẽ trở về thăm nơi này với những người thật là đáng yêu.

Kế đó là anh Lý Quý Chung, một trong những người cuối cùng rời trại Sungai Besi.

Lý Quý Chung: Dạ em đến Bidong năm 90 và em rời trại năm 96. Ba cha con, có cha và người anh thứ hai của em ở đây. Và ba cha con là người cuối trại của Sunga Besi, Malaysia. Gia đình tụi em từ Việt Nam sang Campuchia đi đường bộ rồi từ Campuchia mới đi qua Mã lai mất ba ngày bốn đêm trên biển.

Hưng Việt: Cái cuộc hành trình đó có gặp những khó khăn gì không?

Lý Quý Chung: Trên đường đi thì có gặp hải tặc nhưng mà trên tàu thì có mấy chú làm cho chính quyền có súng ống cho nên hải tặc bỏ đi.
03 - Anh Lý Quý Chung.jpg
Hưng Việt: Anh được cái phái đoàn Úc phỏng vấn anh rồi sau đó mới được đi thì cái khoảng thời gian chờ đợi nó là bao lâu?

Lý Quý Chung: Cỡ 3 năm, 2 năm mấy. Thời điểm đó là thời điểm Cao uỷ không còn ở đó nữa. Cho nên hồ sơ mình thì Úc nó nhận nhưng mà người vô phỏng vấn mình không còn nữa, cho nên mình chờ lá thơ kêu mình đi thôi. Cho nên lúc em cũng như là ba với ông anh ở thời điểm đó thì vòng vòng còn có 15 người thôi. Mà em với ba với anh thì là người đi Đệ tam quốc gia chót nhất của trại Sungai Besi. Còn mấy người kia là chuẩn bị trở về Việt Nam mới được đi nước ngoài.

Hưng Việt: Anh ở đó 6 năm, thì trong cái thời gian đó anh làm những cái công việc gì? Tại vì 6 năm mà ngồi không chắc là buồn lắm phải không?

Lý Quý Chung: Dạ lúc em đi mới 14 tuổi mấy thôi. Chỉ đi học. Có học tiếng Anh, rồi cũng lòng vòng lòng vòng tại mình đang ở trong trại tị nạn mà đâu có điều kiện cho mình nhiều để mà sinh hoạt giống như bình thường thì sáng lãnh cơm, trưa lãnh cơm, chiều lãnh cơm, tối đi ngủ.

Hưng Việt: Quá sung sướng phải không anh? Có cái kỷ niệm nào đáng nhớ nhất không? Có cái chuyện gì mà anh nhớ mãi, anh sẽ không bao giờ quên được.

Lý Quý Chung: Đó là cái kỷ niệm mà em được chứng kiến từ đầu tới cuối là người Việt mình tị nạn ở Đông Dương, đặc biệt là Mã Lai bị chính quyền Mã Lai cưỡng ép đi về và đồng bào của mình thì rất là đau khổ, thời điểm đó là thời điểm em không bao giờ quên suốt cuộc đời của em.

Cái chương trình ban đầu là họ khuyến khích mình đăng ký. Sau cái chương trình đăng ký rồi thì nếu không đăng ký nữa trong quá trình đã cho một năm thì mình sẽ bị cưỡng về, theo số tàu.

Lúc đó thì đồng bào mình không ai muốn về hết cho nên người ta biểu tình và người ta tự sát, người ta tự thiêu… vì em là người chứng kiến cho nên em không bao giờ quên những giờ khắc đó.

Hưng Việt: Xin lỗi anh nhắc lại những cái kỷ niệm đau buồn đó.

Tiếp theo là chị Huệ Trần người được xem là ở trại thời gian khá lâu, và chị Nguyễn Thị Bạch Yến, người ở trại ngắn nhất chia sẻ những tháng ngày ở trại.

Huệ Trần: Dạ em là Trần Thị Kim Huệ. Em cư ngụ tại Brisbane này. Em ở đảo Bidong được năm năm rưỡi phải chờ sơ vấn thanh lọc. Khi em sơ vấn thanh lọc xong thì em phải chờ chồng em. Chồng em đi sau em một năm qua đảo Ga Lăng. Công bố kết quả thanh lọc đợt 1 rớt lại nộp hồ sơ tái cứu xét thì đợt 2 chồng em được đậu thanh lọc thì lúc đó ông xã em mới gửi cái tờ giấy thanh lọc qua đảo cho em. Em mới nộp lên cao ủy để được đi theo diện chồng của em. Rồi sau đó là em được đi định cư Úc năm 94.

Em thì ở lâu nhưng khi mà thấy người ta đi ra biểu tình để muốn cao ủy giúp mình để cho mình đi đó. Em không thấy cái cảnh người ta tự sát nhưng mà em đã thấy người ta tuyệt thực cả tuần tới hai tuần lễ em nhìn thấy em cũng rất là sợ luôn đó chị.

Yến Nguyễn: Em tên là Nguyễn Thị Bạch Yến. Em ở Brisbane. Tụi em thì may mắn hơn là cái ngày tụi em tới thì hôm sau là phái đoàn Úc tới liền. Lúc đó em có chút vốn tiếng Anh, thành ra em làm thông dịch cho phái đoàn. Và ba tuần sau em rời đảo. Nhưng mà phải đi qua bên trại chuyển tiếp Sungai Besi ở Kuala Lumpur tại vì hai đứa lúc đó đang còn trẻ mà mà phải cưu mang năm đứa cháu là hết hai đứa là minor rồi, thành ra phái đoàn nói phải chờ một cái cơ sở ở đây họ làm sponsorship thì thêm 3 tháng nữa ở trại chuyển tiếp và qua Brisbane.

Kỷ niệm thì tại lúc đó còn ngây thơ thành ra mình thấy thoát khỏi cộng sản thì mình thấy tự do thì mình mừng thôi. Mà lúc đó thì chỉ có đi lãnh cơm về ăn thì giống như cái anh Chung hồi nãy nói. Với lại đi làm thông dịch.

Lý do mình xin đi Úc là như thế này, lúc mà đi lên phỏng vấn, em bị cảm thành ra em đang ho ho, mà ông Harris là ông trưởng phải đoàn, ông rất là tội, ông rót cho em ly nước, em vừa mới hớp vô em ho tung ra hết trơn trên giấy tờ của ổng! Ôi em run dễ sợ, em đâu có biết phản ứng như thế nào. Ông lấy giấy tissue ổng lau lau rồi ổng dỗ vuốt vuốt em. Ông hỏi em, are you alright? cứ hỏi hoài mà em sợ luôn. Em run. Ông dễ thương lắm. Khi mà em nộp đơn phỏng vấn, thì ông nói, “Nhiều người lên đây xin được để đi Mỹ mà tại sao mày xin đi Úc?” Thì em mới thành thật em nói là “Tại vì cái cử chỉ của ông săn sóc tôi như vậy tôi nghĩ là người Úc rất là tốt”, Thành ra em xin đi Úc. Thì đó là cái cử chỉ mà em nhớ tới bây giờ. Em qua đây cũng thấy người Úc tốt như vậy.

Và sau cùng là những ký ức và tâm sự thật cảm động của anh Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ: Tôi tên là Nguyễn Huệ. Tôi ở trại tị nạn ở Mã Lai là bốn năm ở trại tị nạn Pulau Bidong khoảng ba năm ở Sungai Besi một năm và đến Úc năm 1993. Khi đến được sự bảo trợ của hội MAI, tôi định cư ở Brisbane từ khi đến đây.

Ở trại tị nạn Pulau Bidong thì nói chung khi mà mình ở lâu quá thì rất là nhiều kỷ niệm. Nhưng cái điều đặc biệt là những cái ngày cuối cùng rời đảo Bidong, tự Huệ là người Việt cuối cùng rời đảo Bidong.

Từ khi mà bắt đầu chương trình đóng cửa đảo Pulau Bidong thì tất cả những đồng bào chưa thanh lọc hoặc là thanh lọc hoặc là chờ kết quả đều phải qua Sungai Besi để mà tiếp tục cái processing. Riêng Huệ thì Huệ được sự ủy nhiệm của Cao ủy Liên Hợp Quốc và Hội Hồng Nguyệt Mã Lai, coi như leader một nhóm là 113 người ở lại dọn đảo để trả lại cho chính phủ Mã Lai. Và Huệ là người cuối cùng rời tàu Jetty để bước lên tàu qua Sungai Besi.

Hưng Việt: Vậy thưa anh khi mà anh rời đảo như vậy thì chắc trong lòng anh cũng có nhiều cái sự gọi là luyến mến cái nơi đó dầu chỉ là một nơi ở tạm thời thôi thì chắc chắn là anh cũng có những cái bồi hồi, những cái cảm xúc khi anh rời cái nơi đó.

Nguyễn Huệ: Dạ thưa anh và Mỹ Dung và các thính giả của SBS, tức là khi mà mình ở đó lâu và trân trọng hòn đảo Mã Lai là tự vì khi mà mình lênh đênh trên biển 7 ngày 7 đêm và gặp cướp biển rồi trên hành trình nhiều gian nan là bị storm, cái chết và cái sống nó nằm trong một sợi tóc, thành ra khi mà mình đến được đất liền và đưa vô Pulau Bidong, thì nói chung là mình cứ nghĩ nó là cái quê hương của mình, chứ đó không bình thường, như những nơi khác...

Mỹ Dung: Tội nghiệp anh quá, nếu mà không có ngại, thì anh có thể kể sơ sơ về cái chuyến đi vượt biển của anh không anh?

Nguyễn Huệ: Cũng không có gì ngại Mỹ Dung ơi, tự vì Huệ đi vượt biên đến lần thành công là 13 lần

Hưng Việt: Trời đất.

Nguyễn Huệ: Tức là mình đi từ năm 1979 và kéo dài cho đến năm 1986. Năm 1986 thì gia đình Huệ đi chết 5 người trên biển.

Hưng Việt: Xin lỗi anh.

Nguyễn Huệ: Thành ra cái quá trình đi mình thấy nó gian nan rồi khi mình đi mình gặp bão mình nghĩ rằng số phận mình như vậy sao? Rồi tàu hư, tất cả những thứ nó trải qua rất là gian nan thành ra khi mà mình đến được Mã Lai rồi được định cư mình rất là trân trọng cái cuộc sống của mình ngày hôm nay.
05 - Anh Huệ Nguyễn.jpg
Anh Huệ Nguyễn
Hưng Việt: Thưa anh hình như có một lần có một nhóm ở Úc này tổ chức chuyến về thăm đảo Bidong không biết anh có biết chuyện đó và anh có về không?

Nguyễn Huệ: Dạ cái việc mà về Bidong đó là ước nguyện của Huệ. Nhưng mà khi về Bidong kỳ trước Huệ không biết, nhưng mà trong cái nhóm anh em của Brisbane kỳ này, tức là xong cái kỳ trại này rồi thì anh em sẽ cố gắng để mà tổ chức cho những người bạn hoặc là những người ở Bidong trở về Bidong trong năm nay hoặc là năm tới. Dù sao bây giờ cũng lớn tuổi rồi không còn dịp nữa, có thể là nó sẽ xảy ra càng sớm càng tốt theo ý nguyện của Huệ.

Hưng Việt: Thưa anh, có một thời gian hình như là chính quyền Mã Lai họ phá một cái bức tượng kỷ niệm hay là một cái bảng kỷ niệm về những thuyền nhân Việt Nam trên đảo Bidong có đúng không anh?

Nguyễn Huệ: Thì cái đó thì Huệ cũng nghe qua những thông tin trên báo đài, nhưng mà mình cũng không có về đó thành ra mình cũng chưa biết, nhưng mà rõ ràng là những cái năm trước chính quyền Việt Nam muốn áp lực chính phủ Mã Lai là xóa những cái di tích. Nhưng mà hiện tại ngày hôm nay thì nói chung nó cũng không còn gì nữa anh. Chùa chiền thì nó cũng tiêu điều, nhưng mà cái đó là một cái sai lầm của chính phủ Mã Lai. Tại vì cái hồi mà Huệ dọn đảo, Huệ try to giữ nhà thờ, chùa, cao đài và trại. Tất cả những cái mà mình nói, nhưng mà cái hồi đó là nó muốn mình dẹp hết, nhưng mà Huệ nghĩ mình là người Việt Nam, nói chung cái tập quán của mình là những nơi thờ phượng, thành ra mình cố gắng giàn xếp với nó tạo một cái lý do là Tôi không thể làm ở gần mà tôi phải đánh những nơi xa trước, tại vì hồi đó nó cho mình chỉ có một tháng ở lại thôi. Mà dọn không bao giờ biết bao nhiêu long house và lấp không biết bao nhiêu giếng. Thành ra Huệ lấy lý do là Huệ phải là đánh từ khu F tức là khu xa nhất trở về để mà mình kéo dài thời gian mình không phá những cơ sở đó.

Hồi đó cũng ráng mà cự cãi với tụi Mã rất là nhiều chứ còn thực chất là nó muốn là mình dẹp hết những cái đồ tôn giáo đồ gì đó, làm dẹp trước, nhưng mà Huệ không chịu.

Hưng Việt: Anh có cái ý kiến rất là hay. Nhưng mà chúng tôi được biết là bây giờ thì anh qua bên đây với gia đình rồi đã có những cháu rất là thành đạt, xin chúc mừng anh chị và chúc mừng các cháu thì anh nghĩ cái cuộc vượt biên đó cũng là đáng cái công để mà mình bỏ ra và đáng những sự nguy hiểm mà mình đã trải qua đúng không anh.

Nguyễn Huệ: Nói chung khi mà mình quyết tâm mình đi vượt biên vào thời kỳ năm 1989 trở về trước tức là mình khi ở Việt Nam là mình không còn đường sống đối với chính quyền Việt Nam. Khi mình đi qua đây mình được định cư rồi thì tôi lúc nào cũng nói với các con tôi là “ba mẹ đưa các con là qua cái sống và cái chết để mà tụi con có một cái tương lai thì tụi con phải biết trân trọng những cái gì mà gia đình đã khổ để được ngày hôm nay thì các con phải ráng học phải là người gương mẫu trong một cái xã hội mới.”

Hưng Việt: Và các cháu đã thành công để đáp ứng lại cái nguyện vọng của của cha mẹ các cháu. Có lẽ nếu mà mình cò thì giờ mình nói chuyện cả ngày về thời gian đó cũng không đủ nhưng mà xin cảm ơn anh đã chia sẻ những câu chuyện rất là đau lòng đó.

Xin chân thành cảm ơn tất cả các anh chị đã đóng góp cho chương trình, kính chúc cho anh chị và gia đình được nhiều sức khỏe và bình an trong cuộc sống.

Đây chỉ là vài mẫu chuyện trong muôn vàn câu chuyện đã từng xảy ra, mà chắc hẳn những người vượt biên như thấy được hình ảnh của mình trong đó và chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho những người không may đã vĩnh viễn ra đi.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share