Chuyện Queensland: Họa sĩ Hà Anh Tuấn

145000 - Courtesy Westender Magazine.jpg

Hoạ sĩ Hà Anh Tuấn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm của chúng tôi với họa sĩ Hà Anh Tuấn ở West End, Brisbane về niềm đam mê và những tác phẩm hội họa của ông. Ông chẳng những được biết tới trong cộng đồng Việt Nam mà còn trong dòng chính mạch nữa.


Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Hà Anh Tuấn.

Họa sĩ Anh Tuấn: Tôi xin gửi lời chào toàn thể quý vị thính giả của đài SBS. Tôi rất là hân hạnh đón tiếp anh và cô Mỹ Dung tại cái phòng tranh của tôi mà tôi gọi là Viện Bảo Tàng Trên Mây.

Mỹ Dung: Dạ cháu chào chú.

Hưng Việt: Dạ trước hết xin anh Tuấn có thể vui lòng cho biết là anh có theo học về ngành hội họa hay không và anh đã bắt đầu sáng tác từ khi nào?

Họa sĩ Anh Tuấn: Tôi tới Úc quá trễ, lúc đó đã 44 tuổi. Không bao giờ có thể nói chuyện hội họa ở tuổi 44 được, phải nói chuyện 5 tuổi, 7 tuổi, 10 tuổi phải không. Trong khi đó cái tình nhớ quê hương nó nung nấu mình, mà bày tỏ tiếng Anh cũng không bày tỏ một cách dễ dàng như tiếng Việt Nam mình. Cho nên cuối cùng tui nghĩ chỉ còn hội họa thôi, là một nghệ thuật nói lên bằng hình ảnh. Những đau đớn của quê hương mình, tất cả những bi kịch ở ngoài Biển Đông. Đó là lý do.

Hưng Việt: Nhưng mà thưa anh chắc anh cũng có một lúc nào đó anh tự nhận thấy là anh có khiếu về hội họa để anh bắt đầu biểu tỏ những cái ý tưởngm những cái cảm nghĩ của anh bằng tranh phải không ạ?

Họa sĩ Anh Tuấn: Tôi có thể nói với anh như thế này: cuộc đời tỵ nạn của chúng ta đó có khác gì con thuyền tự do bơi ngược dòng sông, không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng. Chính vì tấn thảm kịch quê hương 30/4 đã nâng đỡ tâm hồn của chúng ta. Riêng với tôi thì tôi nghĩ là, cái quá khứ - đó chính là nguyên nhân đưa tôi đến sự hình thành cho những tác phẩm hội họa trong suốt 30 năm qua. Nó hiện hình thành những bức tranh mang tên Sài Gòn Biển Nhớ.

Hưng Việt: Thưa anh khi anh suy tư về Việt Nam, về cái quê hương yêu dấu của mình trước kia, thì anh thể hiện lên bằng bút vẽ lên tranh. Thì anh vẽ như vậy là theo cái ký ức của anh hay là anh theo những cái hình ảnh mà anh tìm thấy được trên sách vở trên phim ảnh rồi anh vẽ.

Họa sĩ Anh Tuấn: Bây giờ mình không thể nào ngồi mà mình nói là mình thích cái này thích cái kia. Trong tâm não của mình, trong ký ức đau khổ của mình, nghĩ về cái gì thì vẽ cái đó, vẽ bằng cảm xúc. Chẳng hạn tôi nhớ chợ Bến Thành tôi vẽ chợ Bến Thành. Tôi nhớ về mẹ tôi, tôi vẽ mẹ tôi. Tôi nhớ về cái văn hóa cổ truyền tôi vẽ về văn hóa cổ truyền. Nhưng mà trong những bức tranh tôi vẽ trong suốt 30 năm đó thì có khoảng 45 bức tranh vẽ về những nỗi đau thương của Sài Gòn khi mà Sài Gòn bị mất. Mình vẽ hầu như là không phải do trường lớp của Tây Phương đào tạo mình, mà mình vẽ là do cảm xúc con người Việt Nam đau đớn của mình, mình vẽ lại.

Hưng Việt: Thưa anh, những bức tranh của anh là tranh sơn dầu hay là tranh sơn thường hay là loại nào?

Họa sĩ Anh Tuấn: Tất cả là sơn dầu, vì chỉ có tranh sơn dầu mới diễn tả được chiều sâu của hình ảnh cũng như chiều sâu của những cảm xúc con người. Tôi nghĩ như vậy. Và suốt 50 bức tranh Sài Gòn Biển Nhớ đó có một bức tranh phải nói là gặp may, đó là bức Farewell Saigon đó tức là Vĩnh biệt Sài Gòn. Bức tranh này đã hiện diện trên báo chí ở bên Nhật năm 2005 đánh dấu 30 năm của Sài Gòn 1975 -2005. Và bây giờ nó được đưa vào giáo trình kịch của nước Úc, nó có mặt ở trong Australia Education magazine và nó đã được giáo sư kịch nghệ John O’Toole đưa lên thành một giáo trình để dạy cho các sinh viên ở bên Úc về cuộc chiến tranh Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Đây là một vinh dự cho bản thân tôi và tôi rất hạnh phúc khi tôi nghĩ về chuyện này, vì rằng cái bức tranh này đã được đi Singapore, Norway và các nước Đông Nam Á. Mà ông đi để ông nói về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Và cái bức tranh này coi như thành công mỹ mãn. Trong 100 bức tranh, thì ít nhất có một bức tranh sống sót. Tôi nghĩ là nó sẽ sống sót.

Hưng Việt: Thì anh có thể giải thích dùm cái ý nghĩa tiềm tàng ở trong cái bức tranh này hay không ạ?

Họa sĩ Anh Tuấn: Cái bức tranh này nó nói lên toàn vẹn cái cảm xúc con người Việt Nam về biến cố 30/4 chôn vùi người Việt Nam thân yêu của chúng ta xuống đáy biển Đông. Đến nay sau 47 năm, tấn thảm kịch lịch sử này đã qua đi nhưng chúng ta chưa tìm thấy một tác phẩm nào nói lên được tấn thảm kịch lịch sử này. Đây là bài học đau đớn nhất của dân tộc mình. Bài học này con cháu chúng ta cũng sẽ phải suy ngẫm để rút ra bài học, cho chúng ta có thể đến đây, để ngồi đây, để nói chuyện về văn nghệ, về nghệ thuật, hội họa, văn chương.

Hưng Việt: Thưa anh, theo chỗ chúng tôi được biết thì anh có một cái bức tranh được triển lãm ở thư viện của hội đồng thành phố Brisbane, Brisbane City Council thì xin anh giải thích thêm về bức tranh đó cũng như cái nguyên do mà bức tranh đó được đem triển lãm ở trong một cái nơi mà được công chúng thưởng ngoạn rất nhiều không?

Họa sĩ Anh Tuấn: Năm 1987, tôi lúc đó tôi đang học ở TAFE ở gần South Bank thì tôi thấy người ta chăng mấy cái lều sửa soạn Expo 88. Thì tôi mới cảm hứng vẽ cái khung cảnh của Expo 88 đó, từ lúc hình thành bắt đầu. Và tôi đưa vào trong tranh bút lửa. Bút lửa là cái loại bút mà trong đó có lửa, thế rồi tôi mới mua mấy cái tấm ván plywood thật đẹp. Tôi sketch Trung tâm Expo, rồi tôi mới đốt. Mà không thể ngờ khi đốt xong, cho vernise vào đó nó đẹp quá đi. Nó đẹp tới mức độ là không thể ngờ được như vậy. Thành ra mấy người Úc mới đến: “cái này phải mang lên trung tâm Expo”.

Mà khi mang đi lên Expo nhận liền, set up một cuộc triễn lãm cho tôi. Đó là cái điều lạ lùng. Khoảng ba ngày sau thì có một phái đoàn TV truyền hình Eyewitness News đến phỏng vấn tôi. Trước đó tôi xin học người ta không cho bởi vì tôi đâu có bao giờ vẽ tranh sơn dầu hay tranh gì đâu. Sau này khi tôi đưa cái tranh hoa hồng của tôi lên, thì họ bảo cái này ở đây không có ai dạy hết, anh về anh mở trường anh dạy đi. Cuối cùng khi họ thấy tôi thành công ở cái tranh Expo họ mới cho tôi học một lớp drawing một năm. Sau khi học drawing một năm rồi, họ cho tôi học thêm một năm nữa về điêu khắc, nhưng mà tôi không thích điêu khắc tôi thích về hội họa. Sau khi bức tranh triển lãm xong đưa lên tivi thì mấy bức tranh đó nổi tiếng. Ở bên Kagaroo Point mới mời tôi có một cuộc triễn lãm bên đó (Yungaba), và khi cái cuộc triển lãm thực hiện thì lúc đó tôi mới chính thức đi vào cái chính dòng của cái việc sinh hoạt nghệ thuật. Cái bức tranh mới đây Expo 88 bằng sơn dầu là hậu thân của cái bức bút lửa. Nhưng mà tôi lấy cái ý của tranh bút lửa để đưa tranh sơn dầu. Cuối cùng thì một bà thị trưởng, một ông thị trưởng cũ và ông thị trưởng mới, ba người, ba thị trưởng yêu cầu tôi mang bức tranh lên City Hall. Và chính thức chấp nhận bức tranh này được triễn lãm thường xuyên tại City Hall.

Hưng Việt: Thì đã có một bức tranh về quê hương, về Sài Gòn, có một bức tranh về Expo tức là cuộc sống ở Brisnane này nhưng mà anh cũng có một cái bức tranh rất đặc biệt là về anh, là bức tranh có cái tên là Autobiography không biết anh còn nhớ không, ở dưới có những cái dòng chữ chứ không phải là nét vẽ không, rồi ở dưới những dòng chữ đó cũng như là hình một đứa bé nằm ở trong một cái bào thai.

Họa sĩ Anh Tuấn: Cái bức đó là một trong những bức nói lên cuộc chiến tranh nó đã hủy diệt cái tuổi thơ của tôi như thế nào. My autobiography tức là bản tự thuật của đời tôi, trong đó để tôi nói tôi sinh ra năm đó, rồi chiến tranh năm 46, tôi tản cư như thế, rồi bây giờ tôi mất hết tuổi thơ. Bức tranh đó nó nói lên sự mất mát của tuổi thơ của người Việt Nam mình nói chung và cá nhân tôi nói riêng trong năm 46 cho đến 54.

Mỹ Dung: Dạ, chú vẽ sơn dầu là chủ yếu nhưng mà chú có thử vẽ arcrylic hay là màu nước hay là những cái thứ khác không?

Họa sĩ Anh Tuấn: Dạ, có, bây giờ khi mà tuổi cao rồi thì tôi bắt đầu lười biếng, không thể vẽ sơn dầu nữa bởi vì sơn dầu nó đòi hỏi rất nhiều công đoạn, nó lâu khô, nó bắt mình phải tỉ mỉ. Còn arcrylic quét vào một cái là nửa phút sau nó khô rồi, thành thử ra tôi cũng vẽ arcrylic nhưng không thành công, bởi vì vẽ arcrylic không có hồn. Mà vì mình vẽ 30 năm vẽ sơn dầu, tự nhiên chạy vô cái tranh arcrylic hay là tranh sơn nước tự nhiên mình cảm thấy lạc lõng và không tập trung được và nguồn cảm ứng cũng mất luôn. Cho nên chỉ có sơn dầu mới cảm hứng thôi.

Mỹ Dung: Dạ chú có những cuộc triển lãm tranh ở Hoa Kỳ, Nhật bản và Sydney và ở Brisbane nữa, bây giờ thì chú còn tiếp tục cái công việc hội họa nữa không?

Họa sĩ Anh Tuấn: Như cô biết đó là họa sĩ không bao giờ về hưu hết là vì hắn luôn luôn vẽ, nếu không làm gì, vẽ trong đầu. Tôi nghĩ rằng có lẽ chỉ có khi mình nhắm mắt thì mới hết cảm hứng thôi. Là vì cái nghệ thuật nó hay ở chỗ là nó màu sắc. Chẵng hạn bây giờ anh buồn, anh nhìn màu xanh, anh đỡ buồn. Anh nhìn cái màu đỏ thì tâm hồn anh sôi sục lên. Cho nên màu sắc nó nuôi dưỡng con người. Quan trọng lắm. Bởi vì khi mình vẽ bức tranh đó chính bức tranh đó nó sẽ nuôi dưỡng người nghệ sĩ đó. Thành thử ra tôi hiện đang tiến hành thực hiện dự án về 50 bức tranh hướng về thiên nhiên và về cái màu xanh lá cây, màu xanh lá cây chính là thuốc để chữa cho thị giác của con người. Khi mệt hay mình không thể bôi thuốc thì nhìn vào lá cây màu xanh. Đó là những tranh các loại hoa và trộn với núi với biển và thấp thoáng hình ảnh của bà mẹ tiên.

Mỹ Dung: Tại sao chú lại chọn là hoa với núi vậy.

Họa sĩ Anh Tuấn: Vì cái hoa là kết quả của thiên nhiên. Tất cả các cây cối sau khi thăng hoa đến tận cùng thì nó sẽ thành hoa. Trước khi hoa tàn nó là cái đẹp nhất trong những cái thiên nhiên mà thượng đế ban cho con người. Bây giờ thì tôi chỉ có vẻ hoa thôi, tôi thích hoa lắm, tôi vẽ tất cả các loại hoa. Hiện tại tôi đã vẽ khoảng độ 30 bức rồi. Trong hai năm thì thoải mái nhiều thời gian để mình hưởng thụ cái nghệ thuật mình thực hiện. Thành ra tôi rất là hạnh phúc. Tôi hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2025 - đánh dấu 50 năm tấn thảm kịch 30/4. Hy vọng tôi sẽ có cuộc triển lãm. Hiện tại tôi đang sửa soạn rồi tôi cũng đã ngỏ ý xin City Hall rồi, chắc chắn có cái chuyện đó là sinh nhật thứ 85 vào năm 2025 của tôi thì tôi sẽ có cuộc triễn lãm đặc biệt đó.
144042.jpg
Tranh của Hà Anh Tuấn

Hưng Việt: Thì chúng tôi được biết anh ngoài cái tài hội họa ra, anh còn có những cái tài nghệ khác, thì hình như anh có sáng tác thơ cũng khá nhiều phải không ạ?

Họa sĩ Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng là 47 năm trôi qua vừa rồi để lại cho chúng ta quá nhiều kỷ niệm, nhưng mà những kỷ niệm vẫn là sự nhớ thương quê hương. Sự day dứt vì đã xa quê hương không biết đến ngày nào mình mới trở về cho nên tôi muốn được gửi đến quý thính giả mấy câu thơ của tôi.

Hưng Việt: Xin mời anh..

Họa sĩ Anh Tuấn: Đây là những câu thơ của chúng ta – những kẻ xa quê hương luôn nhớ về một quê hương thân yêu bỏ lại. Tôi xin được đọc mấy câu thơ trong bài

Chiều hôm nhớ nhà...
Cao xanh ơi có hay chăng nhẽ?
Bày chi nên bàng bẽ phân ly!
Đoạn trường thay, lúc ra đi
Lòng quê một bước, lệ thi đôi dòng!
Trăng dõi bóng qua song chênh chếch
Nước soi trăng xanh biếc màu dương
Chạnh niềm cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ như vương mối sầu.
Đem thân đến Úc châu tá túc
Tiếng chuông ngân như dục cơn say.
Bèo mây lỡ bước từ đây
Quan san cách trở, biết ngày hồi hương?
Bừng mắt trông màu sương lam bạc,
Thao thức nghe tiếng vạc canh dài.
Nắng vàng thôi cũng nhạt phai,
Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng!

Hưng Việt: Dạ thay mặt cho cô Mỹ Dung cùng quý thính giả, chúng tôi thành thật cám ơn họa sĩ Hà Anh Tuấn rất là nhiều đã cho chúng tôi một cái buổi mạn đàm rất là lý thú, chia sẻ những cảm nghĩ những tâm tư cùng những hoạt động của họa sĩ trong suốt 30 năm nay. Kính chúc họa sĩ được nhiều sức khỏe và ngày càng sáng tác mạnh hơn nữa để cống hiến cho sự thưởng ngoạn của đồng hương cũng như là của quần chúng ở đây.

Họa sĩ Anh Tuấn: Xin cám ơn anh Trần Hưng Việt và cô Mỹ Dung. Tôi xin được gửi lời chúc sức khỏe anh và cô Mỹ Dung được thành công trong công việc. Cũng xin cảm ơn đến quý thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ cháu cảm ơn chú

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
142250.jpg
Họa sĩ Hà Anh Tuấn


Share