Chuyện Queensland: Gia đình người Việt tị nạn vươn lên từ nghề nông

01.jpg

Ông bà Tình và Lan Nguyễn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tháng Tám là tháng Đa Văn Hóa ở Queensland - Multicultural Queensland Month - được chính phủ tiểu bang dành ra để xiển dương những đóng góp của 130 sắc dân sinh sống ở đây. Trong số đó, cộng đồng người Việt đã góp phần không nhỏ trong hơn bốn thập niên qua, điển hình là gia đình ông bà Tình và Lan Nguyễn.


Gia đình ông bà Tình và Lan Nguyễn cùng hai người con trai Tuấn, Dũng đi tỵ nạn bắt đầu từ Hải Phòng vào năm 1991, sang đến các trại ở Hồng Kông, Phi Luật Tân và sau cùng đến vùng nắng cháy da người Alice Springs ở lãnh thổ Bắc Úc vào năm 1994.

Sau gần 30 năm cật lực làm việc, gia đình họ Nguyễn giờ đây đã làm chủ một nông trại rộng lớn cùng một nhà hàng ở Alice Springs và mới khai trương thêm một nhà hàng Việt Nam khác ở Brisbane.

Kính mời quý thính giả theo dõi câu chuyện sau đây của gia đình hai thế hệ tỵ nạn người Việt không ngừng phấn đấu để tạo dựng sự nghiệp và đóng góp vào xã hội đa văn hóa ở nước Úc.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Tình và chị Lan Nguyễn

Lan Nguyễn: Vâng em xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung và khán giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Xin chào anh chị.

Hưng Việt: Dạ thưa xin cảm ơn anh chị ở tận trên Alice Springs vẫn dành thời gian cho cuộc nói chuyện này, thì thưa anh chị trước hết, anh chị có thể cho biết tóm tắt về cuộc hành trình tỵ nạn của gia đình hay không ạ?

Lan Nguyễn: Vâng, từ năm 1991 gia đình em vượt biên cùng với 50 người trên chiếc thuyền gỗ mà có mỗi gia đình nhà em có hai cháu nhỏ thôi, còn toàn thanh niên, thì đi trên biển hết 11 ngày, sang trại tỵ nạn Hồng Kông. Liên Hợp Quốc cũng có hỏi vợ chồng em là muốn đi đâu ở trên thế giới này thì chúng em không biết đi đâu, chẳng quen biết ai, chẳng anh em họ hàng ở đâu. Thế thì người ta hỏi em là muốn đi đâu thì em nói là đi Úc, vì thời tiết Úc cũng giống như Việt Nam, chính phủ Úc cho chúng em bay luôn về ở Alice Springs ghé qua Philippines ở đấy chờ đợi sang Úc 7 tháng. Từ đó là cuộc sống của gia đình em nó thay đổi, từ năm 1994.

Hưng Việt: Rồi sang đến Alice Springs thì cơ duyên nào mà khiến anh chị với lại hai anh ở đây bước vào nghề nông.

Lan Nguyễn: Khi bọn em ở Việt Nam thì em là cắt quần áo với lại làm đầu. Còn chồng em là lái cần trục ở Cảng. Thế nhưng khi sang Úc thì cuộc sống thay đổi. Ở vùng này thì có khoảng chục hộ Việt Nam, nhưng mà người ta ai cũng làm trong mát mẻ. Em thấy vùng này nó khô cằn mà nắng thì mùa hè anh biết rồi đấy, bốn mươi mấy độ. Cả thành phố không có ai người Việt Nam làm ngoài nắng cả. Thế thì em nghĩ là, thôi cuộc đời mình sang đến Úc rồi chắc mình cũng phải thay đổi, thứ nhất là thay đổi cho gia đình, thứ hai là cái thành phố này nó cũng khắc nghiệt, mà nói chung là không ai muốn làm vất vả, mình lại tự nghĩ thế thì ai cũng sung sướng thì vất vả nhường cho ai. Thì thôi hai vợ chồng bắt đầu cuộc sống lập business ở đây. Khi mà chúng em sang đây thì tiếng Anh không biết nó cũng rất là khó khăn. Bắt đầu gần 40 tuổi rồi mới học ABC về tiếng Anh. Vùng này hoàn toàn người ta không có dùng một từ nào tiếng Việt toàn tiếng Anh hết. Nhưng mà cũng cứ vượt được anh.

Hưng Việt: Dạ quá hay. Nông trại của anh chị thì nó bao lớn và trồng được những thứ gì?

Tình Nguyễn: Hồi xưa cái nông trại này là khoảng 5 ha mình trồng rau diếp, bokchoy, ngò, mint, rồi các loại rau herb, các loại rau của Việt Nam cũng có, rồi zucchini, tất cả các loại rau cho các thành phố, rồi rau cho shop Coles, cho hotel, motel…

Hưng Việt: Như vậy là gần như là nông trại của mình là nắm giữ độc quyền cái vụ rau cải ở trên Alice Springs phải không?

Tình Nguyễn: Vâng, không phải đi Alice Springs nhưng mà rau cả cho Darwin nữa.

Hưng Việt: Thưa anh, Alice Springs một cái vùng gần như là giữa sa mạc cũng nóng như chị nói 40 độ trở lên rồi đất thì khô cằn thì làm nghề nông ở trển có những khó khăn gì không ạ?

Tình Nguyễn: Cái này thì rất là khó vì mùa hè có thời kỳ lên đến 45 độ, nhưng được cái nó không humid, đâm ra cũng đỡ, chỉ nóng thôi. Nhưng mà khi mà trồng thì lo tốn nhiều nước một chút. Nói chung là mỗi tháng là cứ từ nghìn rưỡi tiền nước là cái chắc.

Hưng Việt: Rồi bây giờ anh chị có khuếch trương nó ra rộng thêm hay không?

Tình Nguyễn: Không, hồi xưa thì làm đấy nhưng mà sau này bắt đầu mình vừa giao hàng, đi bán ở chợ, cứ hai tuần thì bán chợ một lần, vợ ở chợ bán rau thì mình lại rán chả giò bán hai tuần một lần chợ trời. Từ từ bắt đầu người ta mới hỏi ở vùng này có quán Việt Nam không thì mình suy nghĩ hay là mình mở cái quán. Mình cũng biết nấu nướng. Mình mới về, hai vợ chồng bàn với con cái nữa, bắt đầu chuẩn bị vào nghề thì cũng cho con cái nó học hành về cách thức nấu ăn. Lúc đầu khó khăn lắm vì người ta bảo là nếu mở là mở trên phố. Nếu mà trên phố thì mình thấy nó không có cảnh đẹp thì mình mới xin mở ở farm luôn. Khi mở ở farm thì không cho mở. Úc này đâu có ai khơi khơi vào mở tại nhà đâu, đúng không? Thế là mình mới xin ý kiến, khoảng mấy trăm người đồng ý cho mở nhà hàng ở đây, khi họp mình đưa cái đấy ra thì nó chấp nhận. Thế mình mới mở được nhà hàng tại farm, tại nơi mình sống luôn.

Hưng Việt: Thế rồi sau này thì mới nảy sinh ra ý kiến là mở thêm một cái nhà hàng ở Brisbane này.

Tình Nguyễn: Mình có cơ hội mua cái nhà hàng ở Brisbane được khoảng ba năm rồi nhưng mà vẫn còn contract của người ta làm. Năm vừa rồi mình mới lấy được lại. Thì bắt đầu mới về Việt Nam mới đặt một container hàng hóa, đặt bát đĩa tại xưởng Bát Tràng về, đóng bàn ghế tại xưởng, mua tất cả các loại xong rồi về mới thành lập nguyên cái nhà hàng mới tinh, cách thức thì con cái nó cũng biết nó cũng làm rồi.

Hưng Việt: Dạ vâng, thưa chúng tôi đang ở nhà hàng Alice Việt ở Brisbane đây thành ra xin sẽ được tiếp nối câu chuyện với lại anh Tuấn và anh Dũng. Xin được tạm ngưng phần nói chuyện với anh Tình và chị Lan. Và xin kính chúc anh chị được nhiều sức khỏe và được mọi sự bình an, cũng như là thắng lợi ở trong tất cả mọi công việc.

Lan Nguyễn: Vâng em cũng thay mặt gia đình em cảm ơn đài SBS bằng lời động viên an ủi gia đình em một ngày một tiến bộ. Cảm ơn các anh chị rất là nhiều.

Mỹ Dung: Cảm ơn anh chị.
03.jpg
Hai anh Tuấn (bên trái) và Dũng Nguyễn trước cửa nhà hàng Alice Việt (Upper Mt Gravatt)
Hưng Việt: Xin kính chào anh Tuấn và anh Dũng ạ.

Dũng Nguyễn: Xin kính chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung và tất cả thính giả của Đài SBS.

Tuấn Nguyễn: Em Tuấn kính chào tất cả Đài SBS và chào anh chị Hưng Việt và chị Mỹ Dung.

Mỹ Dung: Dạ, xin chào hai anh.

Hưng Việt: Thưa anh, tiếp nối câu chuyện của hai bác vừa mới trình bài đó thì hai anh cùng sang Úc qua trại tị nạn Hồng Kông và lúc tới Úc thì hai anh khoảng được mấy tuổi?

Tuấn Nguyễn: Dạ khi em tới Úc theo em nhớ là khoảng 15-16 tuổi

Dũng Nguyễn: Vâng còn em lúc đấy là tầm khoảng 12-13 tuổi.

Hưng Việt: Hai anh bắt đầu tiếp tay với hai bác liền vào cái việc làm ở nông trại hay là còn đi học một thời gian rồi sau đó mới bước chân vào đó?

Tuấn Nguyễn: Dạ, bọn em đầu tiên đi học một thời gian, nhưng mà em là lớn, nên khi ông bà làm farm là em làm phụ với ông bà luôn.

Dũng Nguyễn: À cái thời đấy em nhỏ nhưng mà em vẫn vừa đi học và vừa phụ vào farm.

Hưng Việt: Thì cái ý định mà mở cái nhà hàng ở đây đó là hai anh thúc giục bác hay là hai bác nghĩ tới cái vấn đề đó trước rồi đặt cái cơ sở ở đây để hai anh làm?

Tuấn Nguyễn: Dạ, cái đấy là một trong những cái mà bố mẹ đã suy nghĩ tới tại vì bố mẹ muốn là tương lai sẽ gần con cháu. Ở Alice Springs thì dân Việt rất là ít mà ở đây cộng đồng người Việt rất là nhiều, mua cái gì rất là tiện lợi, nó đông vui hơn nên ông bà cũng quyết định là phải mở một cái nhà hàng. Lucky mình cũng tìm được cái địa điểm tốt, là Upper Mt Gravatt một trong những địa điểm đông đúc ở Brisbane và khi nhà hàng ở Alice Springs thì hai anh em đã lao vào nấu và phụ gia đình từ bắt đầu nhà hàng mở tới bây giờ gần 15 năm rồi.

Hưng Việt: Chúng tôi được biết anh Dũng là đầu bếp chánh phải không ạ, thì anh học nghề đó ở đâu và với những món thức ăn trình với lại công chúng ở đây thì anh thấy tìm những nguyên liệu, vật liệu có khó khăn lắm không?

Dũng Nguyễn: Hồi mà làm nhà hàng ở Alice Springs lúc mới mở thì rất là khó khăn tại vì nguyên liệu ở Alice Springs thì rất là khó kiếm, lúc nào cũng phải order ở vùng khác về cả. Hồi đó khi em và gia đình học đầu bếp là em có về Việt Nam học rất là nhiều sư phụ để mình vừa học vừa làm, sau này gia đình về nhà hàng Việt Nam ở Brisbane này thì bây giờ em cũng là đầu bếp chính ở đây luôn. Những cái nguyên liệu ở đây thì cũng phải tìm giống như ở vùng Alice Springs, tại vì nhà hàng ở Alice Springs không có xài bột ngọt cho nên mình phải tìm cái gì phù hợp cho những người ăn thường xuyên cho healthy. Không có gói bột ngọt ở trong nhà hàng.

Hưng Việt: Như vậy thưa anh cái thực đơn mà mình nấu thì những món ăn nó thuần túy là Việt Nam hay là cũng có chế biến nửa Việt Nam nửa Tây?

Dũng Nguyễn: Đa số là những món Việt Nam này là nửa cho Tây nửa cho Asian với cả cho Việt Nam chứ không phải là 100% thuần túy của Việt Nam được. Tại vì khi đa số mình nấu cho ở đâu thì mình phục vụ cho khách ở chỗ đó là tốt nhất.

Hưng Việt: Như vậy anh có thể kể cho thính giả chúng tôi được biết là những món nào đặc biệt thuần túy Việt Nam mà nhà hàng này dọn ra không ạ?

Dũng Nguyễn: Nếu mà những cái món thuần túy Việt Nam thì hiện tại mình có ví dụ như là sườn trứng, bún thịt nướng, cá hấp, sườn xào chua ngọt, phở. Món phở ở đây rất là bán chạy, tại vì phở ở đây đa số là cũng rất nhiều người đến đây ăn, được ủng hộ rất là nhiều tại vì nó khác. Mình bán healthy phở là chính.

Mỹ Dung: Nó khác làm sao vậy hả anh?

Dũng Nguyễn: Nó khác là không có gói bột ngọt cho vào.

Mỹ Dung: Thưa anh, anh nói là nhà hàng không có dùng bột ngọt vậy chắc là cái công đoạn nấu nướng nó cũng mất thời gian hơn rồi tốn kém hơn vậy thì giá cả nó như thế nào hả anh?

Dũng Nguyễn: Nói là không dùng bột ngọt, nhưng mà đa số là nhiều cái sauce thì mình không biết là trong đó có bột ngọt hay không nhưng mà bột ngọt là đa số là nhà hàng không bao giờ xài. Mình cũng làm như thế để cho người ta ăn được khỏe hơn. Mình ninh cái nồi phở phải lâu hơn, xương bò mình cho vào nhiều hơn, hay là mình cho cái gì đặc biệt. Mình mất rất là nhiều thời gian để mình trông coi cái nồi phở của mình.

Hưng Việt: Thưa anh Tuấn chúng tôi trước khi mà đến tiệm là đã thấy ở trên trang Facebook những hình ảnh trang trí ở chung quanh tiệm, những cái bình sứ thật to như thế này cùng những bức tranh chung quanh vách tường rất là đẹp. Thưa anh đây là từ Việt Nam qua thẳng ở Brisbane và tốn kém nhiều hay không ạ?

Tuấn Nguyễn: Chắc chắn là phải tốn kém rồi tại vì tất cả cái này là phải chuyển cả một cái container bự. Phải về Việt Nam trong vòng sáu tháng để tìm tòi, đi vào các cái vùng quê, tìm tòi các bức tranh và các bình sứ hình nào nó phù hợp cho nhà hàng, kể cả các bàn ghế, kể cả đôi đũa cũng mua từ Việt Nam, đôi đũa ở đây bình thường thì chỉ là đôi đũa thôi nhưng mà đôi đũa của mình đầu đũa nó có vỏ sò. Tốn kém thì không nói giá tiền ra được nhưng mà chắc chắn là cũng phải bằng loại xe hiệu đó.
06.jpg
Bên trong nhà hàng Alice Viet
Mỹ Dung: Thưa anh vậy cái thiết kế của nhà hàng này là do gia đình hay là có nhờ một chuyên viên thiết kế nào không?

Tuấn Nguyễn: À thiết kế của nhà hàng thì không có nhờ một ai. Tất cả là do gia đình, bố mẹ, mình và do thằng em bắt đầu suy nghĩ.

Hưng Việt: Như vậy thì hai bác với hai anh còn có dự định khuếch trương cái thương nghiệp về lãnh vực nhà hàng ở đây hay là lãnh vực nông trại ở trên Alice Springs thêm nữa hay không?

Tuấn Nguyễn: Cái đấy chắc chắn có rồi và cũng đang dự định là chuẩn bị thêm một cái nữa. Ông bà tính là qua đến Brisbane ở, tại vì cộng đồng mình nhiều thì cơ hội làm ăn phát triển nó sẽ nhanh hơn. Nhưng mà làm giàu thì phải chịu khó chịu cực chứ không phải tự nhiên mà làm giàu được.

Hưng Việt: Nói về cái khu có đông người Việt thưa anh thì thật sự ra Upper Mt Gravatt này cũng không có đông người Việt bằng những vùng như ở dưới Inala, thế thì tại sao ở nhà lại quyết định chọn mở ở đây trước mà không khai thác ở dưới cái vùng Inala?

Tuấn Nguyễn: Thì đơn giản thôi tại vì hiện tại là nhà của mình và Dũng ở gần đây khi đi làm gần thì nó tiện lợi hơn, đi lại chỉ 5 phút thôi. Còn đơn giản ở xa hay ở gần nếu mà đồ ăn ngon chạy đến đây nó cũng rất là gần. Giống như mình đi ăn thôi, đồ ngon chỗ nào người ta cũng tới, xa bao nhiêu người ta cũng tới.

Hưng Việt: Tôi thích cái tên của nhà hàng này là Alice Việt bởi vì nó bao gồm hai yếu tố, thứ nhất là gia đình xuất phát từ Alice Springs là nơi đặt chân đầu tiên lên đất Úc, thứ hai Việt là nhà hàng Việt Nam. Nhà hàng mới khai trương thì theo anh thấy sự hưởng ứng cửa đồng hương chúng ta đến mức độ nào rồi?

Tuấn Nguyễn: Dạ hiện tại thì mới mở, người Việt cũng không biết nhiều nên chỉ có những người đi qua đây người ta tới. Nhưng mà được cái là Phở bán rất là nhiều. Đó là cái món chính mà được rất nhiều người Việt Nam tới ăn. Cái đấy là hiện tại bây giờ còn tương lai thì là chưa biết.

Hưng Việt: Anh Dũng có dự định là sẽ tăng thêm những món ăn nữa ở trong thực đơn không hay là chỉ có bao nhiêu hiện tại mình hoàn chỉnh nó rồi sau đó mới tính tiếp.

Dũng Nguyễn: Dạ có chứ, có dự định sau này mình sẽ thêm những cái món mà cho nó ngon và khác biệt xíu, nhưng mà hiện tại thì thực đơn cũng đủ, tại vì mình muốn khi mình làm cái gì thì mình cũng phải biết ngon thực sự 100% với lại nó rất là bổ ích, chứ không phải là mình cứ vứt khoảng 1000 món vào mà nấu tầm bậy tầm bạ. Đấy là sự thật. Vì bếp của em, em làm cái gì em cũng phải rất cẩn thận chứ em không có làm ẩu được.

Hưng Việt: Đó là một đặc tính rất là tốt.

Cuối cùng thì thưa anh Tuấn và anh Dũng, hai anh còn có điều chi mà hai anh muốn chia sẻ thêm với lại thính giả của chúng ta hay không?

Tuấn Nguyễn: Cảm ơn anh chị đã tới vì biết câu chuyện qua Facebook. Cảm ơn Đài SBS của chúng ta và cũng mong cộng đồng ủng hộ nhà em. Cảm ơn anh chị nhiều ạ.

Dũng Nguyễn: Em cũng muốn nói thêm là khi mà mình sang một cái nước nào mà không phải tiếng mẹ đẻ của mình thì ai cũng nên cố gắng. Khi mà mình chưa có làm được ấy thì nếu mà mình cố gắng thì sau này mình sẽ làm được, kể cả bây giờ mình phải đi làm những cái việc khó khăn, thì mình cứ cố gắng và quyết tâm, cần cù thì sau này hy vọng thì cũng sẽ thành công và cảm ơn đài SBS bỏ câu chuyện này lên đài. Vâng cảm ơn nhiều.

Hưng Việt: Vâng thì như đã thưa với hai bác lúc nãy đó, chúng tôi hết sức khâm phục về sự phấn đấu cũng như là kiên trì của gia đình từ hai bác xuống đến hai anh là hai thế hệ người Việt tị nạn mình ở đây đã vượt qua rất nhiều trở ngại để mà cống hiến cho cái nền đa văn hóa của xứ Úc này được mỗi ngày một thêm phong phú hơn.

Xin thành thật cảm ơn hai anh đã dành thì giờ cho cái cuộc nói chuyện rất là lý thú ngày hôm nay và kính chúc thương nghiệp được phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Mỹ Dung: Cám ơn anh Tuấn và anh Dũng.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
05.jpg
Từ trái: Cô Oanh (vợ anh Dũng), anh Dũng và anh Tuấn Nguyễn
 

Share