Chuyện Queensland: Gia đình Phật tử Chánh Tâm với đại lễ quy y

06.jpg

Các em trong Gia đình Phật tử Chánh Tâm

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngày 19/3/2023, nhằm ngày 28 Tháng Hai năm Quý Mão, đã chứng kiến đại lễ quy y của gần 40 giới tử, đa số là các em trong đoàn Phật tử Chánh Tâm ở chùa Phật Đà, Brisbane với sự chứng giám của bảy vị Đại đức, tăng ni.


Sau buổi lể, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với Đại đức chủ trì, vài em Phật tử mới quy y, cùng một anh huynh trưởng.

Đầu tiên, kính mời quý thính giả theo dõi cuộc hầu chuyện của chúng tôi với Đại Đức Thích Kiên Trú, trụ trì chùa Phật Đà và chủ trì buổi đại lễ quy y vừa qua…

Hưng Việt: Dạ thưa Thầy, theo như Thầy nhận xét thì buổi lễ quy y của gần 40 giới tử như vậy nó ra sao?

Thầy Kiên Trú: Dạ đương nhiên là khi các em nó xin quy y thì mình cũng rất là mừng, nhất là những em nhỏ nữa, mình cũng hết tâm hết sức để mà lo cho cái buổi lễ quy y. Mình thì đệ tử của Hòa thượng Thích Phước Tịnh thành ra cũng thỉnh ý Thầy ở bên Mỹ, Thầy cũng nói Kiên Trú ban pháp danh cho cái chữ lớp này là Tâm Phương tức là để cho các em đặt cái tâm của mình vào một cái hướng nào và một cái phương nào. Tên sau đó thì Thầy gửi cho một bài thơ Hô Canh của ngài Đức Tổ Sư Bồ Đề, mình cũng lược tên theo thứ tự rồi mình đề tên vô gởi cho Hòa thượng cũng hy vọng là Hòa thượng hoan hỉ. Mình nghĩ rằng cũng tương đối là một cái buổi lễ quy y như thế này, nhất là ở hải ngoại đó, phải nói là rất là lớn và mình cũng mừng là mình thỉnh mấy Ni Sư, Tăng Ni ở chung quanh vùng thì họ đều hoan hỉ họ đến.

Hưng Việt: Dạ, thưa buổi lễ rất là trang nghiêm và diễn tiến rất là trôi chảy. Thưa Thầy đây có phải là cái buổi lễ quy y mà Thầy chủ trì lớn nhất từ hồi trước tới nay không ạ?

Thầy Kiên Trú: Dạ thưa đúng rồi. Trước giờ mình về chùa ở đây khi Phật Tử có phát tâm quy y thì mình có lớp bốn người, năm người hay là hai người v.v… thành ra mình cũng quy y được đâu cũng khoảng 15, 16 người đấy. Nhưng mà đây là một cái lớp mà tập thể lớn nhất. Thực sự đó là nhờ gia đình Phật tử Chánh Tâm qua hai năm không có sinh hoạt thì các em trở lại, rồi có những em mới này kia thì các huynh trưởng khuyên nên quy y. Với lại gia đình Phật tử thì Phật tử phải biết quy y để sự học hỏi của các em nó dễ dàng hơn.
02.jpg
Đại Đức Thích Kiên Trú, trụ trì chùa Phật Đà
Hưng Việt: Dạ thưa Thầy rồi các em đã quy y như vậy rồi thì ai sẽ là người hướng dẫn các em tiếp tục theo cái con đường Phật học, các huynh trưởng hay là Thầy thỉnh thoảng Thầy cũng đến để mà hướng dẫn các em?

Thầy Kiên Trú: Dạ thưa đúng như vậy. Các em lúc nào đến sinh hoạt của gia đình Phật tử ngày Chủ nhật đó, các em cũng có cái giờ học Phật pháp do các huynh trưởng đã được đào tạo hướng dẫn, tuy nhiên là khi nào mình có thể thì mình cũng xuống thăm các em thôi chứ không phải dạy dỗ gì.

Hưng Việt: Thưa Thầy, hình như đầu buổi lễ Thầy có nói là nhân ngày hôm nay là vía quan Quan Thế Âm Bồ Tát phải không ạ? Ý nghĩa của sự quy y ngày hôm nay đúng ngày vía Quan Thế Âm Bồ Tát nó có sự trùng hợp hay là ý nghĩa gì hay không ạ?

Thầy Kiên Trú: Dạ thưa đương nhiên có. Thường thì những cái lễ quy y lớn thì hay lựa vào những ngày vía của Đức Quan Âm, Đức Phổ Hiền hay Đức Di Lặc nhưng mà không phải rằng là mình phải chờ tới đó mình mới làm lễ, khi mà có một người họ muốn phát tâm quy y thì mình cũng nên dành thì giờ làm lễ quy y cho họ, dẫu là chỉ một người, hai người. Tại vì mình đâu có biết là ngày mai mình ra đi hoặc là cái người đó ra đi, thì nó sẽ để lại một cái sự ân hận cho mình.

Hưng Việt: Thưa cảm ơn Thầy rất nhiều, Thầy hôm nay rất là bận rộn rất là mệt mỏi mà Thầy vẫn nán lại để dành cho chúng tôi một khoảng thời gian cho cái cuộc phỏng vấn này. Xin kính chúc Thầy luôn luôn được nhiều sức khỏe và được mọi sự viên mãn. Nam mô A di đà Phật

Thầy Kiên Trú: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, cảm ơn ông Trần Hưng Việt đã có nhã ý cho mình một chút thời gian để nói chuyện tại buổi lễ hôm nay và xin cảm ơn toàn thể quý vị.

Sau đó chúng tôi có đến trò chuyện với vài em vừa mới quy y. Trước hết là em Đặng Dung Cơ …

Hưng Việt: Trước hết con cho biết tên thật của con là gì?

Đặng Dung Cơ: Con tên là Timmy Đặng Dung Cơ

Hưng Việt: Con theo học mấy lớp giáo lý Phật giáo ở đây bao lâu rồi?

Đặng Dung Cơ: Dạ hai năm

Hưng Việt: Mỗi tuần con học mấy tiếng?

Đặng Dung Cơ: Dạ ba tiếng

Hưng Việt: Tại sao con học mấy cái lớp đó?

Đặng Dung Cơ: I want to do it. Con thích làm Buddha.

Hưng Việt: Con theo đạo Phật là con biết là những điều tốt nào không?

Đặng Dung Cơ: Dạ, không có giết người, không có ăn cắp, không có uống rượu, không có nói xạo…

Hưng Việt: Đúng rồi. Cảm ơn con há. Hỏi con coi hôm nay con được Pháp danh là gì?

Đặng Dung Cơ: Tâm Phương Định.
05.jpg
Đặng Dung Cơ, Nam Long Lê, Trương Khoa
Sau đó là em Lê Nam Long …

Hưng Việt: Con mấy tuổi rồi?

Nam Long Lê: Dạ con chín tuổi Anh, 10 tuổi Việt

Hưng Việt: Chín tuổi Anh, 10 tuổi Việt, biết tuổi Việt nữa. Giỏi quá. Con tên Việt Nam là gì?

Nam Long Lê: Dạ con tên là Nam Long Lê. Pháp danh của con là Tâm Phước Trí.

Hưng Việt: Con hiểu nghĩa nó hông?

Nam Long Lê: Dạ hơi hơi

Hưng Việt: Nam Long Lê. Con hiểu Nam Long là gì hông?

Nam Long Lê: Dạ là rồng Nam

Hưng Việt: Wow, giỏi quá ha? Rồi con đi theo học lớp của mấy Phật tử ở đây được mấy năm rồi?

Nam Long Lê: Dạ mới được năm nay hà.

Hưng Việt: Con thích không?

Nam Long Lê: Dạ thích.

Hưng Việt: Con vô con học được những gì?

Nam Long Lê: Dạ con học được về Phật Pháp.

Hưng Việt: Có đi cắm trại hông?

Nam Long Lê: Dạ sẽ đi cắm trại.

Hưng Việt: Mà Phật Pháp con học được những điều gì tốt?

Nam Long Lê: Những điều… không sát sanh, không phạm ngữ, không tà dâm, không uống rượu…

Hưng Việt: Con giỏi quá ha. Thôi chúc mừng con nha. Con cố gắng tu tập nha.

Nam Long Lê: Dạ, cám ơn. Mô Phật.

Hưng Việt: Trời ơi, A Di Dà Phật. Giỏi quá.

Tiếp theo là em Trương Khoa

Hưng Việt: Con tên là gì vậy?

Trương Khoa: Trương Khoa.

Hưng Việt: Con có thể cho biết con theo học với đoàn Thiếu niên Phật tử mấy năm rồi?

Trương Khoa: Được hai năm

Hưng Việt: Tại sao con theo học lớp này.

Trương Khoa: Là bởi vì con muốn biết thêm về Phật và muốn hiểu nhiều hơn để coi chừng một ngày nếu mà con muốn ra nhận làm thành một đội trưởng ở bên đây thì có sẵn kiến thức đã học.

Hưng Việt: Con mấy tuổi rồi há?

Trương Khoa: Năm nay con 12 tuổi.

Hưng Việt: Như vậy con nói con muốn học thêm về Phật pháp thì con học được những điều gì rồi?

Trương Khoa: Học về chừng nào Phật đã bỏ gia đình của Phật, đã đi chỗ đâu? Chứ Phật từ đầu sinh ra là một người giàu có.

Hưng Việt: Bây giờ con nhớ được Pháp danh mà Thầy đặt cho con không?

Trương Khoa: Đông Phương Phong

Và em Annabella Huỳnh Thanh Hằng

Hưng Việt: Chào con, con tên là gì vậy?

Hằng Huỳnh: Dạ Annabella Huỳnh Thanh Hằng

Hưng Việt: Con mấy tuổi?

Hằng Huỳnh: Dạ 11 tuổi

Hưng Việt: Rồi con đi học con học những cái gì?

Hằng Huỳnh: Dạ, huynh trưởng dạy con Phật pháp, Phật tâm

Hưng Việt: Con học những cái điều gì tốt, con nói thử một điều tốt nghe coi.

Hằng Huỳnh: Không có ăn cắp, không có ăn hiếp, không có uống rượu, không có nói dối, không có sát sanh…

Hưng Việt: Con có pháp danh là gì?

Hằng Huỳnh: Dạ Từ Hương

Hưng Việt: Đẹp quá há!

Hưng Việt: Con có nhiều bạn ở đây không?

Hằng Huỳnh: Cũng có nhiều bạn.

Hưng Việt: Giỏi. Cám ơn con há. Chúc con được nhiều may mắn. Ráng tu tập ha.

Hằng Huỳnh: Dạ
04.jpg
Annabella Huỳnh Thanh Hằng
Cuối cùng chúng tôi được anh Lê Văn Hiền, pháp danh Nguyên Thanh, tâm tình về việc làm của anh như là một huynh trưởng trong gia đình Phật tử Chánh Tâm .

Hưng Việt: Thưa anh Hiền là một huynh trưởng của gia đình Phật tử Chánh Tâm phải không ạ?

Hiền Lê: Dạ phải. Trước đây lúc 2009 thì em có tham gia. Em sinh hoạt được khoảng hai ba năm đó thì em nghỉ có công chuyện riêng, sau thời Covid thì em mới trở lại. Em được biết là lúc này Chánh Tâm chỉ có một huynh trưởng thôi, cái này nói hơi tâm linh một chút thì kêu hai vợ chồng em phải đi trở lại, nếu mà em không trở lại tức là Huấn là sẽ nghỉ luôn tại vì một mình không có gánh nổi. Cũng có những anh chị khác đi nhưng mà không có được thường xuyên.

Hưng Việt: Thành ra đó cũng là một cái nghiệp duyên đúng không ạ? Thì anh nói là anh muốn cũng tới để phụ với anh Huấn một phần bởi vì chúng tôi thấy cái sự đó rất cần thiết với lại đoàn Phật tử ở đây bao nhiêu em cả thảy anh?

Hiền Lê: Dạ hiện tại là sinh hoạt trung bình là 40 em.

Hưng Việt: Đó, thì cũng 40 em mà tung tăng nhộn nhịp như vầy mà chỉ có một hai người thì là không thể nào chăm sóc nổi ha.

Hiền Lê: Chia sẻ anh vấn đề này là hiện tại trên toàn nước Úc mà sau thời Covid trở lại sinh hoạt đó thì Chánh Tâm được xem là trở lại đông nhất. Sau Covid hai năm là các em nó cũng lớn và có những em đi làm thêm hoặc là có những em đi học thêm. Hoặc là có những em không còn quen môi trường nữa, nó quen ở nhà rồi cho nên muốn các em trở lại là vấn đề rất khó.

Hưng Việt: Như vậy thì tôi nghĩ một phần cũng là nhờ cái tài hướng dẫn của mấy anh chị huynh trưởng tạo những sinh hoạt vui vẻ thì mấy em mới hăng hái mấy em trở lại. Thì mỗi tuần như vậy các anh chị cho các em có những sinh hoạt như thế nào?

Hiền Lê: Dạ, trước tiên là chúng em lễ Phật theo truyền thống của gia đình Phật tử nói chung trên toàn thế giới. Thứ hai là làm lễ chào cờ theo kiểu trong khuôn khổ của gia đình Phật tử thôi. Sau đó mình hô đội hô đoàn, tức là kiểm tra hôm nay có bao nhiêu em đi bao nhiêu em vắng. Sau đó có những cái câu chuyện dưới cờ hoặc là có những câu chuyện mà dặn dò các em cần phải làm cái gì, hoặc là mình có những câu chuyện ngụ ngôn mang tính cách giáo dục nhất là hướng theo cái truyền thống Phật giáo. Thì sau cái đó các em về cái đoàn đội của mình sinh hoạt riêng khoảng năm, 10 phút. Sau khi mà sinh hoạt riêng thì bắt đầu có cái lớp Phật pháp nửa tiếng. Tức là mình học theo giáo lý Phật đà, nói chung cái đó nó rất là đa dạng. Thí dụ mình học về lịch sử, học về hiếu đạo, học về nhân nghĩa, học về ý nghĩa của những bài sám. Sau phần đó thì mình có những sinh hoạt về kỹ năng sống. Thí dụ mình cho những hoạt động thanh niên sau đó cho các em ăn nhẹ và cho các em chơi. Thì mình cũng có những cái trò chơi để cho nó hăng say để mình cuốn hút nó. Đó là cái nội dung nguyên một ngày ba tiếng sinh hoạt.

Hưng Việt: Sáng Chủ nhật

Hiền Lê: 10 giờ đến 1 giờ rưỡi. Có những nơi thì bốn tiếng

Hưng Việt: Thưa anh những lúc mà giảng về Phật pháp thì các huynh trưởng hướng dẫn các em hay là Đại Đức trụ trì hay là một vị sư tăng nào tới để mà giảng dạy.

Hiền Lê: Dạ, thứ nhất là huynh trưởng tụi em là có được huấn luyện, thứ hai là có những huynh trưởng đi theo bài, có nghĩa là bài sao mình nói như vậy và mình nói thêm ý nghĩa thôi và có những huynh trưởng hiểu biết nhiều thì đa dạng hơn, có nghĩa là hướng dẫn tùy theo cách. Thí dụ bây giờ mình nói bố thí, mình không nói bố thí mà mình nói là làm charity, thì đó là một cái nghĩa khác của bố thí, có những cái nghĩa nó gần gũi với mấy em hơn, dễ làm hơn, dễ hiểu hơn thì tùy theo cái tánh đa dạng, tùy theo sự hiểu biết của mỗi huynh trưởng. Cái đó thì là tùy theo mỗi người thôi, mình không có nói là anh phải làm cái này anh phải làm cái kia, mình không có nói kiểu đó, mà làm theo những gì mình hiểu biết theo tinh thần của Phật giáo. Còn về Đại Đức các vị sư, các ni thì có những cơ duyên mà tới thì cũng nói bài Pháp cho các em, thì lâu lâu huynh trưởng cũng mời các sư các ni để cho các em làm quen với cái tà áo của quý Thầy.
03.jpg
Huynh trưởng Lê Văn Hiền
Hưng Việt: Thưa anh một vấn đề khó khăn mà hiện giờ thế hệ của chúng ta đang gặp phải là vấn đề ngôn ngữ thành ra khi anh giảng về Phật pháp như vậy đó hoặc ngay cả huấn luyện mấy em thì thường là bằng Việt ngữ để cho các em quen hay là Anh ngữ để cho dễ thông cảm với mấy em hay là cả hai?

Hiền Lê: Dạ tụi em thường nói song ngữ. Đồng ý là mình nói tiếng Việt để mình giữ được truyền thống của mình, tại vì mình là người Việt thì không thể nào quên tiếng Việt được, nhưng mà mình truyền đạt một cái ý để cho các em hiểu và các em có thể thực hành trong cuộc sống mình thì cái đó cũng là vấn đề rất quan trọng. Nếu mà nói tiếng Việt mà em không hiểu gì hết thì nó cũng như không, nhưng mà cũng không có nghĩa là mình bỏ đi tiếng Việt của mình, cho nên mình nói song ngữ. Thật ra mấy em cũng hiểu tiếng Việt nhưng mà không nói được tiếng Việt.

Hưng Việt: Nhưng mà có dự định là tổ chức các lớp tiếng Việt cho mấy em không anh?

Hiền Lê: Dạ trước đây thì tụi em cũng có, nhưng mà tụi em không có đủ thực lực, không có đủ huynh trưởng. Tiếng Việt là phải có người hướng dẫn và nó thêm nhiều cái chương trình. Hiện tại tụi em muốn cái chương trình nó đơn giản tại vì mỗi người đều có gia đình, về nhà phải làm việc gia đình, mình đi sinh hoạt làm sao cho nó đơn giản hơn một chút để cho dễ cho tất cả mọi người. Mình làm cái này là làm chuyện thiện nguyện, làm trên tinh thần tự giác.

Hưng Việt: Thưa anh Hiền bây giờ hỏi một câu riêng tư chút xíu về cá nhân anh nha, là anh đã có cái tâm mà anh muốn theo về con đường Phật đạo, lúc đầu anh đã nói vấn đề tâm linh kêu gọi anh trở lại với gia đình Phật tử, anh có dự định trong tương lai một cái lúc nào đó anh xuất gia không?

Hiền Lê: Dạ em thì không có ý định xuất gia. Nhưng mà mình phải hiểu được cái ý nghĩa xuất gia nó làm cái gì. Ý nghĩa xuất gia thì nó rất là cao, nhưng mà không có nghĩa là mình không có đi theo con đường Phật đạo. Xuất gia hay là không xuất gia cũng là đi theo con đường Phật đạo, nhưng mà xuất gia có cái bổn phận của xuất gia, tại gia có cái bổn phận của tại gia. Xuất gia có con đường của xuất gia, tại gia có cái việc làm của tại gia.

Hưng Việt: Thưa cuối cùng thì anh còn có điều chi anh muốn chia sẻ với lại đồng hương ở đây, nhất là đồng hương Phật tử về vấn đề cho con em tham gia gia đình Phật tử Chánh Tâm không ạ?

Hiền Lê: Dạ mục đích của gia đình Phật tử Chánh Tâm và mục đích của gia đình Phật tử trên toàn thế giới nói chung là để đào tạo thanh thiếu đồng niên trở thành người Phật tử chân chính để xây dựng xã hội theo cái tinh thần đạo pháp của Phật giáo. Theo tinh thần giáo dục của Phật giáo, nếu mà mọi người ở trên nước ngoài như là nước Úc chúng ta, có cơ hội để cho con em mình đi sinh hoạt, đó là một điều rất tốt, tại vì con người tốt đều do dạy mà ra, con người xấu cũng do dạy mà ra, nếu con người không được dạy thì tức là con người đó sống theo nghiệp thức của mình, khi mà sống theo nghiệp thức của mình thì bây giờ họ làm chuyện đúng, chuyện sai bản thân họ cũng không có biết được, cho nên đối với em là nên khuyến khích cho các em sinh hoạt để các em có được một phần hiểu biết. Có một phần hiểu biết còn hơn là không có hiểu biết.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn anh Hiền rất nhiều. Anh đang rất bận rộn chăm nom cho một đàn thiếu niên Phật tử như vậy mà anh vẫn dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Xin chúc anh được nhiều sức khỏe và chúc đoàn luôn luôn được nhiều thăng tiến và thành công.

Hiền Lê: Dạ xin cảm ơn anh chị

Mỹ Dung: Cảm ơn anh

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
07.jpg
Đại lễ quy y tại chùa Phật Đà

Share